- Đấy
cụ nhấp thử cái loại trà này xem. Cái hậu của nó sao mà ngọt thế!
Bác
Phát vừa nói vừa nâng chung trà mới hãm, chiêu một ngụm. Loại trà móc câu Bắc
Thái mà người cháu ngoài quê vừa gửi vào làm quà cho bà nội tôi. Tôi phì cười
vì nghĩ thầm loại chung trà bé xíu ấy phải uống cỡ vài chục cái mới đã khát.
Không khéo nhai cả chung ấy chứ. Nhìn tôi, ông tủm tỉm:
- Cháu
không thể hiểu nổi các bác đâu. Uống trà như các cháu trong ly trong cốc, các
cụ gọi là “ngưu ẩm” nghĩa là uống như trâu uống nước ao. Mình phải biết thưởng
thức cháu ạ. Thế người ta mới có cái gọi là Trà Đạo.
Mảnh
sân không rộng nhưng có đủ chỗ cho năm bảy người quây quần quanh một cái bàn đá
lộ thiên. Chiều chiều bạn bè của bố tôi hay bà con trong họ hay tạt vào tán
gẫu. Đó là cái thông tấn xã đầu đời nơi tôi thu thập mọi thông tin về cuộc sống
chung quanh. Thôi thì mọi đề tài. Từ chính trị thế giới cho đến các tin “xe cán
chó, chó cán xe”.
Bác
Phát không có họ hàng gì nhưng là bạn trong ngành xây dựng cùng với bố tôi nên
rất thân và thường hay ghé nhà hàn huyên tâm sự. Bác thì quảng bác kiến văn lắm, từ tình hình thời sự trong nước ngoài nước cho đến cả trà đạo và có đôi khi cả
kiếm đạo gì gì nữa. Nghe bác thuyết giảng thì cái gì dễ cũng thành đạo cả.
Chúng tôi tự hỏi có cái đạo gọi là Đạo ngủ gật cho lũ nhóc chúng tôi, cứ
nghe chuyện người lớn là y như rằng ít phút sau là không biết con mắt nằm ở đâu
nữa. Thế nhưng có hôm bác Phát gọi chúng tôi ra nghe bác kể chuyện đường rừng
hay ra phết. Bác kể về thời lăn lộn trong rừng đi buôn cái gì ấy mà bác không
nói rõ. Bác đánh nhau với thú dữ và cả bọn phỉ nữa. Đánh hàng ngày như cơm bữa.
Không đánh nhau ăn mất ngon. Bố tôi kể nghe nói bác cũng là tay võ nghệ siêu
quần, từng vô địch kiếm thuật năm 23 tuổi.
Nhìn
mặt bác rất có uy. Cằm bạnh, mặt vuông, tướng tá trông ra con nhà võ, hình như
bác có râu quai nón nhưng đã cạo nhẵn thì phải. Tiếng nói vang và ấm. Đặc biệt
là tiếng cười lúc nào cũng sang sảng như chuông ngân. Ăn to nói lớn nhưng uống
thì lại chậm rãi và từng ngụm nhỏ. Lũ chúng tôi bao lần chứng kiến bác uống trà
hết sức cầu kỳ mà uống bằng một loại tách quá bé so với cái miệng của bác.
Một
tuần bác ghé qua nhà tôi hai hoặc ba lần, mỗi lần vài tiếng. Có hôm từ trưa đến
chiều, hay từ chiều đến tối. Vợ bác mất lâu. Bác chỉ có hai cô con gái rượu và
có ai hỏi bác lại cười khà khà mà nói rằng mình mất cái nhiễm sắc thể Y rồi còn
toàn X thôi nên có lấy ai mà đẻ nữa thì cũng ra giống cái thôi.
Anh tôi
có hôm kể lại thấy bác bắt sống một thằng giựt đồ đầu hẻm bằng một tay túm vào
giữa yết hầu của nó như một cái gọng sắt nhưng bác lại nhân từ tha cho nó sau
khi bảo nó phải đổi nghề đi, chẳng có tương lai gì đâu với cái trò giựt dọc móc
túi này.
Mẹ bảo
bố mày nghiện ông Phát, nói chuyện hàng mấy tiếng đồng hồ. Ở đâu ra mà lắm
chuyện thế không biết. Có hôm tôi còn nghe bác đọc cả thơ nữa. Có một đoạn thơ
trong bài mà sau này tôi biết là “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trác thường được bác
cao hứng ngâm lên: “Trai trẻ
bao lâu mà đầu bạc, Trăm năm thân thế bóng tà dương. Vỗ gươm mà hát, Nghiêng
bầu mà hỏi, Trời đất mang mang, Ai người tri kỷ, Lại đây cùng ta cạn một hồ
trường.”
Dần dà,
cuộc sống những ngày đầu giải phóng với những khó khăn lo toan tất bật khiến
cho những ngày thanh thản ngồi nghe bác Phát kể chuyện ngày càng ít dần. Anh em
tôi bận bù đầu với những kỳ thi và những ngày xếp hàng mua nhu yếu phẩm theo
tem phiếu. Thời buổi cơ cùng. Công việc bố tôi trở nên ế ẩm. Chẳng mấy ai xây
nhà. Nhưng bác Phát vẫn như người vô tư sống ngoài vòng cơm áo. Bác vẫn uống
trà, chơi cờ tướng, ngâm vịnh thi ca chừng như cái gieo neo của cuộc sống chẳng
thấm tháp gì với cái thiên ma bách chiết mà bác đã trải nghiệm qua. Tôi vẫn
nghe bác chậm rãi đọc cho bố tôi nghe những câu thơ của một nhà thơ Nhật Bản
nào đó mà tôi cam đoan rằng bố tôi lúc ấy chẳng có lòng dạ nào mà thưởng thức,
dù cả hai đang ngồi trong sân ngắm hoa và những cây sứ dại của bà trồng.
Sao mà
lòng bác thanh thoát đến thế! Dù rằng có hôm tôi vẫn bắt gặp trong mắt bác
những tia nhìn hơi rờn rợn đến nỗi tôi không dám nhìn thẳng. Có cái gì bí hiểm
như những câu chuyện đường rừng bác kể. Hay là vì bác đã ăn thịt hổ lại đang
dùng rượu ngâm cao hổ cốt trong nhà như bác thường khoe. Thế nhưng bác
vẫn là người bạn tốt cho cả gia đình nên không ai hơi đâu mà nghĩ ngợi mông
lung.
Mùa
đông năm ấy, bà tôi mất. Gia đình đang gặp cơn ngặt nghèo lại phải chạy lo tang
cho bà. Đúng lúc ấy, bác Phát xuất hiện. Bác lẳng lặng nói:
- Anh
chị hãy để tôi lo cho bà. Gọi là giúp nhau một tí lúc cơ nhỡ. Đừng bận tâm tiền
nong gì.
- Ấy
chết! Mẹ tôi nói, “Bác có phải con cháu gì đâu mà chúng tôi lại phiền lụy đến
bác, cứ để mặc chúng em lo cho bà. Giàu nghèo gì thì cũng phải lo cho mẹ chu
toàn chứ.”
-
Không, sao lại khách sáo thế!
Bác gắt
lên và mọi người hiểu bác thực tâm muốn giúp nên yên lặng mà lòng tràn đầy cảm
tạ.
Còn gì
quý hơn một người bạn thân tình và lại giàu có xuất hiện trong khi quẫn bách.
Bác
xăng xái còn hơn người nhà từ đi chọn áo quan cho đến lo kèn trống, sư thầy,
đất đai, không từ nan chuyện gì. Hôm liệm bà, tôi thấy bác thừ người ra, buồn. Bác
bảo bác nhớ đến mẹ mình. Đã mất lâu rồi mà lúc bà ấy còn sống bác cũng nghèo
lắm không có tiền lo ma cho mẹ.
Đám
tang bà tôi vào lúc ấy được xem là quá lớn và trọng thể so với khả năng gia
đình có thể cáng đáng. Nào phường bát âm, nào xe nhà đòn Đức Bảo, nào xe đưa
rước khách tiễn lên tận huyệt, nào chụp hình. Một tay bác bỏ tiền ra. Hôm mẹ
tôi lấy tiền phúng điếu trả lại bác. Bác lại gắt: “Ô hay, thím này lạ. Xem như
cái đám ma này là tiền tôi phúng viếng cho bà.” Thoạt đầu mẹ tôi ái ngại
nhưng sau có người hàng tổng ở gần nhà bác Phát bảo:
- Chị
cứ cất đi mà xây mả cho cụ rồi còn cúng thất nữa. Cho thế chứ cho nữa cũng
chẳng thấm gì với nhà ông ấy đâu.
Người ta đồn rằng ông thầu khoán, giám đốc công ty xây dựng Hưng Phát ấy giàu
lắm, cực giàu nữa là khác. Ba căn nhà mặt tiền. Hai miếng đất to. Ấy là phần
nổi còn phần chìm chắc phải gấp nhiều lần số ấy. Lại thêm hai cô con gái xinh
như hoa đang học trường Tây. Khối anh mê làm con rể. Chỉ có một điều khiến mọi
người thắc mắc là ông ấy không có vợ mới dù thiên hạ vẫn kháo nhau: “Người như
ông ấy ới một tiếng là con gái vào đầy một nhà.”
Thời
buổi khó khăn là thế mà bác vẫn không ngớt việc. Bác lại chuyển sang nghề khác:
mua xe đò chạy liên tỉnh. Để rồi ngày ngày dạo phố nhìn thiên hạ tất tả
ngược xuôi vất vả.
Thế
nhưng cuộc đời có những khúc quanh oái oăm mà người ta gọi là những bước ngoặt
của số phận. Nhưng nghĩ cho cùng cái lý vô thường biến ảo tưởng như không ai
lường trước có khi lại chỉ đi vòng tròn trong luật đời vay trả trả vay.
Ngày
cúng thất đầu tiên bà tôi, bác Phát bất ngờ đến với một giỏ trái cây trên tay.
Trò chuyện hồi lâu, mọi người tản mác đi cả còn lại bố tôi với bác. Tôi cũng
nằm trên bộ ván thiu thiu ngủ. Bỗng dưng tôi nghe bác hỏi:
- Hôm
đám bà, tôi thấy có mấy anh quen quen ở huyện Kim Thành?
- Quê
tôi ở Kim Thành mà.
Bác
Phát vỗ đùi đánh đét một cái. Tôi bật người dậy.
- Thôn
An Bình à? Thế bác có biết bà Chánh Am không?
Bố tôi
sững người vì Am là tên ông nội tôi. Bố tôi hỏi lại:
- Biết,
biết quá rõ nữa là khác.
Bác
Phát nhìn mông lung lên trần nhà một lát rồi nói với bố tôi:
- Chắc
anh không biết tại sao tôi biết bà ấy. Trong trường hợp nào ư? Anh cũng không
ngờ ngày xưa tôi làm nghề gì? Đúng không? Mà anh lại càng không ngờ rằng tôi
làm một cái nghề kinh khủng. Bây giờ thì mình cũng sắp già cả rồi. Cũng chẳng
cần giấu nhau làm gì. Ngày xưa tôi đi ăn cướp.
Lần này
chính tôi cảm thấy tỉnh hẳn, mồ hôi trán rịn ra. Trời ơi cái con người mà mình
đang thần tượng bấy lâu hoá ra lại xuất thân ghê gớm quá.
Bố tôi
gặng hỏi vì tôi chắc ông cũng hoài nghi tai mình.
- Đúng
đấy, ông anh ạ. Thế anh có bao giờ nghe cái tên Hai Triều chưa?
- Có,
nhưng lúc ấy tôi đang ở ngoài chiến trường nên không gặp được.
Bố tôi
trợn mắt nhìn bác. Có lẽ ông muốn kiểm tra xem mình đang nói chuyện với ai.
Bác có biết
đâu rằng cái tên Hai Triều đối với gia đình tôi còn hơn một sự hiểu biết vì nó
là cả một mối thù. Một mối thù mà bố tôi đã từng thề sẽ quyết tử với hắn nếu có
ngày gặp được.
Tôi còn
đang bàng hoàng thì đã nghe bác Phát nói tiếp:
- Cái
bà Chánh Am ấy là tinh tướng nhất cái làng Vừng ấy. Cái làng có cái tên hiền
như cái tên chính thức An Bình. Thế rồi anh biết không khi tôi đây, thằng Hai
Triều xuất hiện, tôi đã tấn công thẳng vào nhà bà Chánh. Ngoài lý do nhà bà ấy
giàu nhất làng mà còn là nhà ấy nhiều thế lực nhất làng cả ở hai phía ngụy tề
và kháng chiến.
Bà ấy
là người dám phang cả một cái cuốc vào tôi. Có ai ngờ một tướng cướp lẫy lừng
như tôi mà lại bị cái quả ấy bao giờ?
Mà quả
thật, bà tôi kể rằng một khi Hai Triều xuất hiện thì chỉ có nước mở cửa cho hắn
vào thôi nhà chứ đừng mong chi chống cự. Hắn đi ăn cướp mà y như quan phủ về
làng: dóng trống phất cờ đốt đuốc sáng rực cả một cánh đồng. Đội quân của hắn
dễ có đến 50 tên giáo mác, mã tấu sáng loà. Hai Triều lại giỏi đủ môn võ nghệ.
Hắn nổi tiếng nhất với liễu kiếm và ném bút chì. Hắn chỉ cần phạt một nhát là
vài cây chuối đổ gục, đứt ngang ngọn không một vết xước.
Những
năm đầu thập niên 1950, đất nước loạn lạc, luật pháp ở vùng nông thôn lỏng lẻo
và trộm đạo mặc sức hoành hành.
Đêm hôm
mà hắn tấn công nhà chúng tôi, ông tôi đã bị hắn tóm ngay khi vào nhà. Hắn trói
chặt ông lại. Nhưng hắn lầm. Hắn chẳng cần trói. Vì ông có biết chống cự là gì
đâu. Cả đời ông quá hiền lành và luôn bị bức hiếp, làm đến Chánh tổng mà phải
xin thôi. Nhưng bà tôi thì khác, bà quyết là phải làm. Làm cho kỳ được.
Bà
thuộc loại phụ nữ “Ở ăn thì nết cũng hay; Nói điều ràng buộc thì tay
cũng già.”
Nhưng
khi gặp một bọn cướp chuyên nghiệp thì bà nào biết làm gì hơn.
Cả làng
kéo đến những chỉ dám đứng xa xa mà xem thôi. Chẳng ai dám vào. Hắn lấy sạch
mọi thứ, nồi đồng, tượng Phật, tủ tạng, phản gỗ, nữ trang vòng vàng có đến gần
20 lượng vàng của bà lúc ấy. Cả một cơ nghiệp vĩ đại của một nông dân tạm quy
là phú nông lúc ấy được khuân tất tần tật xuống thuyền. Hắn tra khảo bà vì cho
rằng bà còn nhiều vàng lắm. Trong lúc bất ngờ, bà vớ một cây cuốc và phang
thẳng vào hắn nhưng chỉ trúng chân thôi. Quá đau, hắn đánh bà tàn nhẫn nhưng
chẳng moi được gì, nhưng đủ để làm gẫy gần hết những cái răng hàm, răng cửa của
bà.
Bà ốm
một trận kinh hoàng gần 6 tháng, không ăn uống gì được, lê lết từ trên giường
xuống đất. Bố tôi nghe tin viết thư từ chiến trường về thề sẽ tìm Hai Triều
thanh toán ân oán một lần cho sòng phẳng khi hoà bình lập lại.
Ngày
ấy, Hai Triều tung hoành khắp chốn, vơ vét và cướp hầu như tất cả những nhà
giàu có máu mặt trong vùng. Người ta kháo nhau rằng các quan cai trị thời ấy
đều có phần chia chác nên không hề thấy luật pháp nào can thiệp.
Nhưng
chẳng bao giờ có ngày giải quyết món nợ ấy khi cả gia đình đã vào Nam hai năm
sau đó.
Thế
nhưng ai có ngờ như người ta thường nói là quả đất tròn vì hôm nay lại diện
kiến ngay nhà mình tên tướng cướp khét tiếng một thuở. Nay lại là ông thầu
khoán danh giá Ninh Văn Phát, giám đốc công ty xây dựng Hưng Phát.
Bố tôi
lặng người một lát mới khẽ nói:
- Thôi,
cũng là duyên nghiệp. Sao mà trùng hợp đến vậy. Bác có biết bác vừa tẩn liệm,
lo ma chay cho ai không? Cho bà Chánh Am đấy.
Đến
lượt bác Phát thộn người ra. Gương mặt lạnh lùng rắn rỏi như nhíu lại:
- Vậy
sao, bà nội các cháu là bà Chánh Am à? Sao bà không nhìn ra tôi nhỉ?
- Không
nhìn ra được đâu, hơn 20 năm rồi. Bác béo và trắng ra. Còn ngày xưa tôi
nghe mẹ tôi nói nói bác vạm vỡ và đen đúa, râu ria xồm xoàm. Hơn nữa trong đêm
chập choạng lại bị đánh đau quá, cụ đâu còn tỉnh táo mà nhìn cho rõ mặt.
- Đúng
là vay trả trả vay, anh ạ.
- Tôi
hối hận quá. Sau này, khi hoàn lương rồi, tôi vẫn có ý tìm đến tạ lỗi với bà.
Một người đàn bà lì nhất trong số những nạn nhân của tôi. Nhất là vì vợ tôi sau
khi sanh cháu thứ hai bị băng huyết mất. Tôi đã nghĩ tới chuyện nhân quả bác ạ.
Vì tôi đánh người nhiều quá! Dù chưa giết ai nhưng lấy của người khác cũng là
cái tội rồi. Tôi bây giờ có lập đền chùa miếu mạo cũng chỉ là tìm cái an ủi tạm
thời cho lương tâm đỡ cắn rứt thôi. Nhưng tôi tìm mãi không gặp được bà vì nghe
nói bà xuống Hải Phòng ở với con rể. Phần thì lại ngại bà không tha thứ. Nên
thôi.
Không
khí trầm hẳn xuống. Nhìn lên di ảnh bà. Bác rùng mình. Cố trấn tĩnh, bác bước
đến bàn thờ. Khi bác thắp hương cho bà, tôi thấy tay bác hơi run lúc châm lửa.
Một con người ngang tàng như thế mà cũng có lúc phải lặng người vì xúc động.
Bác lâm
râm khấn vái gì đấy.
Tôi
đoán bác đang cầu xin sự tha thứ từ bên kia trần thế.
- Anh
có hận tôi không? Tôi đã làm cho gia đình anh phải lâm vào cảnh bần bách, khốn
cùng.
Bác sụp
xuống, toan quỳ lạy nhưng bố tôi đã vội ngăn lại và nói:
- Ấy
chết, bác không nên làm thế. Chuyện qua rồi, bà cũng đã mất, bác cũng lo cái
đám ma quá chu đáo. Cụ cũng thanh thản rồi.
Nghẹn
ngào, bác quay lại nhìn vào di ảnh bà tôi và khấn to:
- Con
lạy cụ, hãy tha thứ cho thằng Hai Triều này vì những tội lỗi khốn nạn mà nó đã
gây ra cho cụ và gia đình cụ.
Khi bác
quay ra, tôi thấy hai vai bác rung lên. Nhìn ra sân, mắt bác ửng đỏ. Bác khẽ
nói:
Và đưa
tay dụi mắt. Chắc bác không muốn ai thấy phút yếu lòng của mình vì ngoài sân
hôm ấy trời lặng gió. Bụi chẳng dấy lên.
Những
ngày sau đó, bác giúp chúng tôi nhiều: Cho tiền đi học, lo sách vở, áo quần như
muốn sám hối đoạn đời sai lầm đã qua.
Bỗng
dưng một hôm, bác bỏ đi. Người ta đồn rằng bác đã vượt biên.
Cho đến
ngày giỗ bà lần thứ sáu, bác Phát đột nhiên xuất hiện. Nom bác tiều tuỵ nhiều:
Râu ria lởm chởm, thần sắc trông phờ phạc. Bác đến giữa lúc mọi người đang
chuẩn bị ngồi vào bàn ăn.
Chúng
tôi hỏi chuyện xứ người ra sao, hỏi thăm xem bác ở Mỹ hay Canada. Lặng yên một
lát, bác khẽ nói: “Không, bác về từ Mã Lai cháu ạ!” Bác đã phạm sai lầm.
Một cái sai lầm định mệnh. Ông thầu Ninh Văn Phát đã bỏ cả cơ ngơi vượt biên
với hai bao tải tiền và gần 1000 cây vàng nhưng sau 5 ngày lênh đênh trên biển,
trong lúc đang cháy khô cổ họng vì thiếu nước thì ông đã không may: ông gặp
cướp. Hai đứa con gái bị chúng bắt đi. Tiền thì đương nhiên không còn là của
ông nữa. Còn ông thì chúng nó ném xuống nước, không thèm giết vì chúng nghĩ
rằng giết ông chỉ tốn đạn. Nhưng bản năng sinh tồn trỗi dậy, ông lại bơi một
lát thì sau này không biết là may hay không may cho ông khi gặp một tàu buôn
cứu. Họ đưa ông đến Mã Lai nhưng không thể định cư được ở nước thứ ba được vì
không người bảo lãnh. Hơn nữa, ông sống như đã chết. Khi người ta không
biết mình còn sống để làm gì thì xem như đó là kẻ sống đang chờ ngày chôn mà
thôi. Cuối cùng ông quyết định về lại quê hương với hai bàn tay trắng và một
tấm lòng tan nát.
- Cũng
là nhân quả thôi các cháu ạ! Bác đã trả lại tất cả những gì bác đã lấy của
người khác. Bây giờ bác thấy nhẹ lòng. Mai có thể cùng bố cháu uống trà móc câu
Bắc Thái được rồi. Hôm ở trên đảo vớ được quyển Hậu Thuỷ Hử, đọc đến đoạn cái
anh Lỗ Trí Thâm giết người như ngoé mà cuối cùng ngộ đạo khi nghe sóng Tiền
Đường. Hay lắm cháu ạ: “Buông đao thành Phật” ngẫm hay quá! Bác buông đao lâu rồi
nhưng ngẫm mình chưa thành gì cả. Chả lẽ lại thành quỷ?
Sau bữa
giỗ, bác nán lại nói chuyện cùng chúng tôi. Rồi bác quyết định tự mình đi đun
nước pha trà, nghe tiếng nước sôi, bác hỏi tôi:
- Cháu
nghe có giống tiếng gió rít qua ngọn tùng không?
Tôi nào
nghe thấy gì khác ngoài tiếng nước reo.
Bác
nhìn ra ngoài vườn. Tôi thấy trong ánh mắt bác một nỗi buồn, buồn xa vắng như
thể bác đang thấy cả một cánh rừng trước mặt.
Bỗng
dưng bác lẩm bẩm, không hiểu nói cho tôi hay cho ai?
- Cháu
ạ, bác hiểu rằng chưa cần uống trà, cứ nghe tiếng nước reo, là vui rồi vì cuối
cùng mọi thứ cũng đều bốc hơi cả thôi.
Nói
xong, bác lại nhìn đăm đăm ra phía trước sân, nhìn mà như không nhìn, vì không
thấy ai và chẳng còn nghe ai, nhìn không dụi mắt vì ngoài kia không có bụi hay
lòng bác đang là mảnh vườn yên lặng. Tôi nghe loáng thoáng tiếng bác đọc khe
khẽ:
Nói đến
đấy, bác khẽ mỉm cười.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét