Sáng chủ nhật (12/4/2015), tại
10-12 Đinh Tiên Hoàng (Q.1), Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Khoa Ngữ văn, Khoa Ngữ
văn và Báo chí trước đây) của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM (ĐH Tổng hợp TP.HCM
trước đây) tổ chức Ngày Hội Khoa nhân kỷ niệm 40 năm thành lập.
ĐẶC SẮC RIÊNG, LỐI ĐI RIÊNG
Được
hình thành trên cơ sở hợp nhất Ban Văn chương VN và Ban Hán văn (thuộc Trường ĐH
Văn khoa Sài Gòn) cùng với sự tăng cường một số giảng viên từ các trường ĐH và
viện nghiên cứu ở Hà Nội, Bộ môn Ngữ văn VN lần lượt trở thành Khoa Ngữ văn VN,
Khoa Ngữ văn, Khoa Ngữ văn và Báo chí và ngày nay là Khoa Văn học và Ngôn ngữ
(VH-NN). Qua 40 năm xây dựng và phát triển, đơn vị đào tạo này đã tạo nên bản sắc
của mình không chỉ bằng những thành tích trong giảng dạy mà còn bằng những công
trình nghiên cứu được công bố rộng rãi trong nước và bước đầu ở nước ngoài.
Trong
hai nhiệm kỳ trở lại đây, Khoa VH-NN đã tập trung triển khai những công trình
sưu tầm, nghiên cứu di sản văn học được lưu giữ bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc
ngữ la-tinh hóa trên địa bàn các tỉnh phía Nam từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX.
Bởi chính ở đây, văn hóa dân tộc đã cho thấy sự gặp gỡ và tích hợp giữa truyền
thống và cách tân, cổ điển và hiện đại, Đông phương và Tây phương đã diễn ra
như thế nào. Tương tự hướng đi trên, còn có chương trình sưu tầm, nghiên cứu
văn học dân gian vùng Nam Bộ và ngôn ngữ các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Gần
bốn thập niên qua, công việc này vừa là một chương trình đào tạo thực tế bổ trợ
cho sinh viên, vừa là một hoạt động phục vụ cộng đồng của thầy và trò Khoa
VH-NN. Những sản phẩm sưu tầm, ghi chép, khái luận về văn học dân gian địa
phương; từ điển ngôn ngữ các tộc người thiểu số… thực sự là những đóng góp nhằm
bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
HÀNG LOẠT ẤN PHẨM MỪNG HỘI KHOA
Để
chuẩn bị thật tốt cho ngày Hội Khoa, Ban tổ chức đã tìm mọi cách liên lạc với
các cựu sinh viên, cựu học viên của 40 khóa đào tạo qua các hình thức gửi
email, điện thoại, nhắn tin trên mạng xã hội (facebook), thông báo trên các
phương tiện thông tin đại chúng. Đây được xem là nỗ lực lớn nhằm tạo nên một
ngày Hội Khoa thật sự đông vui và ấm áp. Ngoài ra, với mong muốn tạo dấu ấn cho
kỷ niệm 40 năm, ngoài việc sẽ có những khu triển lãm các tác phẩm của cựu sinh
viên bao gồm: sách, truyện, thơ, băng đĩa, Khoa VH-NN còn tổ chức biên soạn và
liên kết thực hiện hàng loạt ấn phẩm có giá trị cả về mặt khoa học lẫn tinh thần.
Tập
sách “Mấy vấn đề văn học cổ điển Việt Nam”
của PGS. Mai Cao Chương tập hợp các bài giảng và bài viết của thầy trong suốt mấy
chục năm giảng dạy và nghiên cứu về văn học cổ điển dân tộc. Là một nhà giáo rất
tận tụy với nghề, đã giữ trọng trách Trưởng Khoa Ngữ văn đầu tiên, PGS. Mai Cao
Chương được nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên còn nhớ mãi về sự giản dị
nhưng nghiêm túc. Trong khi đó, được chọn lựa từ hàng trăm công trình của 76
tác giả, Tuyển tập “Những vấn đề ngữ văn”
phản ánh thành tựu nghiên cứu đa dạng của Khoa VH-NN trong 40 năm qua.
Tạp
chí “Nghiên cứu văn học” dành trọn số
4-2015 làm chuyên san đặc biệt kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền
Nam, thống nhất đất nước (1975-2015). Trong đó, có giới thiệu các công trình
nghiên cứu mới nhất của Khoa VH-NN với ý nghĩa một trung tâm nghiên cứu và giảng
dạy chất lượng cao của cả nước, gắn với thành quả 40 năm thống nhất đất nước. Chuyên
san tạp chí “Ngôn ngữ và đời sống”, số
4/2015 là chuyên san đầu tiên của Bộ môn Ngôn ngữ của Khoa cũng kịp góp mặt
trong các ấn phẩm nhân dịp này. Đặc biệt, để chuẩn bị cho cuộc họp mặt của hàng
ngàn cựu sinh viên từ khắp các miền Tổ quốc, Ban Tổ chức Hội Khoa cũng đã gấp
rút hoàn thành Kỷ yếu “40 năm – dấu ấn những
thế hệ”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét