Hoạch trả lời:
- Hơi đâu nghĩ nhiều. Mình mua bán đàng hoàng. Giá phải chăng. Không đứa nào dám làm gì đâu.
Một buổi chiều mưa rả rích. Cơn mưa kéo dài tới chạng vạng. Ngoài đường lạnh lẽo không bóng người. Chiếc xe honda Wave alpha chất ba đỗ xịch trước cửa tiệm. Thằng lái vẫn đội áo mưa ngồi yên trên xe, máy vẫn nổ. Hai thằng xộc vào tiệm.
- Mấy em cần gì? Hoạch hỏi
- Cắm điện thoại.
Một thằng móc túi quần lấy ra cái điện thoại cũ trông giống như cục sắt đưa cho Hoạch. Nó hất mặt hỏi:
- Bao nhiêu?
Cầm cái điện thoại cổ lỗ sĩ trầy tróc loang lổ, Hoạch lắc đầu:
- Cái điện thoại này không cắm được.
- Đ. mẹ. Mày có cắm hay không? Một triệu. Bọn tao chỉ lấy một triệu thôi?
Hoạch hoảng hốt ngó quanh quất cầu cứu. Không có ai. Ánh điện cửa hàng hắt ra một quầng sáng nhạt yếu ớt. Con đường hun hút trong bóng tối. Mưa giăng giăng. Không một bóng người. Hoạch đành cố nói dịu:
- Mấy em thông cảm. Cửa tiệm anh cò con làm gì có một triệu đưa cho mấy em. Hay là mấy em sang cửa tiệm khác vậy.
- Nhiều lời! Mất thì giờ bọn tao. Có đưa không?
Thằng cầm điện thoại xáp lại, Hoạch lùi ra sau. Nó cầm cái lọ thủy tinh đựng thuốc lá và kẹo để trên mặt tủ đập mạnh xuống đất. Xoảng. Mảnh văng tung tóe. Trong lúc Hoạch tái mặt, sợ hãi, nó nhanh như sóc, đi vòng vào phía trong tủ, thò tay vào ngăn kéo đựng tiền hốt một nắm nhét vội vào túi áo khoác.
Cả một ngày làm việc toát mồ hôi, kể cả vốn mới được bao nhiêu đó. Vô cớ mất toi. Tiếc của, Hoạch quên cả sợ, la lớn:
- Cướp! Bà con ơi! Cướp!
Hoạch toan xông tới chỗ thằng cướp tiền thì thằng còn lại đấm một cú vào mặt. Cú đấm làm Hoạch choáng váng, té nhào xuống. Hoạch lồm cồm chưa kịp đứng dậy, nó sấn tới đạp thẳng vào ngực làm anh ngã ngửa ra sau, đầu đập vào cạnh tường ngất xỉu. Bọn nó nhảy lên xe, rồ ga biến mất.
Tỉnh đậy, Hoạch thấy mình nằm trên chiếc giường bệnh viện. Đầu anh đau như có những mũi kim châm chích.
- Con tỉnh rồi. Má lo quá.
- Con nằm bao lâu rồi?
- Hơn một ngày đêm.
Hoạch cố gượng ngồi dậy, má anh chất gối cho anh dựa lưng vào thành giường. Ba anh mất lâu rồi. Chị gái đi lấy chồng xa. Chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Hoạch chợt lo lắng:
- Cửa tiệm thế nào hở má?
- Má khóa rồi.
- Công an tới làm việc chưa?
- Hôm đưa con đi cấp cứu, ban cán sự khối phố đã báo sự việc lên công an thị trấn. Nghe nói họ đến. Không có chủ nhà, họ bảo chờ con xuất viện về sẽ giải quyết. Thôi, con lo thân con cái đã. Mạnh rồi hãy tính.
Đầu hoạch bị chấn thương, đau nhức, đứng lên ngồi xuống xây xẩm muốn té. Hơn một tháng điều trị, ra viện, Hoạch cố nhớ mặt dò tìm những thằng cướp cửa tiệm. Chúng nó chắc cũng quanh quẩn trong thị trấn này thôi. Cũng chẳng mất nhiều thời gian. Tụi nó vẫn nghênh nghênh phóng xe trên đường phố. Cái mặt chúng vẫn lấc khấc, trơ lì đáng ghét. Hoạch càng thêm căm tức. Anh hỏi tên từng đứa rồi viết đơn gửi đến công an thị trấn.
Hoạch là người cả nghĩ, hay lo. Bất cứ chuyện gì xảy ra liên quan đến mình đều làm cho Hoạch căng đầu nghĩ ngợi. Có khi mất ăn mất ngủ, phát quẩn lên vì chuyện nhỏ rức, đâu đâu. Đơn đã gửi. Hoạch ngày đêm lo lắng. Không biết công an chừng nào sẽ xử? Họ sẽ xử như thế nào? Có đem lại sự công bằng cho anh không? Có đền bù thiệt hại vật chất, tinh thần mà anh phải chịu không? Không một ai chia sẻ. Đến lúc này Hoạch mới thấm thía sự cô đơn. Anh nhớ đến chú Thao. Giá mà chú còn sống. Chú mất năm ngoái vì căn bệnh hiểm nghèo. Chú Thao là chú họ của Hoạch và là người mà anh kính trọng nhất. Hoạch thường sang nhà chú chơi. Chú Thao rất mến Hoạch. Chú nói chuyện thời thế nghe rất thích. Nhà cửa chú bề thế sang trọng ở trung tâm thị trấn. Hai đứa con chú đi du học ở nước ngoài. Chú là cán bộ ăn lương nhà nước mà sao giàu như vậy? Không ai biết. Chú không hé miệng kể về việc làm ăn của mình như mấy tay mới phất thường khoe mẽ. Chú sống tốt với bà con, xóm làng. Ai có việc cần, chú sẵn sàng giúp ngay. Đến chỗ công quyền, chú cũng không e ngại. Không riêng gì Hoạch, mọi người coi chú như một mẫu mực. Mỗi khi gặp trắc trở không thể vượt qua, người đầu tiên Hoạch nghĩ tới là chú. Hoạch thở dài. Thêm nữa, thời gian nằm viện, thấy má khổ với mình, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, Hoạch lại buồn. Anh thấm thía sự thiếu vắng bàn tay người vợ. Gần bốn mươi tuổi Hoạch vẫn thui thủi một mình. Thực ra, Hoạch cũng có một mối tình. Người Hoạch yêu là Dung, con gái một gia đình thị dân. Trong lúc Hoạch đang say đắm với tình yêu thì Dung đột ngột nói lời chia tay. Cô ta khóc sướt mướt: “Ba má em ép gả. Em không dám cãi lời. Em có lỗi với anh nhiều. Mong anh tha thứ cho em”. Trông thái độ quả quyết của Dung, Hoạch biết mình đã mất Dung mãi mãi. Ngày đám cưới Dung, nhìn cô vòng vàng đầy người sánh vai với người chồng giàu có bước lên ô tô bóng loáng, lòng anh đau nhói. Dung lấy chồng được mấy năm, bất ngờ, Hoạch nghe tin cô tự tử. Hoạch không biết lí do gì. Anh càng xót xa. Anh chưa bao giờ quên được Dung.
Công an thị trấn mời Hoạch ra lấy lời khai, hồ sơ vụ việc được chuyển lên công an huyện theo thẩm quyền. Thế nhưng, tới nửa năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết. Hoạch nhiều lần đến công an huyện hỏi thì được nghe điều tra viên trực tiếp thụ lí vụ việc trả lời quanh đi quẩn lại mấy câu: “Bận đi học, chưa rảnh”, “Đang xảy ra một số vụ trọng án phải tập trung xử lí trước” hoặc là “Từ từ, cần có thời gian tìm đầy đủ nhân chứng vật chứng đã…”. Mỗi lần từ công an huyện về, anh thêm tức tối trong người. Hân ân cần khuyên lơn:
- Mày thôi chuyện kiện tụng đi. Nói cho mày biết thằng đánh mày là quí tử của một sếp đó… Tụi nó quậy phá cả thị trấn này ai cũng biết. Có ai làm gì được tụi nó đâu? Chuyện của mày là cái đinh gì? Nên thua non đi.
Hoạch cự lại:
- Tao đánh bạc đâu mà thua non. Bị ức hiếp, tao kiện.
- Thì mày đã kiện đấy. Kết quả ra sao? Hay chỉ làm khổ mình mà thôi.
Lời khuyên của Hân không phải không đúng. Nhưng Hoạch bỏ ngoài tai vì trong lòng nỗi uất hận càng lúc càng tăng như những con bọ gậm nhắm hủy hoại niềm vui sống từng ngày trong đời. Hoạch sang cửa tiệm cho người khác, dọn về ở với má. Anh nghĩ đi nghĩ lại, tính tới, tính lui tìm đủ mọi phương cách giải quyết, nhưng rốt cuộc không có cách nào ổn cả. Bế tắc. Nỗi u uất làm Hoạch càng héo hắt. Bộ dạng tiều tụy, thảm hại. Dần dần, Hoạch thu mình trong phòng riêng, không tiếp xúc với bất kì ai. Anh ăn uống thất thường, nhiều lần, anh ngồi trong góc phòng, hai tay ôm chặt đầu, miệng lảm nhảm những lời lộn xộn khó hiểu. Nhưng khi nói những lời ấy, gương mặt Hoạch đanh lại, mắt trùng trừng như muốn ăn tươi nuốt sống ai đó. Má Hoạch lo lắng bước lại gần, trỏ vào mình hỏi:
- Con có biết ai đây không?
- Bà tiên! Bà tiên! Cứu giúp tôi với!
- Má con đây mà! Nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo. Con đừng làm má sợ.
Hoạch nắm chặt tay má, giọng van lơn:
- Bà tiên ban phép màu giúp con, giúp con.
Mọi người bảo: “Bị điên rồi, nên đưa đi chữa trị ngay”. Má Hoạch đưa anh vào bệnh viện tâm thần. Vị bác sĩ sau khi khám và làm đủ các xét nghiệm, đã ghi vào hồ sơ bệnh án “Rối loạn stress sau sang chấn”. Bác sĩ giải thích thêm:
- Bệnh nhân phải điều trị theo phác đồ. Cần nhập viện để tiện việc theo dõi diễn biến bệnh.
Tiền Hoạch dành dụm bấy lâu nay giờ tiếp tục đưa ra trị bệnh. Má Hoạch xin cho anh được nằm phòng riêng theo yêu cầu. Tốn kém cũng chẳng sao, miễn Hoạch nhanh bình phục. Phải nói, chăm sóc người bệnh tâm thần vất vả biết chừng nào. Phải canh chừng bệnh nhân thường xuyên. Chung quanh, còn những người bệnh khác với những biểu hiện khác thường. Người nuôi bệnh luôn căng thẳng đề phòng nên càng thêm mỏi mệt. Thời gian Hoạch nằm viện, Hân thường xuyên đến thăm. Thấy má Hoạch đã kiệt sức, Hân ở lại chăm sóc thay. Nhờ y bác sĩ tận tâm điều trị, bệnh Hoạch dần thuyên giảm. Hoạch không còn nói xàm nữa. Nhưng tác dụng của các loại thuốc thần kinh làm Hoạch thường chìm sâu vào những giấc ngủ dài. Theo đó, thường có những giấc mơ đến bất ngờ. Những mảng đời từ nơi nào trong kí ức chợt hiện về. Có lần, Hoạch mơ thấy ngôi nhà anh ở thời thơ ấu vách đất mái tôn lụp sụp trong con hẻm sâu. Ba Hoạch đạp chiếc xe đạp cũ kĩ lóc cóc chở thùng trái cây: cốc, me, ổi, xoài gọt vỏ cắt lát ghim vào que tre ngâm vào thẩu nước đường, đi bán cho học sinh ở các cổng trường. Chiều về, ông dựng vội chiếc xe đạp vào gốc vú sữa, chị em Hoạch chạy ra mừng, ông ôm cả hai chị em nhấc bổng lên hôn lấy hôn để rồi đi vào nhà, lấy những đồng tiền giấy nhàu nát trong túi áo vuốt thẳng thóm, tươi cười đưa cho má anh: “Cất đi, để dành đóng học phí cho con”. Lần khác, Hoạch thấy cùng Hân về quê ngoại. Buổi trưa ngày hè cháy nắng, cả hai ra đồng đắp đất be bờ chặn một khúc mương tát nước bắt cá. Lội bì bõm trên bùn nước, cả hai cong lưng mà vục cái gàu nhựa múc nước tạt qua bên kia bờ. Nước cạn, cá chép, diếc say bùn trồi lên giãy đành đạch trên mặt nước tha hồ vớt. Còn cá rô, trê, tràu rúc sâu xuống bùn, thi nhau mò. Tới chiều, lờ cá đã lưng lửng, hai đứa mặt mày mình mẩy lấm lem bùn đất hớn hở ra về…
Tối hôm đó, Hân lại xuống bệnh viện ở với Hoạch. Sau một hồi tán gẫu cặp mắt Hoạch ríu lại. Anh đang chống chọi cơn buồn ngủ… Hoạch mở mắt ra. Anh đang ở trong một căn phòng rộng trông giống như cái sảnh của một ngôi đình cổ. Những cột tròn sơn son chạm trỗ những hình thù kì quái. Vòm mái cong vút. Chỗ góc phòng lố nhố những bóng người nhìn không rõ mặt ẩn sau làn khói trắng mờ mờ ảo ảo. Gần đấy, chính giữa vách hậu có cánh cửa sắt lớn đang đóng im ỉm. “Mình đang ở đâu thế này?”. Hoạch nói thầm. Bỗng một người trong số đó bước ra, đi lại chỗ Hoạch, giọng quen quen:
- Anh không nhận ra em sao?
- Dung! Hoạch thảng thốt kêu lên.
- Em đây, Dung bước lại gần, gương mặt cô nhợt nhạt, môi run run, cuộc đời em bạc phận, em hối hận vì chuyện ngày trước. Em đã lầm lẫn. Giá như ông trời cho em một cơ hội bắt đầu lại thì em sẽ bất chấp tất cả mà đến với anh.
Giọt nước mắt Dung ứa ra làm Hoạch chạnh lòng. Trong lúc, Hoạch đang bối rối, xúc động, một người tầm thước bước tới:
- Thật đáng thương! Cháu phải thông cảm cho hoàn cảnh tội nghiệp của cô ấy.
Chú Thao. Không nhầm lẫn được. Hoạch mừng rỡ như bắt gặp một điểm tựa:
- Cháu gặp tai vạ, bị người ta ức hiếp.
- Oan trái, bất công là chuyện muôn thuở của cõi đời. Thời nào cũng vậy, không tránh khỏi. Thân cô thế cô như cháu đi tìm công lí khó khăn đấy. Đáng tiếc, giờ chú không giúp gì cho cháu được.
- Cháu phải làm sao đây?
- Làm lớn chuyện không có lợi cho cháu, không có lợi cho nhiều người, lại bị kẻ xấu lợi dụng thì không nên làm. Cháu nên học chữ nhẫn, hãy nhớ: “Một câu nhịn, chín câu lành”. Cháu biết yên phận thì tránh được mọi phiền phức về sau, cuộc sống cháu mới được bình yên.
Sao chú Thao lại nói với mình như vây? Hoạch chợt nhớ chú với tay sếp kia có quen biết. Một lần, Hoạch thấy hai người vui vẻ cùng vào một nhà hàng sang trọng. Lẽ nào chú Thao…
Hoạch phân vân không dám nghĩ tiếp. Chú Thao nói một cách quả quyết:
- Cháu cứ nghe lời chú đi. Cháu không tin chú sao?
Im lặng. Hoạch nhìn quanh quất như cố nhớ ra điều gì. Anh hỏi:
- Đây là đâu vậy chú?
- Cháu không biết thật sao? Chỗ này là âm phủ. Giọng chú Thao trở nên khô khan, trỏ cánh cửa sắt, chú nói tiếp, cánh cửa dẫn xuống các tầng địa ngục. Chú chỉ vào những cái bóng đứng ngồi ở góc phòng, đó là những hồn ma đã được diêm vương phán tội đang chờ mở cửa địa ngục để giải đi.
Hoạch rợn người. Anh ngửi thấy mùi âm khí nặng nề, miệng lắp bắp:
- Chẳng lẽ… chú và Dung cũng… ở trong số đó.
- Đúng vậy, chú và cô ấy đang đợi đến lượt mình.
Sững sờ! Hoạch như không tin vào tai mình nữa. Gương mặt chú Thao và Dung bỗng méo mó đáng sợ. Căn phòng tự nhiên chao đảo. Chú Thao, Dung và những cái bóng ma mờ dần rồi biến mất. Hoạch chới với nhưng cố hét lên:
- Dối trá! Trời ơi! Kinh khủng quá!
Nghe tiếng hét, Hân giật mình ngồi xổm dậy, bước sang giường Hoạch. Trong mùng, Hoạch đang giẫy giụa, tay đập xuống chiếu, mồ hôi chảy như tắm. Hân đánh thức bạn:
- Chuyện gì vậy?
Hoạch mở mắt ra, gương mặt anh đang bị kích động:
- Dối trá! Thật không thể tin nổi.
- Ai dối trá? Dối trá chuyện gì?
Bình tĩnh trở lại, không có vẻ gì của một người bệnh, Hoạch kể giấc mơ cho Hân nghe. Xong, Hoạch gằn từng tiếng:
- Tới cửa địa ngục mà còn nói được những lời lẽ như thế.
Hoạch xuất viện về nhà. Vụ việc rồi cũng được đưa ra xét xử. Nhưng, từ khi bình phục, không hiểu sao Hoạch dửng dưng không quan tâm đến vụ kiện ấy. Càng lạ hơn, trên tòa, anh đề nghị giảm nhẹ tội cho những tên ngỗ nghịch đó. Anh ít nói hơn trước, ngại tiếp xúc, các mối quan hệ thưa dần. Hoạch sửa lại mái nhà dột, đỡ đần má từ việc nhỏ đến việc lớn. Điều mà xưa nay Hoạch ít khi làm. Anh lại xin được chân bảo vệ một công ty sản xuất tư nhân. Má anh vui hẳn lên. Trông bà như trẻ ra. Người ta bàn tán về Hoạch đủ điều, có người cho là do di chứng bệnh tâm thần làm tâm tính anh thay đổi. Có người lại cho rằng Hoạch xuống nước để được yên thân… Hoạch nghe hết nhưng vẫn không nói gì. Anh sống hồn hậu, chan hòa với mọi người như chuyện vừa qua chưa từng xảy ra trong đời.
P.H.H (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét