Tuổi trẻ như chiếc bấc đèn. Cháy mãi rồi
cũng đến ngày tàn lụi…
Trà dậy sớm. Không uể oải cố vùi mình ngủ nướng như
mọi khi, cô nhìn quyển lịch và nghĩ hôm nay là một ngày đặc biệt. Hà Nội lập
thu, sắc trời trầm lắng, cây lá dịu dàng và lòng người ngập tràn hoài niệm. Tiết
trời thật hợp lòng người, cũng đã đến lúc nhìn lại để chấm dứt mọi ảo tưởng về
tuổi trẻ. Những năm tháng sống như con thiêu thân đâm đầu vào quầng sáng ma mị
của tình yêu và tham vọng giờ còn lại được gì? Khi người ta còn trẻ người ta ít
biết xót xa mình. Cho đến một buổi sáng nào đó thức dậy thấy có người nhắn tin
chúc mừng tuổi ba mươi, nhìn quanh mới thấy đời quạnh quẽ. Hối tiếc ư? Để được
gì cơ chứ. Hãy cứ coi tuổi trẻ là chặng đường ai cũng phải đi qua dẫu có từng bồng
bột và đơn độc đến tận cùng. Trà không có may mắn được dự buổi lễ trưởng thành
năm mười tám tuổi như nhiều người trẻ khác. Nhưng khi đã trải qua mười hai năm
thăng trầm nàng sẽ có một cuộc hành trình để bái biệt tuổi thanh xuân. Hôm nay
Trà sẽ trả lời câu hỏi mà cô nhiều lần tự đặt ra. Ta đã làm gì cuộc đời ta?
Cô đã làm gì cuộc đời mình? Mười tám tuổi, một đứa con
gái nhà nghèo chỉ biết đốt cháy mình cho ước mơ trở thành nhà báo. Thi trượt
đại học năm đầu Trà theo bạn vào Tây Nguyên xin việc trong một nhà máy cà phê. Chuyến
đi lê thê từ ngày sang đêm, Trà say xe mềm oặt chen chúc vạ vật trên vai người
lạ. Tây Nguyên đón Trà bằng mùi cà phê tươi hăng hắc càng làm cơn say xe trào
ngược từ dạ dày lên thực quản thứ dịch vàng đắng ngắt. Nàng thì xanh như một
con nhái bén, mọi người lắc đầu bảo chắc gì nàng đã trụ được lâu ở nơi gió ngàn
và nắng dữ. Nhưng Trà như thân cây tuy nhỏ nhưng rễ ăn sâu bám chắc. Ngoài phơi
cà phê, chạy máy, bốc vác Trà còn nhận gác đêm. Những bữa cơm vội vàng, những
ngày dài thiếu ngủ mà lòng Trà vẫn như ngọn lửa cháy mãi một niềm đam mê. Khi
người ta còn trẻ người ta thường không biết mình đang phung phí những gì. Ngay
cả khi máu cam chảy xuống cả bát cơm nguội ngắt ngơ Trà vẫn nghĩ chẳng gì có
thể đánh gục mình. Mười chín tuổi Trà trượt đại học lần hai dù điểm thi thuộc
loại cao. Chấp nhận đi đường vòng, Trà đã làm nguyện vọng 2 vào học trong một
trường đại học khác. Nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt bốn năm sinh
viên mà ngay khi tốt nghiệp Trà đã xin được vào thử việc trong một tòa soạn
báo. Trà vắt kiệt mình trong gần sáu tháng thử việc không lương. Hết rong ruổi
miền xuôi lại lặn lội trên miền ngược. Hết phóng bạt mạng trên đường cao tốc
lại có lúc luồn lách khắp các xó xỉnh tìm đề tài độc, lạ. Mới ra trường tiền
không có, ngay cả một chỗ ở ổn định cũng là niềm mơ ước, bạn bè hỏi lấy gì để
yêu nghề?
Vậy mà vẫn phải yêu nào dám kêu ca. Sáu đứa cả nam lẫn
nữ gom nhau lại thuê chung một căn phòng nằm trũng sâu trong ngõ. Phía sau là
nghĩa địa suốt đêm gió hú, phía trước là cánh cửa tôn phập phành gió suốt ngày kêu
nhức óc. Nhà không có giường, lũ con gái ở dưới nhiều hôm vừa tát nước mưa ngập
vừa ngái ngủ. Tụi con trai ở trên gác xép được ghép bằng nhiều tấm ván vẫn còn
nguyên vôi vữa, nhìn qua lỗ thông gió chỉ thấy đom đóm đêm ngoài nghĩa địa. Đêm
đêm chỉ nghe thấy tiếng đánh muỗi đôm đốp và tiếng thở dài ngao ngán của nhau.
Trà tự động viên mình rằng dù sao cũng còn may mắn chán khi thuê được một căn
phòng nương thân giữa cảnh cả ngàn sinh viên ra trường đang vạ vật khắp nơi. Gom
nhau được vài tháng thì thì mỗi đứa trôi dạt môt nơi. Bạn Trà nhiều người chọn
cách rời bỏ thành phố, cũng có đứa lao đi trong dòng xoáy mưu sinh. Lại có
người như Trà vắt kiệt mình thành bấc đèn trong khi dầu đang cạn đáy.
Trong hành trình khát vọng ấy có Ân. Đó là chàng trai đã
nắm giữ một nửa linh hồn tuổi trẻ của Trà. Mọi con đường mà họ từng đi hình như
đều là duyên trời sắp đặt để họ có thể gặp được nhau. Số phận mang một người
đến đặt bên cạnh một người là để họ gánh vác và san sẻ gánh nặng trên vai nhau.
Họ quen nhau từ những năm tháng sinh viên, trong một lần lội giữa dòng nước
ngập đi làm bản tin sau cơn bão số 5 đổ bộ vào thành phố. Cả cơ thể họ dính mưa
ướt sũng, bùn đất bết tận lên đầu tóc nhưng họ chỉ nhìn thấy nụ cười rạng rỡ
của nhau lúc cùng ngồi chờ sửa xe dưới chân cầu. Để rồi từ đó là bao chặng
đường dài kề vai sát cánh bên nhau. Họ như hai ngọn lửa cháy vũ điệu đam mê,
tưởng cuộc đời chỉ cần có nhau là đủ. Nhưng hóa ra đó chỉ là ảo vọng của những
kẻ cuồng si đã không biết rằng thời lượng của tình yêu và đam mê sắp hết.
*
* *
Trà gục trên vai Ân suốt chặng đường dài tìm đến nhà
nhân vật. Thời gian này Trà được giao viết bài cho mục ký sự pháp đình. Đề tài
thường được thư ký tòa soạn chỉ định, dù cố gán cho nó mọi ý nghĩa nhân văn và
lý lẽ thuyết phục nhưng Trà vẫn thấy rõ tâm địa của những kẻ săn mồi. Con mồi
của Trà là những ông bố, bà mẹ đã mất đi đứa con trong những vụ hỗn chiến đẫm
máu ở làng quê. Vụ án thường đã khép lại từ lâu, người chết đã yên mồ còn kẻ
tội đồ thì đang phải trả giá trong lao ngục. Khi Trà đến vết thương trong lòng
những người ở lại đang khô miệng. Họ mải bận bịu với cuộc sống thường nhật và
hương khói trên ban thờ cũng nguội lạnh dần đi. Để rồi chỉ cần thấy người vừa bước
vào cổng nhà mình là phóng viên thì bao mất mát, đớn đau lại dội ngược về như
cơn sóng dữ. Hương khói được đốt lên mờ ảo, nước mắt họ đang chảy ướt đẫm lòng
Trà. Mục tiêu của kẻ săn mồi là đào xới quá khứ, găm thật sâu vào nỗi đau của
con mồi càng thê thảm bao nhiêu càng tốt. Trà không nhớ hết những lần giơ nanh
vuốt bằng ngôn từ sắc lẹm cào cấu những thân phận khốn khổ ấy. Những con đường
làng yên bình mà Trà từng đến bao giờ cũng để lại một vài xáo trộn khi rời
khỏi. Nếu có kẻ điên rồ nào gọi đó là lý tưởng nghề nghiệp, Trà sẵn sàng lao
vào nó mà cấu xé hả hê. Ân dường như cũng đau, gộp cả nỗi đau của người thương
đang ngồi sau xe đổ gục vào lưng anh như chẳng còn chút sức lực nào. Có khi hai
người trẻ ấy vượt cả trăm cây số bằng xe máy giữa trời nắng như đổ lửa để có
thể tìm đến nhà nhân vật. Nhưng lại không có can đảm bước vào nên cứ đứng tần
ngần ngoài vệ đường nắng gắt. Móng vuốt của kẻ săn mồi tự nhiên mòn tịt khi nhìn
thấy nụ cười của người mẹ già, của đứa em thơ. Nhưng nếu không bước vào ngôi
nhà kia thì sáng mai giao ban biết phải nói những gì với sếp? Trà cay đắng nhận
ra mình cũng chỉ là con mồi trong guồng quay điên đảo của cuộc sống này. Người
yếu làm con mồi của kẻ mạnh. Vùng vẫy trong thứ móng vuốt sắc lạnh không tình
người. Đam mê nghề nghiệp ư? Hay cũng chỉ là một thứ công cụ cho kẻ mạnh? Ngôn
ngữ từ bao giờ đã biến thành con dao sắc không chỉ khoét vào nỗi đau nhân vật
mà còn đẽo da đẽo thịt chính kẻ vật vã viết ra nó để đủ chỉ tiêu bài vở và kiếm
vài đồng nhuận bút.
Cơ thể Trà ngày càng gầy rộc, bao nhiêu nhuệ khí đều
bị hút cạn. Có những ngày nhận đề tài xong, ngồi sau xe Ân, Trà chỉ muốn xe trôi
mãi đừng dừng lại trước cổng nhà nhân vật. Cứ trôi để Trà được ngủ thiếp sau
lưng Ân, ngủ một giấc ngủ không bao giờ tỉnh dậy. Nỗi ám ảnh ngôn từ như một
liều thuốc độc cứ giết dần mòn hai người trẻ. Trà lụi tàn và Ân cũng rã rời. Họ
quyết định thôi việc trong một buổi sáng đi tìm con mồi, lúc nhai bánh mì kẹp
chả bên đường văng vẳng bên tai họ tiếng rao báo đi ngang “Ai mua báo mới nào!
Báo mới đây! Hỗn chiến làng chài, uẩn khúc mười năm kể lại”. Bà bán bánh mì vừa
thoăn thoắt kẹp chả cho khách vừa lầm bẩm “mười năm còn bắt người ta kể lại,
chả khác nào đào mả nhà người ta lên. Hay ho gì mà rao ông ổng”. Món bánh mì
kẹp chả trên môi Trà bỗng tanh nồng lợm giọng…
Có thể là Trà hèn.
Cũng có thể lòng yêu nghề không đủ lớn để Trà có thể tìm cách xoay xở thoát ra khỏi
mớ bòng bong đầu đời của nghề nghiệp. Chỉ biết lúc đó Trà kiệt sức. Mỗi ngày
không nghe thấy gì ngoài tiếng tâm hồn mình rơi vỡ kêu loảng xoảng. Trà đã đi
một chặng đường vòng cực nhọc để đến được với nghề. Nhưng hóa ra những thứ mà
Trà có được chỉ giống như mẩu vụn bánh mì dành cho chim bồ câu, loài chim biểu
tượng của hòa bình. Trà đã không chuẩn bị được gì cho một ngày mình biến thành
chim ưng hoặc lẫn trong bầy quạ. Bài học về con mồi và những chiếc nanh vuốt ê
hề trong cuộc sống thường nhật. Có gì lạ đâu. Ừ thì có gì lạ đâu. Nhưng Trà đau
và Ân cũng vậy.
Cuộc sống như một bức
tranh ghép hình mà khi một mảnh ghép mất đi cũng có nghĩa nó sẽ tạo kẽ hở cho
những bàn tay vô hình thò vào lấy dần từng mảnh ghép khác. Bạn không thể nào biết
tận cùng những mất mát mà bạn sẽ phải đón nhận trong đời cho đến khi bạn đủ đau
để ngừng ảo tưởng. Có những nỗi đau câm lặng không cần đến một ngôn từ nào tô
vẽ như cái cách mà Ân đã chọn để buông bỏ tình yêu đối với Trà. À hóa ra sáng
mai thức dậy bạn sẽ không biết được mình sẽ mất những gì. Ngay cả thứ bạn từng coi
là thánh địa. Hạnh phúc và đau thương, hội ngộ và chia lìa, chung thủy và phản
bội thực ra chỉ là những mặt khác nhau trên một con xúc xắc. Bờ vai hôm nay
mình tựa vào, ngày mai đã thuộc về người khác. Ngay cả những bàn tay nhem nhuốc
cũng có thể bốc nhúp thứ hạnh phúc cẩm thạch của mình. Trà không đủ sức để quan
tâm xem họ làm gì hạnh phúc của mình. Nâng niu nó? Ngấu nghiến nó? Hoặc sẽ vứt
chỏng chơ ở một xó đường nào đó. Trà chỉ biết duy nhất một điều thánh địa của
tình yêu và lòng kiêu hãnh thực ra được xây bằng những viên gạch ảo tưởng nên
đã sụp đổ dưới chân mình.
Tuổi thanh xuân của
mỗi người thường kết thúc khi nào?
*
* *
Trà thường làm những việc rất ngớ ngẩn, điên rồ. Như
kiểu có ngày ngồi một mình cả buổi ở quán cà phê bệt, uống hết mấy ly cam vắt
chỉ để đủ hóa đơn nhận quà tặng khuyến mãi là chiếc chậu sứ trồng hoa nhỏ nhắn.
Trà ngồi quán đúng một tuần thì có bộ chậu bảy sắc cầu vồng mang về đặt ở nhà,
không trồng cây chỉ để ngắm chơi thôi. Nhiều khi đi siêu thị Trà quyết định mua
một món đồ gì đó không phải vì cần nó mà chỉ vì thích sản phẩm khuyến mại tặng
kèm theo nó. Cũng có những ngày lang thang khắp thành phố, cứ đi như quán tính
chứ tuyệt nhiên không có dự định gì. Bí đỏ phải xào với hành, măng ớt thái vụn
cuộn tròn với trứng, món kho nào cũng thêm sấu muối, cũng như món xào nào cũng
phải có muối tôm… Tự do là gia vị chính trong cuộc sống của một kẻ độc thân. Trà
thích nhìn những thanh xuân khác biệt, họ chỉ việc sống theo ý mình thích miễn
là chẳng làm tổn hại đến ai còn xung quanh chẳng có nghĩa lý gì. Họ như những
đốm sáng lấp lánh trong mắt Trà. Sáng cho đến khi hòa vào đám đông rồi chìm
nghỉm, Trà không còn nhận ra họ nữa. Tuổi trẻ của Trà thì trải nghiệm giống như
kẻ leo bậc thang. Mỗi một năm qua đi là bước lên một bậc cao hơn, nhìn xuống
phía dưới thấy vô số thứ mình đã buông bỏ được.
Trà đã nhận lời cầu hôn của Bách. Chỉ còn ít ngày nữa
cô sẽ chấm dứt cuộc sống độc thân để trở thành người phụ nữ bận bịu chuyện
chồng con. Hôn nhân không phải là điều lý tưởng để ảo vọng. Với Trà thì hôn
nhân đơn giản chỉ là sự nương tựa lẫn nhau. Càng sằng phẳng trước hôn nhân bao
nhiêu thì cuộc hôn nhân đó càng bền vững. Anh cần ở tôi cái này, tôi thích anh
ở điểm kia. Tôi thiếu chỗ này cần bù, anh khuyết chỗ kia đã có tôi. Chỉ thế
thôi, ảo vọng để làm gì? Vậy nên Trà sẽ quên việc mình không yêu Bách. Chỉ cần
nhớ mỗi lần ở bên Bách đều cảm thấy bình yên. Mà tình yêu thì không phải lúc nào
cũng mang đến bình yên như thế.
Thỉnh thoảng Bách cũng hay lý lẽ. Anh thường nói, tuổi
trẻ giống như ngọn hải đăng định hướng cho cả đời người. Nhưng tuổi trẻ cũng là
gót chân A-sin của mỗi người. Hãy đốt ngọn lửa đam mê trong con người ta khi
nào? Ấy là khi tuổi trẻ. Hãy giết con người ta khi nào? Ấy cũng là khi tuổi
trẻ. Mà gót chân A-sin của tuổi trẻ lại là tình yêu. Nên có bao người đã làm nô
nệ cho chính thứ cảm xúc được mình nuôi dưỡng trong tâm. Nó làm tuổi trẻ thăng
hoa nhưng nó cũng giết con người ta một cách đau đớn mà chúng ta thì đâu phải
vĩ nhân. Hôn nhân liệu có phải chỉ là trò may rủi của canh bạc như người đời
vẫn nói? Nếu đúng thì hà cớ gì Trà phải đớn đau. Tình yêu chẳng khác gì một đời
hoa, chỉ đẹp lúc ươm mầm, ủ nụ. Còn khi cánh tàn hương cạn thì chúng ta chỉ nên
nhớ kí ức mà thôi. Như cách mà Trà nhớ đến tình yêu của Ân, mãi mãi đẹp trong
kí ức. Còn hơn bắt nó chết tức tưởi trong đời sống hôn nhân. Đeo nhẫn đính hôn
của Bách trên tay, giơ lên trước ánh hoàng hôn màu huyết dụ. Trà nhủ thầm “tuổi
thanh xuân của mình đã kết thúc ở đây”.
Trà đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ rất lâu. Bách bảo:
- Hãy dựa vào lưng anh đi. Chúng mình sẽ đi đến cuối
đất cùng trời.
Trà cười ngặt nghẽo. Lại ảo tưởng. Ba mươi tuổi người
ta không bao giờ nuôi ảo tưởng.
- Cứ dựa vào lưng nhau thôi, đi được đến đâu thì đi chứ
cuối đất cùng trời xa lắm. Nói những điều to tát làm gì nghe phát khiếp. Mà
biết đâu đấy, lỡ leo lên chiếc xe có ông tài lái ẩu, lật nhào nhau xuống vực
thì đúng là cuối đất cùng trời thật. Giống cái vụ mới đăng trên báo, anh đọc
chưa?
- Phỉ phui cái mồm. Em già rồi còn hay nói dại.
Trà quyết định đi một mình. Bách không phải là người
đồng hành lý tưởng trong cuộc hành trình bái biệt thanh xuân. Bách là người đàn
ông của những ngày sau chứ không phải của quãng đời nhìn lại. Người ta nói đây
là khoảng thời gian thích hợp nhất để chinh phục đỉnh Fansipan. Bởi mùa thu
thời tiết dịu nhẹ, không còn những cơn bão mùa hè ập đến và cũng không quá lạnh.
Trà nhập hội với một nhóm bạn trong câu lạc bộ leo núi. Đi suốt chặng đường
gian nan với những người bạn chỉ quen biết qua mạng thì quả là mạo hiểm. Nhưng
có hề chi, tuổi trẻ thường điên khùng như thế. Chẳng phải là vấn đề tin hay
không tin. Đơn giản là vì họ cũng chọn chuyến đi này để khép lại những tháng
năm nồng nhiệt nhất. Trong đoàn có cô bạn tên Chi, mang bầu tháng thứ ba vẫn
hăng hái leo núi. Đó là người bạn luôn đi kế sau Trà, những lúc mỏi mệt ngoảnh
lại Trà đều bắt gặp nụ cười như nắng sớm. Là người nửa đêm đòi chui vào nằm
cùng trong túi ngủ với Trà vì sợ ma. Là người cầm tay Trà đặt lên bụng và bảo:
- Chị xem đứa nhỏ kiên cường chưa này. Ba tháng tuổi đã
chinh phục đỉnh Fansipan cùng mẹ. Chúng ta chẳng bao giờ đơn độc cả đúng không?
Chi là hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung, xinh đẹp và
năng động. Sau chuyến đi này Chi sẽ trở về nhà đối mặt với dư luận để làm mẹ
đơn thân. Hoặc đồng ý lấy anh chồng Đài Loan khờ khạo rồi chôn chặt bí mật về
thân phận đứa nhỏ trong bụng mình không phải máu mủ của chồng. Đứa con là báu
vật của thứ tình yêu bị ruồng bỏ. Ngay cả khi đã chấp nhận buông tay, thôi
không níu kéo cuộc tình tuyệt vọng ấy để đến với cuộc hôn nhân xuyên biên giới.
Chi vẫn chủ động quay về vùi vào ngực người tình cũ chỉ để lặng lẽ giữ lại trong
mình giọt máu của người yêu. Trà nhìn Chi như nhìn thấu được tấm bi kịch sẽ xảy
đến với người bạn đường này. Ở đời không thiếu những bi kịch do con người tự
tạo để rồi cả đời cứ loay hoay khốn đốn với nó. Rồi năm tháng sau này sẽ sống
ra sao khi cất giữ trong mình quá nhiều kí ức, nhất là thứ kí ức sống hiện hình
bằng xương bằng thịt. Chi cười bảo:
- Anh người Đài Loan ấy tốt lắm, làm giám đốc một công
ty du lịch. Tụi em quen nhau lâu rồi, trước cả khi em chia tay người cũ. Hắn mê
em lắm. Hắn cứ tưởng đứa con em mang trong bụng là con hắn.
- Bí mật khủng khiếp ấy liệu em có chôn chặt được suốt
những tháng năm làm dâu xứ lạ?
- Chị ơi! Đời chỉ là sân khấu. Thân đào kép như em diễn
tuồng gì chả được. Huống hồ lại là một vở diễn vì tình yêu. Có những vở tuồng người
ta phải diễn bằng cả linh hồn chị ạ.
- Nhưng cũng có những người tự bước lên sân khấu và
diễn say mê đấy chứ. Em ơi, chúng ta có quyền khước từ vai diễn để được sống
đúng là mình.
Trà thấy lạnh tê tái. Không phải là cái lạnh thịt da
nên chẳng chăn chiếu nào ủ cho ấm nổi. Trăng lên. Nằm trong túi ngủ ngắm trăng
qua kẽ lều là một trải nghiệm thú vị. Trăng gần quá, tưởng như nếu không vướng
víu mái lều thì chỉ chốc nữa thôi khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ vầng trăng
sẽ sà xuống hôn lên môi mắt từng người. Trăng tỏa ra khí lạnh bao phủ vạn vật,
dù là trăng mười sáu căng tròn viên mãn. Ở một góc trời nào đó có thể Ân cũng
đang ngửa mặt ngắm trăng. Ý nghĩ ấy khiến Trà thấy trăng ấm áp hơn đôi chút. Đã
nhiều năm trôi qua Trà không gặp lại Ân mà chỉ có thể mường tượng ra nhau bằng
kí ức. Người ta thường gọi tên mất mát là số phận để thôi không oán trách nhau.
Dẫu cho có đớn đau thì những năm tháng sống vì nhau vẫn là quãng đời tốt đẹp
nhất. Như lúc này Trà chỉ còn nghe thấy tiếng lòng mình đang thổn thức. Ân ơi,
nếu một lúc nào đó anh thấy nuối tiếc cuộc tình này, thì hãy cứ nghĩ rằng có xa
xôi là bao khi chúng mình vẫn cùng ngắm một vầng trăng vằng vặc sáng trên đầu.
Lúc đứng trên nóc nhà Đông Dương, Trà thấy lòng mình
nhẹ bẫng. Thứ gì cần buông bỏ đều đã buông bỏ hết, thứ gì cần giữ lại vẫn
nguyên vẹn trong tim. Trà đã sống những tháng năm thanh xuân không hối hận. Chiếc
bấc đèn dù đã lụi tàn nhưng vẫn luôn kiêu hãnh vì chính ngọn lửa đam mê mà nó
từng vắt kiệt mình để sáng. Còn những người bạn đồng hành sẽ lưu giữ linh hồn
tuổi trẻ của nhau. Để những năm tháng về sau dẫu có khắc nghiệt đến mức ta
không còn nhận ra ta nữa thì hãy soi lại mình trong kí ức thanh xuân.
Tiếng Chi như gió luồn bên tai nhè nhẹ:
- Chị ơi, núi cao vậy mà mẹ con em còn cùng nhau leo
đến đỉnh thì làm mẹ đơn thân cũng đâu có gì quá khó đúng không nào.
Trà không trả lời. Cô mỉm cười đặt tay lên bụng Chi
rồi khe khẽ đọc một bài thơ Ân từng viết tặng: “Tôi nghĩ nếu có bạn ở đây chúng ta sẽ lặng im/Ngồi ngắt những cánh hoa mường tượng trong tim/Thả xuống dòng sông ảo vọng/Đưa
tiễn tuổi thanh xuân bằng ngàn vạn cánh hồng…”.
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét