Hai tay ông xách hai giỏ
không biết đựng thứ gì mà trông nặng lắm. Nếu mới nhìn qua không ai biết ông là
một người điên. Nhưng có để ý mới thấy ông cứ xách giỏ đến vòng xoay chợ huyện
lại đi ngược về phía ngã ba Bến Đò. Cả buổi sáng ông qua lại đoạn đường này hơn
hai chục lần. Đáng nói hơn là lúc nào miệng ông cũng lẩm bẩm: ở
hiền gặp tiền, ở ác gặp rác, lang thang gặp vàng. Những hành
vi và lời nói ấy cứ như được lập trình sẵn không có gì thay đổi, chẳng khác nào
một cái máy…
- Hay! Nhưng lang
thang coi chừng xe mang chớ
gặp vàng cái nỗi gì! Một ông sồn sồn, trong số những người đàn ông ngồi ở quán
cà phê chờ vợ vào chợ mua sắm, lên tiếng.
Mỗi người bàn tán mỗi
kiểu khác nhau. Có người nói do ông mê số đề, đêm nào cũng lân la đến mấy cái
miếu âm hồn trên đường để cầu cơ, xin số nên bị mấy người khuất mặt quở phạt.
Nghe đâu, có lần ông biết người ở miếu này là một cô gái chẳng may vắn số vì
tai nạn giao thông nên ông thề trước miếu rằng, nếu người khuất mặt linh thiêng
cho ông một con số trúng ông sẽ cưới người quá cố này làm vợ. Và rồi không lâu
sau ông trúng được sáu trăm ngàn mà không thực hiện lời hứa nên bị “tưng tưng”
đến bây giờ, suốt ngày cứ lang thang ngoài đường. Có người khẳng định, ông ta
trước đây làm nhiều chuyện thất đức nên giờ mới bị điên loạn như vậy.
Thêm một ông góp chuyện,
ông này tỏ ra biết rất rõ về người điên: Cũng tại mụ vợ của ông ấy mà ra cả.
Ông ấy quê ở Cà Mau cùng xứ với tui chứ đâu. Trước đây ông ta cũng là một người
giàu có, ruộng đất bao la nhưng từ khi tôm chết hàng loạt khiến ông ta tán gia
bại sản. Cũng từ đó, mụ vợ của ông ta suốt ngày cứ chì chiết chẳng tiếc lời.
Nào là đàn ông vô tích sự, nói dóc thì chẳng ai qua nhưng làm chẳng được cái gì
cả. Ông ta buồn tình, lấy rượu làm bạn giải sầu. May sao có một ông thầu xây
dựng thông cảm nhận ông làm phụ hồ, vừa có tiền tiêu xài vừa không say xỉn như
trước đây nữa. Bao nhiêu tiền ổng đi làm về bả đều lấy sạch, cứ mỗi sáng phát
lại cho năm ngàn đồng uống cà phê. Khổ nỗi, chiều ông đi làm về bà vợ lại kiểm
tiền, thấy hết lại xỉa xói:
- Nay ông bao con đĩ nào
ăn mà hết năm ngàn!
Ông lẳng lặng ra sau nhà
ngước nhìn trời như muốn hỏi đấng cao xanh có thấu cho chăng. Và sáng hôm sau,
bà vợ ông ta lại phát cho năm ngàn. Ông cương quyết không tiêu xài một xu.
Tưởng vậy đã yên thân nào ngờ, khi thấy trong túi ông còn nguyên tiền, mụ vợ
lại ầm ỉ cả lên:
- Trời ơi! Hôm nay con đĩ
nào bao ông ăn mà còn nguyên năm ngàn vậy?
Ông ta không còn kìm được
sự bực tức liền đấm vào mặt bà vợ một cái như trời giáng rồi bỏi đi. Chừng nửa
tháng sau thì nghe bà vợ lại quát tháo:
- Đây là cơ hội cuối cùng
của mày. Cầm năm phân vàng này coi như tài sản nhà cửa được phân chia, từ nay
đừng hòng bước vô cái nhà này. Sống đâu cũng mặc, khôn thì nhờ, dại thì chết
ráng mà chịu.
Nghe đâu từ lúc ông ta bỏ
xứ đi, mụ vợ của ổng cũng cuốn gói theo thằng coi vuông tôm cho ổng ngày nào.
Đúng là “nuôi ong tay áo…”.
Một người khác chen lời:
ông nói cho quá chớ làm gì có bà vợ nào mà hư đốn lại khắt khe với chồng con
như vậy. Tui nói thiệt, vợ tui mà quá quắc kiểu đó, tui đem câu sấu từ lâu rồi.
- Bởi vậy, người xưa nói
chẳng sai chút nào. Lòng dạ đàn bà hiểm sâu còn hơn đáy biển, chẳng biết đâu mà
lường. Một ông lớn tuổi nói với giọng cay đắng: Ở xóm tui có ông từng là giám
đốc một công ty, tính chuyện làm ăn chẳng thua ai vậy mà lại bị vợ mình lừa một
cú, giờ phải tá túc nhà chị em. Chuyện là thế này, bỗng một ngày ông cảm thấy
đôi mắt mờ, không còn nhìn rõ thứ gì. Đi khám bác sĩ mới biết đôi mắt bị cườm
nước nhưng không thể mổ vì ông bị bệnh đái tháo đường. Chẳng mấy tháng sau thì
ông không còn nhìn thấy gì nữa. Bà vợ của ông ta khuyên ông nên uỷ quyền cho bà
toàn bộ tài sản trên để bà tiện việc quản lý. Và khi nhận được ngôi nhà một
lầu, một trệt và toàn bộ vật dụng khác, bà ta liền kêu người đến bán sạch rồi bỏ
đi biền biệt… Thật không hiểu nỗi tình người.
Lại một người khác ngắt
lời: Tui nhớ không lầm, ông điên này ở rạch Cây É. Lúc đó, nhà ông ta cũng
nghèo chớ chẳng giàu có gì, cơm ngày hai bữa là quý lắm rồi. Tội nghiệp cho bà
vợ của ổng, cứ chừng ba bốn giờ sáng chạy đến lò nhận bánh bò, bánh cam rồi
tranh thủ chạy đến trường học bán. Sau đó bà lại tiếp tục đạp xe khắp các con
đường mong bán hết số bánh còn lại. Trưa, vừa cơm nước cho cả nhà xong, bà lại
tiếp tục rong ruổi với nồi tàu hủ non dưới trời nắng chang chang. Nhiều khi đi
cả cây số, rao khan cả cổ cũng chẳng có ai gọi mua giúp một chén nào. Trong khi
đó, ông ta chẳng làm gì, suốt ngày “uống cà phê nuôi gia đình”. Có hôm bán buôn
ế ẩm, bà chỉ mua được mớ cá lòng tong về kho quéo ăn cho qua bữa. Chẳng những
không thông cảm cho vợ con ông lại quát: “Ăn thế này nuốt sao vô?” rồi đá đổ cả
mâm cơm. Người như thế mà chẳng hiểu sao trời lại cho giàu. Cách nay chừng một
năm, khu rạch Cây É được quy hoạch, ông ta liền có bạc tỉ trong tay. Có tiền,
ông ta càng thích ăn chơi hơn làm việc. Cứ quán nhậu nào mới mở cũng đều có mặt
ông ta mở hàng. Tui cũng là đàn ông nhưng chẳng dám chơi kiểu trưởng giả như
ông ta. Vợ con đàng hoàng vậy mà ông còn lăng nhăng với mấy con nhỏ bán bia ôm.
Mới đây, ông ta cặp với con nhỏ bán vé số có tướng đi chẳng khác nào con chim
cuốc, “mông Chợ Cầu, đầu Long Vĩnh”(*). Ông mua cho nó một căn nhà rồi dọn đến
đó ở luôn, mặc vợ con khuyên can đủ lời ông cũng chẳng chịu về nhà. Nghe đâu
cách nay chừng hai tháng, ông ta bị thằng chồng con nhỏ đó “đánh ghen” một trận
tơi bời. Đáng kiếp!
Và còn nhiều lời bình
luận khác nhau cứ râm ran… Mặc kệ! Ông ta không quan tâm cũng chẳng cần nghe
người đời khen hay nói xấu. Ông ta vẫn cứ đi và miệng cứ lẩm bẩm: “Ở
hiền gặp tiền, ở ác gặp rác, lang thang gặp vàng”. Nhưng, người
viết thấy hình như ông ta không phải đi tìm tiền, tìm vàng mà là đi tìm một thứ
quan trọng hơn, đó là lòng tin!
P.T.L
(*) Chợ Cầu và Long
Vĩnh là hai địa danh ở Bến Cầu, Tây Ninh.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét