Chiều ngày 5/3/2015, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM
(diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM), Ban Nhà văn
trẻ (Hội Nhà văn TP.HCM) đã bán đấu giá thành công tập thơ độc bản “Lớn lên cùng thành phố”, gồm 40 bài thơ của 40 tác giả sinh ra
và lớn lên tại TP.HCM từ sau năm 1975. Số tiền này sẽ dùng gây quỹ hỗ trợ các
nhà thơ trẻ có năng lực nhưng gặp khó khăn trong việc in tác phẩm.
Trước đó, đêm khai mạc Hội thơ với chủ đề “Xuân thống nhất, phát triển, hướng
về biển đảo Tổ quốc” đã được
tổ chức vào tối ngày 4/3/2015 thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả yêu thơ
thành phố. Năm nay khác với mọi năm là đêm thơ không còn chia theo thơ trẻ, thơ
già mà được phân định theo thời gian như các nhà thơ thời kỳ chống Pháp, nhà
thơ thời chống Mỹ và các thế hệ nhà thơ sau 1975 cho đến nay. Có 18 tiết mục
của sáu thế hệ nhà thơ (giai đoạn sau 1975 có bốn thế hệ) được trình bày với
nhiều hình thức từ diễn ngâm, hát nhạc phổ thơ, hoạt cảnh thơ. Đêm thơ cũng
vinh danh các nhà thơ được giải, tặng thưởng năm 2014, các nhà thơ được kết nạp
vào Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM 2014.
Đáng chú ý, Ngày thơ năm nay cũng có một số thay đổi về hình thức
để tránh lặp lại mình sau nhiều năm tổ chức. Trong hai ngày diễn ra Ngày thơ,
đã 25 câu lạc bộ (CLB) thơ đến từ các quận huyện, các chi hội nghệ thuật,
trường đại học… tham gia trang trí các lều thơ, gian hàng thơ, thi biểu diễn,
trình bày hoạt cảnh về thơ để đón tiếp những người yêu thơ. Nổi bật là ba gian
trưng bày thơ, nghệ thuật thể hiện thơ Chăm, Hoa, Khmer của Hội văn học nghệ
thuật các dân tộc thiểu số TP.HCM. Đại Đức Kim Chương (Chi hội Văn hóa Nghệ
thuật Khmer) chia sẻ: “Đây là
lần thứ hai chi hội đến với Ngày thơ Việt Nam. Chi hội hy vọng tiếp tục là cầu
nối giữa những tâm hồn yêu thơ và yêu nghệ thuật thư pháp Khmer”. Anh Tăng Quảng Kiện bày tỏ cảm xúc: “Bài thơ hiện đại tiếng Hoa mang
tên “Đón xuân” của mình được nhà thư pháp Lâm Hán Thành viết thành thư pháp
triển lãm tại Ngày thơ khiến mình rất vui. Đây thật sự là cơ hội để các dân tộc
anh em chúng ta cùng chia sẻ về niềm yêu mến thi ca”. Bên cạnh đó, gian thơ của các em
sinh viên cũng tạo một điểm nhấn cho Ngày thơ. Nguyễn Trần Khải Duy (CLB thơ
sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết mục
tiêu của CLB là đem đến chất trẻ của lớp sinh viên đầy háo hứng, đầy nhiệt
huyết góp phần vào không khí của Ngày thơ. Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM khép
lại với lời nhắn nhủ về một thành phố TP.HCM luôn là biểu tượng của đất nước về
một thành phố trẻ, năng động, phát triển. Và những gì đẹp nhất của TP.HCM trong
những năm qua luôn được những nhà thơ bằng tình yêu trái tim, tâm hồn mình,
hình tượng hóa qua ngôn ngữ thơ để diễn tả những vẻ đẹp ấy.
X.T (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét