Tình
yêu chân thật không cần trưng bày
1.
Ra gần đến cổng, Đăng quay lại
khi nghe tiếng bé Hậu:
– Chiều mai, chú Đăng nhớ ghé đưa con với mẹ
đi ăn đám cưới cô Thảo nhen.
Bé Hậu nói xong, cười ròn tan.
Đăng mỉm cười, giơ tay ra:
- Thôi, móc nghéo cái đi. Chú sẽ
ghé.
Tiếng Tiên trong nhà vọng ra:
- Cu Bo hư quá, biết chú có rảnh
không mà bắt chú ghé đây?
- Được mà! Đăng nghiêm chỉnh trả lời.
- Tuỳ Đăng thôi.
Tiên vừa nói vừa bước ra, tay còn
cầm cây đũa bếp. Gương mặt ửng hồng vì lửa. Nét đẹp thời con gái vẫn còn phảng
phất quanh khuôn mặt trái xoan và nụ cười với hàm răng trắng muốt. Cái đẹp ấy
mang vẻ chững chạc cuả một bà mẹ trẻ, càng có vẻ nồng thắm hơn sau một thời lận
đận lao đao vì chuyện chồng con. Đăng bối rối khi Tiên bắt gặp chàng đang nhìn
mình chăm chú.
- Thôi, Đăng về nghen. Mai ghé!
Đăng hít lấy một hơi dài, trấn tĩnh.
Cánh đồng xung quanh nhà thơm mùi lúa mới. Thật dễ chiụ. Tránh cái nhìn của
Tiên, Đăng nói lảng:
- Hương dạ lý dễ chịu ghê hen!
Phảng phất trong gió, đúng là
hương dạ lý. Mỗi khi từ nhà Tiên về, Đăng đều nhận ra. Trời tối sẫm. Có tiếng
còi tàu rúc lên trong thinh lặng. Con đường sắt phía xa kia oằn mình chịu đựng.
Đã từ lâu, cái gia đình nhỏ bé
này là nơi mà Đăng hay ghé lại mỗi buổi chiều thứ sáu, hoặc thứ bảy, có khi cả
ngày chủ nhật, ở chơi tận khuya mới về dù từ nơi chàng ở lên trên này cũng hơn
6, 7 cây số, lại còn phải đi qua mấy ngã đường làng quanh co.
2.
Nghĩ cũng lạ, khi không mà cái thằng Nhân khỉ gió đêm đó xui mình chở Tiên về nhà giùm vì nó xỉn quá. Hai thằng
có chung một chiếc xe mà ngày nào nó cũng giành để chở Tiên. Hôm đó mình đã
nghi là nó làm bộ xỉn vì giọng nó hát còn ngọt lịm, có thấy lè nhè gì đâu. Thằng
cũng hay, tán đứa nào là đứa đó sớm muộn gì cũng rơi vào vòng tay của nó. Miệng
dẻo quẹo. Đẹp trai. Cao ráo. Da trắng. Mũi cao. Mắt sáng kỳ lạ. Hai đứa cùng
học chung với nhau từ thời trung học rồi khi thi vào Cao đẳng lại vào cùng một
lớp. Rời Ninh Hoà vào Nha Trang, cùng ở nội trú, cùng một giường tầng, Đăng tự
nguyện nằm tầng trên như đã quen nhường nhịn bạn. Nhỏ con, cục mịch, mang nét nông
dân. Đăng không sao bì với Nhân được về mọi phương diện trừ gia thế và học vấn.
Chả gì cha Đăng cũng là sĩ quan cấp tá còn cha Nhân chỉ mang cấp bậc trung sĩ.
Còn học thì lúc nào Đăng cũng đứng nhất nhì trong lớp dù không bao giờ cảm thấy
tự hào vì Đăng thấy còn quá nhiều người giỏi hơn mình. Nhưng cuộc đời thật kỳ
lạ. Lúc nào Nhân cũng quy tụ quanh mình một lũ bạn tung hê mọi thứ mà hắn làm,
dù hay dù dở. Hắn lắm tài vặt. Hát rất hay dù không học nhạc ngày nào. Nhái
giọng không thua gì mấy anh ca sĩ sến ngày xưa. Kể chuyện khôi hài tỉnh rụi.
Nói bằng bất cứ giọng điạ phương nào từ Nam ra Bắc. Mỗi tối nó phát thanh cho
bạn bè nghe đủ các đài tiếng nói nhân dân từ Hà Nội, Huế cho đến Phú Yên, Cà
Mau. Những lúc ấy, Đăng cũng như các bạn
chỉ có nước ôm bụng cười lăn. Nhưng thật ra hắn rất lười. Nhiều hôm ngủ quên
nhưng hắn chỉ cần xuống Phòng Y tế nhăn nhó, ca cẩm vài câu, với bộ dạng thểu
não là các cô y tá phê ngay: Cho phép em nghỉ hai ngày.
Đăng dù học giỏi nhưng lúc nào
cũng vẫn bị xem là nhân vật đóng vai phụ cho nó: Hôm thì làm bài giùm, hôm thì
lấy cơm nội trú, thậm chí có hôm đóng kịch trong Khoa, tới lúc diễn, nó cũng
biến mất, báo hại Đăng phải lên diễn thế. Trong lớp, Đăng và Nhân lại kết thành
nhóm bạn học tập với Thuỷ và Tiên, hai cô gái xinh nhất nhì trong lớp khiến mấy
nhóm khác phải ganh tỵ. Bọn nó cho rằng thằng Nhân rỉ tai trưởng lớp và cô chủ
nhiệm theo “kiểu” nào đó mà nhóm bạn học tập gồm 6 đứa thì Thuỷ và Tiên lại rơi
vào cùng một nhóm với Nhân. Tiên tươi tắn, hồn nhiên, nhà làm vườn ở Vĩnh Trung.
Còn Thủy đẹp, thoạt nhìn hơi lạnh lùng, nhưng luôn có vẻ đài các, con bà chủ quán
bún bò nổi tiếng Nha Trang. Mỗi lần họp, Nhân luôn là cây cười của cả nhóm còn Đăng là người phụ trách nội dung học tập:
nghiêm túc, kỹ càng và cởi mở. Cả hai bổ
sung cho nhau, tương hợp. Đôi khi Đăng bắt gặp nụ cười và cái nhìn tinh quái
của Nhân với Tiên. Đăng không thích kiểu khoa trương của Nhân, lúc nào cũng:
“Gia đình mình ngày xưa hào hùng lắm nhưng nay sa sút.”. Cho đến năm thứ hai thì
Nhân sinh ra bê trễ, thường vắng mặt bất ngờ ban đêm, đi chơi rất khuya. Có khi
họp nhóm thiếu cả Nhân lẫn Tiên. Mọi người thấy Tiên “thần tượng” Nhân trong từng câu nói. Một
điều “Anh Nhân nói…”, hai điều “Anh Nhân không chịu đâu…”. Hai đứa học hành sa
sút. Cả bọn phê bình thì Nhân lại xin lỗi và có lần làm hòa bằng cách mời mọi
người đi ăn đám cưới chị mình ở nhà hàng lớn nhất hồi ấy -7 tầng ngay đường
Thống Nhất. Nhân dặn các bạn ăn mặc thật đẹp, diện bộ đồ đẹp nhất, dù phải đi
mượn cũng được. Đến giờ Nhân dắt cả 5 đứa lên lầu và chia ra làm 2 nhóm, đưa
cho mỗi đứa một phong bì dày cộm, dặn ăn ở hai tầng khác nhau. Nửa chừng, có
đứa gặp cô dâu vội xưng: “Em là bạn của Nhân
thì cô ngạc nhiên hỏi Nhân nào? Nhưng vì đang cuộc vui, cô cũng không
tiện tra xét. Về đến phòng chất vấn hắn mới tá hỏa vì biết rằng vừa đi “ăn đám
cưới lậu”, chẳng có bà chị nào làm đám cưới cả mà phong bì đưa chỉ toàn giấy
báo.(!)
Đêm đưa Tiên về nhà, Đăng thấy
Tiên mệt mỏi, xanh xao. Chốc chốc lại thở dài, lo lắng. Gặng hỏi tại sao lúc
này Nhân và Tiên hay vắng cùng một lúc thì Tiên cho biết anh Nhân chở đi dạy
kèm cho nhà người quen anh ấy rồi ngồi chờ chở về. Sao cực thế? Tiên cho biết
gần đây Nhân rất buồn và cô đơn vì không ai hiểu hoàn cảnh của anh ấy. Cha anh ấy
là đại tá đi học tập chưa về. (Suýt nữa Đăng buột miệng đính chánh ) Nhưng tư
chất thông minh khiến chàng ngậm câm vì biết thằng bạn đời đang “nổ”, còn vì
mục đích gì thì chưa rõ lắm?) Mẹ thì mắc bịnh nan y, lúc tỉnh lúc mê. (Thật ra
Đăng biết mẹ Nhân bán rau ngoài chợ Ninh Diêm, lanh lẹn và rất tháp vát), Nhân
phải nuôi lũ em nhỏ dại bằng việc vẽ tranh cổ động ban đêm. Có nhiều đêm vẽ
suốt đến sáng (chuyện này thì Đăng càng ngạc nhiên vì Nhân đi về rất khuya, có
muì rựợu, lại ngủ rất say). Đăng gặng hỏi: “Nhưng Tiên biết chuyện này bao giờ?”
Tiên bối rối: “Có bữa anh Nhân rủ em ra bãi biển ngồi ăn đậu phộng, tâm sự”.
Đăng cảm thấy mơ hồ một điều không bình thường khi Nhân đã nhắm Tiên như một
mục tiêu cần chinh phục.
Những ngày sau đó, Nhân nói với
Đăng: “Từ rày, mày làm ơn chở Tiên về giùm tao. Nó yêu tao tha thiết mà tao chỉ
coi nó như đứa em gái tội nghiệp. Mày hiểu không, tao đã có người yêu là Thủy.
Nhưng Thủy cấm tao nói ra vì sợ um sùm. Má Thủy đang kêu tao về nhà bả ở mà tao
chưa chịu vì sợ mấy đứa dị nghị.” Đăng bàng hoàng. Thủy, dưới mắt Đăng, mang một
vẻ đẹp kiêu kỳ dù nàng cố gắng hòa đồng, lại là con nhà giàu, gia đình chỉ có
hai chị em gái. Thuỷ ít đùa nên có người nói cô ấy nghiêm nghị, mang nét quí
phái, sao lại nhanh chóng yêu thằng Nhân. Không hiểu từ lúc nào?
Gạt những hoài nghi sang bên,
Đăng muốn giúp Tiên vì cô ấy tỏ ra sa sút sức khoẻ và tinh thần rất bạc nhược.
Có lần Tiên nói anh Nhân dạo này bận quá nên nhờ anh chở em về phải không? Mà
em đi xe đạp không nổi vì nhà xa, sức khỏe xuống dốc thảm hại! Sao em chán
sống quá! Đăng lại phải động viên, khuyên nhủ.
3.
Tiên có bầu.
Đăng chỉ biết điều ấy vào một
buổi tối khi đưa nàng đến một chị bác sĩ quen. Cả hai đứa cùng choáng váng.
Tiên khăng khăng cho rằng mình bị đau bao tử, ăn khó tiêu, hay ói mửa. Bà bác
sĩ nhìn Đăng rồi lại nhìn Tiên và nói:
– Thôi hai đứa khai thật ra với gia
đình, rồi tiến hành đám cưới ngay đi. Thai này đã hơn 5 tháng rồi, không nên
phá, nguy hiểm lắm.
Khi đã bị các chứng cớ mà chị bác
sĩ đưa ra thuyết phục, Tiên thẫn thờ, nhìn ánh mắt ngây ra đến tội nghiệp của
Đăng, Tiên nói:
- Em làm em chịu. Anh đừng ngại.
- Nhưng em ăn nói làm sao với gia
đình?
- Em sẽ thú nhận với mẹ em, cũng
may là ba em làm rẫy mãi trên rừng, cả năm cũng chưa chắc về. Rồi tới đâu thì
tới. Em phải nghỉ học thôi.
- Sao em không nói gia đình Nhân
vào Nha Trang hỏi cưới em.
- Thôi anh ạ! Anh Nhân cũng đau khổ
lắm. Anh ấy còn đòi tự tử mấy lần mà em không cho. Nếu biết em có bầu thì…
Tiên nghỉ học thật. Nói dối là
vào Sài Gòn theo bà dì bán thuốc tây. Người mẹ nghèo khó phải nuôi vừa con vừa
cháu trong những ngày đất nước chưa mở cửa vô cùng cơ cực. Đăng giận Nhân nhưng
phải cố giả vờ như không biết cho đến một hôm Nhân gặp Đăng và nói: “Mày viết
bài thu hoạch thực tập nộp dùm tao. Tao phải làm đám hỏi với Thuỷ trưa nay.”
Đăng nổi nóng: “Mày coi Thuỷ như em gái từ xưa nay như Tiên trước kia
phải không? Em gái gì mà mày làm con người ta bụng mang dạ chửa, sống dở chết
dở?” Nhân cũng không vừa: “Đàn ông thằng chó nào chẳng có lúc làm bậy? Chắc gì
mày hơn tao? Mà sao mày biết nó có bầu? Mà bầu của ai?” Lần đầu tiên, Đăng muốn
đâm vào cái miệng có hàm răng trắng và nụ cười đểu giả của thằng bạn nối khố.
Đăng thông báo ngầm cho các bạn
biết Nhân làm đám hỏi trưa nay nhưng nó dặn nếu biết phải giữ kín đừng cho Thuỷ
nghe thấy vì cô ấy muốn giấu .
Đăng không ngờ mình đã làm cái loa không công
cho Nhân vì sau này theo lời Thuỷ kể chẳng có cái đám hỏi nào trưa hôm ấy cả.
Chẳng qua là Thuỷ lên trái rạ nên phải ở nhà và Nhân, người bạn, kẻ đang theo
đuổi và đồng thời là kẻ băm thịt thuê cho cửa tiệm bún bò của má cô, đã tung tin
nhằm loại hàng loạt đối thủ trong lớp trong trường, trong đó có một giáo viên
khoa Toán khá đẹp trai, du học Hungary về .
Để rồi, trong một lần băm thịt,
Nhân đã băm phải tay mình, máu tuôn xối xả. Mẹ Thuỷ cảm động trước sự tận tuỵ
của người con trai một gia đình “có quá khứ hào hùng mà nay sa sút” đã cho phép
Nhân giã từ khu nội trú về nhà bà ở. Và
khi, nói như các cụ ngày xưa, vác lửa để gần rơm thì …
Chẳng bao lâu, trước khi thi tốt
nghiệp, Thuỷ và Nhân đã nên duyên phận. Đến lúc ấy, cái quá khứ trung sĩ hay
đại tá thì cũng chẳng có vai trò gì, nông dân hay điạ chủ thì cũng phaỉ sống
cùng nhau thôi! Cũng như Maradona với bàn tay của Chúa làm nên kỳ tích dù gian
lận thì bàn tay tươm máu của Nhân cũng có kẻ hoài nghi. Nhưng phải nể phục vì “anh
hùng dễ có mấy tay?”
4.
Đã bốn năm, Đăng trở thành người
thân trong cái gia đình bé nhỏ ở Vĩnh Trung ấy. Sau khi sinh con, Tiên gửi mẹ
và quay về trường học tiếp. Đăng vui lây vì cô ấy biết nghe lời mình động viên
trở lại với công việc mơ ước: làm cô giaó. Đăng đã ra trường, may mắn dạy ngay
tại Diên Khánh chứ không về Ninh Hoà. Năm cuối của Tiên tại trường, những ngaỳ
chủ nhật, cô được Đăng đạp xe từ Diên Khánh xuống chỉ bảo, ôn tập lại những
kiến thức vốn đã phôi pha theo cuộc tình ngang traí đầu đời. Đặt tên con là Hậu,
Tiên muốn nhắc rằng làm người, Nhân thì phải có hậu, hơn nữa mẹ Tiên con Hậu ai
cũng bảo rõ là khéo đặt. Cu Bo lớn lên, quen dần với sự hiện diện của
chú Đăng trong những ngày nghỉ. Nếu chú không đến là nó nhắc hoài. Khi con xúc
xắc, khi con diều, khi đèn xếp, trẻ con dễ làm bạn với bất kỳ ai yêu thương
chúng thật lòng. Đăng cũng ngấm ngầm trợ giúp Tiên, nói là của mấy đứa bạn nước
ngoài gởi về, xài không hết, để Tiên dành dụm mua sữa, thuốc men cho thằng bé
hay ốm vặt.
Lâu dần chính Tiên cũng cảm thấy
thiếu thiếu khi Đăng không đến. Nhưng cô hiểu cuộc đời đầy khắc nghiệt ngoài kia
còn nhiều cạm bẫy và nếu không cẩn thận,
lại tự hủy hoại cái niềm vui nhỏ nhoi mơ hồ không dám gọi là hạnh phúc khi
bên mình có người hiểu và chia sẻ những buồn vui trắc trở của đời. Vả chăng,
càng thấy tình cảm của Đăng thiêng liêng và đáng trân trọng bao nhiêu, cô sợ hấp
tấp sẽ làm vỡ cái bong bóng ảo tưởng bấy lâu. Hơn nữa, sau một lần vấp ngã,
người ta nhận ra nhiều điều và đâm ra e ngại. Cô không còn quá cả tin vào đàn
ông: “Những
kẻ nhìn về bên trái nhưng lại sút banh về bên phải”.
Có lần, đưa con đi chơi cùng Đăng
bằng xe lửa ra Tuy Hòa, Tiên nói phải chi mình đừng phải xuống nhà ga nào hết,
cứ đi mãi vậy mà hay. Cô mơ hồ mối quan
hệ giữa họ sẽ phải dừng lại một ngày nào đó. Đăng bảo rằng hãy cứ vui lên vì
thực ra chẳng có nhà ga nào cho mình đến và ở mãi. Niềm vui đích thực là khi
đang đi, và nói như ai đó hạnh phúc nằm trên từng chặng đường của cuộc hành
trình. Nhà ga mãi mãi chỉ là một giâc mơ, vượt xa khỏi chúng ta.
5.
Những tình cờ không hẹn mà lại
đến. Ra trường, về Vĩnh Hiệp dạy lại gặp Thảo, em của Thủy, người rất mến chị
Tiên ngày xưa. Thế là, chị em lại có những ngày tâm sự thỏa thuê, duy nhất có
chuyện Bé Bo thì không bao giờ Tiên đề cập. Cô chỉ trả lời qua loa ba nó vượt
biên mất tích rồi. Thảo kể về cuộc sống căng thẳng giữa Thuỷ và Nhân khi những
lời qua tiếng lại diễn ra như cơm bữa, cô lại bị hư thai hai lần và theo bác sĩ
thì rất khó có con. Nhân càng ngày càng tệ, chửi vợ, hỗn với gia đình vợ, và
còn đay nghiến Thủy là biết vậy ngày xưa tui lấy con Tiên cho rồi. Thuỷ giận dữ
gặng hỏi sao không lấy mà chỉ coi nó như em gái. Ai cũng chỉ coi chỉ coi rồi
quơ một lúc một đống con… Nhân đêm nào cũng la cà các quán bia ôm đến tận khuya
mới về. Thậm chí có lúc Thuỷ toan tính chuyện ly dị thì bị Nhân đòi chia gia
tài. Muốn giữ êm nhà cửa và là tấm gương sư phạm, Thuỷ đành ẩn nhẫn chịu trận.
Đám cưới Thảo diễn ra ngay tại
nhà hàng mà ngày xưa Đăng và Tiên bị Nhân dụ cho ăn đám cưới lụi. Đúng giờ,
Đăng ăn diện bảnh bao, cỡi một chiếc xe gắn máy mới, đến đón mẹ con Tiên. Tiên
lặng nhìn Đăng. Sao cái chất quê quê ngày xưa đâu mất cả rồi? Thật ra, Đăng cũng
không hay là anh đã thay đổi vẻ ngoài nhiều vì anh đã nghỉ dạy, đi làm cho một công ty vận tải lớn, thường xuyên
tiếp khách, trong và ngoài nước. Tướng mạo hồng hào bệ vệ ra dáng một ông chủ.
Nhưng với Tiên, anh không muốn cô ấy nghĩ mình khác xưa, nên thường thì vẫn cỡi
chiếc xe gắn máy cà tàng đến thăm dù những món quà mua cho bé Bo ngày một có
giá trị, không còn là những chú lính nhựa mà là đồ chơi Lego và anh thường lảng
không trả lời nếu có ai hỏi về giá tiền. Trong công ty có mấy cô, cả con gái
sếp để ý anh nhưng anh cứ vờ như không biết.
Bữa tiệc diễn ra trịnh trọng,
quan khách tay bắt mặt mừng. Bạn cũ kéo về rất đông. Khi thấy Tiên và Đăng bước
vào, mọi người ngạc nhiên vì thấy có cả Bé Bo. Nhân đứng bật dậy, bước đến bắt
tay Đăng và tính chồm tới ôm Bé Bo, nhưng Bé lùì lại. Nhân đứng lặng thinh, ngỡ
ngàng vì nó giống Nhân như đúc. Nhân hỏi, phá tan sự yên lặng bất ngờ:
- Cháu tên gì?
- Dạ, tên Bo.
Tiên xen vào:
- Tên khai sinh là Hậu.
- Tên hay quá ta! Nhân khen lấy
lệ.
Tiên cười khẩy:
- Làm người phải có hậu chứ!
Hơi ngượng, Nhân bước lại gần
Tiên, hỏi khẽ:
- Em khỏe không?
Tiên lạnh lùng:
- Không khỏe sao đi ăn đám cưới
được.
Quay sang Đăng, Nhân hỏi:
- Chừng nào có vợ mày?
Chợt nghĩ ra điều gì, Nhân quay
lại, giọng hơi bực:
- Ê, cỡ mày kiếm vợ xịn được á! Nhớ
chọn cỡ U-20 hay người mẫu được rồi. Đừng đeo chi mấy bà nạ giòng có ngày chết
không kịp ngáp. Ha ha ha!
Đăng cảm thấy nóng ran trên đầu.
Anh gằn giọng:
- Mặc tao. Chẳng cần mày dạy khôn
đâu!
Bữa tiệc bỗng dưng gượng gạo.
Thảo đã lầm khi xếp những người bạn cũ ngồi lại cùng nhau. Đang ăn tự nhiên,
Tiên thấy buồn, buồn vô tận. Chưa bao giờ buồn như vậy. Cô nói nhỏ với Đăng:
Anh ở lại vui với mấy ảnh. Em về trước cho cháu ngủ.
Đăng bật đứng lên: “Để anh đưa em
về! Anh cũng mệt rồi.”. Anh quay qua bắt tay mọi người thật nhanh và rùng mình khi
bắt gặp cặp mắt Nhân đỏ ngầu.
- Mày hay lắm! Mẹ kiếp! Nhân la
lên.
Cầm hai cái đũa, Nhân gõ vào ly
và hát vang giữa phòng như một gã say:
“
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…”
Đăng đưa Tiên ra ngoài. Nghe có
tiếng Thủy: “Thằng cha điên lại giở trò…”
Về đến nhà, Bé Bo quá buồn ngủ đã
thiếp đi trên tay mẹ. Mắc mùng cho con xong, Tiên bước ra phòng khách. Ngoài vườn
trăng sáng rót qua ngọn cây. Trăng chảy lênh láng trên nền sân. Không gian tĩnh
lặng vô cùng. Tiên khẽ hỏi:
- Để Tiên đi rót nước nhen?
Đăng vội nói:
- Không cần, uống trăng cũng no
rồi.
Cặp mắt anh long lanh đến lạ kỳ, chưa bao giờ
Tiên thấy mình hồi hộp, ngây ngây như vậy. Chỉ có một hớp rượu vang thôi mà.
Chả lẽ mình say?
- Anh về nổi không, khuya quá!
Coi chừng say đó!
Nàng bước lại gần, run run, sao
mình lại gọi Đăng bằng anh?
- Cho anh ở lại không? Đăng bỗng dưng bạo dạn.
- Anh không sợ ba má anh la sao?
Ở đây có ma đó. Tiên cố đùa. Mặt đỏ bừng.
- Không sao? Ma bắt anh không đủ
gạo nuôi đâu?
Họ nói những chuyện không đâu vào
đâu như những kẻ lên đồng.
Có tiếng mẹ Tiên ngáy đều ở phòng
bên.
- Trăng sáng ghê Tiên hen? Khỏi
cần mở đèn, để Bo ngủ.
Tiên cúi xuống rót nước, nước tràn ra ngoài
miệng ly, chảy xuống. Cô hốt hoảng:
- Chết rồi, ướt áo anh kìa!
Cô chụp vội khăn lau áo cho Đăng,
không biết tự bao giờ Đăng đã nắm chặt bàn tay Tiên. Cô bối rối. Thở gấp. Nửa
tính rút về, nửa muốn để yên. Nhưng không kịp, Đăng đã kéo Tiên tới phía trước,
kề sát mặt mình. Tiên run bắn người. Ngây ngất. Tiếng còi tàu rúc vang. Cuộc
hành trình tiếp tục. Hương dạ lý ngoài vườn thơm ngát. Có người hình như mới
biết yêu…
N.C (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét