Rắc… rắc… rắc…
Ngoại than, hồi đó nhà
tranh vách đất không sao, giờ bị “giam” trong nhà tường mới mấy tháng sao giống
mẹ con Quách Hải Thọ sống trong lò gạch mấy chục năm quá. Rồi ngoại xin cậu Út cho ngoại cái chòi lá ở ngoài
vườn trầu, vừa mát mẻ vừa dễ đi vệ sinh và nhất là để ngoại được gần gũi mấy
nọc trầu thương mến. “Sao mà được, má biểu chuyện cho thiên hạ cười con không
hà! Ai có nghĩ má ở chòi cho mát, họ sẽ cho con là giàu có rồi búng rãy mẹ già,
tiếng oan kêu mấy ông trời cho thấu?”. “Mình có hay không thì trời biết, đất
biết chứ ăn nhằm gì tiếng đời hả con? Mày mà không cho má ra vườn trầu ở mà cứ
“giam” trong nhà tường hoài thì coi như tao là thây ma chưa chôn đó!”
Cuối cùng thì ngọai
cũng toại nguyện. Một chiếc giường tre với mùng mền sạch sẽ. Một cái bàn nước
kiêm bàn ăn trầu, ăn cơm và cũng là bàn… uống thuốc. Căn chòi nhỏ như phòng
trọ, ngòai vườn trầu nhưng thông với của sổ phòng cậu mợ Út, “Để tối khuya còn
dòm ngó được má”, cậu bảo, mợ dẩu môi cao cả thước. Vách lá, nền đất nhưng cậu
nhất quyết lợp tôn vì “Mái lá nửa đêm nửa hôm có con rắn con rít nào đó rớt
xuống thì má làm sao?”. Ngọai đành nhượng bộ. Nhà mái tôn, la-phông bằng mút
xốp, cũng không đến nỗi là nóng nực.
Rắc… rắc... rắc…
Ngoại ngoài tám mươi,
đôi mắt đục lờ nhìn trân trân lên nóc nhà giọng khàn khàn:
- Na ơi… bé Na… ơi…
mưa rồi kìa con, đi che mấy nọc trầu mới trồng giùm nội…
- Nắng chang chang
muốn bể đầu chứ mưa gì hả nội?
- Vậy à? Sao nội nghe
rắc rắc như ông trời vừa nhểu hột?
- Nắng quá, mái thiếc
giãn ra nó kêu vậy đó nội ơi!
- Ừ! Thôi nội ngủ chút
à!
Mợ Út không ưa mấy nọc
trầu chằng chịt bên hông nhà. Vừa mất công tưới hao điện, tốn thời gian, vừa
phải hái trầu… cho hàng xóm. Và nhất là muỗi cũng nhiều, muỗi từ những thứ lá ủ
làm mát gốc trầu. Còn mấy cây cau nữa chứ, bán buôn gì, chỉ tổ cầu có người xin
để cho, ấy là chưa kể trái già, trái non, bẹ rụng bất kể lúc nào. “Rầm” một
phát, đang thiu thiu ngủ xem như là giật mình cái tựt. Mợ thỏ thẻ cậu bỏ vườn
trầu đi, chỗ đất đó trồng một khoảng hoa thì coi như đẹp nhà mát phố. Cậu trợn
mắt “Đốn vườn trầu hôm trước để hôm sau chôn bà già hả? Cứ để đó, tốn cơm tốn
gạo gì, chờ má chết rồi bà muốn làm gì cũng được!”. “Biết chừng nào má chết?”.
Mợ làu bàu. “Bà nói cái gì, đừng nói có luật phòng chống bao lực gia đình rồi
tôi không dám dzộng bà vì câu đó nghen!”. Mắt cậu long lên.
Ông trời thiệt lạ. Hễ
mưa là thối đất thối cát, mưa mịt mờ mắt mũi, mưa ẩm ương áo quần, mưa như sợ
rằng ngày mai ngày kia ổng sẽ hết nước để mưa vậy đó. Còn nắng cũng nắng thiệt
kỳ. Nắng như đổ sao lên mắt, như tấm gương không lồ bị nghiền vụn ra rồi rải
đều xuống mặt đường, cứ chói chang đến quờ quạng cả tay chân. Nắng bắt người ta
không nhúc nhích cũng phải thoát mồ hôi, nắng làm người ta choáng vì mất quá
nhiều muối trong cơ thể. Ngọai kêu:
- Vợ thằng Út ơi… mẹ
con bé Na à… cái quạt mo cau con giằn dưới bếp ngay chưa, cho má xin má quạt
chút…
- Con để cây quạt máy
cho má rồi mà, má ấn nút là xong!
- Má… sợ tốn điện… của
con.
- Ối trời, vậy thì má
phải sợ tốn nhiều thứ lắm đó. Cái quạt con giằn chưa ngay.
- Vậy à?
- Mà sao má cứ hay làm
khổ mình vậy không biết. Thời nào thứ ấy, bây giờ mà xài quạt mo cau mắc cười
lắm má ơi! Không khéo người ta lại cho rằng con nhím với má nữa là…
- Ai nói gì nói, mình
không có thì thôi, bận tâm làm gì hả con? Tại bây hổng biết chứ hồi thằng Út
còn ẵm ngửa nó thích ngủ bằng quạt mo cau lắm. Suốt đêm suốt ngày má quạt muốn
rụng tay vậy đó. Vậy mà nó lớn nhanh, cùi cụi như củ khoai củ từ chứ có quạt
máy quạt móc gì đâu!
- Trời ơi… chuyện xưa
nửa thế kỷ rồi mà má còn nhớ chi cho khổ con khổ cháu? Mợ Út dài giọng vẻ khổ
sở.
Tiếng rắc… rắc… vẫn
không ngừng hát trên mái tôn. Người ta “Trồng hường bẻ lá che hường, nắng che
mưa đậy cho hường tốt tươi”, còn ngọai thì “Trồng trầu bẻ lá che trầu” dù chẳng
biết trầu tốt tươi để làm gì, mỗi ngày ngọai chỉ ăn vài lá chứ mấy. Chắc là
ngọai ghiền màu xanh ngọc mát của lá trầu? Bé Na mười lăm tuổi, cái tuổi vẫn
còn ham chơi ham ăn lắm, không biết mấy phen rồi cậu Út thủ thỉ với con gái
rằng con ráng thay ba chăm sóc mấy nọc trầu cho nội, ba đi làm suốt ngày ở
ngoài mệt lắm rồi. Mẹ con không ưa chuyện trầu cau nên đừng nhờ vả làm bả bực.
Nhưng Na cứ quên hoài. Ngọai réo:
- Bé Na ơi… con đi
thắt sỏi ở đâu rồi? Nắng quá, về che mấy nọc trầu cho nội đi… nắng quá con ơi…
người ta còn chịu hổng thấu lấy chi là trầu?
- Nội này… con không
có thắt sỏi, con lớn rồi. Con đang xếp hạc giấy.
- Hạc giấy là cái gì,
có hơn mấy nọc trầu của nội không?
- Dà… để con che liền.
Nhưng mà nội ơi, nội chăm trầu chi dữ vậy, mai mốt nội chết rồi cũng bỏ thôi
hà! Bé Na nói một hơi rồi chợt bụm lấy miệng. Cậu Út không cho nó nói từ “chết”
với bà, vậy mà nó…
- Ai chết mà hổng bỏ
hả con? Tại… trầu làm bạn với nội từ hồi nội bằng con vậy đó nên không bỏ được.
- ???
- Mười lăm tuổi má của
nội đã bắt nội tập ăn trầu- Giọng bà trầm như tiếng chuông chiều- ăn trầu để
được chắc răng, con gái mười lăm tuổi hồi đó đã lớn, đã biết quán xuyến gia
đình và sắp sửa gả chồng được rồi chứ không phải tối ngày lêu
lổng như con bây giờ đâu… Đất nước giặc giã khắp nơi, ăn trầu để bôi khắp mặt
mày, mình mẩy, áo quần mình cho dở bẩn ra, càng dơ càng tốt. Đó cũng là cách
giữ mình khỏi rơi vào tay bọn ác ôn… Trầu cau không chỉ để ăn cho vui mà còn
thể hiện tình cảm xóm làng với nhau. Hôm nay nhà này hết trầu, ngày kia nhà nọ
cau chưa tới lứa… thì sang đổi cho nhau để ai cũng có mà dùng. Tàu cau khô để
bó chổi, bán thì ít, tặng nhau để thắt chặt tình láng giềng là chủ yếu. Cây cau
già làm cột làm kèo, một căn nhà trong xóm bị sập, mươi cây cau của làng giềng
gom lại, vậy là ngôi nhà lại đứng lên. Mo cau để ủ cơm ra đồng, mùi thơm còn
quyện mãi đến mấy ngày sau… mo cau để làm gàu tát nước, làm quạt mát trưa hè…
hồi đó không ai bị viêm mũi viêm họng vì quạt máy, tòan là quạt mo cau thôi con
à… Ba của mày cũng lớn lên từ gió quạt mo cau…
Giọng ngọai tôi dừng
hẳn từ lâu mà nước mắt bé Na còn chưa ngưng đọng. Chả là nó và mẹ đã dối bà,
chiếc mo cau bà “nhờ” làm quạt đã bị nó băm nhuyễn theo lệnh của mẹ. Bởi
mẹ nó không biết cắt quạt mo cau, nó thì ớn sẽ bị “rụng tay” vì cầm quạt hầu
bà. Phi tang đi, quạt máy đó, bật “cốc” là xong.
Gió nào không là gió!
Mấy ngày nay nắng
nhiều và gay gắt quá. Bà lại bệnh, chứng viêm phế quản hành hạ tuổi già. Mợ Út
cằn nhằn, tại má nằm ngoài gió, nay thốc hướng này, mai thốc hướng kia, biết
đường đâu mà che mà chắn. Phải má chịu nằm trong nhà, phòng máy lạnh bật 25 độ
đều đều, thánh cũng không bệnh được (?). Mấy nọc trầu không ai tưới, màu xanh
ngọc mát mắt giòn kháu đã biến mất, thay vào đó sắc úa dai dẳng của nắng nung.
Mẹ tôi tức tốc về với
ngọai vì e rằng bà không qua khỏi. Giọng mợ Út léo nhéo trong điện thọai:
- Chị về, về ngay đi,
từ đó tới đây nửa ngày xe chứ mấy! Hôm rằm em đi chùa cầu an cho má, thầy nói má như thế là đại thọ rồi, không
khéo sẽ không qua khỏi con trăng này.
Mẹ tôi ghé sát mặt
xuống giường ngọai, hai khuôn mặt héo xèo không nói được lời nào. Rồi mẹ quay
ra hỏi mợ Út:
- Mấy cái quạt mo cau
má nhờ mợ giằn ở đâu rồi?
- Em… em…
- Ở đâu? Giọng mẹ chợt
giận dữ.
- Em… bỏ rồi chị Hai!
Vì em… không biết cắt sao cho thành cái quạt!
- Trời ơi… Má tui mà
chết! Tui “thưa” mợ ở tù cho mợ coi!
- Sao… sao… em lại… ở
tù hả chị Hai? Giọng mợ Út bất chợt lo sợ.
- Bà già viêm phế quản mợ không biết sao mà bắt quạt máy suốt ngày đêm? Thằng
Út đâu, leo lên giựt mất tàu cau xuống coi!
Nhanh như chớp, hai
chiếc mo cau đã được đem xuống, bàn tay như múa của mẹ tôi chưa đầy mười phút
đã biến chúng thành hai chiếc quạt của Bờm.
- Làm cách nào nhanh
nhất để nó thẳng ra! Mẹ tôi ra lệnh và trao hai chiếc quạt về phía mợ.
Nắng vẫn rơi tanh tách
trên mái tôn như không hề biết ruột gan mẹ tôi đang nóng như hơ lửa. Mợ Út mang
quạt ra, hơi còng queo một chút nhưng mợ bảo chắc mẹ tôi rất mong và mợ đã lấy
bàn ủi điện mà ủi mo cau đấy!
Mẹ tôi dưới chân, cậu
Út trên đầu, hai chiếc quạt khe khẽ đưa gió đến.
Đôi mắt già nua đục lờ
từ từ mở ra. Cậu Út reo như trẻ con:
- Má, má tỉnh rồi chị
Hai ơi!
- Má, con đây, má khỏe
không?
- Khỏe… con gái…
- Má ráng tịnh dưỡng
nghe má…
- Cái quạt mo… vợ
thằng Út… ngay rồi à? Ngọai chỉ tay về phía mợ
- Dạ…- mợ nhỏ giọng
hối lỗi
- Thôi… má nghỉ…
Nắng vẫn rơi rắc… rắc…
trên mái thiếc. Từng milimet tôn giãn ra để khi mưa về là co lại còn con tim
của mẹ và cậu tôi mãi mãi ướt nhòe vì cánh tay ngọai đã thỏng xuống xa rời cõi
trần gian.
Nắng hồn nhiên hay
nắng vô tình chỉ có con người là là hữu ý...
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Nuoc mat minh roi , dau long lam ban .
Trả lờiXóa