- Hái hết mấy trái chín đi bây!
Tiếng Huy kêu to với mấy đứa đang
lủng lẳng trên cành đào, năm nay Tết đến sớm thời gian, hoa đào nở hồng cả khu
vườn nhà Huy. Thế mà cậu vẫn sang nhà hàng xóm hái trộm đào. Hái về cho chị gái
ở Sài Gòn về quê ăn Tết, đã lâu chị em nó chưa được gặp nhau, chưa ngồi tám
chuyện. Tuy ở gần có lúc đánh nhau, cằn nhằn nhau, nhưng xa nhau lại nhớ và
thương vô cùng.
Ngày ấy tôi cũng thế chứ có hơn gì
đâu, ba chị em nhà tôi cũng cả năm rồi mới gặp lại, chúng tôi tám đủ thứ chuyện
trên đời. Tết mà, có thời gian rảnh rỗi, không phải dậy sớm ra đồng, không phải
đi học, không phải sợ ba la vì ngủ nướng. Cả ba chị em nằm trong chăn trên một
chiếc giường và cười đùa, kể chuyện ngày xưa…
Câu chuyện bắt đầu từ khi tôi học
lớp mẫu giáo. Huy kém tôi một tuổi nên hai chị em đi đâu thường có nhau. Riêng
Út nhà tôi sau tôi năm tuổi nên nó là đứa được nuông chiều hơn cả. Khi tôi đi
mẫu giáo, tôi lười đi học, lên lớp quậy lắm, hay đánh bạn, giành đồ chơi của
bạn, kết quả là không có giấy khen cuối kỳ mà em Huy có cái để khoe với ba mẹ.
Vì xấu hổ với em, sợ ba mạ la nên trên đường từ trường về nhà, tôi dụ Huy đưa
giấy khen cho tôi. Sao nó ngốc thế chứ! Giấy khen có tên của em trai mà tôi dám
nói là của tôi và khoe với ba. Kết quả là bị một trận tơi bời khói lửa, từ đó
tôi quyết tâm phải hơn em mình. Ba chị em cười phá lên trêu tôi:
- Xấu hổ quá, giấy khen cũng giành
của em…haha!
Nghĩ cũng lạ, chỉ bốn tuổi mà đã có
những suy nghĩ như vậy có quá lớn so với tuổi không? Út tiếp lời nói:
- Rứa ngày
nớ năm mô cũng đòi giấy khen của cô chắc luôn!
Tôi trả lời:
- Chị mi mà phải rứa à! Từ đó chị mi
học chăm hơn, mần răng cho có giấy khen, phải hơn anh trai mi tề.
Chuyện thứ hai liên quan đến trai
một của ba tôi. Năm Huy lên lớp hai, sao lúc đó nó lười thế không biết, tôi
ngày càng chăm học, nó thì ngược lại. Mỗi tối ăn xong chúng tôi đều phải ngồi
vào bàn học với mẹ. Đèn điện chưa có, chúng tôi ngồi dưới ánh đèn dầu lay lắt
học bài, mỗi đứa một góc của chiếc bàn dài, tôi lớn hơn nên nhường em chiếc đèn
sáng hơn, mới hơn, nhường luôn cả mẹ cho nó. Tôi học khá hơn, siêng hơn nên ba
mẹ không phải kèm cặp, tự giác học một mình. Riêng Huy, tâm hồn nó ngây thơ,
trẻ con đúng chất luôn, lớp hai mà nó quên mất mặt chữ, không đọc được, đánh vần
mãi mới được một từ. Mẹ tôi luôn miệng chửi:
Đọc tháng năm một từ tháng mười một từ.
Bác cả ở xa về hỏi nó:
- Học hành kiểu đó thì sau ni mi mần
chi Huy?
Nó trả lời nhanh lắm.
- Sau ni cháu đi câu cá, đi cày!
Phải rồi, trẻ con mà, ép nó học đến
mức phải ngồi cả ngày với nó, nhẹ nhàng không nghe, ba tôi phải buộc nó vào một
chiếc ghế nhựa với tư thế ngồi học bài, lúc nào cũng cầm sách tập đọc trên tay.
Muốn đi chơi cũng không được, muốn ra khỏi chiếc ghế đó cũng khó, không ai dám
cãi lời ba ngay cả mẹ tôi. Tôi không hiểu vì sao nó lại thích đi câu cá, đi cày
ruộng đến thế, mỗi lần nội tôi ra đồng nó lại chạy theo. Cày, bừa nó đều biết
trước tôi. Lớp năm nó đã tự cầm cày và dắt trâu đi cày. Nhìn cày to hơn người,
không nhấc được cày nó cứ lê cày theo trâu, nhìn vất vả lắm mà sao nó thích đến
lạ. Tôi lên lớp bảy mới biết cày, so với mấy đứa đồng trang lứa vậy là giỏi lắm
rồi, tụi nó ăn - học - chơi thôi. Chúng tôi lớn lên đã biết làm những thứ đó
nên ba mẹ cũng đỡ được phần nào. Cũng nhờ học theo ba mẹ phải vất vả nên chúng
tôi không sợ khổ, gặp khó khăn nào cũng có cách vượt qua. Sống trong cái khổ
quen nên cũng không mấy lạ lẫm.
Kể hết câu chuyện đó Út nó cười to,
tự tin bảo:
- Chỉ có em là đứa hoàn hảo nhất,
không có cái chi xấu cả.
Huy lè lưỡi có ý chế nhạo và nói:
- Nghe đây nì, giờ anh kể chuyện
ngày xửa ngày xưa của mi cho mi nghe mà biết, chớ cứ tưởng mình oai lắm là
không công bằng.
Và câu chuyện thứ ba liên quan đến
cô em út của tôi. Lúc nó mới học lớp lá, vì là út nên ba mẹ tôi cũng có điều
kiện hơn lo cho nó, cưng chiều hơn, hay bênh vực nó hơn. Tâm lí phân biệt đối
xử nảy sinh trong tôi và Huy, cũng hay trách ba mẹ, có lúc khóc giẫy giụa vì em
được phần bánh hơn, đi chơi em được theo mà anh chị không được theo…
Thế mà nó lại khôn hơn hai chị em
tôi, hay tính toán, cằn nhằn, khó tính hơn. Không ai lấy được của nó bất cứ thứ
gì. Hôm mẹ đi chợ về, mua bánh cho mình nó, ông anh xin và nó đáp: Eng lớn rồi sao lại đòi của em?
Xin mãi không cho, anh nó giả vờ
giành của nó, hậu quả là nàng ta khóc nức nở cả buổi, dỗ mãi không nín. Kết quả
của việc ăn vạ là mẹ phải đi mua chiếc bánh khác cho nó, vậy là vừa không mất
gì, vừa được bánh thêm, còn anh trai thì mẹ la cho một trận. Đây mới là đứa khôn!
Nghe xong Út bảo: Người ta phải khôn thế chớ, ai như eng, toàn
mang đi cho người khác…
Tôi và Huy cười đểu nó: Đang biện minh cho sự tham ăn của mình, xấu
hổ quá!
Ba chị em cười to vang khắp nhà, ba
mẹ không ngủ được phải lên tiếng: Ba đứa
bây mấy năm rồi không gặp mà rôm rả rứa, giờ thì hay ho lắm, sau ni có vợ có chồng
là không biết mô mà chị em hết…
Ba nói xong chúng tôi ra khỏi chăn,
hai chị em vào giường ba mẹ, kéo thêm chiếc giường bên cạnh, chắp đôi lại, ba
chị em nhảy vào chăn ngủ với ba mẹ luôn. Đứa ôm ba, đứa ôm mẹ, thật vui, thật
ấm. Mùa đông ở quê tôi lạnh lắm, lạnh đến cắt da cắt thịt, lạnh thấm xương thấm
tủy, trời đang nắng đó nhưng phải mặc áo lớp trong lớp ngoài, tay kín bưng, cổ
quàng khăn chỉ trừ đôi mắt. Lạnh thế đó nhưng trong tâm chúng tôi không lạnh
chút nào, chị em tôi hạnh phúc, ấm áp vô cùng khi sáng ra nhà năm người ngồi
quanh bếp than hồng, tối nằm trên một chiếc giường, đắp chung một chăn, tay với
tay nhau ôm ba mẹ, ôm cả mùa đông trong tay.
Tết về không phải để ăn ngon, mặc
đẹp, để gặp gỡ bạn bè, để đi đây đi đó, mà tết với chúng tôi là ôm bớt cái đông
giá rét trong ngôi nhà, hút đi cái lạnh tồn tại trong tim ba mẹ. Giờ chúng tôi
lớn rồi, tôi đã năm cuối đại học, Huy cũng là sinh viên, Út sắp tốt nghiệp phổ
thông. Không lâu nữa chúng tôi cũng có một mái ấm riêng, một gia đình nhỏ.
Chúng tôi sẽ cảm nhận sự thiếu thốn tình cảm gia đình, sự nhớ thương con cái,
cái lạnh trong tâm khi đông đến, khi con vắng nhà. Lúc đó chúng tôi sẽ yêu ba
mẹ hơn, sẽ thấu hiểu hơn nỗi lòng của ba mẹ. Với người con xa nhà như tôi, Tết
như thế là quá đủ, tuy không dài, không lâu nhưng đủ để sưởi ấm ba mẹ, đủ để
thấy yêu thương đong đầy trong chính trái tim tôi.
C.T.T.H (ĐHSP TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét