Nó đang ngồi ở công viên Tết Mậu Thân để ôn
bài, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Bỗng, nó nghe có tiếng rao vang lên như
xé toạc cái yên ắng, giữa cái nắng hanh khô của mùa giáp Tết. Tiếng rao của
bà đến xốn xang: “Bánh tráng đây, bánh phồng đây… đ… ây…”. Nó quay lại
thì thấy một bà lão đang quẩy gánh đi tới. Cơn gió thổi mạnh làm mái
tóc bạc của bà như rối tung cả lên.
Nó vội vàng gọi bà: “Bà ơi! Bán cho cháu
một cái bánh trán đi ạ…!”. Bà đặt gánh bánh xuống và nhẹ nhàng
tháo cái túi nylon to đùng, đầy ắp bánh trán và bánh phồng nướng sẵn. Bà đưa
bánh cho nó. Nhanh nhẹn, bà cất chiếc nón lá và lên đầu. Rồi bà quẩy gánh kẽo kẹt
cùng với tiếng rao. Tiếng rao nhỏ dần rồi mất hẳn giữa buổi trưa oi ả.
Bà lão đi rồi nhưng hình ảnh cái bánh tráng ngày
xưa lại kéo sầm sập về, đong đầy ký ức. Nó nhớ lại những ngày trước.
Thường lệ, khoảng 23-24 (âm lịch) thì học sinh đều được nghỉ học để
chuẩn bị đón Tết. Và những ngày chờ
Tết rất là vui: vui vì sẽ được mặc chiếc áo mới đi chơi, vui vì nồi bánh,
nồi thịt sẽ được múc ra khi cúng rước ông bà… Nhưng điều vui nhất là những
ngày nó phụ mẹ tráng bánh ăn Tết.
Vào đầu tháng Chạp, mẹ nó đã chuẩn bị sẵn
nào là: dừa khô, đậu phộng, gạo ngon để chuẩn bị làm bánh. Còn ba
nó thì lo phần lò nấu bánh và nồi nấu bánh đâu vào đấy. Sau khi
công việc đã hoàn tất, mẹ nó ngâm gạo, rồi xay bột. Nó và chị Tư đảm
nhận việc nạo dừa, còn anh Hai thì nhóm lò. Và mẹ đặt lên một nồi
nấu bánh to đùng. Nó thường hay
đứng quan sát mẹ tráng bánh. Nó thích nhìn mẹ đổ từng vá bột lên
khuôn và dùng chiếc đũa bếp to tráng tráng thành một cái vòng tròn
trịa. Thế là một chiếc bánh tráng đã được định hình. Sau đó, mẹ
nhanh nhẹn lấy chiếc bánh ra đặt lên phên lá dừa đã được bện sẵn. Ba
nó vội vàng vác khung ra sân phơi bánh cho khô. Dường như, cả sân nhà tôi
nhuộm một màu trắng.
Không chỉ nhà nó làm bánh mà trong xóm còn có
nhà bà Tư, ông Bảy, cô Tám… cũng tráng bánh. Và nhà ai cũng có những phên
lá dừa hay liếp tre phơi đầy bánh tráng.
Những ngày cận Tết, ba nó thường bắt xe và
mang vài chục bánh bánh lên Sài Gòn để biếu. Dường như, ai ai cũng
thích món quà dân dã ấy. Nó nhớ lời nói vui của bà Sáu: “Cha con
mầy đừng biếu gì sang trọng hết. Tao chỉ thích món bánh tráng này
thôi… Nhớ năm tới gửi thêm cho dì vài chục nữa nhá…”. Ba tôi mỉm
cười, gật đầu với bà.
Buổi tối, những ngọn gió bấc thổi xào xạc. Ba nó
hay trải chiếu ngồi trước hàng ba với một ấm trà “con dơi” đang ủ trong bình
bằng vỏ dừa. Mẹ nó đốt một đống rơm và đợi ngọn lửa tàn. Mẹ khéo
léo kẹp chiếc bánh vào giữa hai miếng tre. Nhanh tay, mẹ lật qua lật lại
trên lớp than đỏ cho bánh vàng đều và không bị khét. Nó nhớ lời mẹ
dạy: “Bánh có chín vàng đều và giòn thì mới ngon”. Và mùi của
bánh tráng xen lẫn mùi rơm từ những đám cháy bập bùng thật là tuyệt. Nó
hích một hơi thật dài. Sau khi nướng bánh xong, cả nhà nó quay quần
bên nhau vừa ăn bánh vừa trò chuyện râm ran. Thằng Chín nói bi bô: “Bánh
này béo quá hả ba…?!”
Thế rồi, thắm thoát anh em nó lớn lên, đi học
và xa nhà. Anh em nó không còn phụ ba mẹ tráng bánh nữa. Bây giờ, quê
nó có nhiều thay đổi. Bà con trong xóm không còn ai tráng bánh nữa.
Ngay cả gia đình nó cũng vậy, kể từ khi mẹ nó bị chứng “gai cột
sống”. Nó không còn nhìn thấy cảnh
mẹ nó lúi húi tráng chiếc bánh tròn tròn và chứng kiến cảnh cả
xóm thi nhau phơi bánh trắng cả sân. Nó chợt thèm ăn chút bánh tráng ướt mới tráng nhưng sao khó quá! Nó thấy lòng mình xao xuyến đến lạ.
Mặc dù ngày nay, bánh tráng thì vẫn được mang đi rao
bán khắp nơi. Bán cho những ai không còn có thời gian... như nó. Nhưng nó
vẫn thấy thiếu thiếu một chút gì đấy?!
V.S (Tiền Giang)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét