Mưa! Trời sụt sùi,
ẩm ướt suốt. My áp sát mặt vào kính cửa sổ nhìn ra hàng cây lao xao trong bóng
chiều ảm đạm. Những chiếc lá bóng nhẫy, đen sẫm. Từng giọt mưa như giọt thời
gian thánh thót rơi khiến My buồn ngơ ngẩn. My chợt muốn ra phố với chiếc ô màu
cỏ úa.
Cũng tháng này hai
năm trước, My bị sét tình yêu đánh trúng vào một buổi chiều mưa. My nghe tê tê
đầu lưỡi, lành lạnh tay chân nhưng trái tim nóng như lửa cháy khi một gã lạ
hoắc lạ huơ cầm một chiếc ô màu cỏ úa từ đâu chạy ra che một khoảng trời cho My
không ướt tóc. Gã thản nhiên lấy khăn tay phủi những hạt bụi mưa cho My mà quên
cái đầu trần của gã đẫm ướt. Dúi vào tay My chiếc ô, hắn bảo hãy giữ để đi mưa rồi
chạy biến vào bóng chiều lướt thướt.
Bây giờ, phố lưa
thưa mưa bụi. Người đi đường không còn dồn bước. My lững thững dọc vỉa hè, lơ
đễnh ngắm những bồn hoa. Chiếc dù nghiêng nghiêng làm rớt vài giọt mưa lên áo
khoác của My. Có phải đấy là nước mắt trời khóc nhớ thương ai! My bật cười khi
nghĩ đến Dương. Có lẽ My nhiễm tính lãng mạn của Dương thật rồi. Anh chàng thi
sĩ coi trời bằng vun ấy. Hắn tung tẩy bằng thơ. Bất cứ điều gì thoáng qua, hắn
cũng ghi lại bằng thơ. Mà lạ kỳ làm sao. Thơ hắn khiến người đọc trào dâng cảm
xúc. Dạo nọ, My bắt gặp một bài thơ viết về tháng tư, về những kỷ niệm, những
ký ức trong trẻo của tuổi học trò, về sắc hoa phượng cháy đỏ mùa hạ và cháy cả
tim. Rồi vì công việc khiến My cũng quên khuấy đi bài thơ và những xuyến xao
chợt lóe cùng mùa hạ. My cùng bạn bè rong ruổi thăm một vùng biển trong kỳ nghỉ
thường niên. Thật xúi quẩy, vừa đến nơi, My đã bị cảm. Trong lúc bạn bè chạy ùa
ra biển giỡn sóng, My phải ngồi giữ khăn, điện thoại của các bạn. Cô rút hai
chân lên ghế bố, lấy ra chiếc khăn to đùng có in những cái hoa sặc sỡ của mình
trùm kín từ chân lên tận cổ. Có ánh chớp liên tục lóe sáng làm My giật nảy
mình. Cô kéo cặp kính đen che gần nửa khuôn mặt xuống. Thì ra một tên phó nháy
chết tiệt đang chỉa ống kính về phía My. Hắn bấm lia lịa khi cô trố mắt bậm
môi:
- Ai cho phép chụp
người ta vậy hả, ông kia.
Hắn nhe răng cười.
Nụ cười khiến My thêm tức. Hắn muốn gì mà lại chụp ảnh một người định ngủ.
Nụ cười khoái trá
khiến My muốn đấm hắn một cái. Nhất là khi hắn bảo:
- Hiện tượng lạ!
Người ta ra biển để ngắm nhìn hoặc tắm táp có mấy ai ra đây để trùm khăn như cái
kén đâu, trừ cô.
Hắn ghì chặt cái máy
vào ngực:
- Đâu được! Để minh
họa bài viết, xóa uổng lắm.
- Ôi trời, vậy chết
tôi rồi!
- Chết đâu mà chết.
Có thấy mặt mũi gì đâu mà lo ha ha…
- Thiệt là bó… chân
với ông.
Hắn đưa tay sờ cằm
rồi gật gù:
- Chắc tại mấy cọng
râu chưa kịp cạo nên em thấy già chứ anh còn trẻ măng hà. Gọi bằng anh cho thân
mật.
- Xí, không gọi. Ai
thèm thân mật với ông.
- Em trọ ở khách sạn
nào?
- Hỏi chi vậy, ông
tướng?
- Để đem hình đến
tặng em.
Trước khi sải bước,
hắn buông một câu:
- Chào nhé, hẹn gặp
lại em.
- Ôi trời… Cái ông… chết
tiệt!
Bãi biển chiều đông
nghẹt người. Nắng chói chang vẫn không ngăn được mọi người tràn ra biển. Họ đội
nón rộng vành, đeo kính râm và đập bì bõm dưới nước. Chị Thi bảo:
- Mi thử tắm xem, có
chết ta chịu cho.
- Hic, em chết sao
chị chịu được chứ.
Cả nhóm cười rộ. Họ
lôi My ra và xô xuống biển. My chưa kịp ngóc dậy đã bị một ngọn sóng xô tới
chụp lên đầu khiến My ướt sũng. Mọi người bật cười. Chị Thi tinh nghịch kéo
tuột cái áo khoác của My làm lộ ra bộ đồ tắm màu xanh da trời hai mảnh, chị
bảo:
- Mi cởi quách cái
áo khoác đưa đây, ta đem lên bờ cho. Tắm mà mặc hai ba áo, có khùng không?
- Mắc cỡ cái khỉ
khô! Mi mặc vậy người ta càng chú ý vì chẳng giống ai.
My đảo mắt nhìn
quanh. Đúng là chẳng giống ai. Nai nịt kín đáo quá sao tắm chứ. Có vài người
đang nhìn My mỉm cười. Chẳng biết họ cười gì. My cởi áo khoác đem lên bờ, đặt
trên đôi dép cạnh đồ của các bạn rồi chạy ào xuống. Thật là thoải mái và vui
nhộn.
Tắm xong, khi trở
lên mọi người phát hiện cái áo khoác và đôi dép của My không cánh mà bay. My
hoảng hốt nhìn dáo dác. Chị Thi tủm tỉm:
- Ta nhớ cái áo ấy
đâu có đẹp, kiểu xưa thấy mồ. Còn đôi dép thì xấu ỉn hà. Bọn trộm nầy nếu không
khùng, cũng điên đây mà.
- Kệ, vậy cũng tốt!
Vậy nhỏ My mới chịu từ giả cái áo mua từ thời Bảo Đại. Nhìn nó quê ơi là quê.
Còn đôi dép mòn dẹt rồi. Cám ơn tên trộm à nha.
- Nhưng em mặc vầy
nhong nhong lên khách sạn coi sao được.
- À, vậy mi cởi hết
hai mảnh kia thì coi được liền hà hehe…
My khoanh hai tay
ngang ngực. Cô cảm thấy ân hận vì do thích màu xanh mà đã mua bộ đồ tắm này dù
hơi chật. Bây giờ, nó đang siết hai gò ngực của My như muốn đẩy bật ra ngoài.
Đã vậy, My lười mang khăn theo.
- Cho em mượn cái
khăn của chị che đỡ.
- Ta đâu có ngu. Đưa
mi rồi ta… lộ hàng sao hehe… Ráng chịu đi cưng!
Bỗng những ánh chớp
lóe sáng liên tục. Quay lại thì ra cái gã phó nháy chết tiệt lại chỉa ống kính
về phía My bấm máy. Cô thét lên:
My chạy về phía hắn.
Hắn vừa chạy vừa cười. Anh ta đưa cái máy lên cao:
Có vài tiếng cười rộ
lên xung quanh. My giật mình. My phát hiện bao nhiêu cặp mắt đều đổ dồn về phía
hai người. Lại có vài ánh chớp lóe lên. Không phải của hắn. Chắc ai đó đã chộp
cảnh My rượt đuổi hắn. Hoảng quá, My chạy về chỗ các bạn. Cả nhóm kéo về khách
sạn. Đến chỗ tiếp tân nhận chìa khóa phòng, cô ấy hỏi:
- Mấy chị có ai mất
áo khoác, mất dép không?
- Ủa, có tui mất nè
cô. Sao cô?
- Có người đem vào
đây nè.
- Ủa mà sao người ta
biết người trong khách sạn nầy mất héng. Lạ quá!
- Vậy là cái áo cũ
lại về với chủ rồi. Chắc lại được tái sử dụng đến cuối thế kỷ 22 quá.
Mọi người bật cười.
My lỏn lẻn cười, chắc phải cho nó nghỉ… hưu, chứ không chịu sao nổi mấy chị bạn.
Vừa ngủ dậy, mọi
người đang bàn bạc chương trình vui chơi cho ngày mới thì có tiếng gõ cửa
phòng. My ra mở cửa, kinh ngạc hết biết khi thấy gã phó nháy đứng chình ình
trước mắt. Hắn nhoẻn cười:
- Anh mang hình đến
tặng em và các bạn nè.
- Ủa, hình gì, mà
sao biết tui ở khách sạn này?
- Haha… anh cũng ở
khách sạn nầy mà nhưng trên tầng 4.
- Ồ, nhưng tui không
cho ông xưng hô kiểu đó à nghen. Mà hình gì mới được.
- Hình em mặc áo hai
mảnh đó, đẹp lắm!
My muốn đấm cho hắn
một cái. Chị Thi đi ra chụp lấy sấp hình:
- Đâu nào? Woo, đã
quá! Đẹp quá tụi bây ơi! À, ông phó nháy vào phòng chơi. Tui tên Thi, nhỏ nầy
là My, nhỏ đó là Hoa, nhỏ kia là Thủy.
Hắn thừa cơ hội ung
dung vào phòng. Chị Hoa rót nước mời rồi sà vào mấy tấm ảnh.
- Anh tên là Dương,
35 tuổi, nghề chính là viết báo, nghề phụ là làm thơ, chụp ảnh và… long bong.
Gọi bằng anh đi nhé.
Cả nhóm bật cười.
Chị Thi nhìn từ đầu đến chân hắn, gật gù:
- Cũng ra dáng nhà
báo lắm nhưng… già chát hà. Trong khi bọn tui trẻ đẹp như hoa mùa xuân. Gọi bằng
anh cũng đúng.
Mọi người cười ầm ầm
khi thấy tấm ảnh My bị chị Thi tuột áo khoác. Cảnh My mát mẻ trước biển. My lấy
cái gối đập túi bụi vào lưng gã phó nháy. Hắn không giận còn cười khoái trá,
khoe rằng:
- Nhờ giấu cái áo
khoác với đôi dép lê của em mà chụp được mấy tấm ảnh đẹp quá.
My thét lên một
tiếng, nhào tới ngắt nhéo Dương. Anh ta vừa đỡ vừa cười nói:
- Nếu hôm nay các em
chịu làm mẫu cho anh chụp ảnh, anh hứa sẽ cho em nhéo mệt nghỉ, còn đãi một
chầu hải sản.
Từ đó, Dương trở
thành bạn của cả nhóm. Trở về Sài Gòn, họ hay hẹn nhau đi cà phê vào cuối tuần.
Dù không nói ra nhưng ai cũng biết hắn thích My nhất. My cũng thấy lòng nao nao
khi được Dương tặng quyển tạp văn, và mấy tập thơ. Trong đó có bài thơ viết về
tháng tư mà My từng rất thích nhưng không chú ý tên tác giả. Nào ngờ nó là của
Dương. My nhận ra bên trong con người vui vẻ ấy có một góc khuất sâu lắng và
buồn bã. My càng xao xuyến hơn khi nghe anh nói về gia đình.
Cả vùng quê anh ngày
xưa chỉ chừng ba chục nóc nhà, cất rải rác, cách nhau một vườn cây hay đầm
nước. Đa số đều là nhà lá lụp xụp, xiêu vẹo. Chỉ có đình làng và ngôi nhà của
nội anh lợp ngói đỏ. Dù bề thế chẳng lớn lao gì nhưng nó vẫn nổi bật, chói lọi
giữa màu xanh của cây, màu vàng của lá và màu trắng của mây. Tự nó đã cách biệt
với xung quanh mà những người chủ của nó cũng lập dị, kỳ quặc, khó gần.
Cụ Thân là ông nội
của anh đã ngoài tám mươi tuổi. Dáng người gầy còm, quắt queo, bệnh hoạn. Dù
vậy, ông đi đứng vẫn nhanh nhẹn. Cặp mắt tinh tường và đôi tai rất thính. Cụ
khó giàng trời. Mọi vật trong nhà, từ sợi chỉ, cây kim đến heo, gà vườn
ruộng... đều được ông quản lý chặt chẽ. Ai muốn gì, phải thông qua ông. Với
ông, của quí hơn người! Trời mưa, thà ướt như chuột lột chứ ông không che dù vì
sợ dù mau cũ. Mua dép, ông chỉ dành khi “ăn nói” mới xỏ chân vào. Thà đạp gai
chứ mang hoài dép nào chẳng chóng mòn... Vì thế, ông sẵn sàng ném đá vào đầu
bất cứ ai hái trộm trái cây trong vườn hoặc xua chó ra cắn xé người tham của.
Do vậy, chẳng ai thèm tới nhà ông nếu không có việc cần kíp.
Ngược lại, cha anh
là một người phóng túng đến hời hợt. Ông ham vui như trai trẻ. Ông thích la cà
ở chỗ hội hè, đình đám. Ông thường vào xóm tụ tập trai tráng đờn ca, hát xướng
chứ chẳng thích làm. Đã vậy, lâu lâu, ông còn lén “tóm” vài ba con gà để cùng
các bạn liên hoan. Bà con chòm xóm gặp khó khăn, ông hay được, thế nào cũng tìm
cách giúp đỡ cho nên người ta thường gọi ông là Hai Nhân thay vì cái tên cúng
cơm là Phú Quí. Chẳng ai ngạc nhiên vì tính cách của ông. Họ cho rằng ông đã có
một người cha hà tiện và giữ của như vậy thì cần gì lo lắng. Thêm vào là mẹ
ông, bà nội của Dương rất giỏi. Bà làm việc tất bật cả ngày. Bà có thể vừa nấu
cơm vừa chẻ củi vừa cho heo ăn một lúc. Hết mùa lúa, bà liền đan thúng, rổ, rế
để kiếm thêm chút đỉnh tiền. Dân làng ví bà như một loại máy ngoại nhập, làm
việc có hiệu quả và không biết mệt mỏi. Bà còn thừa hưởng cái tính lo xa của
chồng. Mỗi bận ra chợ bán ít trái cây, vài nuột trầu vàng... Xong, trở về,
trong ruột tượng bà dầy thêm vài tấm giấy bạc. Rồi bà mua vàng giấu trong hốc
nhà. Chẳng bao lâu, bà xây được một căn nhà xinh đẹp. Có người mẹ vừa giỏi vừa
biết tằn tiện như vậy thì cần gì lo cho phí sức. Hai Nhân cứ hưởng nhàn như sợ
thời gian qua mau. Vả lại, ông cũng có nỗi buồn riêng. Người vợ yêu mới mấy năm
chung sống với ông đã vội rời bỏ ông về cõi vĩnh hằng. Điều làm ông đau đớn
nhất là khi vợ trở dạ vì tiếc tiền ba mẹ ông đã không cho đi bệnh viện tỉnh
sinh nở mà rước mụ vườn về nhà. Khi thấy sản phụ làm băng, mụ hoảng quá, kêu
người nhà đưa ra bệnh viện huyện thì chỉ còn cứu kịp đứa bé. Đứa bé đó là
Dương. Tiếng khóc dai dẳng, quặt quẹo của hài nhi như xé nát trái tim ông thành
từng mảnh vụn. Tiếng khóc làm cho ông vừa thương xót vừa muốn chạy trốn, tìm
quên. Vừa ân hận vừa đau khổ vừa buông xuôi. Ông giận mình đã lười lao động,
chỉ biết sống dựa vào cha mẹ nên khi cần tiền để làm một việc chính đáng cũng
không có, hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ. Chính vì vậy người vợ hiền mới chết
oan. Nhưng rồi ông cũng không cố gắng sửa đổi, vẫn tiếp tục chè chén vịn vào lý
do buồn chán, nhớ thương vợ mà say mèm từ sáng chí tối. Mặc cho con trai ra sao
thì ra. Ai chăm thì chăm. Thậm chí, anh lớn dần lúc nào ông cũng không để ý.
Dương cứ lặng lẽ, âm thầm như chiếc bóng vươn tới vòm trời xa lạ. Sau khi tốt
nghiệp trung học phổ thông, anh thi đỗ vào Đại học Báo chí. Ra trường, Dương ở
lại thành phố. Mỗi năm, anh chỉ về nhà một lần, đó là ngày giỗ mẹ. Ngày Tết anh
vẫn ở lại thành phố hay đến một nơi nào đó cho đến khi hạ nêu mới trở về làm
việc.
… Trời đã tạnh. Một
chút nắng le lói phía xa rọi tới làm bừng sáng những chiếc lá bàng trở đỏ, lấp
loáng. Hai hàng cây bàng trẻ trung đứng xen kẻ với những cây dầu cổ thụ như
chơi trò xếp hàng dọc phố. Con đường có tên nhân vật lịch sử vậy mà My và các
bạn vẫn thích gọi là phố Cây Bàng. My và các bạn rất yêu những con đường thênh
thang rợp mát. Hàng quán lùi về phía trong, những gánh hàng rong cũng biến mất
trên những vĩa hè. Tất cả nhường cho phố sá sự trong lành. Chị Thi có lần bảo “Cái
quán cơm lề đường của mẹ ta bị lùa sát hàng rào. Tưởng sẽ bán ế. Nào ngờ thực
khách chạy theo vô… xơi.” Còn nhỏ Hoa khoe: “Cái vụ cấm bán hàng rong vậy mà
cũng hay hay. Mẹ em không còn gánh chè đi từ đầu trên đến xóm dưới, rao khản cổ
mà… ngồi một chỗ trong chợ. Bán có chậm hơn trước nhưng khỏe hơn”. Còn Thủy hí
hửng bảo “Ba tớ bỏ nghề chạy xe ba gác cho chủ bán vật liệu xây dựng mà trở
thành… cu li. Ba tớ bảo sẽ học xây để lên… thợ rồi biết đâu sẽ thành thầu”.
Đúng như ba My dự đoán những quy định mới, những thay đổi nào ban đầu cũng gây
xốc. Nhưng dần dần đâu cũng vào đấy. Và, người ta lại nhận ra cái hay từ đó.
Một ánh chớp lóe
lên. My giật mình đứng lại ngơ ngác nhìn. Không có tiếng sấm! Thì ra là Dương
chẳng biết ở đâu ra đang lén chụp ảnh My. Anh cười cười khi trông thấy My bậm
môi, trợn mắt liền chụp thêm… mấy bô hình nữa. Dương chắc lưỡi: “Trông dễ
thương quá trời!”. My đỏ mặt “Ơ hay! Lãng xẹt vậy…!”. Dương đến bên cạnh My:
“Em có thấy mưa ấm không?” Anh còn lì lợm giật lấy cây dù trên tay My rồi ngọt
ngào: “Chắc em mỏi tay rồi! Để anh che cho nhé!”.
My vừa bực mình vừa…
thinh thích. Dương len lén nắm tay My. Mưa nhưng cô cảm thấy ấm áp lạ lùng!
B.Đ.A (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét