Có nhiều lý do để anh bạn thân của gã mở Trung tâm tin học này. Thôi thì nói lý do thuyết phục nhất, là anh ấy muốn ai ai dù là công nhân, nông dân, hàng rong, vé số, xe ôm… gì gì cũng được xóa mù tin học để biết thế nào là “thế giới trong lòng bàn tay”.Cũng có nhiều lý do để gã từ một “thầy” phụ trách tin học ở một truờng công với thời khóa biểu nghẹt thở bên những cô học trò đẹp cũng nghẹt thở mà chịu về trung tâm lọc cọc bên mấy mái tóc ám mùi hóa chất và những đôi tay chai cứng “mổ cò”. Thôi thì nói lý do thuyết phục nhất, là sau hơn mươi năm lăn lộn chốn “cua”, “khóa” gã thấy mình mang tiền về cho vợ dư xài rồi. Nên giờ nghỉ, về cộng tác với anh bạn, tuần mấy buổi lên lớp, lương đủ xăng xe, cà phê là xem như mua được chữ “vui” cho cuộc sống.Trung tâm tin học nên độ tuổi học sinh không đều nhau, cá biệt có học trò còn hơn tuổi thầy cô giáo. Nhất là học sinh nào cũng thừa tuổi yêu và dư tuổi lập gia đình. Như lớp A3 do cô Phượng đảm nhiệm đó, lớp trưởng tên Linh là một học sinh hơn tuổi cô giáo. Chị Linh này ban ngày đi phụ việc cho một quán ăn gia đình, ban đêm đi học thêm vi tính, ước mong sau này là được hoàn thành lớp Kế toán doanh nghiệp. Nhưng tối nào vào lớp cũng thấy trên mặt có vết bầm. Vết này chưa lặn, vết khác đã nổi lên. Giờ giải lao, Linh không chuyện phiếm cùng các bạn mà luôn cúi gằm mặt vào bàn phím. Bạn bè hỏi thăm mãi, Linh đều nói do đi làm bất cẩn bị té. Nhưng té gì mà té hoài? Sau mới biết là do ông chồng ghen, không cho Linh đi học nên ổng đánh. Mỗi cuối buổi, Linh đều là người ra về sau cùng vì bận hỏi lại bài thầy cô mà do Linh bảo là “Già rồi, nhiều chuyện lu bu quá nên không hiểu kịp bài như mấy bạn trẻ”. Gã thấy thương Linh, nghị lực con người này thật đáng nể, nên mỗi giờ dạy đều giảng chậm, chỗ nào Linh không hiểu, cuối giờ gã còn nán lại giảng thêm.
Học viên Trung tâm tin học có đầu óc kinh doanh lanh lợi lắm. Mỗi 8.3; 20.10; 20.11, tết tây, tết ta… các em đều có cách “kiếm thêm thu nhập” rất ấn tượng. Tốp thì mua hoa bán trước cổng trung tâm, là bán cho chính các bạn mình thôi, nhưng vui và nhất là kiếm được một khoản đủ gửi xe, ăn sáng cả chục ngày sau. Tốp thì nhặt nhạnh những bệt keo dán giày dư trong xưởng mình làm với những hình thù kỳ lạ như thạch nhũ, con kỳ lân, ngọc thềm thừ, bông hoa… về gọt tỉa chút rồi mang vô lớp bán, chủ yếu là có chút quà nho nhỏ tặng nhau.
Tất niên năm nay ngoài tiệc ngọt dành tặng các nữ giáo viên, nhân viên của trung tâm thì nhóm thầy giáo còn được “khuyến mãi” thêm một bó hoa hồng ước chừng năm mươi cây, to tổ chảng. Là các em bán ế, mười giờ đêm rồi còn mong ai mua nữa? Các em năn nỉ các thầy mua giùm bằng “giá vốn”. Thật ra cũng chỉ là hoa ế một chút, chứ đã phải tặng qua tay ai mà ngại ‘hết duyên”. Chỗ hoa này, thầy mang về tặng cô ở nhà cũng được, hoặc hay nhất là kiếm chiếc bình cắm cả bó tại Văn phòng Ban giám đốc vừa đẹp, vừa sang.
Gã nghe chuyện hoa lá cứ như là vịt nghe sấm, từ thuở cha sinh mẹ nở tới giờ gã chưa lần nào cầm lấy một bông hoa. Bởi tự cổ chí kim nhà gã tám miệng ăn, rau cỏ, cá mắm thường xuyên hiện diện trên bàn đã vắt hết bao nhiêu mồ hôi, sức lực, của cha mẹ gã. Còn hoa hả? Luộc, xào, nấu canh hay bóp gỏi được mà mua?
Vậy mà mấy nữ đồng nghiệp cứ nói xóc óc hoài. Nào là, người như anh Ngoan không lẽ không có năm mươi ngàn mua giúp tụi nhỏ mớ hoa? Nào là, tên anh là “Ngoan” mà sao anh biết rung động chút nào trước “thảm cảnh” của tụi nhỏ? Nè… nè… anh nhìn xem, bây giờ Trung tâm mình chỉ còn lại hai mống nam nhi, anh không mua, không lẽ để thầy Giám đốc mua à?
Thật ra, không phải gã không có tiền nhưng phải mua hoa thì… thật là xa lạ. Đời ông thầy dạy tin học, mươi năm trời bận “chạy sô” nên không chủ nhiệm lớp nào, bởi vậy mấy món quà ngày lễ tết mang về nhà thật là hiếm. Hoa lại càng hiếm hơn. Mà vợ gã nói, ba cái vụ hoa hoét ấy, nay là hoa, mai là rác chứ quí giá gì? Còn quà đó hả? Chỉ có lớp giấy bóng là thật, còn vật gói bên trong lắm khi chất lượng bên trong chỉ có... trời mới biết. Chỉ có tiền là “chất lượng tuyệt hảo” thôi. Tiền cũ, tiền mới, tiền rách, tiền lành gì chất lượng cũng như nhau.
Vợ gã nói ngẫm kỹ cũng không có gì sai. Nếu không có mấy đồng bạc vụn từ sàng cá khô, mắm ruốc của vợ chắt chiu làm sao gã hoàn thành được chương trình tin học mà “ngẩng mặt với đời” như bây giờ. Không khéo cứ mãi là thầy tổng phụ trách bảnh mắt đã đi, tối mịt mới về, lương ngang hiệu phó nhưng việc làm hơn tạp vụ đó sao? Vợ gã bảo, phải tìm cách vươn lên, tui cực nhọc thế nào cũng được, nhưng anh phải biết “hi sinh đời bố củng cố đời con”, chấp nhận kiểu lương như thế liệu đủ nuôi thân anh không? Rồi hai đứa con học hành làm sao lo nổi? Vậy là sạp cá khô của vợ kèm thêm dưa chua, cà muối, trứng lộn, chổi quét nhà, thảm chùi chân… thứ gì bán buôn có đồng lời là vợ gã đều vơ vào hết. Để có tiền nuôi gã mất hai năm xong tấm bằng B tin học. Công vợ to bằng… nửa bầu trời vậy mà mười bảy năm chung sống gã đã tặng vợ được cái hoa nào để tỏ lòng “hiếu kính”, í nhầm, thương yêu đâu?
Vậy nên gã quyết định mua hẳn năm mươi đóa hồng này, kêu cô chủ nó chải chuốt lại bó hoa một tí, có tấm giấy gói nào ít nhăn nheo một chút thì gói vào. Kia… kia… mấy cánh hoa suýt rơi ra nữa, ngắt bỏ luôn cho đẹp đội hình.
Mười giờ ba mươi đêm. Hắn bấm kèn toe… toe… chờ vợ mở cổng. Thật ra thì so với thời gian đi làm gã về trước giờ chỉ muộn hơn nửa tiếng thôi mà. Sao lâu vậy mà vợ không mở cửa? Cuối cùng rồi vợ gã cũng lanh canh tra chìa khóa.
- Em mệt à? Sao ngủ sớm vậy? Tặng em nè! Chúc ngày... mai vui vẻ!
Vợ gã nhìn chồng như nhìn người… ngoài hành tinh. Rồi lại nhìn bó hoa trên tay gã đang chìa về phía mình như rằng đó là một mảnh thiên thạch vừa rớt xuống hãy còn nóng hôi hổi nên chị không dám cầm. Gã hồi hộp cực độ. Lòng thầm nhủ, mình làm việc tốt thế kia mà, sao trái tim cứ nhảy cà tưng cà tưng như kẻ trộm vậy? Chừng dăm phút trôi qua, vợ gã quay ngoắt và nhà sau khi phán một câu xanh như… tàu lá:
- Ông uống lộn thuốc rồi!
Gã đứng như trời trồng. Mình có đau bệnh gì đâu?
Nhưng như thế nào đã xong. Trong nhà đã bắt đầu vang lên âm thanh rảng… rảng… của chén, ly vỡ và lời tru tréo của vợ:
- Trời ơi là trời! Thằng bé Hai, con bé Ba dậy mà coi ba tụi bây nè! Bữa nay ổng có bồ có bịch rồi nên mới mua hoa tặng “nó” kìa! Nó không nhận mới đem về tặng tao nè! Trời ơi… là trời! Chồng với con, cả đời tôi đổ mồ hôi trán váng mồ hôi đầu lo nuôi chồng nuôi con để bây giờ dài lông mọc cánh rồi đi mèo mả gà đồng nè! Trời ơi!
Hai đứa con tốc dậy. Con bé Ba cúi xuống nhặt bó hoa bị ném lăn lóc dưới nền nhà rồi lật qua lật lại ý như muốn tìm “vết tích” của việc “Nó không nhận mới đem về tặng tao” như lời mẹ rồi con nhỏ phán “Cũng đẹp mà!”. Thằng bé Hai điềm tĩnh hơn, nó dắt xe cho gã rồi làu bàu “Tưởng trời sập chứ! Có bó hoa mà mẹ làm gì dữ vậy? Có gì để mai tính nhen!”. Rồi nó đi vô phòng... ngủ tiếp.
Dưới bếp, vợ gã chưa thôi đập phá bởi tiếng loẻng xoẻng… loẻng xoẻng… của xoong nồi, vá muỗng… vẫn ngân vang tuy cường độ kêu trời đã giảm bớt. Gã bần thần, không biết ai uống lộn thuốc.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét