Nguyễn Thành Công
Quán cà phê mở cửa sớm nhất chợ nằm
dưới chân cầu, gần trạm thanh tra giao thông, đối diện gốc hoa Hoàng hậu khá lớn,
ngay chốt đèn xanh đỏ. Ba giờ kém, vào nhấp ngụm cà phê nóng cho tỉnh. Những
chú xe gắn máy thồ tôm sú giống kềnh càng, nai nịch như cánh buôn thuốc lá lậu
ngày trước, đậu san sát bên lề đường. Ngồi một mình buồn, bắt chuyện với ba chú nhóc đen trũi bàn bên đang xòe bài
đánh ăn chơi giết thời gian. Rồi tôi sang làm một kha thành bộ bốn chơi tiến
lên, vùa đánh vừa nói chuyện. Cả ba chú bé đều là người Khmer, và giống nhau ở
hai chỗ: đã bỏ học và, cung chung “nghề” mò tôm tép dưới kênh. Tôi biết cái việc
cơ cực này: mình trần ngoi dưới kênh nước mặn, hai bàn tay nhỏ làm việc liên tục
dưới nước để bắt cua cá hay tép nhỏ. Đáy kênh vào lúc nước ròng có khi lắm miểng
chai miểng sành hay gai nhọn, còn “hàng” là cua cá có khi cũng đáng sợ không
kém khi gặp cá ngát hay cua biển, chúng quặp một phát đau thấu trời, thịt độc
còn làm mủ buốt nhứt mấy bữa nửa tháng. Được nhiều có thể đem bán ngoài chợ, ít
thì đủ kho quẹt. Đấy là một cái nghề của khá đông bà con người dân tộc Khmer,
trong đấy không ít trẻ nhỏ bỏ học sơm như vầy. Một đứa hết lớp 8, một lớp 7 và
em kia mới lớp 1. Chúng vô tư kể cho tôi nghe: hôm kia trúng mánh được 2 chú cá
ngát lớn cỡ ký lô bán bộn tiền. Một em đính chính cho trung thực: cá dạ phèn đó
chú, bình thường làm sao bắt được, không khéo nó đâm đau thấu trời. Dạ phèn tức
là ruộng người ta xổ nước xuống kênh, chất phèn hòa trong kênh làm cá sốc lờ đờ
dễ bắt. Tôi vẫn nhớ hồi nhỏ anh tôi chày về, chỉ vô ý mà mẹ trúng gai cá ngát
làm độc mưng mủ rên rỉ suốt mấy ngày, phải chích thuốc tốn bộn tiền.
Rời quán tôi cùng ba đứa thuận đường
đi thể dục buổi sáng. Tôi hỏi: mấy em có tiếc vì đã bỏ học không? Một đứa đáp
ngay như ấp ủ sẵn trong lòng từ lâu: tiếc lắm chú! Đứa lớn nhất thì ngược lại:
tiếc gì, học như ở tù. Em chỉ được học lớp 1 nín thinh, vậy đó… Cả ba em đều
khó: một mồ côi ở với ngoại cùng một cháu bà con khuyết tật, lãnh trợ cấp người
180.000 đồng, người 360.000 đồng/tháng, vậy thôi. Bây giờ mấy đứa đi đâu? Mua
cơm ăn chú ơi…
Tôi lẩn thẩn chạy bộ thể dục có
phần uể oải vì mãi nghĩ về mấy đứa nhỏ: tương lai chúng đi về đâu? Một em thì
coi ký ức trường lớp như nhà tù, một em thì luyến tiếc. Nói chung
là buồn…
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét