Chiều
nào đi làm về, chạy xe tới đoạn lên dốc cầu là Nhi lại thấy lão. Lão luôn ngồi
thu lu tại một vị trí cố định trên phần vỉa hè nhỏ hẹp dành cho người đi bộ
trên cầu. Gần tới chỗ lão, Nhi thường đi chậm lại – đã thành một thói quen từ
khi nào chẳng rõ – chỉ để có thể quan sát lão lâu hơn một chút.
Lão
chắc đã ngoài lục tuần – Nhi áng chừng. Như những người ăn xin khác Nhi từng để
ý khi dừng xe chờ đèn đỏ nơi ngã tư nào đó trong thành phố luôn luôn tấp nập nhộn
nhịp này, lão chỉ mặc độc một cái áo tả tơi ngày này qua ngày khác. Khuôn mặt già
nua ấy chi chít nếp nhăn, sạm đen vì nắng gió, cáu bẩn bởi bụi bặm như chìm hẳn
vào mớ tóc dài bạc trắng bờm xờm chẳng bao giờ màng đến chuyện cắt tỉa.
Cũng
nhiều lần Nhi dừng hẳn xe, lấy từ túi quần tờ mười nghìn để vào cái nón vải rách
bươm đặt trước mặt lão.
Nhi
“dạ”, gật nhẹ đầu rồi lại tiếp tục đi.
Từ
chỗ cầu đến nhà Nhi chỉ còn một đoạn ngắn thôi. Không hẳn là nhà, nơi đó Nhi ở
trọ với hai người chị nữa cùng làm chung. Nhanh ghê! Mới đó thôi mà Nhi lên
thành phố cũng đã được gần hai năm rồi.
Những
ngày đầu chân tay còn bỡ ngỡ với cuộc sống thị thành, Nhi tá túc ở nhà dì cùng
mẹ. Nhưng rồi Nhi quyết định dọn ra.
“Con
muốn ở riêng, muốn tự lập, mẹ ơi!”
Đó
là khi Nhi bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên. Nhờ người quen của dì giới
thiệu, Nhi được vào học nghề và làm ở một Spa chuyên chăm sóc sắc đẹp dành cho
các quý bà.
Nét
mặt mẹ buồn đi thấy rõ. Nhi hoảng hốt:
“Dạ,
con không có ý gì đâu. Con chỉ không thích ỷ lại vào ai hết, con lớn rồi mà mẹ…”
Có
những chuyện chẳng hề thoải mái khi phải chung sống cùng với gia đình dì – dù
cho là dì ruột. Ăn nhờ ở đậu thì làm sao tự do làm như ý mình muốn được. Nên Nhi
đi. Cứ phải đi, ra ngoài, thử xem sao! Nhưng Nhi không bỏ mẹ - như cách mà ba
đã làm từ nhiều năm về trước, khi Nhi và thằng em trai vẫn còn rất nhỏ.
“Mẹ
ơi, con thương mẹ nhất trên đời!”
“Ừ,
mẹ biết mà con gái. Mẹ cũng thương hai con của mẹ rất nhiều…”
Một
mình mẹ nuôi nấng hai đứa từ đó đến nay, dù nhà có nghèo đến mấy. Nhi lớn rồi.
Nhi đi làm cố gắng kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em trai đang tuổi ăn tuổi học ở quê
nữa.
Dì
sinh em bé. Sinh xong dì lại phải đi làm ngay nên để em bé ở nhà cho mẹ trông.
Cuối tuần Nhi qua nhà dì thăm, đứng ngoài thấy mẹ bồng con người ta mà bùi
ngùi, mắt đỏ hoe.
“Sao
vậy con gái, vô đây...”
“Dạ…”
– Nhi nén lại chứ không đã òa khóc đến nơi.
Em
bé quấy khóc, mẹ bồng nó dỗ dành, ghẹo:
“Y
chang chị Nhi bây hồi nhỏ, thiệt tình!”
“Con
gửi mẹ ít tiền, sáng con mới lãnh lương, tháng này con được khách “bo” nhiều ghê
đó mẹ!”
“Cảm
ơn con gái. Mẹ phụ dì tiền nhà tiền ăn, còn lại mẹ giữ hộ, khi nào cần thì nói,
mẹ đưa cho.”
Ba đi đâu mất tiêu, bỏ mẹ con
Nhi bơ vơ. Nhi muốn cũng không sao nhớ nổi khuôn mặt, dáng hình ba ra sao nữa. Thương
mẹ bao nhiêu, Nhi càng giận, càng hờn ba bấy nhiêu. Ba ơi, giờ ba ở đâu? Ba…
Nhi choàng tỉnh. Đêm khuya khoắt.
“Ngủ gì nói mớ không hà, sao
người nóng vậy?”
Chị Phương sờ tay lên trán Nhi,
đúng là nóng hôi hổi. Cả người Nhi cảm giác đau nhức, mồ hôi nhễ nhại.
“Bịnh
rồi đó, kiếm thuốc uống vô…”
Xa
mẹ, may mà Nhi ở cùng chị Phương chị Linh, chứ rủi trở bịnh nặng chẳng biết phải
xoay xở thế nào. Nghĩ tới đó Nhi chợt nhớ ông lão ăn xin ngồi trên cầu. Giờ
này, hẳn lão vẫn đang co ro ngoài kia, hứng chịu từng cơn gió rét căm trong cô
độc.
Chẳng hiểu sao Nhi vẫn thường nghĩ về ông lão ấy
như khi nghĩ về mẹ. Không, là về ba.
“Ba
tụi con giờ ở đâu vậy mẹ?”
“Mẹ
không biết. Ổng chẳng bao giờ liên lạc hết… sống chết ra sao cũng không rõ…”
Ba
sống có hạnh phúc không? Ba có gia đình mới không? Ba có yên bình bên tổ ấm ấy
của mình không?
Hay
ba không nhà không cửa. Không vợ không con. Lang thang từ bấy đến nay như lão
ăn xin trên cầu kia…
Mắt
Nhi hoen đi vì những cảm xúc dồn nén đã lâu.
Ông
lão ấy, sống gần hết đời người mà phải chịu cảnh tứ cố vô thân, chẳng ai ngó
ngàng.
Còn
Nhi, muốn được sống trong mái nhà có đủ ba với mẹ, muốn sau này được phụng dưỡng
cả mẹ và ba mà sao… mà sao không thể.
Ngay
cả tiếng “ba ơi!” Nhi còn chưa được phép cất lên bao giờ…
“Nhi
ơi, em sao vậy? Linh, dậy đưa bé Nhi đi cấp cứu, nó sốt cao quá!”
Mẹ
vào bệnh viện thăm Nhi.
“Thương
con gái mẹ quá, mẹ nói ở với mẹ thì không chịu nghe…”
Nhi
đang nằm truyền nước biển. Hai mẹ con nắm chặt tay nhau.
“Con
đỡ rồi mẹ, cảm lạnh thôi mà…”
“Lớn
rồi, phải ráng giữ gìn sức khỏe nghen con. Mẹ đem cháo cho con nè, con ăn cho
mau khỏe…”
Mẹ
vẫn là người thương Nhi nhất. Nhi lại chực khóc đến nơi.
Nằm
viện hết một hôm thì bác sĩ cho Nhi về.
Đi làm lại, mấy chị cùng làm ai
cũng hỏi han, còn mua trái cây cho Nhi tẩm bổ nữa. Nơi đây giống như gia đình
thứ hai của Nhi vậy, Nhi vui lắm.
Chiều
nay đi làm về, chạy xe lên dốc cầu Nhi lại thấy lão.
Những
nghĩ suy liên tục trượt qua trong đầu Nhi.
Phải
ba không? Có khi nào là ba đó không?
Chắc
không phải ba đâu! Ba phải trẻ hơn ông lão này mới đúng!
Mà
cũng chẳng biết được... Thời gian lạnh lùng luôn sẵn sàng tàn phá con người,
nào có chừa một ai. Cái nghèo cái khổ thường sẽ làm người ta già đi mau chóng,
hơn cả tuổi thật gấp nhiều lần. Nhi hiểu lắm rõ lắm vì đã chứng kiến mẹ để vơi
dần xuân xanh nhanh đến thế nào. Nhi càng lớn, càng xinh xắn ra bao nhiêu thì
tóc mẹ cứ bạc, những nếp nhăn cứ dầy thêm bấy nhiêu.
Dừng
xe, Nhi lấy tờ mười nghìn trong túi quần đặt vào cái nón vải trước mặt ông lão
như bao lần.
Ông
lão ngẩng mặt lên nhìn Nhi. Đôi mắt già nua buồn bã ấy từ lâu luôn khiến Nhi
bâng khuâng vào những buổi chiều tà tan tầm chạy xe về nhà, thậm chí theo Nhi cả
khi chìm sâu vào giấc ngủ.
Nhi hình dung trong tưởng tượng
ba cũng có một đôi mắt hệt như vậy.
Nhưng đôi mắt đó liệu có khi
nào từng một lần nhìn về phương trời nơi ba đã ra đi chưa bao giờ trở lại, rồi bất
giác nhắm chặt trong niềm hối hận dằn vặt khôn nguôi không?
Có hay không từ ba tình cha con
máu mủ ruột rà?
Nhi không hay, không biết và có
lẽ sẽ chẳng bao giờ được biết.
Chạy
xe về chỗ trọ, Nhi tranh thủ tắm rửa để còn qua nhà dì thăm mẹ. Hôm nay cuối tuần
Nhi sẽ chở mẹ đi ăn rồi dạo một vòng thành phố hóng mát.
Đêm.
Phố phường lên đèn phô ra hết vẻ náo nhiệt sôi động của thị thành. Hai mẹ con
bon bon trên cái xe máy Nhi dành dụm mua lại của người bà con. Ngồi đằng sau, mẹ
ôm chặt lấy Nhi, run run vì không quen ngồi xe máy.
“Chạy
từ từ thôi con, đường đông nguy hiểm lắm!”
“Dạ,
mẹ cứ yên tâm, con là “tay lái lụa” mà…”
Mẹ
không biết chạy xe máy, đi đâu cũng chỉ ngồi sau lưng cho Nhi chở thôi. Nhi nhớ
thuở còn bé xíu xiu, sáng nào mẹ cũng đạp xe chở Nhi đi học, dù trường cách nhà
hơn hai cây số. Mỗi khi tết đến, mẹ lại chở Nhi ra chợ bán trái cây. Nhi mà đứng
bán thì bao giờ cũng đắt hàng lắm…
Nhi
muốn nói thương mẹ nhưng chẳng biết nói bao nhiêu lần cho đủ. Không có mẹ, giờ
này Nhi chắc đang ở một nơi nào đó nằm co ro…
Mắt
Nhi hoen đi khi nghe bên tai câu ca dao từ xa xôi vọng lại.
Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi má liếm lá
đầu đường...
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét