Nhà văn Trần Huiền Ân
Những ngày gần cuối tháng Chạp, tôi đã có một chuyến “đi xa” vào Tuy Hòa, để thăm Thầy, thăm bạn, và học trò cũ của “một thời để nhớ”. Chuyến đi nầy “không giống” những lần ghé Tuy Hòa vội vã của những tháng năm lưu lạc, lao đao cũ. Tôi đã có hẹn với Thầy Thiện Đạo vào để dự lễ Phật Thành đạo ở chùa Phi Lai, với bạn văn, đồng nghiệp, và với học trò cũ trước khi Tết đến. Những chuyến ra đi bất chợt không hề hứa hẹn, trong nỗi bất hạnh bất an thường trực của một thời, đã tạm yên vắng!
Tôi xin ghi lại đôi điều về một buổi sáng sớm an lành, hạnh phúc ở hiên nhà anh Trần Huiền Ân, hẻm 20/3 Chu Mạnh Trinh – nơi tôi vẫn thường “dừng chân” đầu tiên khi đến Tuy Hòa từ nhiều chục năm nay; như để lưu giữ một kỷ niệm.
Mặc dầu đã thân quen anh và gia đình từ năm 1967, đã sống gần gũi anh như một người thân, gặp nhau chia sẻ tâm sự nhiều lần, nhưng tôi chưa “đủ duyên” để ghi lại một kỷ niệm nào. Lý do: cứ lần lữa hẹn, nhất là viết về một nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu - biên khảo đã có trên 50 năm cầm bút thì không thể dễ dàng chút nào. Có rất nhiều điều cần viết về anh, về đời sống cũng như về tác phẩm. Nhưng hôm nay, cảm thấy không thể “chờ đợi” lâu hơn nữa, khi chúng tôi đang cùng có một buổi sớm mai sum hợp ấm áp; tôi xin “ghi vội” đôi điều về anh.
4 giờ 30 giờ sáng, vợ chồng anh đã cùng đi bộ ra ngoài để tập thể dục như mọi ngày, tuy trời đang rất lạnh. Chị hỏi “chú Long có đi không?” Tôi cười: “Tôi làm biếng, tập dịch cân kinh ở sân nhà được rồi!”
Tôi pha bình trà, một gói café G7, ra ngồi ở chiếc bàn thấp đặt sẵn bên góc hiên nhà, nhìn bầu trời Tuy Hòa còn mờ đục hơi sương; đốt một điếu thuốc đầu ngày, như ở hiên nhà mình…
Từ trái sang: Mang Viên Long & Khánh Linh & Chị Minh Quân & Trần Huiền Ân
(ảnh chụp tại Tuy Hòa, năm 1973)
Mang Viên Long rót một tách trà, đặt trước mặt anh Trần Huiền Ân ngồi đối diện, cùng bàn:
- Không gặp lại anh gần một năm, nhưng tôi cảm thấy “sắc diện” anh vẫn không có gì thay đổi lắm. Hiện tại anh có bệnh “mãn tính” nào tiềm ẩn có thể làm “cản trở” việc sáng tác của anh không?
Trần Huiền Ấn hớp một ngụm trà nhỏ, cười hiền:
- Tôi theo dõi đề phòng bệnh huyết áp và tiểu đường thôi. Thường xuyên tự đo kiểm tra và uống thuốc ngừa. Tuy vậy, lũ nhỏ ở gần thì "kiểm soát" ở xa thì "nhắc nhở tôi kỹ lắm!”. Chuyện bệnh đau chưa có ảnh hưởng gì nhiều đến việc sáng tác hằng ngày của tôi. Anh biết rồi, tôi đã mổ mắt cườm ba năm, đọc rất rõ – nhưng ngồi để viết không được lâu như xưa! Có khi những dòng chữ trên màn hình hơi bị nhòa và hơi mỏi mắt.
Mang Viên Long cười chia sẻ:
- Tôi cũng đã mổ mắt như anh biết, cũng “giống” trường hợp của anh vậy thôi. Nhưng được vậy là cũng vui rồi, đang bước vào tuổi 78 như anh mà hằng năm đều có tác phẩm biên khảo – nghiên cứu dày dặn để tiếp tục giới thiệu với bạn đọc, cống hiến cho Văn học, cũng hiếm đấy! Vậy, hằng ngày anh thường viết vào lúc nào?
Trần Huiền Ân (ngẫm nghĩ):
- Thường bắt đầu từ giữa buổi sáng – tức là hơn 8 giờ giờ. Xế chiều và buổi tối tiếp tục viết một lúc nữa. Tóm lại, là viết lúc cảm thấy “yên” mà khỏe; chứ không phải “đợi có hứng” như một số người đã nói vậy. (cười) Buổi tối, tôi viết ít thôi…
Mang Viên Long (nhâm nhi hớp trà):
- Tôi nhớ một lần ghé thăm tòa soạn Vấn Đề ở 38 Phạm Ngũ Lão, gặp nhà văn Mai Thảo, trong lúc chuyện trò, tôi có hỏi thăm, anh làm công tác biên tập, quan hệ nhiều, nhưng vẫn có nhiều tác phẩm dày dặn được xuất bản – vậy có lẽ anh thường viết về ban đêm? Nhưng anh có vẻ ngạc nhiên, đáp: “Ban đêm thiên hạ nghỉ ngơi, vui chơi, mình “dại” gì ngồi cặm cụi một mình?” (cười) Khi hoàn cảnh ngặt nghèo không thể ngồi yên ban ngày để viết, tôi chỉ còn thời gian ban đêm. Nhưng từ khi được thư thả, tôi nghiệm thấy lời anh Mai Thảo là có lý… Thật ra, chuyện viết ban ngày hay ban đêm, viết lúc nào – còn tùy ở thói quen và hoàn cảnh của mỗi người, phải không anh?
Tôi nghĩ, anh đã có ròng rã trên 50 năm cầm bút, viết – như một cây bút chuyên nghiệp, thì anh đã có “thói quen” vậy rồi! Nhất là về sau, khi anh chuyên viết biên khảo và nghiên cứu, thì sự cần mẫn và cẩn trọng là hai điều kiện cần ban đầu. Tôi cũng nghĩ như anh, nếu “đợi hứng” để viết một cái truyện (hay một bài tiểu luận, tạp bút) thì có thể sẽ… rất lâu! Tôi nhớ, đến nay, anh đã xuất bản được 29 tác phẩm – trong đó có 4 tập thơ, 8 tập truyện ngắn, và 17 tập biên khảo - nghiên cứu; vậy thì thời gian nào anh viết đều đặn những bài tạp bút, phiếm đàm - nhàn đàm, cho các báo (…)?
Trần Huiền Ân (cười):
- Là những lúc tôi chưa có thể tiếp tục viết sách, vì nhiều lý do, nên tự cho mình được thư giãn – nhưng lý do gần gũi là “có hẹn & bị thúc nhắc”, hay cảm thấy cần ghi nhanh một số ý tưởng mới nào đó…
Mang Viên Long (đốt một điếu thuốc – cười):
- Vậy là vừa được “thư giãn” vừa có tiền…
Trần Huiền Ân (do dự):
- Đó là một “cái nghiệp”, nhưng đó cũng là niềm vui – niềm vui lớn hơn...
Mang Viên Long:
- Anh viết mỗi bài tốn bao nhiêu thời gian? Mỗi bài cần mấy trăm chữ vậy?
Trần Huiền Ân:
- Tôi thường viết và cả đọc lại, không hơn vài giờ! Ý tưởng, tư liệu đã sẵn có, chỉ ngồi lại và viết thôi! Bình thường, theo yêu cầu là 900 chữ!
Mang Viên Long:
- Có thể hơn chứ, nếu cảm thấy rất cần thiết?
Trần Huiền Ân:
- Nhưng nếu thấy quá cần thiết, thì cứ viết thêm, nhưng không được thêm nhiều. Giới hạn của trang báo tập cho mình viết cô đọng, không thể lan man, tùy tiện, nên lâu dần quen. Tôi có “kinh nghiệm”, bôi đỏ những dòng “thừa chữ” trước khi gởi đi. Trang báo dành cho chuyên mục còn chỗ, họ sẽ dùng hết! Còn không, họ sẽ biên tập ngay đoạn mình “bôi đỏ” phòng khi không còn “đất”, cho đỡ mất công người phụ trách, nhất là không để “khó xử” cho đôi bên!
Mang Viên Long (cười):
- Tôi nghĩ, cách viết ngắn gọn, cô đọng mà sâu sắc mới lạ, luôn là cách viết tốt nhất cho những bài tiểu luận, tạp bút. Đó là một kinh nghiệm hay! Theo tôi biết, mỗi dự thảo cho cuốn sách nghiên cứu hay biên khảo, nếu được Hội Văn Học Dân Gian xét duyệt, chấp thuận – sẽ được tài trợ để hoàn thành. Mỗi năm anh nhận được tài trợ cho mấy cuốn?
Trần Huiền Ân (đưa tách trà lên, chậm rãi hớp từng ngụm):
- Tùy theo công trình dự định sẽ hoàn thành được xét, có năm một, có năm hai cuốn! Sự hỗ trợ đã thật sự giúp cho tác giả có điều kiện hơn, để hoàn thành tác phẩm đúng thời gian. Viết biên khảo - nghiên cứu cần nhiều tư liệu, cần điền dã tại chỗ để thu thập tư liệu mới, ghi ảnh v.v... Ngoài khoản tài trợ để hoàn thành tác phẩm, khi sách được xuất bản, cũng được chi trả nhuận bút. Nhưng chỉ được nhận 2 cuốn sách biếu thôi!
Mang Viên Long (cười lớn):
- Như vậy họ nghĩ, tác giả chỉ có 1 người bạn sao?
Trần Huiền Ân (cười, đồng cảm):
- Nếu nhiều bạn, cần sách để tặng, thì tác giả phải “mua” thêm thôi! Quy định xưa nay vậy rồi. Có cuốn, tôi phải mua thêm trên vài mươi cuốn…
Mang Viên Long (nhìn lơ đãng ra khoảng sân nhỏ, yên vắng):
- Anh “cảm thấy” thế nào với tình trạng sinh hoạt phê bình hay “điểm sách” hiện nay?
Trần Huiền Ân (ưu tư):
Tôi nhận thấy những bài viết thuộc lãnh vực nầy đều có thể nằm một trong ba trường hợp: 1/ Để thù tạc, khen tặng lẫn nhau. 2/ Để “trù dập”, chơi nhau. 3/ Để “chiếu lệ” hay lấp đầy trang báo… Những bài viết tâm huyết, trung thực – có lẽ chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp!
Mang Viên Long (chia sẻ):
- Tôi rất đồng cảm với anh về “cảm nhận” chân tình nầy! Trong một bài viết ngắn về tình trạng “phê bình văn học” được viết khá lâu, tôi cũng đã có “tâm sự” đôi điều như vậy. Chúng ta cũng chỉ mong cho sinh hoạt VHNT được trong sáng, tiến bộ, nghiêm túc – đúng như yêu cầu, nhiệm vụ của nó. Có như vậy, trước hết, bài viết mới có giá trị trung thực, được tất cả tin tưởng, trong công việc “hướng dẫn” dư luận; và sau đó mới hoàn thành được thiên chức là “nâng cao”, làm phong phú cho sinh hoạt văn học nói chung trong tương lai… Tôi nghĩ, sự thiếu vô tư, thiếu công bình, hay thiển cận, phân biệt và nhất là nạn “phe nhóm” cục bộ, luôn luôn làm cản trở cho sự phát triển của văn học, và “gây tác hại” cho tác giả không ít ở hiện tại cũng như ở tương lai…
Trần Huiền Ân (nâng tách trà, uống một ngụm nhỏ - khẽ cười):
- Muốn đổi thay “nếp cũ” cũng không thể dễ dàng…
Mang Viên Long (nhìn lên mảng trời ngoài sân, phía trên bờ tường, ánh sáng đã rõ – một mầu xanh mát dịu):
Tôi rất vui vì có một buổi sáng ấm áp, hạnh phúc được “đối ẩm” với anh, không thể nào quên! Chúc anh và gia đình được mọi điều an vui nhân dịp năm mới đến, và mùa xuân đang về… Rất mong được có thêm những lần trò chuyên thân tình cùng anh!
Tuy Hòa, những ngày cuối năm Giáp Ngọ
(26 tháng 01 năm 2015)
M.V.L (Bình Định)
Làm một nhà văn chân chính không dễ dàng chút nào phải không anh.
Trả lờiXóaCám ơn anh MVL. Chúc anh luôn vui khỏe.
Thăm Nguyễn Trí Tài! Có lẽ vậy! Phải "gắng" thôi! Chúc Tài & gia đình - an vui nhé! MVL
Xóa- Tôi rất đồng cảm với anh về “cảm nhận” chân tình nầy! Trong một bài viết ngắn về tình trạng “phê bình văn học” được viết khá lâu, tôi cũng đã có “tâm sự” đôi điều như vậy. Chúng ta cũng chỉ mong cho sinh hoạt VHNT được trong sáng, tiến bộ, nghiêm túc – đúng như yêu cầu, nhiệm vụ của nó. Có như vậy, trước hết, bài viết mới có giá trị trung thực, được tất cả tin tưởng, trong công việc “hướng dẫn” dư luận; và sau đó mới hoàn thành được thiên chức là “nâng cao”, làm phong phú cho sinh hoạt văn học nói chung trong tương lai… Tôi nghĩ, sự thiếu vô tư, thiếu công bình, hay thiển cận, phân biệt và nhất là nạn “phe nhóm” cục bộ, luôn luôn làm cản trở cho sự phát triển của văn học, và “gây tác hại” cho tác giả không ít ở hiện tại cũng như ở tương lai…(MVL)
Trả lờiXóaSS cảm ơn anh Mang Văn Long đã cho đọc những "chính kiến" trên. SS cũng mong VHNT được "chỉnh chu" như lời anh đã nói.
SS chúc anh luôn vui khỏe. Mãi là "viên gạch" góp phần làm vững chắc "nền móng" của VHNT.