Tiết trời đầu xuân mà nhiệt độ
xuống gần 10 độ C. Với nền nhiệt như thế này so với người ở trong miền Nam như
tôi làm sao khỏi những xuýt xoa lạnh buốt, thế mà Lâm vẫn phong phanh cái áo
thun với chiếc quần bò như thân thiện và cười cợt với cái rét của quê
mình. Cũng phải thôi Lâm là dân biển của vùng này mà, có những chuyến ra khơi
như xé gió mùa đông, cưỡi trên đầu ngọn sóng lạnh buốt thì cái lạnh này đối với
Lâm như một thứ xà phòng thơm tắm gội hàng ngày. Trước khi đi, Lâm cũng đã cảnh
báo tôi là trời ngoài quê anh lạnh lắm, nhưng tôi cứ tưởng chắc mình cũng chịu
nổi. Thế mà giờ đây ngồi phía sau Lâm chở trên đoạn đường ngắn từ sân bay về
đến nhà hai tay tôi lạnh tê cóng, cả người run lên bần bật. Biết tôi lạnh Lâm
quay lại phía sau nhắc khéo:
- Như Hảo đưa tay luồn vào áo Lâm đi cho đỡ
lạnh!
Trời ạ, luồn tay
vào áo Lâm ư? Không đời nào, nhưng tại tiết trời lạnh quá, tại con đê ngoằn
ngoèo qua đám ngô đồng xanh ngát đẹp và lãng mạn như một bức tranh, hay tại
ngọn gió cuối đông đang mời gọi cái không khí ấm nồng của nàng xuân mà tạo cho
con người ta cảm giác gần gũi hơn, nên tôi vô tình luồn đôi tay mềm mại
lạnh buốt của mình vào trong áo của Lâm bao giờ không biết. Hơi ấm của Lâm làm
cho tôi bớt lạnh hơn, nhưng gió thì vẫn thổi vù vù bên tai như đang trêu ghẹo
hành động của một cô gái, làm cho tôi thoảng đỏ mặt… Lâm cho xe chạy chậm hơn,
cánh đồng ngô trổ hoa vàng trải dài theo triền con đê đưa tôi về quê Lâm trong
một cảm giác rất lạ…
Sau khi chào hỏi
gia đình của Lâm xong, mẹ Lâm mời tôi một chén trà lá vối và hỏi tôi:
- Bác nghe thằng Lâm nhà bác nói con ra đây
để công tác à? Con gái mà làm nghề báo chắc cực con nhệ!
Tôi lễ phép thưa:
- Dạ, cũng không vất vả lắm bác à, phóng
viên là phải đi nhiều để viết bác ơi.
Thoáng nhìn xa xăm mẹ Lâm thở hắt nói với
tôi:
- Nếu con viết về nơi đây thì cũng chẳng có
gì để viết con à, vì dân vùng biển này vất vả cả đời nhưng có khá được đâu con.
Tôi nhìn mẹ Lâm đầy trìu mến, trả lời:
- Thưa bác, chủ đề con viết là dân chài của
vùng này, thì cho dù cực khổ nhưng con rất yêu những người dân nơi đây chính họ
đã làm cho con có cảm xúc viết và ca ngợi về họ bác à.
Mẹ Lâm cười hiền lành rồi nói:
- Ừ, nếu được vậy thì bác đây cũng mừng, chả
mấy khi người dân nơi đây được ca ngợi trên mặt báo, thôi con nghỉ một chút rồi
bác kêu thằng Lâm nhà bác dẫn đi ra biển mà viết con nhệ.
- Dạ, con cảm ơn bác.
Buổi trưa
trên bãi biển trời như ấm hơn, lác đác vài con thuyền trôi bềnh bồng trên
sóng nước. Lâm sánh bước bên tôi dọc theo bờ cát. Xa xa có những người dân chài
đang may lưới. Họ lặng lẽ làm, lặng lẽ khâu từng tấm lưới như khâu lại cái
nghèo nàn mà từ lâu họ đã quen sống. Chắc có lẽ Lâm muốn tôi cảm nhận cho hết
cái không gian yên tĩnh này nên Lâm cúi đầu bước đi mà không nói lời nào. Bỗng
từ phía xa có tiếng một thanh niên gọi:
- Ê Lâm, mi về hồi mô mà không cho tao hay vậy?
Tôi quay nhìn về hướng tiếng gọi, trước
mặt tôi một người con trai có nước da trắng trẻo đang chạy về hướng chúng tôi.
Khi thấy Lâm đi bên một người con gái lạ anh ta có vẻ rụt rè, khép nép nhưng
không thể che được cái nét đầy phong trần của con trai miền biển. Thoáng một
chút do dự anh ta hỏi một câu trống rỗng:
- Mi về hồi mô! Cái chi mô mà không báo cho
bạn bè biết trước vậy?
Lâm đưa tay bắt thân mất với anh ta rồi
quay qua tôi giới thiệu:
- Đây là Thái Dương bạn nối khố với anh từ
nhỏ, còn đây là Như Hảo phóng viên báo văn nghệ của Bình Dương cũng là bạn của
tôi về đây viết bài.
Tôi khẽ gật đầu chào Dương, anh ta đưa đôi
mắt nhìn tôi có vẻ dò xét. Ôi gì mà nhìn dữ vậy, với ánh mắt sắc như dao của
con trai miền biển làm cho tôi thoáng bối rối, nhưng giác quan của người con
gái mách bảo tôi là phải tự tin, tôi hỏi:
- Anh Dương đi đâu mà chạy từ biển vào thế?
Áo quần ướt hết kìa anh không lạnh sao?
Lâm kéo tay tôi sát vào anh cười nói lớn:
- Nó khỏe như trâu thì cái lạnh này thấm gì
em ơi.
Dương
co tay đánh vào vai Lâm một cái rồi cả ba người cười giòn tan trong tiếng sóng
biển rì rào…
Trời về
chiều nhưng không khí ở bãi biển nhộn nhịp hơn, chắc có lẽ bà con chuẩn bị ra khơi
đêm. Lâm bảo tôi nếu muốn cảm nhận biển đêm thì anh che lều tại đây để tha hồ
ngắm trăng xứ Thanh. Tôi đồng ý, chẳng mấy chóc Lâm và Dương đã hoàn thành hai
cái lều trên bãi biển. Sau khi ba chúng tôi ăn nhẹ buổi tối rồi đi dạo dọc theo
thị trấn gần bãi biển mua một số thứ cần thiết, về đến lều thì trời cũng đã về
khuya, cái lạnh đầu xuân như cắt da thịt. Dương chạy đi đâu đó dọc theo bãi
biển, Lâm cũng vừa ra khỏi lều đi về hướng biển. Còn lại một mình trong lều,
tôi lấy bút viết ghi lại cảm xúc những nơi mà ngày hôm nay mình đã đi qua. Bỗng
tôi nghe tiếng sáo réo rắt từ biển vọng vào. Tiếng sáo lúc nhặt lúc khoan như
một lời tâm sự thật ngọt ngào. Tôi lần bước tiến về tiếng sáo. Lâm đang mải mê
thả hồn vào tiếng sáo mà không hay tôi đã đến từ phía sau. Tôi không muốn phá
đi cảm xúc của Lâm nên vẫn đứng im lắng nghe từng cung bậc của tiếng sáo. Dưới
ánh trăng huyền ảo tiếng sáo của Lâm làm cho không gian biển về đêm thêm lung
linh đầy màu sắc. Tiếng sáo ngưng mà cảm xúc của tôi vẫn còn ngây ngất, không ngờ
Lâm có một biệt tài thổi sáo hay đến mê hồn.
- Ô hay, Hảo ra đây hồi nào vậy, sao không ở
trong lều cho ấm?
Tôi cười trả lời:
- Tiếng sáo của anh nghe lạnh thấu xương ai
mà chịu nổi! Thế còn anh, đêm khuya như vầy không lạnh sao mà ra trước biển
ngồi thổi sáo vậy?
Lâm cười trả lời:
- Nơi nào có em anh cảm thấy trời đất như ấm
lại!
Tôi nhéo vào hông Lâm một cái rồi nói:
- Xạo quá nha, anh Lâm dẻo miệng lắm nha,
thấy ghét.
Lâm nhìn tôi với
ánh mắt rất lạ, ánh trăng đêm vàng óng lung linh càng làm cho cái nhìn của Lâm
đầy trìu mến. Lâm đến gần sát tôi khẽ nói:
- Anh yêu em mất rồi Hảo ơi!
Từ khi quen Lâm
và yêu anh, tôi biết anh rất ga lăng và chung tình bậc nhất vậy mà mỗi khi nghe
Lâm khen tôi hay nói về tình cảm của hai đứa tôi đều cho rằng Lâm không thật
lòng. Chắc tại Lâm đào hoa hay tại anh ta lúc nào cũng ngọt ngào và sống đầy
chân tình với mọi người mà tôi đâm nghi ngờ tình cảm của anh? Chẳng lẽ trời
sinh cho con gái khi yêu cần phải có tính đa nghi và có chút ích kỷ chăng?...
Nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời cứ đặt ra trong đầu tôi làm cho trái tim
của người con gái cứ chần chừ nửa tin rằng bạn nửa ngờ rằng ai. Giờ đây
trong một đêm trăng thanh tràn ngập tiếng sáo như thế này trái tim tôi mách bảo
rằng mình đã yêu Lâm tự bao giờ không biết. Bất chợt Lâm nắm tay tôi kéo sát
vào người anh. Nụ hôn nồng cháy của con trai miền biển làm cho ngọn gió đầu
xuân trở nên ấm áp đến lạ kỳ, và tiếng sáo của Lâm sao cứ réo rắt mãi bên tai
để màn đêm cứ tròng trành đưa tôi vào một cõi rất khác…
+++
Mải miết chạy dọc
theo bờ biển lượm những vỏ ốc mà tôi quên rằng mặt trời đã lên khá cao, khi tôi
quay lại căn lều nhỏ nhắn của mình, tôi nhìn qua căn lều đơn sơ của Lâm và
Dương thì chỉ còn mình Dương ngồi đang nướng những con tôm tít trên bếp lửa
hồng. Thấy tôi vào Dương tươi cười bảo:
- Lâm nó đi ra biển sớm câu mực rồi, nó nói
với anh tối nay sẽ đưa em về nhà đãi em và gia đình cùng bạn bè một bữa mực
tươi thật ngon, nó dặn anh ở đây canh chừng em!
Tôi chu miệng nói lẫy:
- Anh Lâm làm như em là con nít chẳng bằng.
Dương cười rất tươi rồi nói:
- Thì canh chừng một người đẹp như em cũng
là một nhiệm vụ lớn của tụi anh mà. Vả lại em cũng có lớn hơn ai ở đây đâu nào?
Câu nói đùa của Dương làm tôi đỏ mặt.
Ngưng một lát rồi Dương tiếp:
- Giờ thì mời người đẹp miền Nam qua lều tụi
này dùng món tôm tít nướng nè.
Tôi vừa bước ra khỏi
lều thì chân tôi giẫm vào một vỏ ốc cứng bật máu. Dương luống cuống chạy đến
miệng lấp bấp:
- Chết anh rồi, Lâm kêu anh canh chừng em mà
để em như vầy chắc về thế nào nó cũng quở trách.
Rồi Dương
vội vã chạy đi tìm vật gì đó cầm máu. Vết thương không nặng tí nào nhưng nhìn
Dương hốt hoảng tôi cười và thầm nghĩ ra một trò chơi hay hay nhằm trả thù
cái câu nói đùa lúc nãy của anh chàng này… Tôi giả bộ kêu đau thật to cho
Dương nghe thấy. Tôi càng kêu đau Dương càng chạy cuốn quýt, một hồi lâu không
biết Dương tìm đâu ra một nhúm lá gì đó bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rồi đắp vào
vết thương của tôi. Thấy miếng lá thuốc từ trong miệng Dương lè ra ướt ướt
trong gớm quá, tôi định rút chân lại kêu hết đau, nhưng đã lỡ đóng kịch rồi nên
đành nhắm mắt để Dương đắp miếng thuốc đầy nước bọt vào chân tôi, cảm giác nhờn
nhợn và lành lạnh từ nước bọt của Dương làm tôi thoáng rùng mình. Rồi Dương hỏi:
- Bớt đau chưa Hảo?
Tuy không đau tí nào nhưng tôi vẫn làm bộ
nhăn mặt:
- Đau quá anh Dương ơi!
Nhìn mặt Dương hốt hoảng tôi càng kêu:
- Đau quá anh Dương ơi, hổng mấy giờ anh
Dương cõng em đi lên thị trấn tìm mua thuốc đi!
Có lẽ vì sợ tôi đau nên Dương không ngần
ngại nói:
- Xin tuân lệnh!
Thấy Dương ngoan
ngõan ngồi xuống ra hiệu cho tôi lên lưng để anh cõng, tôi che miệng cười khúc
khích. Chân tôi không đau tí nào thế mà khi Dương cõng bàn tay mạnh mẽ của
Dương nắm vào chân tôi đau điếng. tôi thầm nghĩ, tay chân gì mà cứng như sắt
vậy trời, cũng phải thôi trai miền biển bao giờ cũng rắn chắc và dẻo dai thế
mới thích ứng được cái tính đỏng đảnh, làm duyên nhưng đầy nguy hiểm của biển
cả chứ…
Đi được một khoảng xa thì chuông điện thoại của Dương reo. Đầu đây bên kia có
ai báo chuyện gì đó rất khẩn trương. Tôi thấy Dương vừa nói điện thoại vừa đưa
mắt nhìn trời. Bầu trời đột ngột tối xẩm, mây đen từ đâu kéo đến, linh tính của
người con gái đang yêu báo hiệu cho tôi biết có chuyện không lành đến với Lâm.
Tôi không còn đầu óc nào để đóng kịch giả bộ đau nữa, tôi tuột xuống khỏi lưng
của Dương vội chạy ngược ra biển hướng về trung tâm báo bão của dân chài. Dương
chạy theo sau kêu lớn:
- Cái chân Hảo còn đau mà chạy đi mô lẹ vậy,
đợi Dương cổng nào?
Khi đuổi kịp tôi, Dương báo tin tôi
biết là Dương vừa nhận được điện thoại của Tuấn người bạn chài cùng làng. Tuấn
nói là Lâm đang câu mực ngoài khơi thì thấy thuyền của người dân bị nạn nên Lâm
lao vào cứu, tuy Lâm và chiếc thuyền của người dân bị nạn không sao nhưng hiện
tại họ đang kẹt ngoài một hòn đảo nhỏ ngoài khơi không vô đất liền được vì tin
báo bão của đài khí tượng thông báo cơn bão sẽ ập đến trong thời gian rất ngắn,
đề nghị các thuyến bè về nơi trú bão an toàn. Nghe Dương nói xong tôi có cảm
giác nghèn nghẹn nơi cổ hộng, nước mắt chực tuôn trào. Tôi thầm gọi: “Lâm ơi
giờ này anh ở đâu?”. Rồi như bình tĩnh lại tôi nói với Dương:
- Anh Dương ơi, tụi mình đến trung tâm báo
bão để biết tình hình như thế nào đi anh!
Dương kéo tay tôi
đi như chạy về hướng trung tâm báo bão. Trời sập tối hẳn, mây đen từ đâu kéo
đến trùm kín cả làng chài, gió bắt đầu thổi từng cơn giật mạnh. Những cây phi
lao dọc bờ biển ngã rạp xuống rồi lại đứng lên tả tơi cành lá, nhưng chúng vẫn
hiên ngang, mạnh mẽ chống chọi với cơn bão như người dân nơi đây vậy. Tuấn
người bạn chài cùng làng với Dương và Lâm cũng là người canh gác trung tâm báo
bão nói trong bộ đàm:
- Bà con mình ngoài đảo có ổn không?
Tiếng gió rít ào ào,
mưa tạt vào mặt rát rạt nhưng tôi vẫn nghe tiếng trả lời trong bộ đàm của ai đó
rất quên thuộc, hình như là tiếng của Lâm:
- Bà con mình vẫn ổn Tuấn à!
Ngưng một lát tiếng của Lâm nói trong bộ
đàm có vẽ vội vã:
- Nhờ Tuấn ra bãi biển nói với hai người bạn của tôi vào trong làng
ngay đi, sóng biển sẽ cao lắm đấy, rất nguy hiểm!
Tôi không chờ Tuấn trả lời vội lấy bộ đàm
từ tay Tuấn nói như muốn khóc:
- Em Hảo đây anh Lâm ơi, tụi em vào rồi anh à, anh như thế nào rồi,
em lo cho anh quá!
Gió càng ngày càng mạnh.
Những tiếng hú rợn người làm cho mái tôn của trung tâm báo bão khua động liên
hồi. tiếng của Lâm như át cả gió bão:
- Anh vẫn tốt Hảo à, em về nhà nói với mẹ là anh không sao em nhé!
Anh xin lỗi em vì đã không ở bên em trong cơn bão này chắc là em sợ lắm. Dương
ơi, có ở đó không, lo cho Hảo giùm tôi.
Tôi cầm bộ đàm khóc rấm rứt. Dương đến bên
cạnh an ủi tôi:
- Lâm không sao đâu Hảo à, Lâm đã từng cứu người trong những cơn bão
còn to hơn vầy nữa em yên tâm em nhé!
Rồi tiếng của Lâm trong
bộ đàm vọng về hòa lẫn với tiếng gió rú ngoài đảo tôi nghe mà nghẹn ngào:
- Hảo ơi chắc anh không kịp về với em trong chuyến này rồi vì bão
tan khi anh về đến đất liền sẽ trễ chuyến bay. Anh xin lỗi em, vì thấy bà con
làng chài bị nạn anh không thể không cứu.Thôi em hãy về đi em nhé. Anh luôn yêu
em Hảo à! Và anh hứa mùa xuân này khi tiết trời bình yên anh sẽ về với em. Chờ
anh Hảo nhé!
Tôi quay qua ngục
vào vai Dương khóc òa, khóc như chưa từng được khóc. Dương càng an ủi tôi càng
khóc. Nước mắt của tôi lúc này nửa như thông cảm cho Lâm một người luôn sống vì
mọi người, nửa tin tưởng vào tình yêu của anh như một mùa xuân ấm áp mà
Lâm đã dành cho tôi. Bờ vai Dương hứng trọn những giọt nước mắt tôi dành cho
Lâm thế mà Dương vẫn đứng im làm một chỗ dựa vững chắc cho một người con gái
khóc vì tình…
++++
Trước
khi từ giã quê Lâm vào Nam, Dương dúi vào tay tôi một món quà nho nhỏ và nói:
- Quà quê của anh tặng em làm kỷ niệm.
Trên chuyến bay vào Nam, tôi ngồi nhìn qua cửa sổ máy bay. Trời xứ
Thanh mây mù vần vũ, chợt thương Lâm giờ này phải chống chọi với cơn bão dữ.
Nhưng tôi tin Lâm, nhất định thế nào rồi anh cũng sẽ vượt qua để tôi và anh có
một mùa xuân trọn vẹn.
Máy
bay sắp hạ cánh chợt nhớ đến món quà của Dương tôi mở ra xem, bên trong gói quà
là ba cái vỏ ốc, hai vỏ kia nằm song song trên một mỏm đá thật tình tứ, vỏ còn
lại nằm lẻ loi một mình trông thật đáng thương... quay mặt nhìn về hướng quê
Dương lần cuối tôi nhủ thầm: “Dương ơi, Hảo hiểu tình anh, nhưng mùa xuân bao
giờ cũng có sắc thái riêng của nó anh à. Mong Dương hiểu cho Hảo!”.
Đường phố nhộn nhịp người qua lại với những cành mai vàng đang khoe sắc. Tôi
bước đi hòa mình vào không khí tưng bừng của một mùa xuân đang tràn về khắp
phố. Chiếc điện thoại dễ thương của tôi bỗng nhiên reo lên như một khúc hát.
Tôi biết chắc là Lâm gọi cho tôi. Đúng vậy, Lâm báo tôi một tin rất vui là tết
này Lâm sẽ vào Bình Dương với tôi. Tim tôi rộn lên một thứ tình cảm rất lạ, một
tình xuân ấm áp.
Đ.V.Đ (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét