Thật tình mà nói, tôi không biết làm thơ. Nếu thơ đơn giản là cách kết nối câu chữ, gieo vần thì chỉ cần học hành chút ít, mơ mộng thật nhiều... thì ai cũng làm thơ được. Đôi lúc tôi cũng “Mơ sang - lãng đãng làm thơ”, nhưng đưa thơ cho người quen đọc thử, họ bảo thơ tôi khô khốc “như cơm nguội chấm mắm cáy”. Và có một nhà thơ nữ ở nơi xa gửi lời khuyên: “… nhà văn ơi đừng làm thơ mà chi, bởi như người ta nói "thơ thơ thẩn thẩn" riết rồi lẩn quẩn luôn. Với lại, như Hải Triều đã viết:
"Nhà thơ ở cạnh nhà thờ
Nhà thơ hết thở, nhà thờ rung chuông"
Oải lắm ông nhà văn ơi!
(“Nhà văn” là từ mà cô bạn dùng để trêu tôi, vì biết tôi có viết dăm ba cái truyện ngắn, tạp bút…, chứ tôi mà “nhà văn” gì, nhà nghèo thì có!)
Hôm nay là giữa tháng chạp, gần đến Tết, xuân sang. Muốn viết một cái gì đấy nhưng nhà thì hết tiền, bụng thì cạn chữ, cảm xúc bề bộn, làm sao diễn được cái tâm trạng bức bối, ngổn ngang này. Đang bế tắc thì nhận được một bài thơ của Hương Ngọc gửi đến. Cũng may, coi như có người viết hộ mình!
TRƯỚC THỀM XUÂN
Anh có nghe
Gió hát khúc chiều đông
Buồn lửng lơ
Giữa màu nắng nhạt.
Có hay xuân vỗ về man mác
Bâng khuâng vui trong mỗi nụ cười.
Có nụ đào
Chúm chím xinh tươi
Sương đỏng đảnh
Khỏa giọt mềm mầm lá.
Khô rát, hanh hao - qua rồi người ạ
Lượn tầng xanh con én mới bay về.
Phố xá rộn ràng
Mà thương nhớ làng quê
Hương vị Tết
Nuôi lớn hồn trẻ dại.
Nhớ Mẹ xưa, tảo tần bươn chải
Ngất nghểu cười - manh áo mới em mang.
Đông qua đi,
Thôi mai xuân sang
Em bối rối
Đón tình yêu mới mẻ
Có nụ hôn dịu dàng thật khẽ
Em giật mình - ờ nhỉ! Tình xuân.
Bài thơ khá hay. Giọng thơ dịu dàng, đằm thắm mà sao câu chữ cứ lung linh. Cảm xúc tràn trề nhưng lắng đọng, độ thấm rất sâu.
“Trước thềm xuân” nói về cái khoảng thời gian này: cuối đông, xuân đang về, ẩn náu đâu đây. Cảm nhận được sự trộn lẫn giữa cái lạnh lẽo của mùa đông với cái mát mẻ trong lành của mùa xuân, phân biệt được từng nét dáng rất riêng của mỗi mùa là một điều rất khó. Bắt đầu là: Khúc hát chiều đông/ Buồn lửng lơ/ Giữa màu khói nhạt. Mùa đông còn đó, nhưng “Khô rát, hanh hao - qua rồi người ạ”. Bằng cảm quan tinh tế, nhà thơ như thấy được mùa xuân đã về, (tuy còn e ấp: vỗ về man mác, bâng khuâng vui) - trộn lẫn và lấn lướt mùa đông:
Có hay xuân vỗ về man mác
Bâng khuâng vui trong mỗi nụ cười.
Có nụ đào
Chúm chím xinh tươi
Sương đỏng đảnh
Khỏa giọt mềm mầm lá.
Khô rát, hanh hao - qua rồi người ạ
Lượn tầng xanh con én mới bay về.
Những câu thơ chứa đầy hình ảnh: nụ cười, nụ đào, sương đỏng đảnh, con én mới… Hệ thống hình ảnh ấy làm nên hình tượng mùa xuân. Mùa xuân như đến trước thềm và đang còn giấu hình lẩn khuất đâu đây.
Khổ thơ tiếp theo đi vào chiều sâu tâm tưởng. Tôi giật mình với hai câu thơ:
Phố xá rộn ràng
Mà thương nhớ làng quê
Chưa phải là thơ hay mà cái tình rất đậm. Cảm xúc chân thực. Một người đang sống ung dung, đủ đầy ở Phố núi rộng lớn, hàng ngày ngồi tán chuyện với các ông bà nhà văn, nhà thơ ở các hàng quán sang trọng, giữa “phố xá rộn ràng” trong những ngày cận Tết mà “thương nhớ đồng quê”, phải là người có tâm hồn trong sáng. Để rồi suy tư, hoài niệm:
Hương vị Tết
Nuôi lớn hồn trẻ dại.
Nhớ Mẹ xưa, tảo tần bươn chải
Ngất nghểu cười - manh áo mới em mang.
Cuối cùng, một tứ thơ mới lạ:
Đông qua đi,
Thôi mai xuân sang
Em bối rối
Đón tình yêu mới mẻ
Có nụ hôn dịu dàng thật khẽ
Em giật mình - ờ nhỉ! Tình xuân.
Có một “tình yêu mới mẻ” làm nhà thơ “bối rối”. Một phát hiện mới. “Tình xuân” là tình cảm đậm đà với mùa xuân của đất trời. Ý nghĩa hiện hình qua câu chữ là thế, nhưng hình như không phải. Ý tại ngôn ngoại. Xuân sang với bao ý tình mới lạ, với “nụ hôn dịu dàng thật khẽ” thì cũng không thể làm “em bối rối”, rồi “giật mình - ờ nhỉ! Tình xuân”. Một sự rung cảm tinh tế biểu hiện qua cách diễn đạt rất khéo của nhà thơ. Tình xuân ấy cũng là tình người, nhưng không phải tình người chung chung, dù bản chất thứ tình đó rất sâu đậm. Tôi không thể vũ đoán để khẳng định, đành hiểu mơ màng thôi!
Có nhiều nhà thơ viết “Xuân ý”. Như Huy Cận:
Khuya nay trong những mạch đời
Máu thanh xuân dậy thức người héo hon
Xuân Diệu thời trẻ đã viết “Vội vàng” trong sự rung cảm mùa xuân:
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Thực ra Xuân Diệu nói về quan niệm sống của tuổi thanh xuân. Hương Ngọc cũng nói ý xuân, nhưng cái mới của cô là cảm nhận những bước đi nhẹ nhàng của mùa xuân đang len lén đến và niềm vui tế vi trong tâm hồn con người. Ở tuổi lục tuần, HN viết được những câu thơ gợi hình, chứa tình sâu lắng khiến người đọc bình thường, kẻ đang tập làm thơ như tôi phải nể trọng, thán phục!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét