Ngày 28 - 29/4/1975. Sài Gòn nhốn nháo. Bến cảng
những chiếc tàu hải quân người người chen nhau lên tàu để hướng về miền đất
mới. Đi đến đâu cũng được miễn là nơi ấy không gặp mặt mấy anh giải phóng. Nghe
mọi người nói tôi rất hoang mang lo sợ. Họ bảo “Phải đi thôi, chứ ở đây mấy ổng
vào Sài Gòn rút hết móng tay, móng chân nếu ai sơn màu đỏ”. Thử hỏi ai yếu bóng
vía mất cả hồn, sao dám ở lại đất Sài Gòn chứ?
Trên chuyến tàu của ngày 28-4-1975 ấy,
có một đôi trai gái họ chen chúc giữa đám người chật ních để bước lên boong
tàu, khó khăn lắm họ mới leo lên được. Không hiểu sao tự nhiên người con gái ấy
giựt tay mình ra khỏi tay chàng trai rồi len lỏi giữa đám đông người và bước
xuống tàu, mặc cho chàng trai gọi trong thảng thốt: “Hương! Hương tại sao em
chạy đi đâu vậy khó khăn lắm mình mới lên tàu được mà.”. Chàng trai nói thật to
mặc cho mọi người nhìn thẳng vào mặt không biết nói với ai? Trong khi ấy Hương
cắm đầu chạy ra đường, không đoái hoài tới những chuyến xe xuôi ngược giữa lòng
thành phố.
Hải và Hương yêu nhau từ năm học lớp 10. Đến năm 12 Sài
Gòn giải phóng. Thế là những ước mơ hoài bảo lớn của hai người bị đảo lộn. Qúa
sợ hãi nên hai người trốn gia đình lên chiếc tàu ấy với hy vọng sẽ được sống
bên nhau ở một nơi nào đó. Hương bỏ quay về vì hình ảnh thân yêu của mẹ đang
đau yếu đang nằm ở nhà đợi con về nấu cháo. Hương không đành lòng. Bên hiếu
nặng hơn tình, mẹ Hương đã vất vả bao nhiêu nuôi Hương ăn học. Hương thiếu thốn
tình cha khi vừa tròn một tuổi. Ba Hương đã qua đời trong tai nạn giao thông. Mẹ
vừa làm cha, vừa làm mẹ. Ai nhờ gì làm đó mong sao có tiền lo trang trải cho
Hương đủ cơm ăn, áo mặc và được cắp sách đến trường như bao bạn khác. Chính
điều ấy đã làm cho Hương chùn bước.
Sau khi Hương quay đi, không biết con tàu “định mệnh” ấy
đi lúc nào. Tối đến Hương ra bến tàu hỏi thăm bà bán thuốc lá bên đường, bà ấy
bảo. Tàu nhổ neo đúng 9 giờ 15 phút. Có nghĩa là Hương về, sau đó mười lăm phút
tàu ra đi.
Ba năm sau đó Hương ngóng tin Hải càng ngày càng bặt vô
âm tín. Hương tìm đến địa chỉ nhà Hải ở đó họ bảo nhà đã bán từ lâu. Coi như
sợi giây liên lạc giữa Hải và Hương cắt đứt thật rồi. Hương buồn bã trong nỗi
nhớ thương Hải với mối tình đầu thơm tho như trang giấy trắng. Mẹ Hương không
hiểu tại sao con mình càng ngày càng ốm yếu, xanh xao. Mẹ đưa đi khám bệnh bác
sĩ bảo Hương bị chứng trầm cảm. Gia đình nên động viên, gần gũi và an ủi cho
Hương chóng khỏi.
Thời gian dần trôi qua, sự chờ đợi kia gần như vô vọng. Rồi
đến lúc Hương phải xây dựng gia đình thôi. Trong một lần đi ăn cưới của bạn,
Hương tình cờ quen được Tuấn, một anh chàng hiền lành ít nói làm việc trong
công ty điện lực. Tuấn chăm lo cho Hương từng chút một. Chín tháng sau đám cưới
của Tuấn và Hương diễn ra hai bên nội ngoại và đông đủ bạn bè cùng đến chia
vui. Cuộc đời cứ tưởng như vậy là sự bình yên, nào ngờ đâu sau khi Hương
sanh cho Tuấn đứa con gái vừa tròn sáu tháng phát hiện Tuấn bị ung thư dạ dày
giai đoạn cuối. Bao nhiêu tiền bạc tích cóp ra đi. Không đủ Hương phải bán nhà
để lo cho Tuấn với ước mong giành lại sự sống cho chồng để con gái Hương không
phải sống thiếu bàn tay săn sóc của cha. Hương chẳng khác gì mẹ của mình ngày
xưa, bươn chải làm cả ngày lẫn đêm với chiếc máy may cọc cạch mà mỗi tối Hương
coi như là một báu vật nó đã theo Hương suốt chặng đường dài. Nhà cửa ra đi
người cũng ra đi, mẹ con Hương bắt đầu lâm vào cảnh khốn đốn. Ba tháng sau đó
Tuấn từ giã mẹ con Hương về bên kia bờ thế giới. Ấý vậy mà Hương không đầu hàng
số phận. Sống và nuôi con học hết lớp 12. Thơm, con gái thấy mẹ vất vả quá nên
nghỉ học để đi làm. Thơm xin vào làm một công ty may mặc xuất nhập khẩu. Cuộc
sống bình thản trôi qua. Một năm sau đó, tự nhiên Thơm thay đổi hoàn toàn. Lương
công nhân chỉ hơn ba triệu một tháng mà Thơm lo cho mẹ từ A tới Z và còn bảo mẹ
hãy cất máy may, nghỉ ngơi cho khỏe. Hương thấy con gái khác lạ mới gặng hỏi
Thơm “Dạo này con làm gì thêm không mà mẹ thấy con sắm sửa đồ đạc trong nhà
nhiều quá”. Thơm cười và trả lời với mẹ “Con có bạn tài trợ mà mẹ, bạn con là
một Việt kiều bên Pháp đó mẹ, mẹ yên tâm đi, người này có hơi lớn tuổi nhưng
tốt lắm mẹ à”. Nghe xong Hương lo sợ và bảo con. “Con ơi! Thời buổi này mà con
đi tin vớ vẩn, ở trên đời này chẳng có ai cho không mình thứ gì đâu con à, con
xem lại đi nhé”. Hương tiếp tục hỏi thêm về người mà con gái mình cho là tốt. “Vậy
người ấy làm gì mà sao con quen được?” Thơm bắt đầu kể tiếp cho mẹ nghe. Nhân
một buổi có bốn người xuống xưởng may thấy con ngồi may nên anh ấy hỏi thăm,
con kể về hoàn cảnh của mình, anh ấy xin số điện thoại của con từ đó con quen
luôn. Con thấy nhà mình nghèo quá, vả lại anh ấy cũng hiền phúc hậu nên con
nhận tình cảm ấy, anh có hứa sẽ về gặp mẹ một ngày gần đây, nếu mẹ cho phép”. Hương
quát con!: “Thôi, con đừng nói nữa, nghèo cho sạch, rách cho thơm nha con, con
quen như vậy không sợ lời dèm pha đàm tiếu của thiên hạ hay sao? Con quen người
lớn tuổi đáng cha, đáng chú làm sao xưng hô cho đúng nghĩa đây?” Thơm nhìn mẹ,
sà vào lòng và bảo: “Mẹ ơi! Tình yêu không phân biệt tuổi tác mẹ à! Mẹ đã từng
yêu mẹ phải biết cảm giác của người mình yêu như thế nào. Con thấy mình thật
hạnh phúc vì được anh ấy yêu thương và con yêu trả lại. Nó là một điều gì thật
quý giá và thiêng liêng lắm, con không biết diễn tả làm sao cho đúng nghĩa để
mẹ hiểu con một cách cặn kẽ hơn! Mẹ đừng ngăn cấm con nha me?”. Hương thấy yêu
con gái hơn bao giờ hết, Hương lấy bàn tay mình xoa nhẹ lên làn tóc của con rồi
bảo “Thôi không nói nữa, hôm nào đưa bạn trai con về đi, giờ xuống bếp dọn cơm
ăn, nay mẹ nấu món canh chua cá lóc mà con thích đó. Thơm nhảy dựng lên như
ngày còn bé được mẹ cho kẹo. Thơm nói lớn: “Con cám ơn mẹ”.
Dưới nhà bếp lúc bây giờ là tiếng chén đũa khua lên. Hai
mẹ con ăn cơm và mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Trải qua những sóng gió trong cuộc đời, về vật chất thì
lúc này Hương không phải lo. Hương không nhận may gia công nữa. Thơm săn sóc và
lo lắng cho mẹ đủ thứ. Dạo gần đây, Hương hay chóng mặt, đau đầu bác sĩ khuyên
nên nghỉ ngơi, đừng suy nghĩ đừng căng thẳng giống như hai mươi năm trước. Hình
như có điềm chẳng lành Hương bảo với con gái: “Hôm nào đưa bạn về cho mẹ biết
mặt, với lại mẹ muốn con phải có chồng hẳn hoi, chứ mẹ không chấp nhận quen vậy
hoài đâu con à! Người ấy vợ con sao rồi? Chẳng lẽ lớn tuổi vậy mà không có vợ
sao?”. Thơm trả lời với mẹ: “Dạ anh ấy và vợ đã chia tay. Có hai con trai, con
trai anh ấy đều có gi đình ở riêng, nên anh muốn co một người vợ thật đúng
nghĩa để mai mốt về chiều ốm đau chăm sóc lẫn nhau. Mẹ đồng ý đi, con đưa anh
ấy về ra mắt mẹ”.
Ba ngày sau, Hương sốt cao, Thơm đưa mẹ vào bệnh viện. Xét
nghiệm các thứ bác sĩ chưa nói cho Thơm biết mẹ bệnh gì. Trưa hôm ấy canh ngay
giờ trực Thơm đánh liều lên phòng nghỉ của bác sĩ. Thơm hỏi bác sĩ: “Mẹ cháu
bệnh gì vậy bác sĩ?”. Bác sĩ nhìn Thơm bằng cái nhìn thương hại và bảo “Cháu
thật bình tỉnh nhé! mẹ cháu bị viêm não nặng lắm, có lẽ không qua khỏi”. Nghe
xong Thơm như gần quỵ ngã, trước mặt Thơm gần như sụp đổ. Thơm chạy về
phòng bệnh nhìn mẹ mũi miệng vẫn còn treo những dây nước biển. Thơm choàng tay
qua ôm mẹ, nước mắt gần như chảy ngược vào trong sợ mẹ giật mình và hiểu ra căn
bệnh của mình.
Thơm lén mẹ ra khỏi phóng gọi ngay điện thoại cho người
yêu nói rõ bệnh viện và số phòng. Nửa tiếng sau Bình đến trên tay cầm theo một
giỏ được kết thành nhiều loại hoa. Nghe tiếng gõ cửa, Thơm đứng lên chưa kịp mở
thì Hương nói rất khẽ: “Ai vậy con? Bạn con đến thăm mẹ phải không?”. Thơm nghe
mẹ hỏi vậy rất đỗi vui mừng. Thơm trả lời cũng thật nhỏ: “Dạ, đúng là anh ấy
đến mẹ à!”.
Thơm đứng lên mở cửa Bình vào. Thơm mời Bình ngồi vào
chiếc ghế kê cạnh bàn để thuốc cho Hương. Thơm chưa kịp nói gì, cô y tá gọi
Thơm: “Ai là người nhà bà Hương lên phòng gặp bác sĩ”. Thơm bảo với Bình “Anh đợi em chút nha”.
Bình từ từ đi tới giường bệnh chỗ Hương nằm, đầu cúi
xuống, miêng bảo: “Dạ, cháu chào cô”. Hương mặt trắng bệch, miệng trả lời: “Tôi
cám ơn”. Dù đã 23 năm Bình không quên được. Bình chính là Hải, người yêu của
Hương. Sau khi lên chiếc tàu năm xưa Hải qua bên Pháp đổi tên là Bình. Mặc dù
Hương đang sốt nhưng vẫn nhận ra khuôn mặt của người tình đầu tiên với một nốt
ruồi dưới mi mắt trái. Riêng Bình vẫn không quên Hương, sau khi định cư trên
đất Pháp, Hải tìm cách liên lạc, nhưng họ bảo dọn đi đâu rồi. Nước mắt, gặp
nhau trong nước mắt 23 năm trôi qua, giờ gặp lại trong ngỡ ngàng và trớ trêu
thay người yêu của mình giờ đây cũng chính là người yêu của con. Bình nắm tay
Hương, Hương nói trong nước mắt, đừng cho con gái biết về cuộc tình này. Hương
bảo với Bình hãy yêu thương Thơm đến hết cuộc đời. Bình hứa với Hương sẽ là một
người chồng và cũng là người cha sẽ dắt dìu Thơm cho tron tình, trọn nghĩa.
Thơm đẩy cửa vào, chạy vào ôm mẹ, Hương chỉ kịp nấc lên
một tiếng, đầu ngã qua một bên. Thơm chẳng hiểu gì, chỉ nghĩ người yêu mình
khóc vì vừa mất một người thân bên vợ tương lai.
Hương thật sự ra đi trong thanh thản, vì gặp được Hải, và
nhìn được hạnh phúc của con gái.
Ba ngày sau Bình và Thơm ra nghĩa trang viếng mộ Hương. Mùi
đất mới xông lên, không làm mất đi vị ngọt của những đóa hồng mà Hải mang đến
cắm trước mộ Hương. Bằng giọng thơ ngay Thơm hỏi: “Sao anh mua hoa hồng nhiều
vậy? Anh cúng mẹ ha?”. Hải đưa đôi mắt nhìn về một khoảng rộng mênh mông rồi
trả lời: “Ừ đúng đó em, anh nhớ tới 23 năm trước anh có một người bạn gái rất
thân, cô ấy rất thích hoa hồng”…
B.Đ.A (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét