Thương bộ đội chân tình
TS Nguyễn Hữu Nguyên (ảnh), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia (ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh) từng được biết đến như một nhà phản biện về văn hóa, kiến trúc và xu hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh ngày nay. Nhưng ông cũng từng là một người lính hành quân vào nam từ năm 1965, trải qua nhiều trận chiến sinh tử ở các chiến trường và cuối cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để giải phóng Sài Gòn. Dưới đây là những câu chuyện rất cảm động về tình quân dân trong thời chiến, đặc biệt là tình cảm của những bà má miền nam dành cho bộ đội miền bắc mà chúng tôi ghi lại được trong một lần nói chuyện với ông vào một buổi chiều tháng Tư giữa Sài Gòn sau 40 năm giải phóng.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, trong những đề tài lịch sử về giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, còn một mảng cần khai thác nhiều hơn đó là mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân, cả từ góc độ quân sự và chiều kích nghiên cứu văn hóa chiến tranh. Trong đó, có sự tham gia của nhân dân miền nam trong chiến đấu như thế nào, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của bộ đội ta từ miền bắc vào.
Rồi ông kể: “Một nhà văn Mỹ từng gặp gỡ và nói với tôi: "Quân miền bắc cũng như chúng tôi đều ở xa đến nên không giành được sự ủng hộ của dân bản xứ". Tôi nói, "người Mỹ đã nhầm lẫn, đó là họ suy từ thái độ của người dân Nam Bộ với người Mỹ". Chúng tôi ở ngoài kia vào và thấy, các má, các chị Nam Bộ có nét “cục bộ ngược”, tức là yêu thương người lính đi xa như chúng tôi hơn là những người tại chỗ. Lý luận của các má là: “Tụi nó ở mãi xa vào, làm sao “móc” gia đình được? (Móc có nghĩa là liên lạc, móc nối với gia đình khi người lính ở xa). Vì thế chúng tao phải thương hơn, cho chúng nó nhiều thứ hơn”.
Theo ông, sau này, dưới góc độ nghiên cứu, nếu chúng ta không khai thác khía cạnh tình quân dân đặc biệt này thì rất có lỗi với sự đóng góp của nhân dân. “Nếu không có tình cảm đó, những người lính miền bắc như chúng tôi lấy đâu tinh thần chiến đấu? Sự yêu thương đến mức phải cảm động như thế là một phần sức mạnh tinh thần của người lính, chứ không đơn giản là chiếc bánh tét, một miếng cơm hay gói quà. Và cũng để lý giải một điều, như Bác Hồ nói, dân tộc Việt Nam là một, không có sự chia rẽ văn hóa”.
“Đúng là quân với dân như cá với nước, theo nghĩa rất cụ thể, chứ không phải là khẩu hiệu chung chung. Nuôi bộ đội và thương bộ đội, quan trọng nhất là tình thương. Điều đó cũng thể hiện dân tộc Việt Nam không khác biệt về miền văn hóa mà chỉ là miền địa lý. Có những nơi trên thế giới luôn diễn ra hai xu hướng ly khai và sáp nhập. Khi nào ở cùng dòng văn hóa sẽ sáp nhập lại, khác văn hóa sẽ tách ra. Và chúng ta có một dòng văn hóa sông Hồng chảy vào trong này, mang theo cả lịch sử mở mang bờ cõi. Văn hóa sông Hồng là cội nguồn, trộn hoà với văn hóa sông Cửu Long, nó cùng một nguồn cội chứ không xung đột nhau”, người cựu chiến binh, vừa là nhà nghiên cứu, lý giải.
“Trong khi chiến đấu, có vài lần chúng tôi không được nói giọng của mình khi chuyển quân xuống chiến trường miền Tây, nhưng mục đích là để giữ bí mật rằng chưa có bộ đội chủ lực vào tới đây. Chúng tôi được dặn ngồi yên trên xuồng để du kích dẫn đi, nhưng khi dân hỏi thì để cho mấy anh du kích nói, giữ im lặng vì sợ nguy hiểm. Sau đó, khi không giữ bí mật nữa, chúng tôi vẫn nói giọng này chứ làm sao thay đổi được. Nhưng người dân miền nam hoàn toàn không phân biệt điều đó, mà thậm chí ngược lại, họ yêu thương chúng tôi nhiều hơn bộ đội địa phương”. Và ông đã kể những câu chuyện rất cảm động, cụ thể về điều này.
Yêu thương tự nhiên
Câu chuyện thứ nhất của ông kể về người dân ở bên ngoài vùng giải phóng, thời tiểu đoàn của ông phải ở lại đánh giặc vào năm 1970-1971 ở chiến trường Mỹ Tho. Hồi đó, tiểu đoàn của ông không liên lạc được với chiến khu, không có lương thực. Các bà, các mẹ ở đây đã đi vay lúa, mượn tiền của dân để nuôi cả tiểu đoàn trong sáu tháng. Sau đó, khi kết nối được, quân khu mới chuyển tiền trả lại cho các má.
Lúc đó, khi đi chiến đấu, mỗi lần về nhà, bộ đội được bà con yêu thương, giúp đỡ tận tình. Ông kể, lúc tiểu đoàn 9 của đơn vị chiến đấu năm 1969 ở Tây Ninh - Trảng Bàng, lúc đó mới chỉ đang dàn quân chứ chưa đánh, các bà má đã chở một xe bò kéo rất nhiều thực phẩm như mì tôm, nước mắm, rau bầu, bí… đưa đến cho bộ đội. Đến nơi, các má nói: “Chúng tao mang đến cho bộ đội ăn”. Chính trị viên của tiểu đoàn đáp lễ: “Thưa má, chúng con về đây chưa lập được chiến công gì với địa phương, nên má mang đến thế này chúng con chưa dám nhận”. Má bảo: “Tao biết chúng nó đi chiến đấu thế nào, cũng có đứa bị thương, có đứa hy sinh. Thế chúng nó không được ăn sao?”. Lý lẽ đó, chính trị viên không thế nào bác bỏ được nên đành nhận sự giúp đỡ của các má.
Rồi khi đơn vị tôi về một làng ở Củ Chi, bộ đội bắt đầu đào công sự ở bờ tre, ngồi trực chiến ở đó. Các má bắt đầu nấu chè, gánh ra rồi gọi: “Các con ơi đến ăn chè!”. Bộ đội chiến trường hồi đó kỷ luật lắm, không dám nhận. Các má múc mỗi người một chén để ngay công sự rồi nói: “Tụi bay ăn đi!”. Nhưng vẫn không anh lính nào dám đụng đến. Các bà má bàn với nhau, không ăn chắc do chỉ huy, rồi hỏi người chỉ huy đơn vị ở đây. Má vào gặp chính trị viên rồi hỏi tại sao nấu chè mà không cho bộ đội ăn, rồi kéo mấy anh cán bộ ra tận công sự nói: “Bay ra lệnh đi!”. Lúc đó, chính trị viên mới nói các đồng chí ăn chè của các má mang đến đi, và bộ đội mới ăn.
Rồi người cựu chiến binh kết luận: “Họ yêu thương bộ đội đến mức đó. Không hề có sự ép buộc, vận động, phân công, mà dường như đó là tình cảm hết sức tự nhiên".
Phẩm chất của những anh lính Cụ Hồ
Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, ngày 26, 27, 28-4-1975, ông Nguyên cùng đồng đội đánh ở Sài Gòn. Ông kể lại: Buổi chiều, lúc ông đi về, Ban tác chiến của tiểu đoàn đóng quân trong nhà dân, các chiến sĩ giải phóng báo là chủ nhà định cho bộ đội con chó, anh em đang chuẩn bị bắt thịt. Nhưng khi nói lại với ông Nguyên về việc cho con chó, bà chủ nhà nói thêm một câu: “Từ lúc tôi nói thế, con chó nằm trong gầm giường không dám ra”. Ông Nguyên thấy thế liền từ chối: “Má ơi, con chó như thế là khôn lắm, để nuôi kẻo tội nghiệp”. Quả thật, nghe bà má cúi xuống gầm giường và gọi: “Con ơi con, các chú thương không ăn thịt con đâu”, lúc đó, con chó mới chạy ra. Chứng kiến điều ấy, ông nói với các đồng đội: “Nếu lúc đó chúng ta nhận con chó mổ và ăn ngay ở sân này, dưới con mắt của người dân, chúng ta sẽ như thế nào?”.
Một câu chuyện khác trong những ngày sắp giải phóng ấy ở Sài Gòn, khi tiểu đoàn của ông đi qua một ngôi nhà, có tiếng khóc từ trong vọng ra. Ông đi vào nhà thì thấy một bà má và một người phụ nữ đang ngồi khóc bên quan tài trong ánh đèn mờ. Ông Nguyên hỏi sự tình thì người phụ nữ khoảng 30 tuổi kể lại rằng: “Tụi tôi khi nghe tiếng súng của các anh thì sợ lắm nên hai chị em chạy về phía quân đội quốc gia. Chúng tôi gặp một trung úy Sài Gòn, anh ta đòi “làm bậy” với đứa em gái còn chưa tốt nghiệp tú tài của tôi. Tôi nói với hắn rằng, chồng tôi cũng đi lính như ông, mà em tôi còn đang đi học. Nhưng hắn ta không chịu, kéo em tôi đi. Tôi nghe thấy tiếng la hét rồi có tiếng súng. Cùng lúc đó các anh tràn về phía này, và giúp tôi đưa xác em tôi về lo thủ tục ma chay”. Kể xong, người phụ nữ ngửa mặt than: “Trời ơi, phải biết các anh thế này thì tôi đâu có chạy!”.
Đó là những người mà đến phút chót của cuộc chiến tranh mới tiếp xúc với quân giải phóng. Nhưng một hành động, một cử chỉ như thế thì họ đã phân biệt được người hai phía như thế nào.
Rồi khi Ban tác chiến Trung đoàn của ông về đóng quân trong một nhà dân ở Nhà Bè. Đến ngày ăn mừng chiến thắng, chúng tôi được cấp trên chi tiền mở tiệc ngay tại nhà người dân. Bộ đội nhờ dân nấu hai mâm. Mấy anh lính giải phóng chia nhau ra các mâm để tiếp dân. Tôi ngồi một mâm có chủ nhà, con trai ông chủ nhà là trung sĩ của chế độ Sài Gòn, một ông hàng xóm đối diện là đại úy cảnh sát huyện Nhà Bè và mấy bà con chung quanh. Bữa ăn mừng chiến thắng ấy thật đặc biệt. Lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với những người phía bên kia chiến tuyến và mời họ ăn. Sau khi rót bia ra, ông đứng lên nói rằng: “Hôm nay bộ đội được ăn mừng chiến thắng. Nhưng ở đây có lẽ chỉ có Việt Nam chúng ta mới có bữa tiệc mà chung quanh là những người đã từng ở hai chiến tuyến như thế này. Cuộc chiến của chúng ta không phải là miền bắc thắng miền nam mà chúng ta đuổi Mỹ rời khỏi miền nam. Vì thế, xin chúc mọi người sức khỏe”.
Ông Nguyên nhấn mạnh, sau giải phóng, Mỹ từng nghĩ rằng sẽ có một cuộc trả thù ở Sài Gòn giống như thời gian sau chiến tranh thế giới thứ hai ở Pháp. Lúc đó người Pháp trả đũa những người theo phát xít Đức một cách thẳng tay. Nhưng điều đó đã không xảy ra ở Việt Nam. Chúng ta đối xử với quân đội và nhân dân Sài Gòn đều nhân đạo. Nhưng thời gian sau giải phóng, trong giai đoạn kinh tế rơi vào khủng hoảng, sự chia rẽ có lẽ bắt đầu xen vào trong từng gia đình. Nhưng chính vì khởi nguồn từ một nền văn hóa chung, khoảng cách ấy cũng từ từ được xóa mờ đi.
HỒNG VÂN - NGÂN ANH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét