Tôi có cô bạn gái quen qua mạng, tâm sự nhiều lắm. Cô ấy quê ngoài Trung
nên có giọng nói đặc biệt dễ thương, bật điện thoại lại cảm nhận ngay sự ấm áp,
cảm thông từ chất giọng, mà nào chỉ có thế, cô ấy rất có tấm lòng.
Quen lâu, sắp xếp mãi
cũng được một chuyến đi “Nam tiến”, cô lỉnh kỉnh tai nách xách mang thăm bạn. Ngày
đấy thật vui, hai chúng tôi đèo nhau thăm thú khắp vùng đồng bằng sông nước. Chợ
cá đắp ắp hải sản nước mặn, ghe thuyền dập dềnh trên sông thơi thả lục bình
trôi, đồng lúa, vịt đàn... với cô ấy cái gì cũng lạ hết, hỏi suốt, tôi mệt
nhoài song thấy vui vì cũng... lạ! Nhờ cô ấy mà tôi “phát hiện” quê mình hấp
dẫn đến vậy, lung linh...
Chia tay, cô bạn đúc
kết chuyến du lịch bụi bằng đúng một câu “một con đường có một dòng sông, một
cái nhà có một cái ao”, nghe xong cứ ngớ ra, rồi hiểu chút chút. À, đúng rồi,
xứ này đất mới, người ta múc đất làm đường, xong một con đường lại đồng thời có
ngay một con kênh! Ở nông thôn cất nhà mới cũng vậy, lấy đất đắp nền, được cái
nhà cũng đồng thời có cái ao dùng! Vậy mà tôi không nhận ra, bạn hay thiệt đó!
Nhưng hiểu như thế tôi
vẫn không thấy thỏa đáng, lấn cấn hoài trong lòng. Mỗi lần nghĩ đến cô ấy ở nơi
xa, tôi lại ngay lập tức nhớ đến câu nói của cô mà mình chưa giải mã hết được,
cái hiểu hình như chỉ mới bóc lớp vỏ bên ngoài, nội hàm sâu xa chưa thấy được...
Cô ấy là một trí thức,
làm khoa học xã hội đã lâu, nghiên cứu nhiều và trải nghiệm cũng lắm, người như
thế ăn nói sâu sắc là chuyện thường. Cô thường trăn trở với tôi về sự được mất
ở đời, những đa đoan vô thường trong đời sống, những khúc quanh lịch sử kẻ cười
người khóc, những bài toán xã hội không thể giải nổi... Nỗi lòng người phụ nữ
ấy đau đáu về cái chung.
Rồi bỗng một lần tôi
tự nhiên vỡ òa ra: À, chắc là cô ấy muốn nói rằng “không có cái gì tự nhiên mà
có, phải mất cái này mới được cái kia; nếu không đào lấy đất đến thành con kênh
đào thì đất đâu để làm một con đường? Vừa vặn lấy cái này xây cái kia. Tương
tự, không đào một cái ao thì đất đâu đắp một cái nền? Đất từ cái ao và nền nhà
vừa vặn bằng nhau, đương nhiên. Tôi gửi mail hỏi, cô ấy cười: anh cũng hay
thiệt đó! Vậy đúng rồi... Lý luận này phổ biến cho nhiều sự ở đời: chăn hẹp đắp
chung hai người, người này ấm áp thì người kia chịu lạnh, vậy thôi. Nhớ có dạo
tuồng cải lương người ta người ta ý tứ mở màng ra là thấy hai biểu tượng kẻ
cười người khóc, và xuyên suốt vở tuồng xoay quanh biểu tượng ấy, dược mất vần
xoay, kẻ được thì cười, kẻ mất thì khóc.
Nhớ một dạo đi xin xăm
ở miếu thấy chuyện mắc cười: người người náo nức khấn nguyện xin ơn trên cho
trúng số đề, rồi nhà thầu cũng đến thành tâm khấn mong ít có người trúng! Thành
ra nghĩ như vầy: thánh thần chắc cũng khó giải ổn thỏa nan đề này, cho người
này thì phải lấy bớt của người kia chứ ở đâu ra? Ngẫm mà buồn lòng chuyện đời
dâu bể...
Ai ơi được lộc trời
hãy có chút lòng trắc ẩn nghĩ đến người bất hạnh nhường phần may mắn cho ta... Đấy
chính là lý nhân – quả đó mà.
Để có một con đường người ta phải đào
một con kênh...
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét