Tình
Say
Ta
bước chân đi vương sợi tóc
Đủ
làm choáng váng giấc mê say
Tàn
đêm rượu cạn bao nhiêu cốc
Mà
ảnh người, như khói thuốc bay!
Réo
rắt đàn xưa cung lỗi nhịp
Bâng
khuâng hồ rượu biết vơi đầy?
Ta
thèm một chút hương thừa cũ
Sao
cứ mơ màng như bóng mây?
Phật
thệ khói sương mờ bốn nẻo
Huyền
Trân nào lạc bước nơi đây!
Bồng
bềnh tóc rối bời năm cũ
Mãi
quyện hồn ta bao ngất ngây!
Rượu
đắng lung linh mờ dáng ngọc
Cho
ngàn đêm nhớ, với đêm nay./.
Kha Tiệm Ly
Tôi thích cái ngông trong thơ Kha Tiệm Ly,
tôi lại càng yêu cái say trong thơ Kha Tiệm Ly. Tác giả nầy ngông thì ngông hết
cỡ mà say cũng say quá cỡ, có điều cái ngông trong thơ Kha Tiệm Ly không trịch
thượng với đời mà nhu mì thật là dễ thương, còn cái say trong thơ Kha Tiệm Ly
là cái say rất êm ái và thú vị.
Đọc bài thơ Tình Say của Kha Tiệm Ly hiển thị trên trang web datdung.com và đọc
tiếp những lời bình luận của bạn đọc ở phía dưới tôi tâm đắc vô cùng:
Với Thiên Thu: Đọc xong thấy mình say
Với Toàn Phong: Thơ Kha tiên sinh có cái gì
“xưa xưa” làm người đọc thấy ấm lòng, êm ái.
Với Sơn Lâm: Nó lãng mạn vô cùng, trộn vào
chất giang hồ lãng tử.
Với Châu Thạch tôi: Tình Say là niềm đau
thi vị.
Thật thế, với bốn câu thơ đầu tác giả đã
đưa ta vào một cơn say ảo dịu, ảo dịu vì cái mong manh của sợi tóc trong
thơ cũng đủ làm cho “chếnh choáng giữa mê say”, ảo dịu vì uống cạn bao
nhiêu cốc không phải để ngả nghiêng la hét mà để thấy “ảnh người như khói
thuốc bay”. Trong “Tình Say”, tác giả uống để say vì tình và tình
say ấy biến thành lời thơ đầy thi vị:
Ta bước chân đi vương sợi tóc
Đủ làm chếnh choáng giấc mê say
Tàn đêm rượu cạn bao nhiêu cốc
Mà ảnh người, như khói thuốc bay!
Chỉ một sợi tóc mà tác giả đưa vào đủ diễn
đạt đỉnh cơn say trở thành êm ái và nâng bốn câu thơ lên thành tuyệt mỹ. Không
có sợi tóc bốn câu thơ nầy vẫn hay, nhưng có sợi tóc bốn câu thơ nầy được đưa
vào một thế giới mong manh, mong manh như mối tình sầu, như giấc mê mà tác giả
đang đắm đuối thương nhớ với ngàn ly rượu cạn. Thế rồi “ảnh người như
khói thuốc bay” là thứ ảo ảnh trong cơn say đưa cả khung cảnh vào một cơn
mơ xa rời hiện thực, mà đó cũng là nỗi đau trong tâm hồn tác giả. Nhà thơ Hàn
Mặc Tử ngày xưa, cứ mỗi mùa trăng thì hình như ông thoát xác ra thành hai
người. Một là Hàn Mặc Tử thể xác vô cùng đau đớn vì bệnh phung hành hạ. Một là
Hàn Mặc Tử linh hồn bay lên cao cùng với trăng sao mây nước dạo chơi miền trong
sáng vô biên. Kha Tiệm Ly thì khác, hình như cũng hóa thành hai người trong cơn
say, nhưng một người bằng thể xác thì khoái cảm với ngàn ly rượu cạn, một người
bằng linh hồn thì hứng chịu nỗi đau tình. Phải biết rằng chính nỗi đau tình đó
đã làm tác giả vấp sợi tóc chứ không phải vì rượu kia đâu.
Qua bốn câu thơ kế, rượu vẫn tiếp tục uống đến độ không biết được vơi đầy, và
khi cơn say càng lên cao độ thì tai nghe được điệu đàn quá khứ, mũi ngửi
được mùi hương thơm dĩ vãng. Ở vế một chỉ có thị giác tiếp xúc với quá khứ, qua
vế hai thì nhiều giác quan được đến với thế giới quá khứ yêu thương:
Réo rắt đàn xưa cung lỗi nhịp
Băng khuâng hồ rượu biết vơi đầy?
Ta thèm một chút hương thừa cũ
Sao cứ mơ màng như bóng mây?
Những cung bậc của mối tình xưa càng réo
rắt thì rượu lại cứ vơi đầy, và rượu cứ tiếp tục vơi đầy đễ tìm lại chút hương
xưa. Men tình, men rượu biến thành men đau khổ cho nên “Ta thèm một chút
hương thừa cũ. Sao cứ mơ màng như bóng mây?”. Men tình, men rượu, men đau
hòa quyện trong cơn say, làm tê cứng thịt da đến nỗi uống ly cạn ly đầy
không biết và đưa linh hồn tác giả trôi vào miền ảo ảnh mơ màng.
Rồi thì cơn say lên đến cực độ, ảo ảnh hiện
ra rõ ràng hơn nữa, và chính ở cao điểm đó, tác giả hoang tưởng đến kinh đô
nước Chàm và gặp cả Huyền Trân công chúa:
Phật thệ khói sương mờ bốn nẻo
Huyền Trân nào lạc bước vào đây
Bồng bềnh tóc rối bời năm cũ
Mãi quyện hồn ta bao ngất ngây!
Cho dẫu trong hoang tưởng tác giả đi vào
Phật thệ gặp Huyền Trân công chúa, hay tác giả gặp lại chính người mình yêu
được hóa thân vào trí tưởng tượng của thi nhân thì cũng không sao, vì cả hai đã
bị đồng hóa vào nhau trong cơn say của tác giả. Bốn câu thơ ở khổ nầy làm bài
thơ trở nên “xưa xưa” như Toàn Phong đã nói vì đưa tâm tư người đọc quay về
vùng thánh địa cổ xưa, khiến cho bài thơ có vẻ gì huyền bí.
Uống rượu nhiều đến thế, nhiều đến nổi sinh ra hoang tưởng nhưng rất nhầm nếu
cho rằng tác giả đã say bê bết, say không còn lý trí. Không đâu, ta hãy nghe
tác giả bình tĩnh vô cùng với hai câu thơ cuối:
Rượu đắng lung linh mờ dáng ngọc
Cho ngàn đêm nhớ, với đêm nay.
Thật ra tác giả mượn rượu để giải sầu,
nhưng rượu càng uống sầu càng dâng cao. Với tửu lượng luu linh như thế, nếu
không có cơn sầu thì cơn say không bao giờ đến đỉnh như đầu đề bài thơ cho ta
thấy, “Tình Say” chứ đâu phải rượu say, nên ở đây bao nhiêu ảo ảnh hiện ra
không phải vì rượu mà chính vì nỗi khắc khỏai nhớ thương, nỗi thèm nhớ hương
tình yêu ngày cũ.
“Tình Say” là một bài thơ buồn da diết, bày
tỏ một nỗi đau sâu kín và triền miên, nhưng lại đưa người đọc phiêu du linh hồn
mình vào cõi say, cõi mộng, cõi huyền sử. “Tình Say” có âm điệu trầm, trầm đến
độ con người lắng xuống một cõi yên tĩnh, đầy ảo ảnh, đầy mộng mơ và lạ thay
khi đồng cảm với niềm đau đó thì thấy hồn ta đầy tình yêu, đây hương thơ thi vị./.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét