Thay lời bạt
Một nguồn văn ẩn khuất
Con suối Minh Rồng ở địa
đầu thành phố Bảo Lộc xưa chỉ có vài nóc nhà nhỏ ẩn trong những cánh rừng thưa.
Suối róc rách xuống ghềnh, nhận thêm nhiều nguồn mạch từ các thung lũng. Những
năm gần kết thúc chiến tranh, có một thanh niên mang tâm hồn văn chương từ miền
quê Quảng Ngãi về đây lập nghiệp. Anh khai mảnh vườn nhỏ trồng chè và các loài
hoa quả. Đó là Trần Quang Ngân. Sau hòa bình, anh lại vun đắp cuộc sống gắn
liền với thiên nhiên trữ tình, không bon chen theo đường danh lợi. Cảm xúc từ
hai miền quê cũ mới hòa quyện, tuôn ra những vần thơ tha thiết, như trong bài
“Những mầm xanh của đất”:
Từ khe rừng hốc đá làng
buôn
Những mầm sống bừng bừng
lớn dậy
Những chiếc lá, những
hoa, những cây, những trái
Tự nhiên thôi, em ạ lớn theo người
Một ngày nào em cũng lớn
lên thôi
Đưa tay hái mầm xanh
tươi của đất
Cho anh, cho em, cho con
ong tìm mật
Tặng nhân gian hương vị
ngọt núi rừng.
Nhưng nhân gian đâu chỉ
thuần hương vị ngọt núi rừng. Đi sâu vào đời sống xã hội của miền đất, Trần
Quang Ngân bỗng khám phá nhiều yếu tố ẩn khuất đâu đó đã tạo nên tính cách của
mỗi con người. Do vậy, sau tập thơ đầu tay “Đêm chờ hoa quỳnh nở” được Hội VHNT
tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ cùng NXB Thanh Niên xuất bản năm 2005, Trần Quang Ngân đã
đam mê diễn đạt các cảm xúc và suy nghĩ cuộc sống bằng văn xuôi. Các truyện
ngắn và bút ký của anh do vậy mang sắc nét khá độc đáo: huyền thoại pha lẫn với
hiện thực. Và các nhân vật của anh, ít nhiều đều mang tính cách đặc biệt. Đó là
những người thoát thai từ núi rừng, như những rễ cây tìm dưỡng chất. Người ta
thấy ông miêu tả rất kỹ và rất rành từng tiếng chim rừng, từng loại lá cây, hoa
quả; tiếng suối trong veo hòa lẫn cùng tiếng kêu và vóc dáng của từng loại thú
hoang, từng loại côn trùng như ong, rắn, dê bò, chim chóc… “Rừng thông lặng lẽ”
với 9 truyện, ký súc tích mà các bạn cầm trên tay là đúc kết của những ghi
nhận và chiêm nghiệm ấy. Đặc biệt là ở truyện ngắn “Rừng thông lặng lẽ”, tác
giả nói lên nỗi bi thương của con khỉ bị bắt trộm, bị đưa đi diễn trò trong
gánh sơn đông mãi võ. Một ngày kia nó được giải thoát, được trở về với người
chủ cũ, một người sống ẩn dật, đã nói lên nỗi ngậm ngùi của một kiếp nhân sinh…
Các truyện và ký của Trần Quang Ngân dù chỉ đăng rải rác trên các tạp chí Lang
Bian, Văn Nghệ Quân Đội… nhưng đã để lại được những ấn tượng trong lòng bạn
đọc.
Hy vọng cùng bạn đọc
khám phá nhiều ẩn khuất hơn nữa nơi nguồn văn này.
Võ Chân Cửu
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét