Cây bút trẻ Lưu Quang Minh
Đều
đặn năm nào cũng vậy, ngay từ những ngày giáp tết chàng đã có mặt ở vị trí quen
thuộc trên vỉa hè con đường người ta đang tất bật trang hoàng chẳng mấy chốc sẽ
tràn ngập hoa và người của cả thành phố đổ về.
Lại tết. Quay qua
quay lại đã đến tết…
Chàng gọt nhọn đầu bút
chì, căng giấy lên tấm bảng vẽ theo mình từ năm nhất đại học đã bong tróc cũ sờn
nhiều chỗ, rồi gôm, than, màu, đủ thứ linh tinh lỉnh kỉnh khác… tất cả đều
trong trạng thái sẵn sàng chờ khách đến.
Không quên chuyện “tiếp
thị”, chàng dán lên tấm bảng lớn dựng kế bên những bức chân dung đủ mọi độ tuổi
già trẻ lớn bé mình từng vẽ mà chàng cảm thấy ưng ý nhất. Có thể là chân dung bạn
bè thân thuộc hay của cô bác nào đó chàng có dịp ký họa khi đi thực tế những
năm học trước, cũng có thể là khuôn dạng một người nổi tiếng mà mọi người nhìn
vào đều có thể nhận ra ngay.
Hai mươi tám tết, chàng
ngồi từ sáng cho đến trưa. Nắng chang chang chiếu thẳng đứng xuống đỉnh đầu. Bóng
râm dần biến đi đâu hết. May mà chàng luôn sùm sụp cái nón trên đầu.
Người người tới tới
lui lui, có khi dừng lại ngắm nghía mấy bức chân dung một lúc, rồi lại đi. Tất
nhiên – chàng nghĩ – giờ này không nhiều người kiên nhẫn cố gắng ngồi yên như
tượng những mười phút cho chàng hí hoáy một bức chân dung chỉ để đem về nhà làm
kỷ niệm. Phải chiều mát cơ, may ra… Nhưng chàng vẫn ngồi đây, lặng lẽ quan sát
dòng người kéo về càng lúc càng đông.
Đúng vậy, càng lúc
càng đông - dù có là giữa trưa nóng nực đi chăng nữa. Đường hoa mỗi năm chỉ có
một lần thôi mà, người ta phải tranh thủ chứ.
Có lẽ hầu hết người
đi chơi đường hoa đều là dân thành phố. Bản thân chàng cũng sinh ra ở thành phố
này. Những ngày này bạn bè đồng môn của chàng gần như đã về quê hết - chỉ còn số
ít nhà cũng ở đây giống chàng, hoặc ra một quyết định khá khó khăn là tết này mình
sẽ không về quê. Cho nên, ăn tết xong nhiều bạn ở quê lên vẫn thường hỏi han chàng
đường hoa này ra làm sao, không khí thế nào vì có bao giờ được đi xem trực tiếp
đâu, chỉ toàn là nghe nói thôi…
Phải rồi, đường hoa đến
mùng bốn tết là dọn dẹp xong xuôi sạch trơn cả, ở quê ăn tết xong muốn lên xem
cũng không kịp. Ngược lại, người ở thành phố tết nhất chỉ có đi đường hoa là thấy
đông vui nhất. Ngoài chốn này ra thì phố xá khá là vắng vẻ, hàng quán nào cũng
đóng cửa im ỉm hết, người ta ăn tết cũng chỉ trong họ hàng gia đình bè bạn với
nhau thôi.
Chàng quay sang anh
“bạn đồng nghiệp”, gật đầu:
Đứng dậy vươn vai cho
đỡ mỏi, chàng chạy lại chỗ quán cơm bình dân quen thuộc gần đó mua hai hộp cơm
rồi lại chạy về.
“Ừ, anh cảm ơn, ngồi
ăn đi em, đói bụng ghê!”
Hai anh em mở hộp cơm
nóng hôi hổi, vừa ăn vừa trò chuyện – dù cả hai vốn đều thuộc tuýp kiệm lời.
Anh Hải lớn hơn chàng
hai tuổi, nhưng học chung lớp đại học. Anh nằm trong số những người quyết định năm
nay sẽ không về quê ăn tết. Thật ra thì mọi năm, anh đều quyết định như vậy.
Anh chính là người đầu tiên rủ rê chàng cùng ra đây ngồi vẽ chân dung cho người
ta.
“Cứ thử xem sao Nam,
vừa rèn luyện tay nghề vừa kiếm thêm ít thu nhập…”
Chàng lưỡng lự đôi
chút rồi gật đầu. Vậy là anh em triển khai ngay, từ năm nhất. Chỉ mới đó thôi thế
mà thấm thoát cả hai đã sắp ra trường tới nơi.
“Nhanh thật, Nam nhỉ,
đã năm năm rồi!”
“Dạ, đúng là nhanh thật!”
Chàng vừa nhai cơm lại
vừa quan sát dòng người qua lại tấp nập bên trong đường hoa kia. Ai cũng đẹp đẽ,
xúng xính với váy áo tươi xinh bên gia đình người thân và bạn bè. Người nào người
nấy đều tranh thủ tạo dáng, lia lịa chộp lại những “pô” hình lung linh nhất làm
kỷ niệm cho bõ công đội nắng chang chang.
“Hình như từ khi có máy
ảnh, dần dần chỉ còn ít người quan tâm đến chuyện lưu lại chân dung mình bằng cách
khác, phải không Nam…”
Anh Hải luôn như thế,
hay nói những câu bâng quơ, vậy mà thường đọng lại trong chàng rất nhiều suy
nghĩ – lắm khi ngổn ngang xen lẫn ngậm ngùi.
Ăn xong, chàng với lấy
hai chai nước suối chuẩn bị từ lúc sáng, một chai tu ừng ực cho đã khát rồi đưa
chai còn lại cho anh Hải.
Mồ hôi ướt đẫm lưng
áo chàng từ lâu.
Dòng người càng lúc
càng đông.
Dù vậy, vẫn chưa thấy
một vị khách nào hỏi thăm.
Ánh đèn đường vàng vọt
trùm lên hai bóng người đang cặm cụi hí hoáy với cây bút chì và tờ giấy. Trước
mặt chàng là cậu nhóc năm tuổi xếp tay ngay ngắn trên đùi, cố gắng ngồi thật
yên với gương mặt nghiêm trang. Ba nó đứng xem, hết nhìn vào chân dung chàng
đang phác họa lại nhìn thằng con trai.
“Giống lắm Bin ơi,
ráng ngồi yên nghen con!”
“Dạ!” – Giọng nó dõng
dạc.
Kế bên chàng, anh Hải
đang vẽ chân dung cho một bác gái đã ngoài ngũ tuần. Cô con gái đứng phía sau
bác có vẻ sốt ruột:
“Xong chưa má, lâu
quá đi!”
Vừa nói nàng vừa giơ
điện thoại lên trước mặt, tự chụp cho mình vài kiểu hình theo phong cách giới
trẻ gọi tên là “tự sướng”. Tất nhiên, hình ảnh làm nền cho nàng chính là anh Hải
và bác gái kia. Có lẽ nàng sắp cập nhật vài dòng trên “phây-búc”, đại loại:
“Đang đợi ma-mi vẽ
chân dung ở đường hoa! Vui vui!”
Chàng đoán được vì em
gái chàng ở nhà vẫn thường xuyên như thế. Cả bạn bè học cùng chàng nữa. Đi đâu
cũng thấy người ta cầm điện thoại “chếch-in”, lướt “phây-búc” mọi lúc mọi nơi.
“Lâu quá!” – Nàng bực
bội dòm lom lom vào tờ giấy anh Hải đang vẽ dở.
Anh Hải im lặng.
Chàng cũng im lặng. Trong đầu chàng lại vang lên lời của anh Hải ban chiều:
“Thời đại này dường
như cái gì cũng trở nên vội vã gấp gáp, ai cũng phải nhanh hơn mau hơn mới được,
phải không Nam?”
Đúng lắm. Có lẽ thời gian với nhiều người quan
trọng vô cùng… Có lẽ vậy.
“Nhanh đi má ơi, chưa
chụp được tấm nào trong đường hoa để “ấp” “phây-búc” hết nè!”
Nói xong, nàng quẹt
tay lên màn hình điện thoại, đọc được gì đó rồi tủm tỉm cười một mình. Một người
bạn của nàng đang cập nhật trạng thái mới chăng?
Cuối cùng chàng cũng
hoàn tất chân dung cho thằng bé.
“Giống lắm! Bin cảm
ơn chú đi con!”
Nó cầm lấy bức tranh
ba đưa cho, reo lên sung sướng:
“Đẹp quá à! Con… cảm
ơn chú!”
Cảm thấy vui hơn hẳn,
chàng mỉm cười đáp lại:
Nhận tờ năm mươi
nghìn từ ba, nó đưa lại cho chàng:
Chàng nhìn theo bóng
một cha một con khuất dần cho đến khi lẫn vào đám đông nhộn nhịp bên trong kia.
Quay sang anh Hải, bức chân dung cũng sắp sửa hoàn thành. Gương mặt người phụ nữ
trong tranh toát lên vẻ hiền lành phúc hậu, rất giống với người thật. Anh Hải
thực sự là người có tài. Chàng nhớ lần đầu tiên gặp anh là ở lớp luyện thi vào
trường. Lúc đó chàng đã ấn tượng trước khả năng của anh lắm rồi. Và quả thật, kỳ
thi năm đó anh Hải trở thành thủ khoa đầu vào. Chàng nể anh không chỉ vì tài vẽ
mà bởi cả tính tình. Tuy giỏi nhưng anh không bao giờ tỏ ra tự mãn, lúc nào
cũng bình dị giản đơn, suy nghĩ chuyện gì đều sâu sắc thấu đáo. Chơi với anh,
chàng học hỏi được rất nhiều.
“Của cô đây ạ!” – Anh
Hải cuộn bức tranh lại đưa cho bác gái.
“Cô cảm ơn, con vẽ đẹp
lắm!”
Giọng cô con gái bác ngúng
nguẩy đằng sau:
“Đi thôi má, tự nhiên
mất thời gian vô mấy cái…”
Ánh mắt ái ngại của
bác gái dừng lại một chốc nơi anh Hải rồi vội vã hướng về đám đông trong kia.
Chàng không thể nghe hai mẹ con dùng dằng to nhỏ điều gì một chốc nữa - trước
khi mất hút trong dòng người kia - mà cõi lòng chỉ còn ngập trong hoang mang,
buồn tênh như nụ cười thoáng hiện trên môi anh Hải.
“Là vậy đó, Nam. Thời
của… máy ảnh… mà.”
Phải rồi. Thời của
công nghệ. Thời của hiện đại. Thời của tiện lợi và nhanh chóng. Thời của
ai-phôn, phây-búc… Người ta không thể mất quá nhiều thời gian…
Những khuôn dạng cứ hiển
hiện lại chập chờn trước mắt chàng. Từ lúc nào chàng thấy mình dần biến thành một
cỗ máy - vẽ vẽ gôm gôm bất kỳ ai ngồi xuống. Chàng vẽ, nhận tiền, đưa tranh cho
khách, rồi lại vẽ. Âm thanh hỗn độn của người và xe dần trở nên xa xăm khi
chàng rơi tõm vào một chốn tĩnh mịch, cả hai tai chỉ còn lại mớ bít bùng.
Nơi đó chàng được vẽ.
Không phải để kiếm tiền. Không phải để mưu sinh. Chỉ là nơi chàng được vẽ thật
sự - bằng tất cả đam mê và ham thích.
“Nam, tốt nghiệp rồi
em sẽ làm gì?”
Câu nói của anh Hải
xuyên qua tai, kéo phăng chàng trở lại thực tại. Chàng toát mồ hôi hột khi phía
trước mặt trắng xóa như tờ giấy vẽ trên tay.
Người ta ngoài kia được
sum vầy với gia đình, quây quần bên bạn bè dạo đường hoa, tận hưởng cái Tết mỗi
năm chỉ có một lần. Còn chàng và anh Hải ngồi đây, nơi góc đường này, đã năm
năm trôi qua rồi…
Chợt, một giọng nói
khác từ đâu đó vang lên:
“Đẹp quá à! Con… cảm ơn chú!”
Trong một cơn xúc động
không kìm nén được, chàng đáp:
“Em sẽ vẽ! Dù có thế
nào đi nữa em vẫn sẽ vẽ, anh Hải ạ!” ./.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét