Tôi có
thói quen, cứ chiều 30 tết là rảo một vòng chợ xem bà con mình mua bán ra sao,
đồng thời để chọn mua một nhành mai về đón giao thừa. Tôi thơ thẩn hết dãy hàng
này đến dãy hàng khác. Các chủ hàng vừa bán vừa tranh thủ thu dọn hàng. Chỉ có
mấy chị bán hàng rong là ngồi chờ khách với mớ dưa hấu còn sót lại cùng đôi gói
thèo lèo đã gãy ba, gãy tư, những gói bánh in đã bong hết lớp giấy màu đỏ thắm
những mong bán hết…
Tôi lại
bước đi trong ánh mắt thất vọng của những cô chủ hàng tre trẻ, nụ cười các cô
không còn tươi như hoa khi thốt lời mời chào, có lẽ các cô cũng biết vài thứ
hàng còn ế lại đến bây giờ chỉ mong bán vớt vát mà thôi nên ngại nở nụ cười
chào khách. Tôi lang thang đến khu bán hoa, chợt nghe mùi khói hương lễ rước
ông bà của nhiều gia đình. Chà… không biết những gia đình đó rước ông bà là sớm
hay muộn nhỉ? Liệu có rước phải “ông bà cùi” không? Tôi còn nhớ ngày tôi còn
nhỏ, chỉ giúp mẹ được vài việc vặt thì mỗi năm cứ đến ngày 30 rước ông bà
là mẹ hối như thúc rằng phải giúp mẹ làm thức ăn nhanh để cúng cho sớm, mong
được rước ông bà lành, ông bà thơm, bằng không sẽ rước “ông bà cùi” cho xem.
Vừa làm tôi vừa hỏi mẹ: “Ông bà mình thì mình rước lúc nào chả được, bộ ông bà
hổng nhớ nhà hay sao mà mẹ sợ? Mà bộ ông bà mình hồi đó bị… cùi hả
mẹ?”. Mẹ tôi giận đỏ cả mặt, thét bảo im rồi đuổi đi nơi khác không cho
làm giúp, còn tôi thì vô tư vì được tự do nô đùa… Cho đến bây giờ tôi vẫn không
hiểu sao hễ rước muộn thì sợ… ông bà cùi.
- Chú…
chú làm ơn mua giùm cháu nhánh mai này…
Một chú
bé khoảng mười hai, mười ba tuổi mặc độc nhất chiếc quần cụt cũ sờn, trên
tay là nhánh mai khá to nhưng đã héo rũ những nụ, cái sắc vàng he hé chờ được
xòe ra đón giao thừa giờ đã cháy nam trong thật quắt queo. Nếu nhành mai
này gặp đúng người sành điệu và bán được đúng lúc thì chắc thằng bé cũng có một
số tiền kha khá. Tôi nhìn mai chăm chú khiến thằng bé mừng quýnh, nó nài:
- Chú…
chú mua giùm cháu nghe chú? Cháu đi cắt về trễ buổi chợ nên nó héo như vậy đó.
Chú mua giùm. Thương em cháu quá, nó cứ ước cái bóp lông nho nhỏ để
đừng tiền lì xì mà mai héo như vậy sao bán được...
Rồi
thằng bé chợt quẹt nước mắt, gương mặt đen nhẻm giờ thêm hai dòng chảy lăn dài
thật tội nghiệp làm sao.
- Thôi
nè, nín đi. Nhành mai này bao nhiêu chú mua cho.
- Dạ…
hồi sáng này cháu tính bán năm chục ngàn nhưng giờ như vầy chú… cho cháu hai
chục ngàn thôi ạ!
- Hai
chục ngàn? Tôi trố mắt.
- Dạ…
dạ… thôi thì mười lăm ngàn cũng được!
- Mười
lăm?
- Thôi…
chú cho cháu mười ngàn đi chú… Híc… híc… Vậy là chỉ mua cho bé út cái bóp lông
thôi, còn mình thì phải mặc quần cụt cũ đi chơi rồi. Thằng bé quay đi lẩm bẩm
thật nhỏ nhưng cũng đủ hai người nghe.
- Nè chú
bé, sao khóc hoài vậy? Tôi đồng ý mua rồi mà. Tôi ngạc nhiên là vì chú
bán rẻ quá đó. Thôi, tôi trả em bốn chục ngàn.
Thằng bé
cầm nhìn tôi trân trân, hình như trong mắt nó long lanh nước nhưng không phải
lệ buồn. Bất chợt nó hỏi tôi giọng cắc cớ:
- Mà chú
mua làm chi vậy? Nhành mai này héo hết rồi, đâu có nở được, nếu là cháu thì…
Trời
đất! Tôi bỗng thương cảm cho sự thật thà quá đỗi của chú bé. Thói đời, người
bán cần người mua, họ có thể “lăng xê” cho món hàng của mình bằng cách “ca đủ
bài” hầu bán cho được. Chứ ai lại…
- Ừ thì
mai héo, nhưng không có mai tươi làm sao? Nhà tôi còn một gói mai giả, tôi đem
nhành mai này về gắn bông giả lên, thế là cũng có một bình mai như ai thôi mà.
Em đừng bận tâm.
- Vậy…
nhà chú ở đâu ạ? Chú bé trở nên dạn dĩ hơn.
- Em hỏi
chi vậy? Nhà tôi gần đây thôi, trên con đường này, cuối khúc quanh, nhìn bên
tay phải có căn nhà nhỏ màu xanh.
***
- Cộc,
cộc, cộc…
Chưa
giao thừa mà người bạn nào đến xông đất sớm thế? Tôi đang lom khom dọn những
đĩa bánh mứt lên ban thờ dù thật sự chỉ mới hơn 10 giờ. Nhưng tôi thích có thời
gian dài để được ngồi bên bình trà điểm lại những được – mất của năm qua.
- … Chú,
chú ơi…
- Ai đó?
- Dạ
cháu đây ạ… chú mở cửa cho cháu vào với…
- À, chú
nhóc “mai” vào đi cháu…
- Dạ…
cháu có đem tặng chú cành mai tươi này.
Thằng bé
đặt vào tay tôi nhành mai không to nhưng nhành mai buổi chiều nhưng thật
nhiều những nụ căng tròn điểm xuyết vài phiến lá non xanh mướt
- Sao em
không để chưng? Tôi đã mua lúc chiều rồi mà?
- Dạ,
nhưng đây là mai thật, cháu chừa ở nhà chưng, chiết chú một nhánh thôi mà…
- Ừ được
rồi, tôi cảm ơn em nhiều lắm. Em ngồi chơi ăn mứt đi.
- Dạ.
Thằng bé
ngồi bên chiếc bàn con, tay nó xoa xoa chồng tập, sách rồi chợt hỏi:
- Chú…
chú… thầy… là thầy giáo à?
- Ừ, à…
mà sao em biết, em học lớp mấy rồi?
- Tại vì
em thấy mấy quyển tập này nên… nghĩ vậy. Còn em không có đi học. Thằng bé bỗng
đổi cách xưng hô.
- Sao em
không đi học, như vậy là thiệt thòi lắm đó.
- Em ở
nhà… phụ mẹ.
- Mẹ em
làm gì, còn ba em đâu?
- Em
hổng có ba. Mẹ em đi làm mướn suốt ngày cũng không đủ nuôi hai anh em của em
nữa…
- Ba em
mất rồi à?
- Ổng
còn sống nhăn hà thầy, nhưng ổng bỏ đi mấy năm nay rồi.
- Vậy à?
Sao ông ấy bỏ đi?
- Ổng
nói “vợ người ta đẻ tiền đẻ bạc, còn vợ gì toàn đẻ con với đẻ nợ” nên ổng bỏ.
- Em
đừng nói vậy chứ, có tội vói ba đấy!
- Em nói
dối để mang tội sao? Ổng nói mấy chục lần em nghe hoài chứ bộ!
Mặt
thằng bé bỗng trở nên chai sạm, gương mặt lúc đó không ai có thể nghĩ là mười
hai, mười ba tuổi. Tôi cố nén tiếng thở dài…
- Thôi
em à, chuyện qua rồi, năm mới bỏ chuyện cũ đi. Em ngồi chơi ăn bánh mứt với tôi
một chút rồi về kẻo mẹ em mong. À… mà em thích đi học không?
- Thích
lắm chứ thầy! Mắt em sáng lên nhưng làm sao mà đi được, phải chi…
Tôi hiểu
từ “phải chi” của em không chỉ một nghĩa đơn thuần, nhất là ánh mắt của của em
sao mà tha thiết quá.
- Từ
nay, ban ngày em phụ giúp mẹ, ban đêm em tới đây tôi chỉ cho biết đọc biết
viết. Tôi bảo chú bé “Mai”
- …
- Em
đừng lo chuyện tập vở, tôi cho em được mà. Em về thưa với mẹ, tôi cũng sẽ đến
nói ít lời cho mẹ em đồng ý, nhé!
Thằng bé
không nói thêm lời nào mà nhìn tôi bằng ánh mắt hàm chứa cả sự thích thú, cảm
ơn và xúc động khôn cùng. Riêng tôi buổi chợ chiều xuân hôm nay sao mà ý nghĩa
quá.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét