THÁNG CỦA
MÙA
Tháng của mùa lá gọi mưa bay
nắng giấu bóng chiều trong chéo áo
đường ướt mặt nên em rưng mắt bão
nhá nhem nỗi buồn tia chớp cong mi
Tháng của mùa tê tê ngón gầy
nhăn vân thâm không tay ai nắm
cứ những giọt thu lay phay chạm
chỗ không anh... môi đắng niềm đau!
Tháng của mùa nên ta không nhau
hạnh phúc trốn sau chòm mây xám
trăng không bóng chỗ anh ngồi lại trống
đêm mùa vàng thêm chút nữa… xanh xao
Tháng của mùa sao lại
nghe nao nao!
lối xưa người sẽ về son gót mới
hồn đã cũ cớ gì ta cứ đợi!?
một vụn tình! Ai bảo chẳng hư hao?!
10-2014
Vũ Miên Thảo
Vế một của bài thơ:
Tháng của mùa lá gọi mưa bay
nắng giấu bóng chiều trong chéo áo
đường ướt mặt nên em rưng mắt bão
nhá nhem nỗi buồn tia chớp cong mi
“Tháng của mùa” là tháng mấy khó biết được, nhưng theo tôi thì
“lá gọi mưa bay” vì
lá thiếu nước nên mới phải cần mưa. Thiếu nước lá phải vàng. Hơn nữa, “mưa bay”
nên đường chỉ “ướt mặt” chứ không sủng nước thường là về mùa thu. Vậy là
nhà thơ ám chỉ, đến tháng của mùa thu rồi (Mùa của lá vàng và mưa bay).
“Nắng giấu bóng chiều
trong chéo áo”, nghĩa là bóng chiều chỉ là những vết nhỏ nhoi, một chéo áo cũng
che vừa hết, nên không gian đã sắp tối rồi. Ở câu thứ tư, tác giả dùng chữ “nhá nhem nỗi buồn”cũng có một
phần ám chỉ đến không gian, thời gian lúc ấy sắp về đêm.
“Mắt bão” là tâm bão (vùng giữa các cơn lốc xoáy của bão).
Mắt bão là một khu vực hầu như lặng gió, nơi yên bình nhất của cơn bão, thậm
chí có khi trời quang mây tạnh, có thể thấy trăng sao vào buổi tối.“Nhá nhem
nỗi buồn” là nỗi buồn của em
cũng làm cho bầu trời sụp xuống như tối nhá nhem, nhưng khi em liếc nhìn thì
vành mi cong chẳng khác gì tia chớp loé lên.
Hai câu thơ đầu ám chỉ
thời gian, không gian. Hai câu thơ sau ám chỉ mắt em. Cả bốn câu thơ hoà nhập
mắt em trong mùa thu, nhưng không phải của một mùa thu bình yên, cũng không
phải một mùa thu có bão tố. Vậy đó là mùa thu gì? Trả lời: – Mùa thu trong mắt
em. Mùa thu ngoài trời bình yên chỉ có mưa bay, nhưng mùa thu trong mắt em đã
hình thành một cơn bão tố. Cơn bão tố đến rồi, nhưng mắt em là tâm bão nên rờn
rợn trong sự yên bình. Bốn câu thơ, mỗi câu vẽ nên những hình ảnh theo trường phái
lập thể, trừu tượng... Lập thể
vì nắng là chéo áo, con mắt ở trong bão, rèm mi ở trong tia chớp. Trừu tượng vì
lấy mùa thu làm tâm trạng của em và lấy nỗi buồn của em làm một mùa thu khác
lạ. Trong tác phẩm của họa sỹ lập thể,
đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một hình thức trừu
tượng. Người họa sỹ không quan sát đối tượng ở một góc nhìn cố định, nhưng phân
chia thành nhiều mặt khác nhau, nhiều khía cạnh khác nhau. Thông thường các bề
mặt, các mặt phẳng giao với nhau không theo các quy tắc phối cảnh, làm cho
người xem khó nhận ra chiều sâu của bức tranh, nhưng khi đã nhận ra sẽ thấy
được giá trị nghệ thuật cao của nó. Ở bốn câu thơ nầy, hình ảnh và tâm trạng
được cắt thành nhiều mảng, gắn bên nhau, liền cạnh nhau khiến cho bức tranh
mưa, nắng, đường và mắt kết hợp lại, để diễn tả cái chiều sâu thẳm của mùa thu
và nỗi buồn của em trừu tượng.
Qua vế thứ hai, tác giả đem mùa thu vào cả trong bàn tay em và để
nỗi buồn em chạy trong đường máu:
Tháng của mùa tê tê ngón gầy
Nhăn vân thâm không tay ai nắm
cứ những giọt thu lay phay chạm
chổ không anh… môi đắng niềm đau!
Thời tiết làm cho em tê
tê ngón tay chăng? Không phải đâu. Nỗi buồn đã làm cho em tê ngón tay. Vì sao
vậy? Vì “nhăn vân thâm không
tay ai nắm” nghĩa là những
vân tay trên bàn tay em chằng chịt, làm cho bàn tay em nhăn và thâm đen vì
chẳng có ai cầm. Từ đó, em nghe ngón tay mình tê tê và hao gầy.
Theo khoa tử vi, đường vân tay em nhăn quá, thể hiện đường đời em
gian truân biết bao.
Em đi trong mưa, giọt thu chạm khắp mình em. Cứ chỗ nào “không anh” thì giọt thu chạm vào làm “môi đắng niềm đau”.Vậy là cả
thể xác em đau? Thật ra, thể xác em không đau mà chính linh hồn em đau; đau đến
độ đường gân, thớ thịt cũng đau theo.
Vũ Miên Thảo lấy cái đau
của thể xác diễn tả nỗi đau tình cảm trong lòng. Nỗi đau đó rưng rưng từng thớ
thịt, nhưng chính xác ra, nó đang gặm nhấm tâm tư của nàng. Vế thơ trên cho
thấy, cơn đau trùm lên bóng chiều nhá nhem, vế thơ nầy cho ta hiểu cơn đau thu
vào nội tâm, chạy trong đường máu, biểu hiện nỗi cô đơn cùng tận, chỉ một mình
nàng gánh chịu.
Qua vế thơ thứ ba, tác giả đưa cái vu vơ của sự “không nhau” và bây giờ mới thấy có nột chút gì gió
trăng trong cuộc tình:
Tháng của mùa nên ta không nhau
hạnh phúc trốn sau chòm mây xám
trăng không bóng chỗ anh ngồi lại trống
đêm mùa vàng thêm chút nữa xanh xao
À! Bây giờ mới vỡ lẽ ra,
hai vế thơ trên chàng đã mang giùm tâm trạng đau buồn và than thở cho em. Ở hai
vế thơ sau, chàng mới than thở cho chính mình.
“Tháng của mùa nên ta không nhau”. Câu thơ thể hiện đường
tình bị chia cắt do đường đời làm đứt đoạn. Và họ vẫn yêu, vẫn chia đau khổ cho
nhau, nhưng ngã rẽ cuộc đời buộc phải xa cách. Nàng đi trong trời nhá nhem,
chàng ngồi trong bóng tối trống rỗng, xanh xao. Hai bức tranh buồn phát hoạ hai
hình ảnh cô đơn, luỹ thừa sự trống vắng, xanh xao, đơn độc và phân rẽ tăng lên.
Qua vế thơ chót, tác giả
đã nói lên sự dằn vặt trong tâm tư chàng. Chàng nói những điều ngược lại với
lòng mình, như tự vỗ về nỗi đau đang cấu xé:
Tháng của mùa sao lại nghe nao nao!
lối xưa sẽ về son gót mới
hồn đã cũ cớ gì ta cứ đợi!?
một vụn tình! Ai bảo chẳng hư hao?!
Dấu than và dấu hỏi đánh
liên tục trong vế thơ nầy, chứng tỏ sự bấn loạn trong tâm hồn tác giả. Tiếng
kêu đau đớn xuất hiện trong dấu than, rồi sự thắc mắc vì sao phải đau xuất hiện
trong dấu hỏi và ngược lại. Tác giả không bao giờ giải đáp được cho mình. Đó là
tâm trạng của những loài yêu bằng trái tim không bằng lý trí.
Vũ Miên Thảo yêu bằng
trái tim mình, một trái tim mang chung hai nỗi đau của cả hai người. Tác giả
đau cho nàng trước, rồi đau cho mình sau. Muốn quên mà dễ đâu quên được, muốn
xem sự hư hao là lẽ thường mà nào đâu làm được: “hồn đã cũ cớ gì ta cứ đợi!/một
vụn tình! Ai bảo chẳng hư hao?!”
Thơ Vũ Miên Thảo là thế.
Một thứ thơ như những bức tranh lập thể, chuyển các đối tượng ba chiều vào
trong một mặt phẳng tranh, tạo thành tổng các thời khắc riêng biệt và góc nhìn
khác nhau, được nhìn thấy bằng đôi mắt tâm trí. Vì vậy, đọc thơ Vũ Miên Thảo ta
không những chỉ thấy cái hay bằng những gì ta hiểu mà ta còn thấy cái hay bằng
những ý tứ xa vời, trừu tượng ngoài tầm hiểu biết của ta mà ta chỉ cảm nhận
được./.
C.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét