Tin bà Dị
"hầm" lấy chồng ở tuổi 62 làm cả xóm bàng hoàng không thể tả. "Tụi
con gái ráng mà học hỏi. Người ta giỏi dang nên sáu chục tuổi còn có người đi
cưới hỏi. Là Việt kiều hẳn hoi". "Già không nên nết! Cháu nội cháu
ngoại đầy nhà, còn "mần ăn" được gì mà bày đặt lấy chồng!". Đó
là lời thương- ghét từ miệng thế gian.
Quả thật,
người cưới bà Dị "hầm" là Việt kiều đã gần 70 tuổi. Là ông chủ của
một tiệm may âu phục rất lớn xứ Cali.
Bà Dị tên thật
là Phạm Thị Mai Hoa, nhưng từ ngày lấy chồng được gọi theo tên chồng là Dị,
thêm chữ "hầm" vì hơn chục năm nay bà làm nghề mua cá hầm. Rô, trê,
lóc, lăng, chạch, sặc rằn... Cá sau khi
thương lượng mua "mão" xong thì kêu nhân công tới kéo lên. Loại nhất
giao nhà hàng, loại nhì, ba giao quán ăn. Dạt dạt thì bán ra chợ hoặc chuyển
qua cho cơ sở xay thức ăn gia súc.
Bà "mát
tay" hơn nhiều người nên cũng có của ăn của để. Nhưng các con bà ham ngồi
mát ăn bát vàng, học vấn ít mà học đòi nhiều nên sau khi tốn bộn cho mặt bằng, nhà xưởng, nhân viên,
quảng cáo… thì mang nợ lút đầu. Hai thằng vô khám. Đứa con gái chê chồng nghèo,
ly hôn cái sột rồi vụt sang xứ khác với người đàn ông già khú.
Ông Dị, sau
nhiều năm lao động vất vả mà cuộc sống chưa khá nên buồn đời uống rượu nhiều
hơn ăn cơm. Hai năm trước đã bị ông thần lưỡi hái cắt đứt tuổi thọ bởi chứng xơ
gan ở tuổi 60.
Theo vai vế họ
hàng thì tôi gọi bà bằng chị
- Chị... định
lấy chồng thật ạ? Quen sao mà nhanh vậy trời?
- Ông ấy là...
mối tình đầu...
- ???
- Hồi đó, chị
mười chín, ảnh hai lăm. Thương nhau lắm nhưng ba chị không gả vì… ảnh là người
dân tộc. Ba buộc chị theo mấy ông chú đi công trình xây dựng, phụ việc nấu ăn,
giặt giũ để quên ảnh. Con gái tuổi chị hồi đó nhút nhát lắm, không dám
"sống cho mình" như tụi em bây giờ đâu! Hôm chia tay, ảnh nói ảnh sẽ
cố gắng học tập, làm việc... Nếu còn duyên nợ thì kiếp này ta sẽ có nhau. Mãi mười
năm sau chị mới lấy chồng, ông Dị là thợ nhất của các chú chị. Ba đứa con, hết
hai sinh tại công trình.
- Có khi nào chị
nghe tin về anh ấy?
- Không. Sau
khi chị lấy chồng ít lâu thì nhà anh cũng dọn đi nơi khác.
- Tụi con chị
sau này cũng làm thợ hồ hết mà?
- Ừ. Nhưng
chúng bảo làm thợ thu nhập cò con quá. "Bay khô tiền ráo" chẳng lấy
gì dư nên thành lập công ty TNHH chuyên nhận thi công công trình và cung cấp
vật tư xây dựng dễ "kiếm ăn" hơn.
- Công ty lớn
như vậy phải nhiều vốn lắm?
- Ừ. Chị gom
hết tài sản lo cho chúng. Mình đã trải qua cảnh màn trời chiếu đất gần hai chục
năm với nghề này thì tại sao để con mình khổ nữa? Ai ngờ... Chúng nhận bao
nhiêu công trình cũng lỗ. Do chưa có kinh nghiệm. Ông Dị thua buồn theo các con
nên nhậu nhẹt càng nhiều. Chị kéo chồng con dậy từ những chuyến "bao
hầm" cá sặc rằn trên miệt Tân Thành. Em không biết đâu, hầm trên ấy là hầm
tự nhiên không qua đào múc. Cứ mùa mưa tới là cá từ Lòng Hồ tràn vào đẻ trứng.
Không tốn tiền con giống nên khi bán người ta cũng rất dễ tính. Hai mùa cá chị
lời hàng trăm triệu, trả hết nợ nần cho các con.
- Vậy là cuộc
sống gia đình chị "tiền hung hậu kiết" rồi?
- Nhưng... hết
con thì tới chồng. Ông Dị thấy chị kiếm tiền dễ quá nên sinh bồ bịch, bài bạc...
bao nhiêu vốn liếng, lời lóm cũng không đủ ổng xài.
Hết vốn, chị
theo mấy bạn hầm hồi trước nhận cá vụn về xay thức ăn gia súc. Bấy giờ ông Dị
mới chịu tỉnh người. Hai vợ chồng cùng làm, cực nhưng vui lắm. Hai cái đầu bạc,
tay chân nhớt tanh mùi cá mà làm gì cũng có nhau. Yên ấm chưa được tròn năm thì
ổng phát bệnh và ra đi sau đó sáu tháng. Mà ông trời ác quá, mồ cha chưa xanh
cỏ thì hai thằng con bị công an mời vì cái nhà bốn tầng chúng nhận thầu bị sập.
Còn miếng đất
cuối cùng đang ở chị cũng kêu bán để trả phần nào nợ cho chúng. Và người mua
không ai khác hơn chính là... anh ấy!
- Sao hên vậy?!
- Ảnh nói, ảnh
về nước gần hai năm nay, luôn tìm kiếm chị. Miếng đất cả ngàn mét vuông, ba mặt
tiền sao bán có tỉ đồng? Tôi xa quê hương nhiều năm, lăn lộn chốn thương trường
không ít, biết nếu không vì bức bách thì người ta không bán mồ hôi nước mắt của
mình rẻ như vậy. Ông trả chị tròn hai tỉ. Lúc làm giấy nhận cọc thấy bàn tay
phải sáu ngón và biết ông họ Danh chị đã suýt khóc...
- Ông ấy không
nhìn ra chị sao?
- Hơn bốn mươi
năm chứ ít ỏi gì mà nhìn ra? Nhưng tới khi chị nói họ tên mình thì ông run tay
rơi cả viết.
- Và
"châu về hợp phố"?
Vợ anh mất hơn
mười năm nay, anh muốn trở về quê hương sống những ngày cuối đời. Anh muốn lập
một mái ấm cho trẻ em. Nghề may của anh, anh sẽ truyền cho chúng để sau này
trên bước vào đời chân chúng bớt chông chênh. "Em thấy không, anh đã nói
"Nếu còn duyên nợ thì kiếp này ta sẽ có nhau”. Bây giờ chắc không có gì
ngăn cản chúng ta nữa? Anh ấy 'sến" lắm em ạ, ngoài việc trả hết nợ cho
hai con chị, anh còn "xin phép" chúng để cưới chị nữa.
Ánh mắt chị
nói về tình cũ mà cứ lấp lánh như thời con gái. Chị bảo, vái trời mấy tay thợ
điện nước làm nhanh nhanh giùm, tuần sau mái ấm đã được ngày mở cửa.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét