Một buổi sáng mùa Thu đẹp trời, bất
ngờ tôi nhận được tập truyện ngắn của nhà thơ Bùi Đức Ánh gởi từ bưu điện “Người
đàn bà bên bếp lửa”*. Tên truyện thấy hấp dẫn (vì tôi luôn có cảm tình đặc
biệt với những bài viết dành cho phụ nữ) nên sẵn lúc rảnh mở ra xem ngay.
18 truyện với những tựa bài là lạ “Người đàn bà bên bếp lửa”, “Trong ngôi nhà màu trắng” “Không được quyền lựa
chọn”, “Đoản khúc tháng tư”, “Mưa ấm áp”, “Cổng hoa vàng”, “Trăng khóc”… Tôi
đọc một loạt vì văn phong nhẹ nhàng, chân thật, không khoe chữ, làm màu, ý tứ
sâu sắc với những chi tiết đầy kịch tính. Mỗi chuyện là một tâm tình mà đa phần
là những chuyện trái ngang của nhiều nhân vật nữ.
“Người đàn bà bên bếp lửa” viết gọn
gàng, không nhiều tình tiết lắm nhưng thu hút, tác giả miêu tả nhân vật nữ
trong truyện cho thấy sự ngây thơ khờ dại của người phụ nữ trẻ khi hết lòng tin
yêu một họa sĩ vừa có chút tiếng tăm đã vội học thói phụ bạc. Trong khi cô cũng
đang là sinh viên hội Mỹ thuật với tay nghề tài hoa không thua kém ai mà vì
tình yêu bỏ hết công danh sự nghiệp để tận tụy phụng sự người tình và nhận lấy
bao đớn đau tủi nhục. Nhưng may mắn thay, cuối cùng cô cũng nhận ra tình đời và
trở lại ngôi trường. Còn chàng họa sĩ kia, mãi đến khi nàng bỏ đi, có người đến
mua bức tranh mà chàng ta vẻ cô (trong lúc tức giận) ngồi bên bếp lửa như chờ
đợi ai với gương mặt đã tàn phai nhan sắc thảm hại, anh ta ngạc nhiên trước
người khách lạ muốn mua bức tranh xấu xí, khách giải thích là ông ta thèm khát
cảnh người phụ nữ ngồi canh bếp lửa ấm trong gia đình mà ông sống ở nước ngoài
không bao giờ được hưởng cảnh này. Lời nói của người khách khiến chàng nghệ sĩ
tỉnh ngộ nhưng người tình của chàng đã trở về bên giảng đường rồi. Chuyện ngắn
gọn nhưng để lại ấn tượng nơi người đọc một bài học chua cay về tình yêu nhất
là đối với một số người mang mỹ danh “nghệ sĩ”.
“… Tôi thật có lỗi với anh, người
chồng mà tôi đã từng yêu quí hơn cả bản thân. Không phải đến bây giờ tôi mới
cảm thấy như vậy. Từ thuở xa lơ xa lắc, ngày vừa gặp nhau lần đầu, tôi biết
mình không thể sống thiếu anh. Điều mà tôi không sao giải thích được. Triều
cũng như bao nhiêu người khác, dứt áo ra đi, hòa vào dòng chảy cách mạng, muốn
đem xương máu đổi lấy độc lập, tự do. Dường như thượng đế đã an bày. Triều sinh
ra để tôi yêu. Tôi là chiếc xương sườn thất lạc của anh. Hai con người có cùng
hơi thở, một trái tim...” . Yêu nhau là vậy nhưng cuối cùng do bị tù tội, người
phụ nữ mất đi nhan sắc và không thể có con đành hi sinh tình yêu thủy chung của
mình để chồng có vợ có con khác “Một chiếc taxi trờ tới đúng lúc, tôi gọi.
Người tài xế hỏi “Đi đâu?” Về đâu bây giờ? Tôi còn có chỗ nào để về nữa? Ngôi
nhà kia ư? Không! Từ nay tôi sẽ biến khỏi đời anh. Tôi sẽ ly hôn, trả tự do lại
cho anh, để anh được yêu trong quảng đời còn lại. Biết đâu con bé ấy chẳng cho
anh một đứa con, anh được hưởng niềm vui làm bố trong những ngày xế bóng. Cái
hạnh phúc bình thường mà lớn lao, tôi đã không làm được cho anh. Tôi không muốn
anh phải chịu đựng tôi nữa. Tôi tình nguyện xa anh như ngày xưa tôi đã xung
phong vào nơi khốn khó. Chỉ vì một lẽ đơn giản: Tôi yêu anh! Chính vì thế phải
xa nhau thôi…”
Chao ôi! Tình yêu cao đẹp đến thế
là cùng. Câu chuyện nghe như chuyện phim, có thể có mà cũng không thể có thật
trong đời thường nhưng những tình tiết tác giả dẫn dắt câu chuyện khiến người
đọc có cảm giác rất thật, vì vậy chuyện trở nên cảm động, cuốn hút.
Những người phụ nữ trong truyện
ngắn của nhà thơ Bùi Đức Ánh hiện ra với nhiều chiều kích và vẻ đẹp khác nhau,
những người phụ nữ bình dị nhưng có phong cách sống đầy bản lĩnh, biết hy sinh
và giàu lòng vị tha. Văn phong gảy gọn đôi lúc hóm hĩnh khiến người đọc thấy
thú vị.
Ngoài mảng truyện ngắn, nhà thơ
còn viết rất nhiều tạp văn cho các báo. Hơn một trăm bài được tác giả chọn lọc
để in thành tập gồm nhiều chủ đề khác nhau. Anh viết về nông dân, công nhân,
ngành y, điện ảnh, môi trường, hạnh phúc hôn nhân gia đình, ẩm thực… Nhưng mảng
đề tài về giáo dục được quan tâm nhiều nhất, bởi anh vốn là nhà giáo, đã từng
dạy ở các trường: TH Hưng Đạo, Hùng Vương, Bồ Đề, Kim Thông, Quảng Ngãi…
Những bài viết gọn ghẽ xinh xắn
mang nhiều thông điệp bổ ích mà tác giả không chỉ trình bày như một bài báo,
còn nêu lên những vấn đề, những câu hỏi nóng khiến người đọc phải trở trăn. Thử
đọc một đoạn của bài “Lúa bán hay để vịt ăn” “… Nếu nông dân sau mỗi mùa gặt
đều tự hỏi “bán hay để vịt ăn” thì cần gì phải lập ra cái Hiệp hội Lương thực
Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần gì phải đưa ra quyết sách chỉ
đạo mạnh mẽ và cụ thể. Ngay trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn đề xuất cung cấp tín dụng cho nông dân để họ không lâm vào
đường cùng bán rẻ sản phẩm nặng trĩu mồ hôi nước mắt của mình. Ở cương vị Chủ
tịch Hội Nông dân TP. HCM, đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phụng băn khoăn “Không có nông dân thì Vinafood1 và Vinafood 2 lấy đâu ra nguồn hàng hóa để xuất
khẩu kiếm lời? Đáng lẽ ra doanh nghiệp phải chủ động chia sẻ với bà con. Lãnh
đạo doanh nghiệp nhà nước được nhà nước giao nhiệm vụ thu mua, xuất khẩu lương
thực rồi hưởng lợi từ người nông dân mà lãnh đồng lương “khủng” như vậy thì
phải xem lại lương tâm?”
Cuộc
sống của nông dân hiện nay mặc dù có đổi mới nhưng bài toán đầu ra cho cây lúa
vẫn luôn là bài toán khó, lúa vào vụ mùa thường bị “dội hàng”, nông dân bị bắt
chẹt với giá mua rẻ mạt và những người lãnh đạo doanh nghiệp thu mua thì hưởng
mức lương khủng hoảng (5, 6 chục triệu VND/ tháng), cuộc sống của nông dân vẫn
còn nhiều bấp bênh. Nói về những khó khăn của nền giáo dục nước ta ở bậc đại
học, nhà thơ viết “Không khó để chỉ ra thực trạng chông chênh của giáo dục
nước ta. Chỉ riêng đào tạo đại học đã thấy nhiều điều đáng lo ngại. Thứ nhất,
giáo trình giảng dạy hầu hết do giáo viên trong nước biên soạn, chưa được tiêu
chuẩn hóa và công nhận trên quốc tế . Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi
bằng cấp của VN cũng chưa được công nhận và đánh giá đúng mức, dẫn đến việc khó
cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi với các trường đại học trên
thế giới hoặc chuyển ngang sang học tiếp các trường ĐH Quốc tế hoặc được xét
tiếp tục học trình độ cao hơn đối với các sinh viên đã tốt nghiệp trong nước.
Thứ hai, trong nước chưa có một Hội đồng đánh giá chất lượng đào tạo cũng như
tiêu chí xếp loại các trường, các ngành học để nước ngoài dựa vào đó hợp tác
làm việc. Thứ ba, chính sách đầu vào của các trường ĐH Sư phạm chưa cao, chất
lượng đào tạo chưa có ưu tiên về mọi mặt, lương bổng của giáo viên chưa đủ sức
để thu hút nhân tài. Thứ tư, hệ thống các phòng thí nghiệm, nghiên cứu còn quá
nghèo nàn, không hút được các nhà nghiên cứu khoa học trẻ…”
Nền giáo dục Đại học là khâu quan
trọng quyết định đào tạo tri thức, nhân tài cho đất nước mà còn thiếu, còn yếu
như vậy thì lúc nào mới vươn ra cho bằng bè bạn năm châu? Để cảnh báo tình
trạng phụ huynh đang đẩy trẻ em vào tình trạng nghiện thiết bị thông minh, nhà
thơ viết “Phần lớn, phụ huynh tỏ ra rất lạc quan với những ích lợi tích cực mà
thiết bị thông minh mang lại cho con em mình, xem đây là thiết bị giúp trẻ
thông minh nhanh nhạy, có vốn kiến thức rộng hơn, học tập và vui chơi thuận
tiện, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mặt khác, kết quả khảo sát cũng cho thấy, đại đa
số phụ huynh Việt Nam đang bị động trong việc cho con em tiếp cận và sử dụng
các thiết bị này. Họ hoàn toàn lúng túng trước việc phân định hiệu quả tích cực
hay nguy cơ tiêu cực với con em mình. Vì vậy, bên cạnh các lợi điểm, phần lớn
phụ huynh cũng cho biết, con em mình có nguy cơ xao nhãng việc học tập, dễ bị
ảnh hưởng bỡi những xu hướng không lành mạnh, có khuynh hướng ít giao tiếp với
cha mẹ, người thân, dễ rơi vào trạng thái phụ thuộc và nghiện, suy giảm khả
năng tưởng tượng…”
Nhiều vấn đề “nóng” tác giả đưa
ra có thể không lạ gì với người đọc nhưng nội dung bài viết cho thấy sự quan
tâm chân tình và tấm lòng của tác giả đối với cuộc sống quanh mình.
Nhà thơ Bùi Đức Ánh không còn trẻ
nhưng nhiệt huyết tràn đầy và lòng đam mê nghệ thuật thật vô cùng. Thơ, văn anh
xuất hiện đều trên các báo Kiến thức Gia đình, Giáo dục Thời đại, Tài hoa trẻ,
Văn Nghệ TP.HCM, Thất Sơn ( An Giang)… Có phải chăng khi rảnh rang với việc gia
đình, xã hội, anh để mặc ngọn lửa văn chương âm ỉ trong lòng bấy lâu bừng cháy,
cháy hết mình, hiến dâng cho đời những ngọn lửa ấm tình thương.
Đầu Xuân năm Ất Tỵ 2015
K.Q
*
Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, tháng 10 năm 2014
Nhà thơ Bùi Đức Ánh không còn trẻ nhưng nhiệt huyết tràn đầy và lòng đam mê nghệ thuật thật vô cùng. Thơ, văn anh xuất hiện đều trên các báo Kiến thức Gia đình, Giáo dục Thời đại, Tài hoa trẻ, Văn Nghệ TP.HCM, Thất Sơn ( An Giang)… Có phải chăng khi rảnh rang với việc gia đình, xã hội, anh để mặc ngọn lửa văn chương âm ỉ trong lòng bấy lâu bừng cháy, cháy hết mình, hiến dâng cho đời những ngọn lửa ấm tình thương.(KQ)
Trả lờiXóaKết rất hay Kim Quyên ơi! Người làm thơ, viết văn được thăng hoa là ở đây...