Nguyễn Thành Công
Phương
khôn nguôi nhớ về một người anh quen trên đường đời gió bụi, đã rất lâu không
gặp lại, chỉ còn nhớ mỗi cái tên: anh Lâm.
Anh
Lâm cao ráo, trắng trẻo, mang kính, ăn mặc lịch sự, và có hiểu biết sâu về
nhiều vấn đề học thuật và cuộc sống. Hơn 10 năm không gặp lại, song Phương vẫn
nhớ như in nhân dáng con người ấy, một nhân duyên.
Khi
ấy Phương thất nghiệp, khổ ghê khổ gớm, không biết tả sao cho hết. Đi cùng xứ
rồi cũng quay về quê nhà, với vỏn vẹn hai bàn tay trắng, không hơn. Có chăng
trong hành trang ngày về là nỗi chán chường, thất vọng, thua cuộc… Quán cà phê
ven quốc lộ là nơi chốn quen thuộc để
Phương ngồi mà tồn tại, hết. Khói thuốc mù mịt, nhãn quang đen đặc, nín lặng…
Anh Lâm cũng là quen của quán trên đường kiếm cơm. Anh xuống từ những chiếc xe
khách dài, với chiếc va li đồng hồ bán rong trên xe. Mệt mỏi, song chải chuốt,
và đường hoàng lắm. Riết quen, nói chuyện, và nói nhiều, về tất cả. Anh ấy tinh
thông nhiều thứ, lại có kinh nghiệm sống, trải đời. Trung dung, cái quan điểm
sống mà anh Lâm yêu thích chính là như thế, dung hòa những khác biệt, tồn tại
hòa bình. Không biết bao nhiêu cuộc chuyện trò bên tách cà phê, mịt mờ khói
thuốc, với duy nhất mỗi đề tài: quan niệm sống, cách nhìn nhận về cuộc sống và
nhập cuộc như thế nào. “Cậu hãy thử bắt đầu từ việc đơn giản, và cố làm cho
tốt”, “như bán vé số chẳng hạn”, anh Lâm gợi ý.
Và
Phương làm thật, bán vé số. Cái nghề này không hề giản đơn, phức tạp, mệt mỏi,
nhiêu khê. Một cuộc chiến đấu kiên cường với chính bản thân, từng bước đi dưới
nắng gió, mưa dầm. Nghề đi nhiều, một ngày cộng lại không biết bao nhiêu cây
số. Học mời chào, lấy vé tốt dễ bán, học tiết kiệm… Mồ hôi chảy dài trên đường.
Một năm tròn, không nghỉ một ngày, “hay đấy”, một vài người khen. Anh Lâm có
mua giúp, mấy lần.
Phương
đi học lại, lại là cuộc thử thách khác, thậm chí còn gian nan hơn. Ba năm, vượt
qua bao nhiêu thiếu thốn, gian khó, không kể xiết, lấy cái bằng còm, bằng thật.
Và đi làm. Không gặp lại anh Lâm. Tuyệt đối không. Mà cũng không có dịp quay về
quán cũ ven đường.
10
năm có hơn, ghé quán xưa gọi ly cà phê. Chị chủ quán đã có tuổi, “có cháu nội
rồi, chú ạ!”- chị nói. Cảnh vật thay đổi nhiều, xây cất thêm ra. Quan trọng
nhất chính là mấy cây dừa thân quen đã bị đốn để lấy đất xây nhà mới, tiếc.
Ngồi uống cà phê, nhớ đến anh Lâm. Thằng bé con chị chủ quán nơi đã lớn, “con
nhớ rồi, chú Lâm bán đồng hồ, cao cao”. Anh ấy không quay lại quán, đi đâu, về
đâu… Phương miên man nghĩ về thuyết trung dung “của anh Lâm” giúp anh ấy (và
Phương) tồn tại trong khác biệt, một triết lý cá nhân phần nay nhiều hơn phần
xưa, cũng hay lắm. Không hiểu anh ấy đi đâu, có khỏe không, có sống được không
với... cái thuyết của mình, trung dung. Con người ấy hiền hòa, học thức, có tâm,
không hiểu trời có ưu ái anh không, trên đường đời khốc liệt vô chừng. Riêng
với Phương, những sẻ chia của một người anh xa lạ, những gợi mở của anh ấy,
giúp nhiều cho cậu đứng lên, bước tiếp, có phần vững vàng hơn. Giờ chỉ mong gặp
lại người bạn lớn tuổi để mời một tách cà phê, vậy thôi, và lại nói về trung dung
trong một cõi đời không hề trung dung chút nào.
Anh
Lâm, ở đâu đó, mong anh khỏe, an lành, hạnh phúc. Cảm ơn anh… Phương thầm thì
trong long, và bước đi. Quốc lộ vẫn đầy xe, nắng nhạt.
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét