Về Nhơn Lộc, trong những ngày tháng 3 năm nay, tôi thực sự ngỡ ngàng vì được chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của một xã
đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của thị xã An Nhơn. Nhơn Lộc sau giải phóng là
vùng đất từng được coi nghèo nhất huyện...
Với
Nhơn Lộc, nhà thơ Yến Lan từng viết những câu thơ cháy lòng:
Lâu không về Đồng Gieo
Ngại Đồng Gieo khô khát
Nhớ cái xóm lưng đèo
Một năm, một vụ gặt
Ngọn cỏ như ngọn chông
Con bò ăn xốc cổ
Đầu gà trụi cả lông
Sục gai tìm dế mổ
Thương cái rựa lỏng khâu
Tất bật cùng than củi
Ngày lấn mãi vào sâu
Rượt cây rừng chém đuổi
…
(Lâu
không về Đồng Gieo – Yến Lan)
Nhơn
Lộc vốn là xã nghèo, bởi đất thì bạc trắng, ruộng làm chỉ trông vào nước trời
nên mỗi năm chỉ một vụ lúa Trì “gieo thúng sét cắt thúng vun”. Phần lớn người
dân nơi đây phải vào rừng đốt than, bứt mây, hái lá dang, hái sim, suốt chà là…
mang ra chợ Bình Định, chợ Cây Bông, chợ An Thái… đổi lấy gạo, mắm, rau, sách
vở…
Nhưng
rồi mọi thứ đã thay đổi khi hồ Núi Một hiện hình: năm 1978! Cái công trình thủy
lợi được coi như là một biểu tượng đẹp của CNXH này được người nông dân Nhơn
Lộc nói đến bằng cả sự trân trọng và biết ơn. Hồ Núi Một giúp Nhơn Lộc cải tạo
và mở rộng đồng ruộng, thâm canh tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Và
ngoài chuyện góp phần làm nên áo cơm cho vùng đất phía tây nam An Nhơn và các
xã khu đông Tuy Phước, hồ Núi Một còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, một
bức tranh thiên nhiên quyến rũ giữa đại ngàn lung linh huyền ảo…
Giờ
đây, ai lần đầu đến Nhơn Lộc đều không thể tin rằng nơi đây từng một thời gieo
neo, khó khổ. Nhơn Lộc giờ đã là nơi chuyên canh lúa giống Nguyên chủng và cấp
1 của thị xã An Nhơn. Hằng năm Nhơn Lộc làm ra hơn 900 tấn lúa giống. Anh Cao
Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã không giấu được vẻ tự hào: “Nếu 2010, tỷ lệ hộ
nghèo là 5,88% thì đến đầu năm 2015 này chỉ còn 3,81%. Thu nhập bình quân đầu
người năm 2014 là 26,3 triệu đồng!”.
Là
người có duyên nợ với Nhơn Lộc từ vài mươi năm trước, tôi hiểu cuộc “lột xác”
ấn tượng hôm nay có vai trò kiến trúc rất lớn của anh Hồ Đình Long, vị lãnh đạo
xã thâm niên (từ năm 1988 đến năm 2004). Tôi tìm gặp và nghe anh Long tâm sự:
“Ngày nhận nhiệm vụ chủ tịch xã, tôi chỉ mới ngoài 30 tuổi. Với suy nghĩ phải
cố gắng làm một điều gì đó cho quê hương và rồi tôi chọn Gò Dưa để bắt đầu cho
sự nghiệp của mình…”.
Gò
Dưa vốn là nghĩa địa, hoang vắng; là nỗi ám ảnh của người sợ ma khi có việc
phải đi ngang qua vào thời điểm chạng vạng đến bình minh. Giờ đây Gò Dưa đã
thành khu trung tâm sầm uất với trường học, bưu điện văn hóa xã, chợ, công
viên, sân vận động, khu vui chơi thiếu niên, nhà văn hóa xã… Tôi biết để có
được Gò Dưa như hôm nay là một sự nỗ lực vận động lớn của cả hệ thống chính trị
ở Nhơn Lộc trong một thời gian khá dài, đặc biệt là tâm huyết và tầm nhìn của
người “nhạc trưởng” Hồ Đình Long.
Ngồi
với nhau bên chén trà trong buổi sáng đầu xuân 2015, khi tôi đã bấm máy ghi âm mà
anh vẫn cứ trầm tư. Mãi sau, anh cười: “Nói gì đây anh? Người ta sẽ bảo mình kể
công thì không hay lắm”. Tôi khuyến khích: “Anh à, nói mà không làm là có tội
với Đảng, với dân. Nhưng làm được mà không nói cũng là người ích kỷ đấy!”. Có
lẽ khúc dạo đầu này đã giúp anh thoải mái hơn. Thế là những thước phim của gần
30 năm về trước được anh thuyết minh rõ ràng, khúc chiết. Qua đó tôi hiểu thêm,
anh không làm cho riêng mình, và thành quả từ những năm ấy thuộc về Đảng bộ và
nhân dân Nhơn Lộc.
Năm
2014, Nhơn Lộc đạt sản lượng hơn 8.450 tấn thóc (con số mà những năm 70 của thế
kỷ trước người dân Nhơn Lộc nằm mơ cũng không thấy) có sự bắt nguồn từ dòng
nước hồ Núi Một. Và nếu như ngày ấy không quy hoạch cải tạo Gò Dưa thì sao bây
giờ có khu trung tâm xã sầm uất với nhiều công trình dân sinh và những con
đường bê tông đẹp như tranh nối liền các thôn về chợ Nhơn Lộc, cũng như thông
thương với các xã lân cận. Tất cả là tiền đề để 19 tiêu chí của Đề án xây dựng
xã nông thôn mới giai đoạn 2012-2015 được Nhơn Lộc hoàn thành trước một năm và
UBND tỉnh đã ra Quyết định công nhận.
Thế
hệ lãnh đạo của Nhơn Lộc ở những năm 80-90 thế kỷ 20, có thể không nhận được
nhiều huân, huy chương nhưng họ nhận được rất nhiều sự tin yêu của người dân.
Cái nền móng họ xây dựng được không chỉ là công trình phục vụ an sinh xã hội mà
đó còn là đội ngũ kế cận có phẩm chất và năng lực. Có thể đưa ra một con số khá
thuyết phục: 21/22 cán bộ, công chức của xã có trình độ đại học với từng chuyên
ngành cụ thể, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.
Tôi
có dịp tiếp xúc với người nông dân từ Trường Cửu đến An Thành, từ Cù Lâm đến
Tráng Long và cả những bạn trẻ, những doanh nhân của Nhơn Lộc... Điều chung
nhất tôi nhận được ở họ là sự quý mến dành cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã, nhất
là khi Nhơn Lộc được công nhận xã nông thôn mới. Danh hiệu này đã đem lại cho
người dân Nhơn Lộc nguồn kinh phí hỗ trợ rất lớn từ ngân sách thị xã, tỉnh,
Trung ương và các nguồn vốn khác. Tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn
mới hơn 88 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã chỉ đầu tư hơn 12 tỷ đồng, chiếm tỷ
lệ gần 14%. Đường liên thôn, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống kênh
mương nội đồng được kiên cố hóa; mạng lưới điện được bố trí 100% khu vực dân
cư; cơ sở vật chất trường học, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia… Riêng trong năm
2014, kinh tế của Nhơn Lộc tiếp tục tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất ước
đạt 102,77 tỷ đồng, tăng 11,53% so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển
dịch theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng ngành nông nghiệp: 46,6%, công
nghiệp tiểu thủ công nghiệp: 40%, và thương mại dịch vụ chiếm 13,4%...
Điều
gì trong 40 năm qua đã giúp Nhơn Lộc làm nên điều kỳ diệu?
Anh
Cao Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã, xác định: “Đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thị xã và
sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân địa phương. Đảng bộ và chính quyền xã đã cụ thể
hóa chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với tình hình thực
tế, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm của mọi chương trình, kế hoạch hành
động, được người dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng”.
Tôi tâm đắc với anh Cao Văn Nghĩa với ý thức “lấy
lợi ích của nhân dân làm trung tâm của mọi chương trình, kế hoạch hành động”
của địa phương. Bởi nếu không vì điều đó, không thể biến khu Gò Dưa trở thành
khu trung tâm xã sầm uất như hôm nay. Ai cũng biết việc đụng chạm đến mồ mả,
một lĩnh vực của đời sống tâm linh, không hề dễ với người Việt nói chung và với
người dân Nhơn Lộc. Nhưng nếu dân cư cả xã cứ co cụm dọc theo nhánh sông Côn ở
phía bắc thì không thể phát triển được. Trong khi đó phía nam của xã giáp quốc
lộ 19, thông thương với các tỉnh Tây Nguyên và thành phố Quy Nhơn dân cư lại
thưa thớt! Muốn thoát nghèo, không có cách nào khác, trung tâm xã phải được mở
về hướng nam mà khu Gò Dưa là điểm nhấn. Ý Đảng lòng dân đã như một. Nhơn Lộc
đã đúng khi chọn Gò Dưa là điểm để “bay lên”. Và thôn Tân Lập được hình thành,
trở thành khu đô thị trung tâm xã…
Khai thác tối đa vị trí phong thủy tuyệt vời của
khu đô thị trung tâm, chợ trung tâm xã cũng được dời về đây để kết nối thông
thương hàng hóa với các xã Nhơn Hòa, Nhơn Phúc, Nhơn Thọ và hàng hóa từ Tây
Nguyên xuống. Với quan niệm “chợ tan thì làng mạt”, việc mở ra chợ trung tâm để
xóa đi 2 chợ cũ là An Thành và Đông Lâm cũng là một thách thức lớn đối với
chính quyền địa phương. Song với cách làm hợp lý là “đột phá” vào các đảng viên
lão thành, gia đình có công với cách mạng có lợi ích trực tiếp ở gần 2 chợ cũ
để họ động viên các hộ dân khác ủng hộ việc làm vì lợi ích chung. Và cuối cùng cái
chợ trung tâm cũng đi vào hoạt động ổn định mỗi ngày hai buổi nhóm, góp phần
lớn vào việc đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng của
nhân dân. Chỉ tính riêng trong năm 2014, giá trị sản xuất ngành thương mại –
dịch vụ ước đạt gần 25 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước, trong đó có sự đóng
góp phần lớn của chợ trung tâm.
Uống với người bạn học vài ly rượu Bàu Đá sau bao
tháng năm bận bịu áo cơm, tôi lại nhớ cái gánh than của ba anh, cái thúng chà
là của mẹ anh để trước hè ngày ấy. Và, tôi lại nhớ những đêm say nghe anh Hồ Đình Long kể chuyện được mất
của mùa màng, nghe Phi Yến, Lâm Xuân Sanh, Trần Văn Định kể chuyện vui buồn của
Đồng Gieo, nghe Ngọc Thiện hát những bản tình ca ngọt ngào…
Nhớ
có lần có lẽ vì say quá và vì ánh trăng đầu tháng lờ mờ, tôi và xe đạp nhào
xuống ruộng. Tôi la lớn với anh Hồ Đình Long, nhớ cố gắng làm chủ tịch xã rồi
làm đường cho ngon nghen anh. Đường sá thế này thì không say cũng té. Anh kéo
tôi lên và chỉ cười. Không ngờ sau vài năm anh được tín nhiệm làm chủ tịch xã,
chẳng những 34 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, mà Nhơn Lộc còn
có thêm thôn Tân Lập, có điện phục vụ sản xuất và dân sinh…
Sau mấy chục năm trở lại Nhơn Lộc, tôi thực sự
choáng ngợp với những con số phản ánh sự phát triển của vùng đất này trên tất
cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tôi cố đi tìm câu trả lời vì đâu đồng gieo
phát triển nhanh đến vậy? Những ngày ở lại với làng nghề đan tre Cù Lâm, làng
nghề bánh tráng Trường Cửu, làng rượu Bàu Đá; đến với một số trang trại chăn
nuôi và sản xuất của người nông dân; ngồi uống ly cà phê trước UBND xã, vòng xe
trên các đường thôn ngõ xóm; ăn bữa cơm với người bạn thời còn học cùng lớp
thời phổ thông… tôi đã nhận ra: dòng nước hồ Núi Một và cái Gò Dưa hoang vắng
ngày nào thành thôn Tân Lập hôm nay chính là bệ phóng quan trọng để Nhơn Lộc phát
triển, được công nhận là xã nông thôn mới trong năm 2014!
Anh
Nguyễn Thành Sơn, Phó chủ tịch UBND xã, tâm tình: “Được công nhận xã nông thôn
mới chỉ là bước đầu. Trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Nhơn Lộc còn phải
tập trung củng cố 19 tiêu chí xã nông thôn mới, bởi suy cho cùng 19 tiêu chí ấy
sẽ giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải
thiện”. Tôi hiểu ý anh Sơn và kỳ vọng Nhơn Lộc với quyết tâm tiếp tục giữ vững
và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông
thôn tiên tiến, giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 còn 3% - 3,5%... sẽ thành
hiện thực.
Tạm
biệt Nhơn Lộc, tạm biệt xã nông thôn mới được công nhận đầu tiên ở thị xã An
Nhơn, trong tôi vẫn còn miên man bao cảm xúc...
Có
điều gì mà không thành khi trong mọi chương trình, kế hoạch hành động, Đảng bộ
xã “luôn lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm”!
N.H.D
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét