Cây bút trẻ Lâm Hạ
Phải
nói thật là ngày còn học phổ thông, tôi học rất yếu môn sinh vật, nên những vấn
đề về đặc tính của các loài vật tôi không được rõ lắm. Ngày ấy các đĩa nhạc còn
rộ lên những ca khúc mang âm hưởng dân ca của các ca sĩ trẻ, trong đó có ca
khúc Đau xót lý con cua (1). Tôi nghe
mấy bạn nam trong lớp nghêu ngao hát mà trong lòng vẫn luôn tự hỏi lời bài ca
sao nghe lạ quá vậy? Tại sao lại có câu “Con
cua đực suốt đời tình chung”, tôi nghe hoài không hiểu. Thắc mắc đó cũng
chỉ vu vơ, cho đến một ngày tôi được về Cà Mau, được ngồi ghe gỡ cua đồng, thì
tôi mới hiểu chuyện tình của các chàng cua.
Ngày
còn là sinh viên, tôi vô tình quen được một chàng trai gốc miền Tây, học tập
tại thành phố Hồ Chí Minh. Hai anh em kẻ Nam người Bắc, chỉ trò chuyện qua
điện thoại và những cánh thư nhưng khá hợp tính. Tôi kể cho anh nghe mùa đông
xứ Bắc, anh kể tôi nghe về tiết trời đỏng đảnh của Sài Gòn, về những buồn vui
trong môi trường đại học. Tôi không có anh trai nên xem anh như một người anh
thân thiết, những vui buồn, hờn giận vu vơ tôi đều kể cho anh nghe, đôi khi tôi
nhận được những lời khuyên rất chân thành. Có một lần, anh kể cho tôi nghe về
chuyện tình của anh, đó là một câu chuyện buồn. Anh vẫn giữ trong lòng hình ảnh
về một mối tình đầu thơ ngây, nhưng người ấy đã không bao giờ quay lại bên anh.
Mỗi ngày trôi qua mang theo sự tuyệt vọng, anh chờ đợi trong mỏi mòn. Nhiều lúc
tôi thấy anh thật khờ, muốn nói với anh rằng hãy quên người ấy và tìm cho mình
một người con gái yêu anh, nhưng có lẽ phải nhờ đến một phương thuốc mang tên
thời gian.
Chúng tôi cùng
hẹn nhau đến một ngày sẽ gặp mặt, nhưng ngày ấy cứ mãi là một cuộc hẹn, khi mỗi
người có những công việc và ước mơ, dự định cho riêng mình. Thời gian cứ thấm
thoát trôi, anh cũng đã bắt đầu một cuộc sống mới sau khi tốt nghiệp. Anh về
làm tại tỉnh nhà và không quên mời tôi về thăm miền quê sông nước của anh. Tôi
thì còn bận bởi những chuyến đi dài vô định. Tôi hỏi anh về chuyện xưa, anh chỉ
cười và nói người xưa đã lấy chồng, anh vẫn lẻ bóng nhưng sẽ cố gắng tìm cho
mình một hạnh phúc.
Bảy
năm sau khi quen nhau, tôi quyết định xuống thăm anh. Chặng đường về miền Đất
Mũi trải dài theo dọc tuyến miền Tây, tôi sợ đi xe ban đêm sẽ không ngắm được
hết phong vị xứ lạ nên dù biết sẽ rất mệt, tôi vẫn chọn đi xe đò chuyến ban
ngày. Qua cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, qua xứ dừa, mỗi cảnh vật nhìn thấy đều
mang một vẻ đẹp đến nao lòng. Trên xe còn được nghe những bài hát mang đậm hình
ảnh sông quê, tôi lại ngân nga câu hát mà tôi đã thuộc lòng từ ngày quen anh: “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản
đồ Việt Nam.
Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời”(2), lòng tôi hân
hoan cho một cuộc gặp gỡ một người quen bao năm nhưng chưa gặp bao giờ.
Đón tôi là một
chàng trai ngăm đen mang đậm chất miền Tây, không khác nhiều so với tôi tưởng
tượng. Khi nghe nói tôi quyết định đi Cà Mau một chuyến, bạn bè tôi hoài nghi,
đứa nào cũng hỏi có phải đi để xem cái xứ muỗi nó ra làm sao không. Tôi kể lại
chuyện đó cho anh nghe thì quả đúng như vậy, nhưng đó là chuyện của mấy năm
trước. Ngày đó đất Cà Mau nhiều muỗi lắm, huyện nào cũng phát động phong trào
diệt muỗi, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên. Bây giờ thì muỗi đã ít đi
nhiều, nên anh nói tôi cứ yên tâm, tôi khá nặng để muỗi có thể khiêng đi mất.
Anh hài hước hơn tôi nghĩ, tôi phì cười.
Trên
đường về nhà anh là những cánh đồng ngập mặn, một số người dân đang lặn lội hái
rau bồn bồn. Anh nói người dân quê anh giờ đây cuộc sống khá hơn trước cũng nhờ
cây bồn bồn, một vị rau rất giòn, ngọt mát mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi
hỏi về những cây cầu khỉ thì anh cười: “Bây giờ đường đi lại đều bê tông hóa
hết rồi, hiếm lắm mới có một số vùng còn cầu khỉ, mà nếu còn cầu khỉ chắc gì em
đã dám xuống thăm anh? ”, anh lại trêu chọc tôi.
Anh là con
trai út trong một gia đình thuần nông, trên anh là 5 anh trai đã lập gia đình.
Điều khiến tôi thấy vui nhất là khi biết tôi lên chơi, nhà các anh trai mặc dù
ở khá xa nhưng các chị dâu đều về quây quần bên bếp lửa, người làm bánh, người
lặt rau thấy ấm áp lạ. Mẹ anh hỏi chuyện tôi, cười đùa không nghĩ rằng đây là
lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Anh hỏi tôi có muốn đi xuồng ra gỡ cua không,
tôi hơi chần chừ. Một cô gái Tây Nguyên, từ khi lớn lên chỉ biết có đồi núi thì
đi xuồng ghe thế nào được, nhưng tôi quyết định thử một lần, đã đi một chặng
đường dài mà cái xuồng bé xíu lại không dám lên? Nhưng không phải dễ, nó chòng
chành làm tôi suýt té mấy lần, anh thì cứ đứng cười rồi chèo chiếc xuồng thành
thạo như tôi đang hít thở vậy. Anh bảo ở cái vùng sông nước này, trẻ con đã
phải tập bơi, tập chèo xuồng rồi nếu không sẽ rất nguy hiểm, vì xung quanh nhà
toàn sông và ao hồ.
Hai
bên bờ là những cây dừa nước, quả như một bông hoa gỗ, vừa gỡ cua tôi vừa đòi
anh phải chặt cho tôi ăn thử quả dừa nước coi nó khác “dừa cạn” ra sao. Vị mát
và thanh, tôi đòi ăn hết trái thì anh ngăn lại: “Em mà ăn nữa là xíu không có
bụng ăn món cua luộc đâu đó nghen”. Tôi đành nhìn trái dừa thòm thèm: “Thôi để
em mang vào cất dành, khi nào đói em ăn”, anh chỉ còn biết lắc đầu.
Hai
anh em ăn được vài cái bánh chuối hấp nước dừa thì cua đã chín. Anh ngồi bên
cạnh đập mình cua cho tôi, gạch cua vàng, ngọt. Anh vừa cười vừa hỏi tôi:
- Ăn cua dậy chớ có biết sự tích con cua hông đó?
- Ủa, sự tích gì anh? – Tôi vừa ăn, vừa ngạc nhiên hỏi.
- Chớ bộ em chưa nghe bài hát “Đau xót lý con cua” hả?
- Em nghe rồi, bài đó em thấy nó… không đúng thực tế.
- Không đúng chỗ nào, nói anh nghe coi.
- Thì đó, em thấy con trai tụi anh đào hoa
lắm chớ bộ, mà bài hát đó nói “con cua
đực suốt đời tình chung”, em không tin.
- Vậy chớ em nói con cua đực làm sao?
- Thì em nghĩ con cua đực… nó không… chung
tình.
- Cô bé ngốc ơi là ngốc, thôi ăn cua đi, ngon
không?
- Dạ có.- Tôi vừa ăn vừa khen ngon, lại ngồi
bên cạnh gốc dừa mát rượi. Quay sang nhìn thấy anh buồn buồn, tôi ăn đến cái
càng thứ hai thì hỏi anh:
- Chớ bộ con cua đực nó chung tình thiệt hả
anh?
- Ừ, cua là động vật giáp sát mà. Mỗi lần cua
cái thay vỏ là nó sẽ ở bên cạnh bảo vệ cua cái, nên khả năng cua cái bị làm con
mồi trong thời kỳ lột xác là rất thấp. Còn mỗi khi con cua đực thay vỏ thì…
- Thì sao anh? Thì cua cái đi tìm mồi cho nó
hả?
- Không, cua cái sẽ dẫn một tình nhân đến ăn
thịt nó. Nên mới có câu “Khi gió lạnh
mùa đông sang, anh thay vỏ nằm đau” là vậy đó.
Tôi im lặng
không biết nói sao, chuyện của thế giới loài vật cũng ly kì và buồn vậy đó, nhưng
ấy là quy luật của giống nòi và tạo hóa mà. Bất chợt tôi nghĩ đến anh, có phải được
sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, anh cũng thật thà và chung tình như một
chàng cua không. Sau một hồi tư lự, tôi hỏi anh:
- Vậy, anh… đã tìm được nàng cua nào dành cho mình chưa?
Anh nhéo tai
tôi, kêu tôi giỏi chuyển chủ đề lắm, rồi anh nhìn ra bờ sông, nơi mang đậm dấu
ấn về người con gái anh đã từng yêu tha thiết ấy. Có lẽ thời gian sẽ trả lời
câu hỏi của tôi, và mang đến cho anh một người để xoa dịu vết thương lòng trong
anh, để anh biết bắt đầu một yêu thương cùng một người yêu anh chân thành.
Tôi tạm biệt
anh, và hẹn ngày trở lại. Hi vọng ngày ấy sẽ là một ngày vui, ngày ấy anh không
ra đón tôi một mình, ngày mà anh sẽ được là một chàng cua chung tình hạnh phúc.
L.H (ĐăkLăk)
(1) Sáng tác của nhạc sỹ Minh Vy.
(2) Ca khúc Áo mới
Cà Mau, một sáng tác của nhạc sỹ Thanh Sơn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét