Năm tôi
mười ba tuổi, ngoại mất. Gia tài ông để lại cho tôi nằm gọn trong một cái tủ gỗ
thao lao chạm khắc tinh vi, trông rất đẹp.
Tủ có
hai ngăn. Ngăn trên chứa những mẫu vật ngoại sưu tầm. Một cái hộp thiếc đựng những
đồng xu đủ loại. Những đồng có lỗ được xâu thành một chuỗi. Trong số đó, tôi
thích nhất là những đồng cà- rô-bi có in hình nữ hoàng. Lẽ ra, xâu chuỗi còn
dài hơn nếu trước đó tôi không xin ngoại một ít để phân phát cho bạn bè dùng
thay compa khi vẽ vòng tròn hoặc mang về biếu bà của chúng làm vật cạo gió.
Bên
cạnh hộp đựng tiền cổ là một bát sứ đầy vun nhũng viên bi to nhỏ, màu sắc sặc
sỡ. Có viên bằng thủy tinh trong veo nổi bật những vân màu xanh, đỏ, tím… Có
viên bằng sành, men nền màu nâu hay màu rêu bóng loáng điểm xuyết li ti những
cánh hoa vàng. Có viên màu hoa Tú Cầu. Có viên màu lửa đượm. Ba viên đặt ở trên
cùng chỉ to bằng đầu ngón tay trỏ, bị khờn lỗ chỗ. Nhưng ngoại quí chúng hơn
hết khi biết tôi có được từ một việc làm tốt. Tôi thường cho thằng cu Tuấn mượn bút chì màu trong giờ tập vẽ. Tuấn đã
lựa ba viên bi đẹp nhất trong số bi của mình để tặng tôi. Tôi biếu lại cho ông.
Có lần tôi hỏi:
- Ngoại
cất bát bi ấy để làm gì?
- Để
ngắm. Chúng đẹp phải không?
Gật đầu
tán thành nhưng tôi vẫn chưa hết thắc mắc:
- Thiếu
gì đồ đẹp hơn sao ngoại không chọn?
- Vì nó
vừa túi tiền của ngoại. Vả lại, chúng còn gợi nhớ những trò chơi vui nhộn thời
thơ ấu. Một vật dù tầm thường nhưng mang màu sắc kỷ niệm cũng trở nên vô giá.
Điều đó
phải mất một thời gian dài tôi mới hiểu.
Cái hộp
giấy đựng tem chết chiếm chỗ gần hết phân nữa ngăn tủ trên. Những con tem chết
lem luốt dấu bưu chính nằm bất động, chồng chất lên nhau được ngoại làm cho chúng có linh hồn, bằng
một quyển sổ ghi chép lịch sử hình ảnh của từng con tem. Tôi thích trò chơi nầy
lắm. Thấy ai có thư, tôi cũng năn nỉ xin con tem trên phong bì, mang về biếu
ông. Ngoại lại mất mấy ngày vào ra thư viện để tìm hiểu, ghi chép vào sổ. Chỉ
chờ có thế, tôi đọc ngấu nghiến trong vài giây.
Trong
ngăn tủ nầy, những mẫu hoa văn ngoại sưu tầm được bà khen là thực tế nhất. Vì
ông đã sử dụng chúng khi vẽ trang trí lên những bức tường rào quanh các ngôi
chùa trong vùng. Công đức ấy được nhiều người
đền bù bằng cử chỉ ngã mũ, khom
người cúi chào khi gặp ông bà ngoại tôi. Ông không tranh luận với bà nhưng tâm
sự với tôi:
- Ngoại
làm công quả không phải để đánh đổi những điều đó. Ngoại già rồi, không lo làm
việc có ích thì đợi đến bao giờ. Tôi gật đầu, điều nầy tôi thật sự cảm thông
với ngoại.
Ngăn
dưới, ngoại xếp một chồng sách và một chồng vở. Những quyển sách đã ngã màu
vàng ố nhưng không hề bị quăn góc. Từng trang vẫn phẳng phiu vì mỗi lần đọc
sách ông luôn cầm bằng hai tay. Đó là bộ: "Cuốn theo chiều gió”, những quyển
truyện truyền thuyết Việt Nam,
quyển thơ Lục Vân Tiên, một quyển nói về cây thuốc nam. Chồng vở còn phong phú
hơn. Ông dành để ghi chép nhiều loại: Ca dao, tục ngữ, động vật, thực vật, về
những người nổi tiếng trong và ngoài nước…
Ngày
nào đi học về, tôi cũng chúi mũi săm soi
cái gia tài của mình. Hết mân mê vật nầy đến chăm chú cúi gầm vào quyển sách
kia. Tôi nhận ra có một thế giới kì ảo nằm trong chiếc tủ con. Nhưng niềm vui
kéo dài chẳng bao lâu. Một trận hỏa hoạn xảy ra đã cướp đi tất cả. Ngọn lửa
quái ác, tàn khốc thiêu rụi cả xóm tôi. Ngôi nhà thân yêu và chiếc tủ quí báu
của tôi biến thành tro bụi. Những người hảo tâm đã giúp xóm tôi dựng lại nhà.
Nhưng trong ngôi nhà mới thiếu chiếc tủ thao lao chạm khắc tinh vi. Tôi buồn
như mất ông lần thứ hai.
Một
hôm, tôi bỗng nghĩ ra một cách: "Tự tạo gia tài ở lứa tuổi học trò”. Muốn làm ra tiền
thì không phải dễ nhưng phục hồi gia sản của ông chẳng khó khăn mấy, nếu tôi có quyết tâm và kiên trì. Tôi thực
hiện ngay ý định. Từ đó, mỗi sáng tôi chỉ đỡ dạ bằng một bát cơm nguội rồi đến
trường. Tiền mẹ cho ăn quà bánh tôi để dành. Chẳng bao lâu, tôi có một số tiền đủ để mua bảy quyển sổ bìa
cứng tuyệt đẹp. Tôi đặt tên cho chúng là Tìm
hiểu tự nhiên – Tìm hiểu xã hội – Tuyển văn – Tuyển thơ – Thuốc hay – mẹo vặt –
văn hóa. Mỗi chiều, tôi đến thư viện với một trong số các quyển sổ ấy.
Ngoài
ra, tôi còn sưu tầm các mẫu vật, tem thư, những hình ảnh đẹp và lạ. Tất cả
những thứ đó được đựng trong… một cái thùng mì gói, đặt dưới gầm giường của
tôi. Dù vậy, tôi cảm thấy vui hơn bao giờ hết. Tôi đã nhận ra và hiểu sâu sắc ý
nghĩa “cái gia tài" ông để lại cho
tôi. Đó là niềm say mê nét đẹp trong cuộc sống, nỗi khao khát chiếm lĩnh tri
thức và vận dụng chúng để làm đẹp đời mình, đời người.
Ngoại
đã giúp tôi tìm thấy ý xuân trong từng thời khắc sống. Ôi! Tôi biết ơn ngoại vô
cùng!
N.T.M (Trà Vinh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét