Đào Văn Đạt
Trước
khi trốn qua nhà chị Hồng chơi, tôi đã
ngó trước ngó sau thật kỹ. Thấy má còn lui cui nấu nồi cơm ở phía sau bếp. Vậy
mà khi tôi rón rén bước qua cửa thì nghe tiếng má giật ngược ở phía sau: “Đi
đâu đó, má đã dặn con bao nhiêu lần là không được qua nhà đó chơi mà!”. Tôi gãi
đầu lủi thủi bước vô nhà, miệng cằn nhằn: “Thiệt tình, hễ bước ra khỏi nhà là
cấm này cấm nọ. Má làm như tôi là một đứa con nít chẳng bằng” .
Má tôi cấm
không cho tôi qua nhà chị Hồng chơi là bởi một lý do thật ngộ nghĩnh, thật mơ
hồ mà một thanh niên mới lớn, ngang tàng như tôi không tài nào hiểu nổi. Là vì
chị Hồng là một người đàn bà tuổi Dần, sát chồng.
Tôi chưa
hiểu lắm hai từ “sát chồng” là thế nào, chỉ thấy lúc rảnh rỗi mấy bà mấy chị
thường tụ lại bàn tán xôn xao là chị Hồng đã có ba đời chồng đều bị chết yểu.
Người chồng thứ nhất làm thợ hồ đang khoẻ mạnh làm việc trên công trường đột
nhiên lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Rồi người chồng thứ hai làm kế toán trưởng một
công ty đang ăn nên làm ra giàu có nhất vùng. Người ta ai cũng tấm tắc khen chị
Hồng có phước, lấy được người chồng giàu sau này đỡ khổ cho bản thân. Mà thiệt
nghĩ cũng sướng, từ một cô gái quê mùa tay lấm chân bùn, đùng một cái chị Hồng
trở thành người sang trọng áo lụa quần là, mỗi bước ra đường có kẻ đón người
đưa. Cứ ngỡ cuộc sống của hai người sẽ hạnh phúc đến lúc răng long đầu bạc, nào
ngờ một hôm anh Tùng đi làm về thấy chị Hồng hát karaoke mà dàn máy cứ rồ rè,
anh đến sửa chỉnh thế nào mà bị điện giật. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng anh
không qua khỏi .
Cứ
tưởng nỗi đau hai lần mất chồng đã làm trái tim chị Hồng chai sạn không còn mơ
mộng đến chuyện chồng con nữa. Mãi cho
đến vài năm sau thì chị đi thêm bước nữa với một anh còn trẻ hơn mình tới sáu
bảy tuổi gì đó. Nghe đâu anh này là sỹ quan cao cấp của một trường công binh
trên tỉnh. Nghe mấy bà mấy chị nói anh này tuy nhỏ tuổi hơn chị Hồng nhưng anh
thương chị không ai bằng. Anh thường xuyên đi công tác vắng nhà, nên anh cho
chị Hồng đi học may rồi lãnh đồ về nhà may hụ hợ cho vui. Tiền sinh hoạt trong
nhà với lương sỹ quan cao cấp của anh dư sức lo cho chị. Giai đoạn này nhìn chị
Hồng trẻ ra hẳn, chị thường xuyên mời mấy bà mấy chị lại nhà chơi, gặp ai chị
cũng vui vẻ. Rồi một lần đi công tác xa anh bị tai nạn giao thông qua đời.
Xóm tôi
chứng kiến ba lần chị Hồng đội khăn tang cho chồng ai cũng lắc đầu e ngại .Những
mất mát quá lớn như vậy, với bản thân chị Hồng là cả một quãng đời đau khổ.
Nhưng với người dân xóm tôi họ bắt đầu xì xào to nhỏ: “Thấy chưa, tuổi Dần là
vậy đó”. Má tôi cũng vậy, sau lần đó bà cấm tuyệt không cho tôi qua nhà chị
Hồng chơi. Không phải má sợ chị Hồng sẽ ăn tươi nuốt sống gì tôi, mà trước một
người đàn bà tuổi Dần sát chồng thấy rõ ràng ràng trước mặt má tôi đâm cảnh
giác quá mức. Bà sợ cái xui xẻo của chị Hồng ít nhiều còn lẩn quẩn đâu đó trong
căn nhà này và khi tôi qua chơi với chị nó sẽ lây qua tâm hồn trong trắng, hồn
nhiên của tôi lúc nào không biết. Một nỗi sợ mơ hồ của người mẹ mà tôi không
bao giờ hiểu nổi.
Ngày
tháng trôi qua chị Hồng vẫn đẹp, cái đẹp như thách thức số phận hẩm hiu có
chồng mà vẫn phòng không gối chiếc. Cái đẹp lộng lẫy ấy càng đẹp hơn trong
những buổi chiều chị đi chân trần trên con đường quê, bàn chân trắng mịn nõn nà
bước trên màu đất đỏ bazan thật nổi bật làm cho cỏ cây cũng ganh tị. Bởi vậy
trách sao được mấy gã đàn ông trong xóm cứ dòm dèm lui tới. Họ đến với chị như
để chiêm ngưỡng cái đẹp trời phú kia chứ chưa chắc ai dám cùng chị đi suốt cuộc
đời còn lại. Vì khi đến nhà chị nhìn lên bàn thờ thấy ba tấm di ảnh của ba
người chồng như vẫn còn nhiều chỗ trống cho những ai dám cưới chị làm vợ. Mấy
ông nhà quê chỉ lắc đầu chắt lưỡi tiếc hùi hụi rồi ai về nhà nấy. Còn mấy bà
thì đâm ra ganh ghét với cái sắc đẹp giết người ấy. Họ dè chừng đến mức thấy
chị Hồng đi từ đằng xa là ở đây kêu chồng con vô nhà đóng cửa lại. Họ thừa biết
rằng mấy ông đến với chị là ong bướm vờn hoa, là ăn bánh trả tiền, vậy mà cũng
nghiến răng trèo trẹo khi nghe mấy ông nhắc đến tên chị. Mấy bà bán hàng rong
ngoài chợ quê cũng e ngại khi chị đến mua đồ. Họ sợ một người đàn bà xui xẻo
mua đồ của quầy mình thì cả ngày đó thế nào cũng ế khách. Nếu có ai đó dám bán
đồ cho chị cũng chỉ bán thứ đồ hư thối.
Chị
bị cô lập hoàn toàn với thiên hạ, nhưng cái đẹp của người đàn bà goá phụ vẫn
lộng lẫy và đầy quyến rũ. Khiến cho mấy gã đàn ông trong xóm quên đi những rào
đón dè chừng của vợ mà hàng đêm vẫn lui tới với chị. Trong lúc quá cô đơn chị
thường tâm sự với tôi là chị cũng không muốn tiếp những người đàn ông háo sắc
này. Nhưng chẳng lẽ họ đến nhà chị đuổi thẳng tay sao? Vả lại, với một người
đàn bà đang bị cô lập ngoài xã hội thì tránh sao khỏi những lúc mềm lòng đáng
có.
Riêng
tôi đến nhà chị Hồng không phải vì sắc đẹp lộng lẫy của chị, mà tôi đến với chị
đơn giản vì tôi thích cá tính mạnh mẽ của chị. Một người đàn bà ba lần mất
chồng và bị mọi người lẫn tránh. Vậy mà khi tôi đến chơi chưa bao giờ tôi nhìn
thấy nỗi buồn hiện trên đôi mắt chị. Anh mắt ấy vẫn sâu thẫm đẹp một cách ngẩn
ngơ. Không phải chị vô tâm tàn nhẫn với chồng mà hình như nỗi buồn ấy chị giữ
kín trong lòng. Chị thể hiện tình thương nhớ của mình với người khuất mặt bằng
những kỷ vật để trên đầu giường. Nơi đó tôi thấy một cái huy chương, một cái
bay thợ hồ và một cây bút máy được chị gìn giữ lau chùi một cách cẩn thận. Còn
một điều nữa khiến tôi thích đến nhà chị Hồng chơi là chị chưa bao giờ xem tôi
là một thanh niên mới lớn, Trong lúc trò chuyện lúc nào chị cũng tạo cho tôi
cái cảm giác mình được trưởng thành, từng trải và có quyền yêu bất cứ người con
gái nào trên thế gian này, khác xa với má tôi lúc nào bà cũng cho tôi là một
đứa con nít chưa sạch cứt mũi nên bước ra khỏi nhà là dặn dò đủ thứ chuyện.
Một lần
tôi đến nhà chị chơi. Khi đến đầu ngõ thấy có nhiều người đứng ngoài rào nhìn
vào. Kẻ trề môi, người cười mỉa mai: “Cho đáng đời một con sát chồng mà còn
lẳng lơ.”.Bên trong nhà có hai người đàn bà túm tóc chị Hồng lôi ra ngoài đánh
túi bụi. Tôi chưa hiểu lắm sự việc như thế nào, nhưng thoáng nghe những câu nói
của mấy người ngoài rào tôi hiểu ngay họ đang đánh ghen. Bất giác tôi lao vào
hứng đòn cho chị. Cơn ghen của hai bà đổ xuống người tôi tới tấp, cho đến khi
để lại trên ngực tôi một vết cắt bật máu họ mới buông tha, bên tai tôi còn nghe
thêm mấy lời rủa độc địa của những người đứng ngoài rào.
Họ đi
rồi chị Hồng ngồi một mình nức nở, bất giác chị bước đến ôm tôi rồi ngã đầu vào
ngực tôi khóc mướt. Tôi vẫn đứng ngây người ra như làm một điểm tựa vững chắc
cho chị trút hết nỗi niềm của mình. Trong giây phút này tôi cảm thấy mình trở
thành một người đàn ông thật sự, đầy bản lĩnh ra tay nghĩa hiệp cứu người đẹp.
Nước mắt chị hoà vào những giọt máu của vết thương trên ngực, làm tim tôi nhức
nhối…
****
Hôm nay
chị nhờ tôi qua nhà có chút việc, vậy mà mới bước ra khỏi nhà bà già đã cấm
đoán. Được, tôi sẽ có cách khác. Tròng tréo thế nào cuối cùng tôi cũng qua được
nhà chị, tim tôi hồi hộp sợ bị má phát hiện. Vậy mà khi thấy tôi đến chị nở nụ
cười thật tươi làm nhịp thở của tôi trở nên nhẹ nhàng hơn. Chị nhờ tôi chở chị
đi chợ tỉnh mua đồ. Tưởng đi chợ xa thì người ta không dè chừng cảnh giác với chị
nữa. Nào ngờ khi tôi chở chị đến đầu chợ đã nghe có tiếng xì xào “Con nhỏ sát
phụ hôm nay đi chợ tỉnh kìa bà con ơi!”. Tôi ngừng xe định chạy đến đấm vô mặt
mấy người độc địa kia nhưng chị kéo tay tôi lại nhỏ nhẹ: “Thôi Phúc à, ai nói
gì kệ họ.”. Rồi chị nhờ tôi đi một mình vô chợ mua cho chị vài xấp vải và một
số đồ gia dụng cần thiết. Mặc dù một thanh niên như tôi mua hàng thì bao giờ
giá cũng đắt. Loay hoay mãi cho đến chập tối tôi với chị mới về đến nhà. Trời
bắt đầu chuyển mưa, rồi mưa như trút nứơc xuống mái hiên nhà chị. Tôi ngồi sốt
ruột lo lắng thế nào ở nhà má cũng trông ngóng tôi. Chị nhẹ nhàng đến bên tôi
rồi nói: “Mưa lớn quá sao Phúc về được? Hay là Phúc ngủ lại đây nghen!”. Im lặng một chút rồi chị
tiếp: “Còn nếu Phúc muốn về thì mình cho mượn cái áo mưa”. Lâu nay thỉnh
thoảng chị cũng hay dùng cái từ mình để xưng hô với tôi, vậy mà đêm nay trong
tiếng mưa rào rạc tiếng “mình” của chị được lập lại làm cho tôi có cảm giác rất
lạ. Dường như nó đang thúc đẩy tôi quên đi lời dặn dò của má mà thử một lần ở lại căn nhà xui xẻo này để khám phá
ra những gì mà lâu nay thiên hạ dè chừng lẩn tránh.
Cuối cùng
tôi quyết định ở lại nhà chị. Càng về khuya mưa nhẹ hạt hơn, nhưng tiếng mưa
thì vẫn rả rích như thì thầm to nhỏ với đêm trường. Chị pha cho tôi một li cà
phê nóng rồi ngồi lau chùi những kỷ vật của chồng mình. Tôi bước đến phụ chị
xếp mấy thứ đó lại ngay ngắn, chị nhìn tôi cười. Có thể đối với chị đó là cái
cười cảm ơn bình thường, nhưng sao đối với tôi cái cười ấy nó mang ý nghĩa khác
thường làm cho tim tôi đập loạn xạ. Tôi ngồi lại gần chị hơn, hương bồ kết từ
mái tóc chị làm cho hơi thở tôi ngoi ngóp và từ đâu đó trong tôi dâng lên một
thứ tình cảm lạ lùng. Tôi vội đứng lên lấy lại bình tĩnh. Vô tình chị cũng đứng
lên nhìn tôi với ánh mắt rất lạ, rồi chị nói với tôi: “Theo Phúc thì những kỷ
vật này bây giờ để chỗ nào cho hợp lý?”. Tôi nhìn đáp lại chị bằng cái nhìn trìu mến trả lời: “Theo Phúc
thì nên cất vào tủ, vì như vậy nó sẽ không bị ôxy hoá.”. Chị lại nhìn tôi cười.
Từ đâu đó trong tôi vang lên tiếng nói thật lạ: “Đừng nhìn tôi như vậy nữa,
cháy lòng tôi mất”. Rồi đột nhiên chị nghe theo lời tôi đem mấy kỷ vật bỏ vào
tủ khoá lại rất cẩn thận, rồi chị nói với tôi: “Thôi khuya rồi hổng ấy Phúc
nằm ở đây ngủ đi nghen, mình đi vô buồng!”. Tôi đưa mắt nhìn chị ngẩn ngơ.
Chẳng lẽ chị nỡ đành bỏ tôi ở đây một mình sao, mưa đêm nay chắc là lạnh lắm.
Nhưng chị đã quay lưng đi rồi thì tôi đành nằm ở đây chứ biết làm sao bây giờ
khi mà đối với chị tôi là một người bạn nhỏ bình thường. Còn đối với tôi từ khi
biết mơ mộng chị là người bạn đầu tiên làm tim tôi thổn thức.
Chị đi
vô trong rồi tôi nằm ở phòng khách một
mình trăn trở, nghe tiếng thạch sùng chắt lưỡi mà cứ ngỡ tiếng lòng mình sao
nhỏ dại ngây thơ. Hình như bên trong có
tiếng chị Hồng thở dài, chẳng lẽ chị cũng đang khó ngủ như tôi. Hay tại tôi mơ
tưởng quá mức nghe tiếng gió ngoài hè mà suy luận lung tung. Bất giác tôi nhìn
lên bàn thờ, ba tấm di ảnh của chồng chị vẫn còn một chỗ trống. Tôi trở mình
thầm ước nếu tôi được làm người bạn thật sự của chị thì chỗ trống trên cao kia
mãi mãi là chỗ đẹp nhất dành cho tôi.
Ngoài trời
mưa vẫn rơi, nhưng tiếng mưa nhẹ nhàng hơn như nhường chỗ lại cho tiếng lòng
tôi đang thổn thức. Hướng ánh mắt về bóng đèn ngủ bên trong tôi buông ra một
tiếng thở dài...
Đ.V.Đ (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét