Ai đi xa mà không quê nhà xóm nhỏ, nhớ
dòng sông bến nước con đò, nhớ hàng tre rợp bóng đường làng. Quê hương chẳng
bao giờ xa vời. Quê hương là chùm khế trên cành mọng vàng lủng lẳng, là hàng
giậu mẹ thả ngọn mùng tơi, là đêm trăng êm đềm ngõ vắng, là những gì rất đỗi
đơn sơ mà gần gũi, ai đi xa cũng phải nhớ nhiều. Tôi đi xa, đã nhiều năm không
về quê mẹ, trong giấc mơ cứ chập chờn những hình bóng của quê hương tuổi thơ.
Chao ôi, nhớ sao giếng nước đầu làng, nhớ sao xóm nhỏ con đường chân quen…
Hẳn là trong tâm thức của mỗi người
Việt chúng ta, hình ảnh giếng nước đầu làng không với ai là xa lạ. Có thể người
ta rồi phải xa quê, có người gắn bó trọn đời nơi phố thị, có người sống đời
viễn xứ nơi quê người xa ngút ngàn nhưng hễ nhắc đến cây đa, giếng nước, cánh
đồng thì dường như những gì thân thương, gần gũi, tin yêu nhất lại về ngập giữa
hồn người. Trong mỗi người có một tuổi thơ, một ngôi làng nhỏ, một bờ giậu
thưa, một giếng nước, một mái chùa trong lời mẹ hát võng đưa năm nào. Giếng
nước đầu làng có trong lời ru của mẹ, trong câu chuyện cổ tích của bà, trong niềm
vui đơn sơ người nhà quê vẫn kể nhau nghe sau mỗi ngày lam lũ, trong tiếng cười
vô tư của đám trẻ con chân đất đầu trần…
Giếng làng chẳng phải thật đặc biệt. Bao
nhiêu làng quê thường cũng chỉ một kiểu giếng từa tựa nhau. Chỉ là một cái
giếng nằm ở đầu làng, cạnh con đường dẫn vào xóm nhỏ mà sao thân thiết với bao
người. Nhớ về giếng nước là biết bao yêu thương theo kỉ niệm gọi về. Làm sao
quên những đêm trăng lên, những sớm tinh mơ sao trời còn chưa lặn, mẹ lặng lẽ
ra đầu làng gánh những đôi nước kĩu kịt về, hai vai khô gầy từng nỗi nhọc nhằn
hằn xuống. Nhớ những chiều xong việc làm đồng, bà con cả xóm lại ra giếng nước
mà tắm giặt đùa vui, tiếng nói tiếng
cười như xua tan hết những vất vả sau một ngày khóc nhọc. Và nhớ nhất là những ngày
còn bé, đi đâu hay làm làm gì hễ khát nước là ngay ra giếng làng, giục lên một
gàu nước trong veo, uống vào mà nghe lòng mát lạ.
Xối một gáo nước giếng làng mà nghe
mát lạnh đến từng chân tóc, uống một ngụm mà lòng ngọt đến bây giờ. Giếng nước
nhỏ khiêm nhường đơn sơ đứng bên vệ đường mà rộng lòng với tất cả ai đến. Này
anh ghé lại nghỉ chân, múc gầy nước rửa mặt cho mát, đường còn xa anh chớ vội
gì, đây nước ngọt trong anh tha hồ uống cho người đỡ khát. Người Việt mình ai
chẳng biết câu ca dao thân em như giếng giữa đàng. Giếng nước đầu làng tự xem
mình nhỏ bé miễn sao có thể giúp được nhiều người, như người dân quê vụng về
chân chất, nhưng yêu thương sau trước nghĩa tình…
Khi cuộc sống ngày một hiện đại,
khoảng cánh giữa nông thôn và thành thị cứ thu hẹp dần, nhiều giếng nước đầu
làng cũng dần không còn nữa. Có nơi người ta đập đi để xây nên những công trình
mới, có nơi chẳng ai dùng đến giếng nước hoang phế lụi tàn. Những cũng có nơi
người ta lại không thể bỏ thói quen ra giếng làng tắm giặt, lấy nước mỗi chiều
mỗi sớm. Dù gì đi nữa, giếng làng vẫn luôn là một hình ảnh đẹp của quê hương,
vẫn còn mãi trong tâm khảm mỗi người. Bởi quê nhà chẳng bao giờ là những điều
xa lạ, và quê hương có trong mỗi người từ những ngụm nước nơi giếng làng mát
rượi ngày xưa…
P.T.V (Đại học Quy Nhơn)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét