Chị nắm chặt
tay tôi rồi nhấn nút bật máy vi tính thật nhanh như sợ tôi sẽ chạy biến đi và
các dữ liệu trên máy cũng bay theo vậy. Tôi ngỡ ngàng nhìn chị, sao hôm nay chị
khác quá. Đâu rồi người phụ nữ dịu dàng xinh đẹp? Dáng chị liêu xiêu, tóc tai
lòa xòa, lưng khòm khòm khiến đôi vai như bị rụt lại. Chị vừa click chuột vừa
thút thít:
- Cô Út mày
coi đó, chị ở với ổng mấy chục năm nay có sai quấy gì đâu. Hạt muốn cắn đôi,
chiếc chiếu rách nửa cũng đầm ấm hạnh phúc. Vậy mà từ khi ổng được cái giải
Nhất thơ cấp huyện thì đối xử với tao như vầy nè... hic...
- Chị bình
tĩnh nói đầu đuôi chứ em không hiểu gì hết. Lẽ nào anh Hai em tệ như vậy?
Tôi rất lễ
phép với chị vì trong lòng tôi chị không những là người phụ nữ gương mẫu, người
chị dâu đáng kính gánh vác cả tương lai nhà chồng mà còn là người mẹ thứ hai
của tôi nữa. Mẹ tôi sinh mười đứa con, anh Hai hơn tôi mười tám tuổi. Tuy là út
nhưng tôi không được mẹ chăm sóc nâng niu như bao người con út khác, mà mẹ đã
mất khi tôi tròn hai tuổi. Ký ức về mẹ trong tôi thật nhạt nhòa, chỉ nhớ tóc mẹ
rất dài, búi một búi to sau gáy. Anh Hai cưới vợ khi tôi lên năm. Một đứa bé
năm tuổi thiếu tình mẹ tự dưng có cảm tình với tất cả những người phụ nữ đối xử
tốt với nó. Tôi đeo bám chị Hai như đỉa đói. Mười tuổi tôi vẫn còn đòi ngủ với
chị Hai. Chị chăm sóc tôi từ miếng ăn, giấc ngủ, chiếc áo ấm, cái nơ cột tóc...
Chị khóc theo khi tôi bị bạn đánh, chị cười chung khi tôi được điểm mười.
- Út mày nghĩ
sao về con X.?
- X. nào chị?
- Còn X. nào
nữa? Hôm bữa trong giải thơ, anh Hai cô giải nhất, nó giải nhì đó!
- À... em biết
rồi, nghe đâu chị ấy ngoài bốn mươi, xinh đẹp, thành đạt. Là nhà tài trợ kiêm
thí sinh của cuộc thi thơ chủ đề "Ngày xưa- Ngày nay" đó mà!
- Nó đó!
- Rồi sao hả
chị?
- Út...
mà... y! Chị Hai tôi dài giọng. Trẻ như Út, ba cái vụ nét niếc gì đó rành lắm
mà! Mấy tuần nay người ta đồn rùm chuyện anh Hai mày với con X. đó tỏ tình, hò
hẹn trắng trợn trên nét mà Út mày không biết gì sao?
- Úi trời! Chị
Hai ơi, chuyện tình trên nét là tình ảo thôi. Chị bận tâm làm gì cho đỏ con mắt
bên trái, xốn con mắt bên phải vậy à!
- Với ai là ảo
chứ với anh Hai cô là thật! Anh của cô bây giờ đối xử tệ bạc với tôi cũng vì
con nhỏ đó... hu... hu... Ai biết được tiền giải thưởng có một mà tôi phải chạy
vạy gấp mười để khao anh em bè bạn cho chồng nở mày nở mặt. Mà bây giờ...
Nước mắt người
phụ nữ ngoài năm mươi tóc lốm đốm bạc phủ tràn lên khuôn mặt khắc khổ ướt nhòe
làm tôi bối rối. Tuy nhiên tôi không hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Chị tiếp:
- Út có biết
anh của cô bỏ cơm nhà cả tuần rồi không? Gần ba chục năm chồng vợ không hề có
chuyện đó. Dù đi làm xa mệt cỡ nào cũng về ăn cơm chung với vợ con. Bây giờ chỉ
vì con X. đó mà ổng bỏ bê tôi và sắp nhỏ như vậy đó!
Tôi mắc cười
cho "sắp nhỏ" của chị, vì đứa lớn nhất đã có gia đình, đứa nhỏ nhất
cũng đang học lớp 12.
- Ảnh bỏ cơm
nhà mình sang nhà chị X. ăn hả Hai?
- Chị gì cái
đồ... đồ cà chớn đó!
- ???
- Hôm trước,
tình cờ tôi vào phây- bút của ổng. Thấy hình ổng hôm bữa phát giải
"phốt" chình ình lên đó. Nhưng không phải ảnh tập thể mà là ảnh với
con nhỏ X. đứng cạnh nhau rất tình tứ, mặt mày ai cũng tươi cười rạng rỡ... Tôi
hỏi ông sao có tấm hình gì kỳ. Ổng nói bạn bè giỡn chút thôi, là thằng N. chụp
cho. Út mày biết thằng N. không?
- Dạ biết. Anh
N. "nhạc xỉu" chứ gì?
- Đó, đó! Chả
phổ nhạc bài thơ của anh Hai cô xong thì phổ thơ của con X. mà tôi hỏi Út, thơ
gì như vầy mà gọi là thơ, còn được giải nữa chứ!
"Ngày xưa cơm mắm, dưa cà
Mà ăn nứt bụng thật là ngon ghê
Ngày nay thịt thỏ thịt dê
Mà thịt thừa mứa, thiu ê cơm đầy..."
Vậy mà ấy cha
mê như mê nấm. Tôi bảo anh Hai cô không được liên lạc với X. nữa vì nó không
đàng hoàng, ai đời đứng với chồng người ta mà cười hí ha hí hửng. Vậy mà ông
bảo tôi "đàn bà biết gì", chuyện văn nghệ văn gừng của người ta ai
mượn xía vô. Ông mê thơ không cho, vậy mê rượu chè, gái gú, bài bạc thì chịu à?
Tôi nói, văn nghệ tôi không can thiệp, mà tôi cấm quan hệ với con đó. Cãi qua
cãi về ổng bỏ cơm nhà đi mất cả tuần nay luôn.
- Chị muốn em
làm sứ giả hòa bình chứ gì?
- Không. Ổng
sẽ không giận được lâu đâu. Tôi chỉ muốn nhờ cô xem mấy ngày nay ổng ngủ nghê, ăn
uống ở đâu, có đúng như tôi suy đoán không?
- Nếu đúng?
- Thì ổng sẽ
biết mùi ghen của tôi!
- Nếu sai?
- Không thể
nào sai được!
Bẳng đi một
tuần, tôi chưa tìm ra manh mối gì chuyện chị nhờ thì cấp tập nhận điện thoại
rằng phải tới nhà chị ngay. Không cần làm "thám tử" nữa, hãy tới để “cứu
người” lập tức.
- Thôi! Khỏi
lo vụ anh Hai cô đi! Ổng về nhà rồi. Tôi hiểu lầm ấy mà. Cả tuần nay ổng đi
trại sáng tác, ổng với nhỏ X. hổng có gì hết á! Bây giờ lo giùm vợ thằng N. vì
con nhỏ đó lại đeo thằng chả như sam rồi!
- ???
- Nói cho cô
mừng, nay tôi "xóa mù vi tính" rồi. Tôi mới biểu sắp nhỏ sắm cho cái
máy vi tính chứ không thèm xài chung với anh cô đâu! Tôi còn học làm thơ nữa,
mà bây giờ nét niếc, lốc liếc, phi dao, phi-bút, gì tôi cũng rành như lòng bàn
tay hết! Hôm bữa vô phi-bút của N. thấy bài thơ "thịt thỏ thịt dê"
mà nó phổ nhạc của con X. được mấy thằng cha khùng khen quá trời! N. và con X.
thì tán tỉnh nhau ngất trời. Tội nghiệp vợ N. quanh năm mua bán ở mom sông để nai lưng hầu chồng cơm bưng nước
rót, nay "thẳng" có chút danh tiếng thì phụ bạc vợ nhà vậy đó...
- ???
- Út không
biết gì sao? Mà tôi không biết N. nghĩ sao lại đi "cặp" với con đó
nữa. N. đã từng điểm danh mấy thằng cha bị nó "kẹp nách" mà giờ tự
mình lủi đầu vô. Đi! Út chở giùm chị tới nhà N. báo cho vợ N. biết chuyện để
kịp giữ chồng...
Sự nể nang
thái quá khiến tôi làm theo lời chị như một chiếc máy dù không biết nhà anh N.
ở đâu. Lên xe. Tăng ga. Quẹo phải. Quẹo trái... chị điều khiển từ sau lưng tôi.
Gia đình anh
N. khá giả. Vợ buôn bán ở chợ. Anh làm thủ thư một bưu điện văn hóa, có chút
năng khiếu âm nhạc, thi thoảng bạn bè có thơ ưng ý thì anh phổ nhạc rồi cùng
nghêu ngao hát cho vui. Căn nhà cấp 2 khang trang, không thiếu những salông,
thạch bàn giả gỗ, ghế dựa... Nhưng chị Hai tôi vừa xuống xe đã ngoắc vợ anh N.
ra góc vườn lót dép ngồi trò chuyện. Tôi bơ vơ giữa vuông sân rộng, tay chân
thừa thải, muốn gọi chị nhưng không sao thốt nên lời vì hai mái đầu đã chụm vào
nhau không rời.
Tiếng được,
tiếng mất, tôi nghe vợ anh N. hỏi con bé chở chị đi là ai, có biết chuyện này
không? Chị nói, nó là em út trong nhà. Rồi chị Hai tôi bày vẽ cho vợ anh N.
cách giữ chồng thời buổi công nghệ số này là phải rành nét niếc, biết bờ-lốc,
phi-bút là gì, mật khẩu là gì. Để tìm "bằng chứng phản bội" của chồng
là phải rành ba thứ đó, ngoài ra còn phải "ngăn chặn từ xa" mới mong
giữ được ấm êm hạnh phúc (?). Rằng qui tắc của đàn bà để chồng khỏi lem nhem bồ
bịch là phải "thắt chặt hầu bao", phải biết phòng bệnh hơn chữa bệnh,
phải buộc chồng "đi thưa về trình", phải "công khai tài
chính"... Rất rất nhiều kinh nghiệm mà đám con gái chưa chồng buộc phải đổ
mồ hôi, xót con mắt, oằn sống lưng để học thuộc nếu muốn lấy chồng và không bị
chồng "phản bội".
Chợt hai chị
cùng giơ tay ngoắc tôi vô. Vợ anh N. mặt mũi xanh, hồng, đỏ, tím như hát bội,
vỗ vai tôi chị bảo:
- Cô Út mầy
nên rút kinh nghiệm của tụi tao, phải có phương pháp quản lý chồng, mai mốt còn
xài tới. Trưa chủ nhật rảnh, chở chị Hai qua đây, mình cùng bàn kế “nội công,
ngoại kích”.
- Cái gì mà
nghe như chuyện kiếm hiệp vậy hai bà?
- Chớ sao! Đám
đàn ông thời buổi này lắm trò, nhiều chiêu..
Chị Hai gắt:
- Theo tôi, cả
ba chị em cùng kéo tới, lột đồ, hớt tóc… con kia cho nó tởn.
Tôi chợt
thương chị Hai nhiều quá. Hạnh phúc gia đình ai không muốn giữ nhưng ghen kiểu
này chắc… chết.
- Đừng làm vậy
chị Hai! Giận quá mất khôn, có khi mình đang đúng lại trở thành quấy.
Vợ anh N. mặt
mũi còn tèm lem nước mắt, dang tay như ngăn cản:
- Cô Út nói
trúng ý tao. Mình phải tìm cách khác, siêu hơn, độc hơn. Trời ơi! “Đàn bà dễ có
mấy tay”.
Sáng chủ nhật,
chị Hai điện thoại cho tôi, nói không phải qua nhà anh N. họp nữa. Bữa nay bên
đó, mấy cha nhà thơ, nhạc sĩ cũng đang gầy cuộc nhậu.
- Mà nghe đâu
con đó “nhả” thằng N. rồi. Nó quay qua bám một lão già cổ nhạc đang giúp nó trở
thành soạn giả.
Tôi là phụ nữ
mà cũng phải thầm kêu lên. Ôi! Đàn bà...
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét