Hồi phục sau tai nạn và ra mắt tập thơ tái bản "Thời hoa đỏ" nhân kỷ niệm sinh nhật 79 tuổi, hiện tại sức khỏe của ông ra sao?
Sau tai nạn, vết thương của tôi bị nhiễm trùng một thời gian. Khá đau đớn nhưng sau phẫu thuật, sức khỏe tôi dần ổn định. Tôi vốn là anh công nhân bốc vác, lao động nặng nhọc suốt những năm tuổi trẻ quen rồi nên sức khỏe hồi phục nhanh lắm.
Tập thơ "Thời hoa đỏ" tái bản, cả tôi và con gái đều không được ưng ý cho lắm. Bìa in rực quá và nội dung chưa thực sự như ý của tôi. Tôi dự định sẽ in lại "Thời hoa đỏ" và in thêm cả tập "Trường ca phương Nam".
Nhiều người cho rằng ông rất nặng tình với người phụ nữ trong bài thơ "Thời hoa đỏ", ông nghĩ sao?
Sự thật không hoàn toàn như vậy. Khi viết hai câu : "Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/Em không đi hết những ngày đắm say", tôi thấy thương cho Nhàn, tức là vợ đầu của tôi. Khi đến với tôi, cô ấy đã có hai đời chồng, rồi lại bỏ tôi theo một người khác. Như vậy là cô ấy chưa khi nào được sống trọn vẹn với tình yêu.
Nhàn cũng không hề yêu tôi hay yêu thơ tôi như những gì báo chí từng viết. Thời đó đất nước đang chiến tranh, đôi khi con người phải quên bản thân mình đi để sống. Chúng tôi cũng đã quên mình đi để sống với nhau 14 năm và có hai con chung.
Tôi là người thất bại nhiều trong tình yêu, tưởng đã mất hoàn toàn niềm tin vào nó, vậy mà không ngờ, trong đời, tôi đã có lần được yêu và đó là tình yêu đích thực duy nhất của tôi cho đến lúc này.
Trước nay khán giả chỉ biết nhiều về mối tình của ông với nhân vật trong ca khúc "Thời hoa đỏ". Ông nói gì về cuộc tình được ông cho là tình yêu đích thực này?
Năm 1997, trước khi được mời đi Hy Lạp đọc thơ, tôi có đọc thơ mình trong một buổi sinh hoạt văn nghệ của Hội Nhà văn. Hôm đó tôi đọc bài thơ "Thất tình", trong đó có bốn câu mở đầu: "Em để lại trong tim tôi một mũi dao/ Và mỗi ngày lại nhấn sâu thêm một chút/ Tôi mang nó suốt đời còn em thì không biết/ Những mùa thu rớm máu vẫn đi về". Cô ấy là một nữ nghệ sĩ, biết tôi, yêu tôi từ chính những vần thơ đó.
Cô ấy đã thể hiện tình yêu với ông thế nào?
Cô ấy mạnh mẽ và chủ động vô cùng. Lúc đầu cô ấy gọi tôi bằng chú, sau chuyển sang anh. Tôi bị cô ấy "bắt cóc", đưa đi chơi nhiều địa điểm ở Hà Nội, công khai tình cảm với tôi trước nhiều người.
Từng chịu nhiều mất mát, đổ vỡ trong tình yêu, ông đã đón nhận tình cảm đó ra sao?
Thú thực là tôi rất sợ và không dám tin mình may mắn đến thế. Tôi đã trải qua nhiều đổ vỡ trong đời nên rất sợ chuyện tình cảm đến nhanh rồi đi cũng nhanh. Cô ấy lại rất trẻ, chỉ đáng tuổi con gái tôi. Ngoài ra, cô ấy còn có tài và có cả một tương lai rộng mở phía trước. Tôi đã cố tình lảng tránh, nhưng càng lảng tránh, cô ấy càng lao vào. Cuối cùng, tôi phải chọn giải pháp vào Nam và cưới vợ để cô ấy không có cớ nghĩ về tôi nữa. Thời gian đầu vào Nam, cô ấy có lùng sục tìm tôi khắp nơi, nhưng tôi cương quyết không "nhượng bộ".
|
Nhà thơ Thanh Tùng. |
Mối quan hệ hiện tại của ông và người tình đó ra sao?
Chúng tôi không thường xuyên liên lạc từ lâu rồi. Cô ấy đã lập gia đình, có con, thành đạt và sống hạnh phúc. Tôi vừa gặp lại cô ấy mới đây trong một sự kiện. Cô ấy chủ động mời tôi đến qua một người bạn. Trong sự kiện, cô giới thiệu tôi là "người tình trong mộng" với người thân trong gia đình.
Đến giờ tôi đã tin là cô ấy yêu tôi chân thành. Cuộc đời tôi có nhiều mất mát, đổ vỡ, không ngờ lần này tôi lại "thắng lớn" trong tình yêu như vậy. Cho đến nay, tôi chưa gặp người đàn bà nào yêu tôi chân thành như cô ấy. Nhưng tôi vẫn không dám đón nhận ân huệ trời ban đó. Suốt đời này tôi sẽ tôn sùng mối tình ấy như tôn sùng một vị thánh.
|
Nhà thơ Thanh Tùng và con gái trong buổi tái bản tập thơ “Thời hoa đỏ”. |
Đây có phải là lý do ông ít nhắc đến cuộc hôn nhân sau này với người vợ thứ hai?
Đúng vậy. Tôi lấy người vợ thứ hai nhưng tâm hồn lại thuộc về người phụ nữ đã yêu tôi tha thiết kia. Chính sự không đồng điệu về tâm hồn đã khiến tôi và vợ chia tay sau một thời gian chung sống. Tôi không muốn nhắc nhiều vì tôi cho rằng cuộc đời tôi chỉ có một mối tình duy nhất và thiêng liêng, là mối tình với nữ nghệ sĩ mà tôi vừa kể.
Hiện tại, cuộc sống của ông ra sao?
Hiện tại, tôi sống bình an cùng con gái và cháu ngoại. Con gái làm cho tôi một căn nhà gỗ tuy nhỏ nhưng đúng như tâm nguyện của tôi. Hằâng ngày tôi giúp con gái trông cửa hàng, chơi với cháu, tiếp đón bạn bè mê thơ đến nhà tụ họp. Thi thoảng, bạn bè văn nghệ sĩ qua nhà chở tôi đi họp mặt, đọc thơ, giao lưu cùng các nhà thơ khác
Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh năm 1935 tại Mỹ Lộc, Nam Định. Bắt đầu sáng tác khi là anh công nhân "quai búa" 20 tuổi.
Ở tuổi 80, Thanh Tùng có một gia tài thơ không hề nhỏ. Các tác phẩm của ông bao gồm những tập thơ đã và chưa xuất bản như: "Con sông chảy từ lòng phố", "Cửa sóng", "Trường ca Phương Nam" (chưa xuất bản) "Gió và chân trơi” (Nxb Hải Phòng, 1985) "Khúc hát quê xa" (Nxb Văn nghệ TP HCM, 2004) "Cái ngày xưa ấy" (Nxb Đà Nẵng, 2004), "Thuyền đời" (Nxb Đà Nẵng, 2006). Tập thơ "Thời hoa đỏ" xuất bản lần đầu năm 2001 bởi Nxb Hội Nhà văn. Năm 2013, kỷ niệm sinh nhật 78 tuổi, tác giả được con gái giúp tái bản tập thơ trên.
Thanh Tùng được độc giả nhớ nhiều với tư cách là tác giả phần lời của những ca khúc nổi tiếng "Thời hoa đỏ" (nhạc Nguyễn Đình Bảng), "Hà Nội ngày trở về" (nhạc Phú Quang)… Nhạc sĩ Phú Quang còn chọn hai bài thơ khác của ông là "Người về" và "Mùa thu giấu em" để phổ nhạc.
Nhạc phẩm "Thời hoa đỏ" do nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng sáng tác, phổ thơ Thanh Tùng đã trở thành một trong những bài ca đi cùng năm tháng. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng từng kể, trong thời gian học ở Liên Xô cũ, ông đọc được bài thơ trên Báo Văn Nghệ và đem phổ nhạc. "Khi bài thơ được hát ầm ầm trên sóng FM, tôi vẫn còn đang tay quai tay búa trong xưởng đóng tàu. Người ta nói tôi: Ông Tùng ơi ông nổi tiếng rồi! Nhưng lúc đó tôi chưa cảm nhận được vì còn lo kiếm sống. Đến giờ tôi mới biết được hiệu ứng của bài hát vào thời điểm đó", nhà thơ Thanh Tùng cho hay.
Cùng với "Thời hoa đỏ", "Hà Nội ngày trở về" (nhạc Phú Quang) với những ca từ da diết cũng để lại dấu ấn với nhiều thế hệ khán giả. Nhạc sĩ Phú Quang cho rằng, ngoài cái tứ, thơ Thanh Tùng rất giàu nhạc điệu. Những ca từ như "Vội vã trở về, vội vã ra đi..." trong bài hát "Hà Nội ngày trở về", đã trở thành điệp khúc quen thuộc với nhiều người nghe nhạc.
Là nhà thơ có tác phẩm phổ nhạc được nhiều người đón nhận, ít ai biết Thanh Tùng đã phải sống một quãng đời cơ cực với nhiều công việc lao động chân tay để kiếm sống. Ông sinh trưởng trong một gia đình trí thức tiểu tư sản có bố là quan chức của chính quyền thuộc Pháp. Được học hành cẩn thận, Thanh Tùng thông thạo tiếng Pháp và giỏi các môn nghệ thuật.
Tốt nghiệp tú tài, không muốn thành giáo viên dạy thể dục như được phân công, ông tham gia thanh niên xung phong hai năm rồi trở lại Hải Phòng làm công nhân trong các xưởng chế tác vũ khí, ở thời điểm Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt.
Chiến tranh, loạn lạc đã ly tán cả gia đình, ông ở lại thành phố Hải Phòng cùng một người em trai bị tâm thần có tên Doãn Thanh. Nghệ danh Thanh Tùng chính là tên ghép của Thanh (tên người em) và Tùng (tên ông). Nhà thơ đã phải làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi em, từ công nhân xưởng máy đến kéo xe ba gác, buôn sách. Sau này, khi lập gia đình, ông tiếp tục theo những chuyến áp tải xe hàng, đi khắp các tỉnh, thành để kiếm tiền nuôi con.
"Những năm chiến tranh đánh phá, tôi đã làm công việc quai búa nặng nhọc của một anh công nhân để kiếm tiền nuôi mình, nuôi em. Khi em tôi chết, tôi lại buôn bán vặt vãnh vỉa hè để nuôi vợ, nuôi con" - nhà thơ cho biết.
|
Minh Châu (thực hiện)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét