Rất nhiều lần rong ruổi trên những nẻo đường
trưa phố thị, hay những vùng quê vừa khoác lên mình tấm áo sang trọng, tôi bâng
khuâng muốn tìm một bóng mát giản dị, gần gũi của tre, của hàng rào xưa. Nhưng,
một bóng tre quê giữa trưa trời đổ nắng giờ quá hiếm ở nơi tôi sống và
cả nhiều vùng khác nữa. Quán cà phê, nhà nghỉ, quán nhậu nườm nượp mọc lên. Họ
có những mái che, máy quạt và cả máy điều hòa. Nhưng ngồi nơi ấy, lòng tôi vẫn
thấy có gì đó thiếu vắng, không bình yên.
Làng
tôi hòa vào lòng phố chưa được bao lâu, nhưng cuộc sống con người, những nếp
quê giờ cũng chẳng còn bao nhiêu để mà thương, mà quý. Đành rằng thay đổi đi
lên là một quá trình tất yếu của sự chuyển biến hiện đại. Nhưng đôi khi, nghĩ
về bếp lửa đun củi, nghĩ về cây rơm trước sân hay những bụi tre rậm rạp in bóng
trưa hè, lòng tôi lại miên man đi tìm một thời gắn với tuổi thơ của mình. Bởi
với tôi, đó là nguồn cội, là hồn cốt của mảnh đất này, từ bao đời cha ông tôi
lập làng lập xóm.
Thương nhất với tôi mỗi buổi trưa nắng là bóng tre quê nhà. Ngày xưa tre
rậm lắm, những tầng lũy đang vào nhau, bọc thành một hàng rào quanh những ngôi
nhà tranh hay nhà cấp bốn tạm bợ trong làng. Đa phần trong làng mọi người làm
ruộng, dù ít hay nhiều, nên tre có vai trò không thể thiếu trong đời sống hằng
ngày. Từ những cái lạt bó lúa, đòn xóc gánh lúa, cho đến lạt tre để đan các đồ
dùng hằng ngày như nong, nia, giần, sàn, rổ, gióng...v...v... Tre đi vào đời sống,
sinh hoạt sản xuất của người dân quê tôi như một phần tất yếu.
Có
lẽ ngay cả trong giấc mơ tôi bây giờ lâu lâu vẫn hiện về những buổi trưa cùng
bạn bè trong xóm chơi đùa dưới bóng tre quê, trốn tìm sau những bụi tre rậm rạp.
Ba tôi thì thường bắt võng dưới bóng tre mà ngả lưng, sau một buổi làm việc vất
vả trên đồng, dưới ruộng. Bình nhiên như thế, cuộc sống cứ trôi đi khi bóng tre
đã hòa vào bóng người cùng những vui buồn, đói no chộn rộn. Những mùa gặt,
những mùa gieo sạ cứ nối đuôi nhau về, dưới những bóng tre. Tôi lớn lên, từ
thằng chăn trâu cắt cỏ, từ những trưa bẫy chim bắt cút dưới những bờ rào tre.
Những ngày tảo tần của ba mẹ tôi cũng trôi đi, để rồi, một trưa nào đó, khi
nhìn ba nằm ngủ dưới bóng tre mà mái đầu đã nhuộm trắng, lòng tôi lại rưng
rưng.
Giờ, làng dù vẫn chưa lai tạp tất cả tiếng vọng phố phường, nhưng tre cứ
dần mất đi. Nhà không làm ruộng nữa, những đồ dùng bằng tre trong gia đình cũng
dần dần ít đi. Không biết tự bao giờ, những bụi tre trong làng cứ dần thưa đi,
cùng với những hàng rào gạch, dây thép gai mọc lên. Đời sống con người vẫn chưa
thể giàu lên nơi này, nhưng họ đã chọn cách xóa bỏ đi những hàng rào tre bao
bọc lấy nhà mình. Cùng với những sự đổi thay khác ở văn hóa làng, tre dần dần
mất đi vai trò chủ đạo của mình.
Nhà tôi vẫn còn mấy bụi tre trong vườn, nhưng thưa thớt chứ không như
hồi xưa nữa. Trong những đợt cắm trại hay dịp lễ hội, người dưới phố lên hỏi
mua tre số lượng lớn để làm, nhưng ba tôi không bán. Ba bảo dù còn mấy cây nhưng
nó vẫn là hồn cốt của hương quê này. Đa số những nhà trong xóm tôi đều bán một
cách triệt để, đào cả gốc lên để thay vào đó những đoạn tường rào mới quét vôi
sáng choang. Những mùa măng tre về, ba tôi chăm chút và chờ cho những cây tre
lên theo ngày tháng. Nhưng có lẽ vì tre già còn quá ít, lại thưa, nên măng cũng
lên theo rất là thưa thớt. Rồi khi gió bão về, những cây măng vừa nhô cao, thậm
chí những cây tre già ít ỏi ấy cũng không trụ được với sức gió, gãy dần. Thành
ra, không bán, không phá, nhưng tre trong vườn nhà tôi cũng dần dần ít đi.
Mỗi trưa nào đó, tình cờ lang bạt đến một vùng quê xa xôi, có bóng lũy
tre nghiêng mình che một phần đường làng ngõ xóm, tôi dừng lại khá lâu, để lắng
lòng, để tìm về lại với chính mình. Giá có một cánh võng buộc sẵn vào dưới bụi
tre ấy, tôi sẵn sàng đánh một giấc để thả mình vào những cơn mơ êm đềm gió mát
và tiếng chim. Những ngọn tre rung rinh trên cao và bóng tre cũng rung rinh
dưới đất làm cho hồn người xao động theo. Tôi thấy thèm lắm những buổi chơi trò
trẻ con ngày xưa dưới bóng tre làng mình, hay những lần ba cho nằm trên bụng ở
chiếc võng dưới bóng tre nhà miên man giấc trưa. Ký ức dội về rất nhanh và dài.
Đành
rằng mọi sự đều phải nhường cho những điều mới hơn đang về, nhưng lòng tôi vẫn
rưng rưng tiếc những bóng tre quê. Sự mất đi ấy không chỉ ở quê tôi mà có lẽ ở
rất nhiều vùng quê khác. Người vô tâm tặc lưỡi bảo rằng âu đó là cái bình
thường và bảo tôi là suy nghĩ lung tung. Nhưng, mấy ai biết rằng khi bóng tre
quê ở mỗi xóm làng mất đi, kéo theo đó là bao nét văn hóa, bao cách ứng xử
trọng nghĩa nhân trọng ân tình của người quê kiểng cũng dần mai một. Đó mới là
điều đáng lo và đáng sợ...
N.T.G (Quảng Nam)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét