Đầu thu, những trận mưa cứ lai rai, kéo dài từ ngày này sang
ngày khác. Mưa phủ xanh non trên màu lá mạ, cánh đồng xanh xa tít tắp thấp
thoáng cánh cò. Quê tôi, một vùng chiêm trũng thuộc đồng bằng Trung bộ, nơi
được mệnh danh là vùng “nắng rát bỏng da”. Và cũng giống như nhiều vùng quê
khác, bờ đê sông Ba thoai thoải chạy vào miền xanh cổ tích. Cánh đồng bạt ngàn
dưới mưa mù giăng xa. Ở đó, có tuổi thơ tôi trôi qua với những mùa cua đồng lấm
láp.
Đầu tháng bảy âm, nước lên, nước từ các mương chính chảy về
các chân ruộng qua hàng trăm con mương nhỏ. Đợi mỗi khi trời ngớt mưa, tôi –
con nhỏ gầy gò mà bà con trong xóm vẫn hay trêu là con bé “xì ke”, mặc áo cộc,
quần đùi, đi chân đất, không mũ nón mang cái giỏ của bà ngoại sang rủ thằng
Đất, con dượng Khải hàng xóm, đi bắt cua. Nước lênh láng ở các con rãnh. Hễ mưa
xuống là cua từ trong hang bò ra rãnh nước để đẻ trứng. Thế nên vào mùa này,
cua nhiều vô kể. Tôi cầm giỏ đi theo sau thằng Đất, việc của tôi là quan sát, hễ
thấy con nào thì chỉ cho nó bắt. Sở dĩ tôi không bao giờ xuống bắt vì tôi sợ
cua cắn và đặc biệt là sợ đỉa. Ở các rãnh, nước chảy xiết và xoáy một vùng khá
sâu, tôi đứng phải đến đầu gối. Những vũng sâu ấy, cua rất nhiều, còn có cả cá
rô đồng.
Cua đồng gồm có cua đực và cua cái. Mùa này chủ yếu là cua
cái vì là mùa đẻ trứng. Để phân biệt được giữa cua đực và cua cái, đòi hỏi ở
người bắt một đôi mắt “bình thường” chút để nhìn xuyên qua lớp nước đen đen lẫn
bùn đất. Cua đực to, màu đen sẫm có hai chiếc càng to luôn giương lên vẻ thách
thức. Cua cái nhỏ hơn, có màu nâu sẫm, hai cái càng nhỏ hơn, bụng mang rất
nhiều trứng.
Bắt cua cũng phải biết cách, để không bị cua kẹp thì phải
dùng ngón tay khéo léo bóp chặt dọc thân con cua thì hai cái càng của nó sẽ “vô
hiệu hóa”, lúc ấy chỉ việc ném vào giỏ, còn ai mà chẳng may bị kẹp thì thôi
rồi!.
Nói về nghề bắt cua thì thằng Đất là cao thủ. Đám nhóc trong
xóm chúng tôi luôn miệng trầm trồ thán phục. Mỗi buổi như thế này, cái giỏ tre
của bà ngoại tôi cũng đầy ắp. Thằng Đất đem chia ra hai phần, tôi một phần, nó
một phần. Tôi rất thích món canh cua nấu rau dền của bà ngoại. Chỉ nghĩ đến
thôi cũng đủ thòm thèm cả buổi.
Bà dùng cái cối đá giã nhuyễn rồi lóng lấy gạch cua để nấu.
Phần bã bà đem nấu cho lợn ăn. Có thể nói đó là đặc sản của tuổi thơ tôi. Và cũng
chính những con cua này đã cho tôi nhiều kỉ niệm đáng nhớ.
Hồi đó, tôi và Đất đang học lớp năm. Cái tên Đất được ba nó
đặt cho nó, nó có thằng em, em nó tên Cát, hai anh em nó gộp lại là Đất Cát.
Cùng lứa chỉ có tôi chơi thân với nó. Chính vì thế cho nên bọn trẻ khác hay
trêu chọc, gán ghép chúng tôi với nhau. Hễ cứ lúc nào đi bắt cua, bắt cá, tôi cũng
đi cùng nó. Mắt tôi được nỗi rất tinh, bao giờ tôi cũng nhìn thấy những chỗ
nhiều cua tụ tập trước nó. Nhưng khổ thay, tôi là chúa sợ đỉa.
Một lần, thằng Đất không may bị con cua đực kẹp chặt ở tay
mà không làm gì được, chỉ biết nhăn mặt chịu
đau. Thấy tội, tôi “liều mạng” lội xuống nước gỡ cho nó. Hai đứa “cắm
đầu” gỡ, cuối cùng con cua cũng chịu thua. Nhưng bàn tay thằng Đất đã bị nó làm
cho xây xước, rướm máu. Khi cả hai đứa lên bờ, tôi phát hiện ra dưới chân mình
có một vật gì đó đen đen, béo ú bám chặt. Tôi vừa chạy vừa hét toáng lên, nước
mắt nước mũi tèm lem. Thằng Đất chạy theo, kéo tôi lại, bảo tôi đứng im cho nó
“gỡ”. Sợ quá, tôi đành nghe nó, đúng im ru mà nước mắt vẫn không ngừng chảy.
Tôi chăm chăm nhìn vào cái con vật đáng ghét nơi gót chân mà không dám làm gì. Thằng
Đất nhổ một bãi nước bọt vào tay rồi lôi con đỉa với hai cái vòi bám chặt vào
gót chân xanh xao của tôi ra. Con đỉa căng tròn, béo núc lăn lóc trên đám rạ
mục. Thằng Đất lấy đá đập nát nó ra mà nó vẫn còn giãy giụa. Đúng là sống “dai
như đỉa”…
Kể từ hôm đó, tôi không bao giờ bén mảng đi bắt cua nữa. Thằng
Đất vẫn đi, đi một mình, nhưng nó vẫn không quên phần tôi. Hôm nào được nhiều
thì nó chia cho tôi một phần, còn được ít thì nó đưa cho mẹ nó nấu rồi bê sang
cho tôi bát canh hoặc bát cháo cua nóng hổi.
Với thằng Đất, đỉa là chuyện nhỏ và nó đã bị đỉa bám không
biết bao nhiêu lần. Nó chỉ “dị ứng” với rắn nước, dù con rắn đó không có độc,
bị cắn chỉ hơi đau tí. Có lần vừa thò tay vào cái hang thì một con ngoằn ngoèo
lao ra bò lên cổ tay nó. Giật mình, nó quăng mạnh con rắn sang một bên và cũng
từ đó không dám đi bắt cua nữa. Tôi và nó chính thức “gác kiếm”.
Tuổi thơ chúng tôi đã trôi qua thật yên bình với những mùa
cua đồng ngọt bùi. Thằng Đất bây giờ đã đổi tên, tên mới của nó là Nam,
cái tên nghe thật đẹp. Nó đã là một cậu thanh niên vạm vỡ nhưng vết thương bị
cua kẹp rớm máu còn để lại vết sẹo nhỏ. Tôi đã là sinh viên đại học và ở nơi phồn
hoa đô thị nhộn nhịp, thỉnh thoảng lại thấy nao lòng khi nghe mùi vị quen thuộc
của món bún riêu cua nơi gánh hàng rong ven đường. Tự dưng, chợt mỉm cười khi kí
ức tuổi thơ trong trẻo ngày ấy trở về…
N.H (Phú Yên)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét