Phạm Hữu Hoàng
1
Họ là nhóm bằng hữu gồm ba người ở làng Nam Hạ, cùng đến dùi mài kinh sử ở nhà thầy Nguyên Từ trên làng Nam Thượng. Thầy đỗ cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), năm thứ 21 dưới triều vua Tự Ðức. Bấy giờ nước nhà nghiêng ngả, giặc Tây xâm chiếm hết Nam kỳ rồi lại Bắc kỳ. Chán ghét cảnh triều đình hủ bại, bạc nhược, gian nịnh lộng hành, thầy về quê mở trường dạy học. Ngày mùng ba tết năm ấy, học trò vào thăm, thầy dạy:
- Giang sơn nguy biến, giặc Tây ỷ thế mạnh ngang ngược lộng hành. Chúng bộc lộ rõ dã tâm muốn cướp nước ta. Các con phải thấu hiểu thời thế, biết chọn nẻo đúng mà đi, đem tài học ra giúp nước.
Đêm sau, nhóm bạn đến nhà Nguyễn Nhân dự tiệc rượu. Nguyễn Nhân là người đức độ, tài học hơn đời. Chàng sống rất hào phóng, trọng nghĩa khinh tài. Song thân qua đời. Chàng thừa hưởng gia sản đủ sống ung dung một đời. Hai người còn lại là Lê Trung và Tần Thanh. Lê Trung tính khảng khái, bộc trực, hay giúp người khác. Tần Thanh con nhà hào phú có tiếng ở làng, sống kín đáo, kiệm lời. Cùng dự tiệc có nàng Huệ Như, vợ của Lê Trung. Đôi vợ chồng trẻ mới cưới chưa được bao lâu. Được vài tuần rượu, men đã nồng, Nguyễn Nhân nhắc lại ý thầy:
- Làm kẻ sĩ thời loạn phải có trách nhiệm với đất nước. Nhiệt huyết sục sôi trong lòng người nhưng biết làm gì để thỏa chí nam nhi?
Lê Trung giọng bừng bừng:
- Nghĩ mà nhục! Cứ đánh cho chúng biết tay người dân Việt. Thì đấy, trong Nam, ông Trương Định, Nguyễn Trung Trực đã đánh cho chúng thất điên bát đảo. Ngoài Bắc, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu quyết giữ thành Hà Nội gây cho chúng bao nhiêu tổn thất. Thành mất, các vị ấy tuẫn tiết theo thành. Chết cũng lưu danh thiên cổ. Còn hơn sống mà kéo lê kiếp tôi đòi hèn đớn.
Kéo nhẹ tay áo Lê Trung, Huệ Như nhíu mày:
- Kìa, chàng nói khẽ thôi. Tai vách mạch rừng, mấy ông kỳ dịch nghe được thì phiền lụy lắm.
Ánh mắt Lê Trung dịu lại, chàng âu yếm nhìn Huệ Như:
- Nàng quá lo cho ta rồi. Ở đây toàn tri kỉ, ta sợ gì mà không dốc ruột gan mình?
- Đúng đó, Tần Thanh lên tiếng, chúng tôi tình như thủ túc, hiểu nhau thấu đến tâm can, không việc gì phải e sợ.
Cầm ly rượu lên, Nguyễn Nhân mời mọi người:
- Nào! Ta uống cạn! Chàng khà một tiếng, để ly xuống bàn, cất giọng: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?”. Trượng phu ra sa trường vì nước mấy người còn quay về. Hôm nay ta say một bữa để ngày sau mỗi người một nơi hãy còn nhớ tới nhau.
Thêm mấy tuần rượu nữa, Huệ Như xin phép về trước. Nàng bối rối khi bắt gặp ánh mắt là lạ của Tần Thanh. Quá canh ba, cuộc rượu tàn mà vấn đề luận bàn vẫn chưa được thấu tỏ...
2
Khoa thi Hương năm Ất Dậu (1885) diễn ra tại trường thi Bình Định. Sĩ tử vừa thi xong trường ba (thi thơ phú), thì nghe tin kinh thành Huế rơi vào tay giặc, vua Hàm Nghi xuất bôn nên phần đông đều bỏ về. Trong đó có Nguyễn Nhân và Lê Trung. Còn Tần Thanh ở lại thi tiếp trường tư (thi văn sách) và đỗ cử nhân. Vua Hàm Nghi xuống dụ Cần Vương kêu gọi sĩ phu cả nước đứng lên đánh Tây. Nguyễn Nhân và Lê Trung đến tụ nghĩa dưới cờ Mai Xuân Thưởng. Lúc từ biệt Huệ Như, Lê Trung nhìn vào đôi mắt đẫm lệ của nàng nói:
- Kẻ sĩ sinh ra thời loạn luôn lấy việc nước làm trọng. Nay nghĩa nước tình nhà không thể vẹn đôi đường. Ta đi chuyến này quyết sống chết với chúng. Ta chẳng sợ gian nguy, chỉ thương nàng nơi phòng khuê chăn đơn gối chiếc vò võ một mình.
Huệ Như thổn thức:
- Chàng đi thực hiện chí lớn của đấng nam nhi, em nào dám cản. Song trong chốn lửa đạn bời bời, chàng gắn bảo trọng. Trăng khuyết rồi lại tròn, em mong trời xanh phù hộ để phu thê mình có ngày đoàn tụ.
Hai người bịn rịn không nỡ rời, Nguyễn Nhân phải giục:
- Ta đi thôi! Đường lên trại quân của Mai nguyên soái còn xa lắm.
Huệ Như lòng xốn xang trông theo cho tới khi Lê Trung và Nguyễn Nhân khuất hẳn trên con đường mòn bên kia cầu Nam Hạ.
3
Tần Thanh áo mão xênh xang ngồi kiệu, cờ lọng, võng giá vinh quy bái tổ. Vị tân khoa đi thăm họ hàng nội ngoại gần xa, đến đâu cũng được tiếp đãi trọng vọng, rượu thịt ê hề. Vị tân khoa mặt dương dương tự đắc. Thấy vậy, các bậc thức giả cao niên trong làng chê bai:
- Nước mất, nhà vua bôn tẩu. Các tầng lớp sĩ nông công thương ứng nghĩa Cần Vương đánh giặc cứu nước, chết chẳng tiếc thân. Vậy mà ở đây say sưa yến tiệc, chúc tụng tưng bừng. Thời loạn mà làm như thời trị. Thật uổng công đèn sách.
Lời nói ấy tới tai Tần Thanh. Vị tân khoa cười nhạt nói với bọn người thân tín:
- Mấy lão hủ nho một đời không ra khỏi lũy tre, biết gì thế cuộc mà luận bàn xằng bậy. Người Tây sức mạnh khôn lường. Chiến thuyền, đại pháo của họ hàng hàng lớp lớp diễu võ dương oai khí thế ngất trời. Mấy lão ấy mà nhìn tận mắt thì khiếp vía, kinh hồn hết dám khua môi múa mép. Chim khôn phải biết chọn cây mà đậu. Ta đã có chủ đích của mình. Hơi sức đâu mà nghe những lời vu vơ đó.
Triều vua Đồng Khánh năm 1886, Tần Thanh tham chính và được ban hàm Chánh thất phẩm, bổ nhiệm chức huyện thừa giúp việc cho tri huyện Tuy Viễn. Tần Thanh rất mẫn cán, tận tụy với chức trách được quan trên hết sức vừa ý. Đường hoạn lộ rộng mở. Song khi nói đến chuyện lập gia thất, Tần Thanh tỏ ý ngần ngại. Mặc song thân hối thúc, vị huyện thừa cứ lần lựa mãi. Thật ra, Tần Thanh đã thầm yêu trộm nhớ Huệ Như. Mối tình đơn phương ấy không thể dứt được. Sóng mắt khuynh thành, nụ cười e ấp, dáng vẻ thướt tha yêu kiều của nàng làm cho Tần Thanh ngày đêm tơ tưởng. Vị huyện thừa không màng đến bất cứ thiếu nữ nào khác nữa. Mối tình đơn phương làm héo hắt trái tim quan huyện thừa. Cho đến một hôm, xong việc công, viên đề lại thuộc cấp mời Tần Thanh ra tửu điếm uống rượu. Rượu đã ngà ngà, thấy Tần Thanh tư lự, viên đề lại hỏi:
- Quan huyện thừa có nỗi niềm riêng gì chăng? Cứ giải bày, tôi gỡ rối giùm cho.
Tần Thanh thổ lộ:
- Không giấu được ông. Quả thật, tôi có chuyện khó xử. Nếu ông giúp được, tôi vô cùng cảm kích.
Viên đề lại đã gần tứ tuần, vốn là kẻ thâm hiểm, mưu mô xảo quyệt. Cặp mắt như cú vọ, cái mũi khoằm trên gương mặt gầy đét, lúc nào cũng khịt khịt như đánh hơi. Nghe Tần Thanh kể xong, hắn cười nhếch mép:
- Chuyện đó có gì khó. Tôi có một kế này giúp quan thỏa nguyện.
Hắn kề miệng vào tai Tần Thanh nói nhỏ một hồi. Tần Thanh còn e ngại:
- Nhưng….
- Quan huyện thừa từng đọc kinh sử, há không hiểu muốn đạt được mục đích đôi lúc phải dùng tới thủ đoạn đấy sao? Ai dám chắc các vị công hầu khanh tướng kia chưa từng làm những việc ám muội để thăng quan tiến chức. Huống chi chuyện cỏn con này. Miễn là làm sao cho kín để không ai nhận ra là được.
Tần Thanh đứng dậy quả quyết:
- Lời ông nói làm lòng tôi nhẹ nhõm. Xong việc, sẽ hậu tạ xứng đáng.
Viên đề lại đáp:
- Không dám. Được bề trên tin cậy là tôi vui lắm rồi. Xin được dốc sức giúp quan hoàn thành tâm nguyện.
Chiều hôm đó, Huệ Như ngồi bên khung cửa sổ lấy hộp kim chỉ thêu thùa. Bây giờ đang vào tiết lập đông, lạnh lẽo, mưa lắc rắc… Nhìn ra cửa sổ, bầu trời ảm đạm, những đám mây xám xịt giăng giăng đến tận đỉnh núi mờ xa. Nàng nhớ Lê Trung. Chàng vẫn bặt vô âm tín. “Giờ này chàng ở đâu? Chàng có biết em mong đợi chàng từng ngày, từng tháng không?”. Tin nghĩa quân bại trận liên tiếp làm nàng thấp thỏm lo lắng, không biết số phận chồng nàng ra sao? Lòng nàng thêm rối như tơ vò… Bất ngờ, một tốp lính lệ xuất hiện. Chúng bắt nàng giải đi. Dân làng không lấy làm lạ. Từ ngày ứng nghĩa Cần Vương, việc bắt bớ như thế diễn ra thường xuyên ở Nam Hạ.
Huệ Như bị giam trong nhà ngục đã ba ngày, nàng chưa bị xét hỏi như các phạm nhân khác. Ba ngày sống giữa bốn bức tường chật chội, ngủ trên nền nhà lạnh cóng. Ban ngày, tội nhân bị đánh đập khảo tra kêu khóc váng trời. Buổi tối u ám, chỉ có chút ánh sáng leo lét từ ngọn đèn chỗ bọn gác ngục. Nàng hãi hùng như đang rơi vào địa ngục. Chừng nào tới lượt mình đây? Sáng ngày thứ tư, tên cai ngục mở cửa. Nàng lồm cồm ngồi dậy, một người bước vội vào. Nàng thảng thốt kêu lên: “Tần Thanh!”.
- Về Nam Hạ, nghe tin nàng bị bắt, ta tức tốc tới đây. Tội nghiệp cho nàng. Thân gái mảnh mai mà phải chịu khổ sở ở cái nơi tăm tối này. Giờ nàng hãy theo ta.
Tần Thanh dẫn Huệ Như về tư dinh tọa lạc gần huyện đường. Nàng ở một phòng riêng sang trọng, chăn ấm, gối êm. Phía trước cửa ra vào là hoa viên đủ các loại hoa mơn mởn, khoe sắc. Bữa ăn có người hầu đem tới, đủ các món ngon. Tần Thanh nói:
- Vì chồng nàng theo giặc nên nàng phải chịu liên lụy. Trong nhà ta, nàng mới được bình yên. Ta sẽ lo liệu cách cứu nàng.
Tần Thanh ân cần chăm lo Huệ Như, không để thiếu thốn thứ gì. Một hôm, Tần Thanh cho người hầu mời Huệ Như vào thư phòng. Vừa thấy nàng, Tần Thanh nói ngay:
- Ta có tin cho nàng đây. Nhưng nàng phải thật bình tĩnh mới được.
Mặt Huệ Như tái nhợt, nàng linh cảm có chuyện chẳng lành.
- Quan binh đã đánh vào hang ổ của giặc. Chúng chết như rạ, thây nằm ngổn ngang. Vì nàng, ta cho người thuộc hạ tâm phúc nhất đến nhận dạng từng tử thi, thử xem có chồng nàng trong số đó không? Đáng tiếc là…
- Là sao? Chồng tôi có sao không? Huệ Như hốt hoảng.
Tần Thanh cỏ vẻ buồn bã:
- Sự thật là Lê Trung đã chết trong đám loạn quân.
- Trời ơi! Chồng tôi... đã... Huệ Như lắp bắp nói không thành tiếng.
Tần Thanh bảo tên thuộc hạ đang đứng như bất động chỗ góc phòng:
- Ngươi kể tường tận cho nàng nghe đi.
Huệ Như nhận ra ngay, kẻ tâm phúc của Tần Thanh cũng là người quen ở Nam Hạ. Hắn kể đúng như lời Tần Thanh vừa nói.
Huệ Như ôm lấy mặt, khóc nấc lên:
- Sao chàng bỏ em mà đi? Sao ông trời nỡ nhẫn tâm với em như vậy?
Tần Thanh ra hiệu kẻ kia theo mình bước ra... Mấy ngày liền, nàng biếng ăn mất ngủ, vóc dáng hao gầy. Hình ảnh Lê Trung luôn hiện ra trong giấc mơ của nàng. Tiếng cười rộn rã của chàng… Những kỉ niệm đầy ắp yêu thương… Tần Thanh dùng lời lẽ khéo léo khuyên lơn:
- Chồng nàng đã tự chuốc lấy tai vạ. Nay âm dương cách biệt. Nàng có muốn sum họp cũng không thể nào thực hiện được. Tốt nhất là hãy cố mà quên đi.
Trưa hôm đó, Tần Thanh từ nha môn về, gương mặt khó đăm đăm. Trông thấy Huệ Như, Tần Thanh ra hiệu nàng tới gần, rồi nói khẽ:
- Nàng biết không? Loạn Mai Xuân Thưởng đã dẹp yên, quan trên bắt đầu tra xét đến những kẻ tiếp tay với giặc. Ta biết phải làm sao để bảo bọc cho nàng đây? Song thân nàng cũng phải chịu vạ lây. Ta thật không cam lòng thấy nàng bị hành hình. Phụ mẫu nàng tuổi cao sức yếu làm sao chịu nổi đòn roi cùm kẹp?
Tần Thanh thở dài sườn sượt. Huệ Như nước mắt lưng tròng. Nàng không còn biết nói gì nữa.
- Ta nghĩ kĩ rồi. Chỉ còn một cách duy nhất này may ra mới cứu được nàng.
- Còn có cách ư? Huệ Như thảng thốt kêu lên.
- Đúng vậy! Cách này được hay không là do chính nàng quyết định.
- Do tôi? Huệ Như càng kinh ngạc. Nhưng tôi phải làm gì đây?
- Nàng ưng thuận làm vợ của ta. Giọng Tần Thanh rắn rỏi, ta sẽ che chở cho nàng.
- Làm vợ… ông ư? Huệ Như ấp úng.
- Ta đã thầm yêu nàng từ lâu… Nay chồng nàng không còn, nuối tiếc thì chỉ phí hoài tuổi xuân. Nàng nghĩ cho thấu đáo rồi trả lời ta nhanh kẻo muộn.
Huệ Như tái tê cả người. Nàng chợt nhớ tới ánh mắt là lạ của Tần Thanh nhìn nàng trong tiệc rượu hôm nào… Nàng chưa biết mình phải trả lời Tần Thanh ra sao? Tần Thanh là ân nhân của nàng trong quãng đời hoạn nạn vừa qua. Nếu không có Tần Thanh thì cuộc đời nàng như thế nào? Còn song thân nàng nữa? Nàng chưa đáp đền chữ hiếu, giờ nỡ lòng nào để tai họa giáng xuống mái đầu bạc hai đấng sinh thành. Huệ Như cảm thấy mình thật nhỏ bé, đơn độc như chiếc thuyền mong manh lênh đênh giữa muôn trùng sóng gió, không biết đâu là bờ. Thôi! Chắc hẳn là ý trời. Không còn con đường nào khác để lựa chọn. Chỉ có chấp nhận làm vợ Tần Thanh, nàng mới thoát khỏi cảnh oan nghiệt này. Cũng đành nhắm mắt xuôi tay, mặc số phận nàng cho con tạo đẩy đưa…
4
Lê Trung không chết như Tần Thanh nói. Trận đánh một mất một còn với quan quân triều đình có sự yểm trợ của pháo binh Pháp diễn ra tại Bàu Sấu, nghĩa quân bị thua trận, tan tác mỗi người một nơi. Nguyễn Nhân và Lê Trung náu mình ở một cơ sở bí mật của nghĩa quân. Quan binh triều đình truy quét, lùng sục khắp nơi. Họ không dám lộ diện. Thời gian sau, khi tình hình đã lắng dịu, họ nhận được tin dữ, Mai nguyên soái và một số thủ lĩnh bị bắt và bị xử chém. Số thủ lĩnh còn lại vẫn giương cao ngọn cờ Cần Vương tiếp tục chiến đấu. Nguyễn Nhân bàn với Lê Trung về thăm làng một lúc rồi lên đường tìm đến trại quân ứng nghĩa. Về tới Nam Hạ đầu canh ba, cả hai ghé nhà Lê Trung. Cửa đóng, then cài, trong nhà tối om. Lê Trung cất tiếng gọi khẽ. Không ai thưa. Họ về nhà Nguyễn Nhân. Người quản gia Nguyễn Nhân cho biết chuyện Huệ Như bị bắt và hiện đã làm vợ Tần Thanh. Người ấy nói:
- Hãy hỏi kẻ tâm phúc Tần Thanh. Hắn biết tường tận sự việc.
Không khó khăn lắm, Lê Trung và Nguyễn Nhân tới nhà lôi hắn ra gò. Bóng trăng hạ tuần lờ mờ. Tiếng gió xào xạc. Lê Trung kề thanh gươm sắc ngọt vào cổ hắn:
- Lưỡi gươm này đã từng kết liễu bao nhiêu kẻ thối tha bán nước cầu vinh. Nói ra sự thật, ta tha mạng. Chuyện vợ ta thế nào?
Khuỵu chân xuống, hắn run lập cập, van lạy trối chết:
- Tôi… Tôi xin nói… không dám giấu nửa lời!
Hắn kể ra tất cả... Nguyễn Nhân và Lê Trung sững sờ đưa mắt nhìn nhau. Nguyễn Nhân lẩm bẩm: “Đúng là Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Nước mắt lưng tròng, Lê Trung kêu lên: “Huệ Như ơi! Thật khổ cho nàng. Vì ta mà nàng phải chịu cảnh trớ trêu. Ta phải làm gì đây?”. Bỗng chàng đổi giọng, bàn tay nắm chặt, mặt phừng phừng:
- Đồ phản phúc! Tao sẽ băm vằm mày làm trăm mảnh cho hả giận, dù có nát thân cũng được.
Nguyễn Nhân ôn tồn khuyên:
- Chúng ta đã nếm trải biết bao khố ải, chứng kiến bao cảnh tang tóc biệt ly. Con mất cha, vợ mất chồng. Thân ta còn chưa biết sống chết thế nào. Hãy dằn lòng lại. Không vì thù riêng mà đánh mất nghĩa lớn.
Rồi nói riêng với Lê Trung mấy câu, Lê Trung gật đầu, quay lại bảo kẻ tâm phúc Tần Thanh:
- Ngươi chuyển lá thư của ta đến tận tay Huệ Như. Nếu xảo trá, ta sẽ quay lại lấy mạng của ngươi đó.
Hắn ta rập đầu xuống đất:
- Đội ơn tha mạng. Xin thề không dám sai lời.
Đêm ấy, ở nhà Nguyễn Nhân, Lê Trung viết thư kể rõ tất cả sự tình gửi cho Huệ Như. Cuối canh tư, hai người lặng lẽ rời làng.
5
Chiều hôm đó, xong việc quan, Tần Thanh ra về lòng phơi phới. Quan huyện thừa đã được triều đình xét công lao thăng hàm Tòng lục phẩm, bổ nhiệm chức tri huyện chờ ngày lãnh chỉ đi trấn nhậm. Tới nhà, chưa kịp thay lễ phục, Tần Thanh hí hửng tìm Huệ Như báo tin mừng ấy. Không tìm thấy nàng. Tần Thanh cất tiếng gọi:
- Huệ Như! Huệ Như! Nàng ở đâu?
Im lặng. Phòng riêng của nàng cửa đóng im ỉm. Cảm thấy có điều chẳng lành, Tần Thanh đạp bung cửa… Vừa bước vào, Tần Thanh sững sờ, há hốc miệng… Huệ Như treo cổ chết tự lúc nào. Nàng rũ người như cây liễu héo hon. Tần Thanh bước vội lại đỡ thây nàng xuống đặt nằm trên chiếc ghế dài bộ tràng kỉ. Bất chợt, Tần Thanh liếc thấy một lá thư đã mở để trên bàn. Tần Thanh cầm lên đọc. Thư của Lê Trung gửi Huệ Như. Đọc xong, Tần Thanh quát lớn một tiếng, vung tay hất cái bàn ngã xuống nền, ly tách vỡ loảng xoảng. Rồi đứng phắt dậy, miệng méo xệch, mắt trợn trừng, gò má giật giật, lồng lộn đập phá đồ đạc trong phòng, miệng rít lên những âm thanh sắc lạnh như tiếng gầm của loài thú dữ…
Đám gia nhân đứng thập thò ngoài cửa. Lần đầu tiên chúng trông thấy bộ dạng của quan huyện thừa hung hãn như thế. Ai nấy đều khiếp vía... Chúng không biết vì sao lại xảy ra cơ sự ấy… Kẻ tâm phúc quan huyện thừa cũng có trong số đó. Nhưng vẫn im lặng.
P.H.H (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét