Mấy hôm nay báo
chí, dư luận đang ầm ĩ về vụ trẻ sơ sinh bị bắt cóc ngay trong bệnh viện phụ
sản. Cũng có nhiều đồn đoán rùng mình về những phi vụ buôn người qua biên giới
được rỉ tai nhau từ ngoài ngã ba ngã bảy đến tận bàn ăn, góc bếp. Anh bán báo
hứng khởi tường thuật sự việc, đảm bảo
trơn tru và hấp dẫn hơn cả thiên phóng sự. Chị nước chè thì nhỏ to dấm
dúi, mấy bà nội trợ đi qua thậm thụt hóng chuyện, bí hiểm như thể tội phạm đi
thăm dò tin tức. Bóng công an hình sự có mặt thường xuyên khu cổng bệnh viện để
khai thác thông tin. Dân xe ôm tụm lại đồn đoán đông vui cứ như phường có hội. Chỉ
riêng Tựu thở dài, ngồi ngóng với sang ven đường đưa mắt kiếm tìm một cái vẫy
tay của khách giữa nhộn nhạo mặt người…
Tựu về phòng trọ
lúc đã khuya khoắt lắm rồi. Thiên hạ đều đã cửa đóng then cài, dụi đầu vào chăn
ấm ngủ ngon lành trong một ngày nhiều gió. Nhàn thức đợi chồng bên mâm cơm
nguội ngắt, vừa thấy tiếng xe lách vào cổng xóm trọ chị liền đứng bật dậy mang
thức ăn đi hâm nóng. Tựu dựng xe nhìn vợ lụi cụi bên chiếc bếp than tổ ong, anh
lẩm bẩm:
- Bảo đừng đun
bếp than nữa độc lắm. Mà em sao vẫn chưa ăn?
Nhàn nhìn chồng
âu yếm nhoẻn cười bảo:
- Hôm nay có món
cá kho mà anh thích đấy. Trời gió dữ vậy, anh lạnh lắm không?
- Bảo em mãi rồi,
anh đi chạy xe đến bữa tiện đâu ăn đó. Em cứ đợi chờ làm chi cho khổ.
Anh cởi chiếc
giày quẳng vào góc nhà, ngồi dựa lưng vào ghế khẽ cử động nhịp nhàng từng ngón
chân. Giữa xuân mà thời tiết thật khắc nghiệt khiến tay chân anh tê buốt sau
nhiều giờ đi lại ngoài trời. Nhàn bưng cơm canh đã hâm nóng đặt lên bàn, quay
lại bóp chân cho chồng. Đứa trẻ nhà hàng xóm nửa đêm tỉnh giấc đòi sữa khóc
thét lên. Nhàn nén tiếng thở dài thấy gió khua khoắng đâu đó trong tim. Tựu vỗ
nhẹ vào tay vợ giục “cơm thôi”. Hai người lầm lũi ăn cơm, đến cả tiếng bát đũa
cũng tránh va vào nhau. Thỉnh thoảng trong căn phòng trọ chật chội này mọi thứ
bỗng trở nên gượng gạo đến đáng sợ. Thường là những lúc vẳng tiếng trẻ con, mà
xóm này toàn những cặp vợ chồng trẻ đang kỳ hạnh phúc. Họ mưu sinh và hạnh
phúc. Riêng vợ chồng Tựu dường như cái vế sau đang mỗi ngày mỗi nhẹ bẫng dần
nên cái phần mưu sinh thêm nặng gánh. Chẳng phải vì họ hết thương nhau, có
những nỗi muộn phiền chỉ những người trong cuộc mới hiểu nó hiu quạnh đến thế
nào. Giá mà… giá mà nhà có một mụn con.
- Vụ bắt cóc trẻ
sơ sinh...- Anh ngập ngừng định nói điều gì đó nhưng lại lặng lẽ cúi xuống ăn.
Cơm hơi khô, chan canh vẫn nấc. Gió đập uỳnh uỳnh vào cửa sổ. Chị buông bát
đứng dậy cài lại chốt cửa, tiếng dép loẹt quẹt vang lên rồi ngừng bặt. Mấy âm
thanh rời rạc đó là cuộc sống thường nhật của vợ chồng họ. Lấy nhau bảy năm rồi
nhưng trong nhà vẫn không có tiếng trẻ con. Sau một lần sảy thai chị không còn
khả năng mang thai nữa. Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không tiến triển gì mà tiền
thuốc thang nào có ít ỏi đâu. Chị đã tính đến chuyện nhận một đứa con nuôi
nhưng lòng anh thì vẫn chưa nguôi hy vọng. Hình như canh hơi nhạt. Hình như cá
kho hơi mặn. Hình như…
- Hôm xảy ra vụ
bắt cóc trẻ sơ sinh, em có nhìn thấy thủ phạm.
Sau câu nói của
chị anh buông đũa, từ từ ngẩng lên nhìn vợ đầy thảng thốt.
- Trông chị ta
rất luống cuống khi quấn lại tã cho đứa nhỏ. Chị ấy dừng lại gian hàng của em
định mua sữa nhưng rồi lại cúi đầu vội vã đi luôn.
- Mấy đồng chí công
an có hỏi gì em không?
- Họ có hỏi nhưng
em nói không nhìn thấy ai khả nghi. Ánh mắt của chị ta thực ra rất giống ánh
mắt một người mẹ. Thật lạ.
- Thôi. Để anh
dọn mâm rồi đi ngủ. Khuya rồi.
- Anh ăn ít vậy
thôi sao?
Tựu không trả
lời. Lầm lũi dọn dẹp rồi tắt điện đi ngủ. Tiếng trẻ con khát sữa thỉnh thoảng
lại khóc thét lên trong xóm trọ. Nhàn cựa mình nghe se sắt gió. Gió tứ bề khua
khoắng, thổi đến rỗng cả tim gan.
* * *
Như thường lệ,
Tưu dựng xe bên đường, treo bảng “xe ôm” rồi nhìn dáo dác xung quanh tìm khách.
Anh ngồi nửa buổi sáng vẫn không chở được cuốc xe nào. Thật ngán ngẩm, anh nhủ
thầm rồi nằm vắt người lên xe định chợp mắt thì có người gọi dậy, giọng gấp
gáp:
- Anh xe ôm ơi!
Nhanh chở tôi đi…
Anh vùng dậy,
gạt chân chống xe, đưa cái mũ bảo hiểm rởm cho khách nhưng không có bàn tay nào
cầm lấy. Lúc này anh mới để ý thấy người đàn bà đang bế một đứa nhỏ. Chưa kịp
nói gì thì chị ta đã ngồi luôn lên xe nói như ra lệnh:
- Đến Khâm Thiên.
Anh lách qua
dòng người chuyển hướng về phía đường khách yêu cầu. Nhưng gần đến Khâm Thiên
thì chị ta kêu rẽ sang đường khác. Nhìn qua kính chiếu hậu, anh thấy người đàn
bà dáo dác liên tục ngó lại phía sau, tay ôm chặt đứa trẻ. Anh dừng lại ở ngã tư
đèn đỏ, xe cấp cứu hú còi inh ỏi xin nhường đường. Người khách ngồi phía sau
thoáng giật mình không giấu nổi vẻ hoảng hốt trong ánh mắt. Đứa trẻ nghe tiếng
còi bỗng khóc thét lên. Người đàn bà vội vàng nựng nịu trông vụng về đến mức
anh đã nghĩ hình như đứa trẻ đó không phải là con chị ta. Hình như chị ta chưa
từng làm mẹ. Người đàn bà càng cố dỗ dành thì đứa trẻ càng khóc to hơn, chị ta
càng trở lên lóng ngóng, luống cuống tay chân đến tội. Anh quay lại trấn tĩnh:
- Không sao đâu. Đừng
lo.
Câu nói của anh
khiến người đàn bà ngơ ngác. Anh cũng ngơ ngác, không hiểu mình vừa nói điều
gì. Xe trôi đi một đoạn thì chị ta đòi xuống. Anh nhận xong tiền vừa quay xe
nhìn qua kính chiếu hậu đã thấy chị ta ngồi trên một chiếc xe ôm khác đang rẽ trái.
Anh lẩm bẩm “đường đó một chiều, cấm rẽ trái mà”. Chiều hôm đó có mấy anh công an
đến hỏi, anh nói từ sáng đến giờ chỉ chở mấy khách đàn ông mà chẳng thấy ai bế
theo trẻ nhỏ. Câu trả lời ấy khiến anh không khỏi thảng thốt về bản thân mình.
Cớ làm sao anh lại bao che cho người đàn bà ấy như thể mình là đồng phạm? Có lẽ
nào chính vì cái ánh mắt hoảng hốt đến tội nghiệp của chị ta khi không dỗ dành nổi
đứa trẻ giữa cảnh còi xe inh ỏi ấy? Không! Còn có một ý nghĩ nào đó thôi thúc
anh hơn thế. Ánh mắt của chị ta sao rất giống mắt Nhàn. Ánh mắt của một người
đàn bà khao khát tình mẫu tử. Ừ! Chắc chắn là lý do đó. Chính nó.
Ngay cả những ý
nghĩ ấy Tựu cũng không dám thành thật với Nhàn. Anh sợ chạm vào nỗi đau của vợ
và cũng cảm thấy xấu hổ khi mình đang che giấu và đồng lõa với tội ác. Có một
người mẹ đã bị mất con sau chín tháng mang nặng đẻ đau. Hạnh phúc đón con ra
đời chưa được bao lâu thì bây giờ đang phải
trải qua những phút giây đau đớn đến tột cùng. Nhàn cũng đã từng đau đớn khi
mất con cho dù đứa con của hai người còn chưa rõ hình hài nhưng mất mát thì như
vết khứa không bao giờ lành sẹo. Huống hồ là một đứa bé da thịt thơm tho, mới
đây thôi nó còn cất tiếng khóc chào đời, còn hé mắt nhìn mọi người và ngoan
ngoãn ngậm bầu sữa mẹ. Người mẹ ấy có thể đang luống cuống không biết phải làm
sao khi sữa về căng ngực. Khi nghe thấy con ai đó khóc thét lên đòi ăn. Khi
không làm sao quên được cảm giác trên tay mình vừa nãy thôi còn ẵm bồng một đứa
trẻ thơ. Tựu cứ tự giày vò mình mãi cho đến khi có một bà khách đến huơ tay
trước mặt, miệng lẩm bẩm “ơ cái anh này, thế có đi xe ôm không thì bảo?”. Tựu
giật mình vùng dậy. Lại trôi…
Nhàn cũng đâu có
thanh thản được. Vừa nãy người chồng của sản phụ mất con xuống cửa hàng Nhàn
mua mấy gói sâm. Nhìn anh ta hốc hác thất thần đến tội, như sợ người khác chạm
vào nỗi đau nên mặt người đàn ông ấy cứ cúi gằm. Nghe nói chị vợ ngất lên ngất
xuống không chịu nuốt dù chỉ một thìa cháo trắng, miệng không ngừng gào gọi
“con ơi!”. Nhàn thấy xót xa qua những cái chẹp miệng của người đời. Cùng là đàn
bà với nhau có nỗi đớn đau nào mà Nhàn không hiểu. Vậy mà… Hay là Nhàn nhờ
người trông giùm gian hàng rồi lên gặp mấy chú công an. Biết đâu lời khai của
Nhàn lại giúp ích cho việc truy tìm đứa trẻ. Một chút hy vọng mong manh thôi
cũng là tốt cho gia đình đứa trẻ và tốt cho cả bản thân Nhàn. Nhàn nghĩ vậy
nhưng vừa bước ra đến cửa thì chị lại líu ríu quay vào. Cứ vào ra tần ngần như
thế cũng đi tong buổi sáng.
Chiều đó thì
người ta tìm thấy đứa trẻ. Cả bệnh viện nhốn nháo lên trước thông tin tốt lành.
Nhàn cũng vui lắm, chị thở phào nhẹ nhõm như vừa trút xong gánh nặng, thứ gánh
nặng vô hình nặng trĩu cả tâm tư. Nhàn vội đóng gian hàng, nhấp nhô chen lấn
giữa đám người để được nhìn tận mắt cảnh đứa nhỏ được công an trao trả về cho
người mẹ. Đứa bé nhoẻn cười, tay chân vùng vẫy trước bao con mắt ngậm ngùi,
khấp khởi của người đời. Bên tai Nhàn toàn những lời rủa xả kẻ bắt cóc đứa trẻ,
chị nghe mà tưởng như người ta đang kết tội mình. Tiếng chửi bới ù ù như bầy
ong vỡ tổ, Nhàn lọt thỏm giữa đám đông, hai tay ôm ngực sợ hãi trước cả trăm
ngàn thứ ngôn từ sắc nhọn hơn nọc độc.
- Nghe nói thủ
phạm vì lấy chồng nhiều năm vẫn không sinh nổi con, sợ chồng hắt hủi nên mới
phải nói dối chuyện mang bầu, sinh nở rồi định bắt đứa nhỏ này về bịt mắt nhà
chồng.
- Thật đúng là
loại đàn bà chưa một ngày làm mẹ có khác. Thế mới đang tâm bắt cóc, chia rẽ
tình mẫu tử của mẹ con nhà người ta.
- Tội nghiệp
thằng bé vừa sinh ra đời đã gặp ngay loại đàn bà “cây khô không trái, gái độc
không con”.
Nhàn đứng đó cảm
giác mọi thứ xung quanh đang quay cuồng điên đảo, chị thấy mình có thể đổ gục
xuống bất cứ lúc nào. Đám đông ào theo các y bác sĩ đang bế trên tay đứa trẻ
tiến vào phòng chăm sóc đặc biệt. Nhàn dõi theo bóng dáng người mẹ trẻ đi xiêu
vẹo trước nỗi mừng vui quá đỗi khi gặp lại con. Cô ấy còn rất trẻ, mấy ngày qua
chắc hẳn là một chuỗi kí ức kinh hoàng đến cạn kiệt cả tinh thần và sức lực.
Cảm giác tội lỗi lại trỗi dậy trong Nhàn nghèn nghẹn nơi cổ họng. Đám đông xô
đẩy ào qua cho đến khi chỉ còn lại một mình Nhàn đứng chơ vơ giữa sân bệnh
viện. Tựu đứng ngoài đám đông ấy dõi vào thấy thương cái dáng đơn độc quen
thuộc ấy. Nhiều đêm thức dậy anh vẫn bắt gặp dáng người ấy ngồi quay lưng lại
phía mình. Tưởng như chỉ cần một cơn gió khua khoắng ngoài kia thôi cũng đủ làm
Nhàn nghiêng ngả tiêu điều…
* *
*
Tựu về sớm hơn
mọi khi, hôm nay ít khách mà ngoài trời cũng lạnh nên tự nhiên thấy thèm cảm
giác ở bên Nhàn. Lúc về đến cổng xóm trọ thấy Nhàn đang lúi húi kho cá Tựu đã
nghĩ bức tranh chật chội này vẫn đang thiếu vắng một đứa trẻ. Giả dụ nó sẽ đứng
ở kia, sau lưng Nhàn, nó sẽ phụng phịu nắm níu gấu áo mẹ đòi đi mua bim bim
siêu nhân và bánh rán hình con cá. Nhàn sẽ quay lại ôm cái dáng lũn cũn bé xíu
ấy vỗ về cưng nựng. Có như thế bức tranh mới hết hiu quạnh và ảm đạm trong một
buổi chiều mùa xuân se lạnh thế này. Một đứa con nuôi cũng đã sao, nụ cười trẻ
thơ nào cũng vô cùng ấm áp và chắc sẽ đủ để sưởi ấm trái tim đơn lạnh của Nhàn.
Mà đúng rồi, nếu nhà có trẻ con thì nhất quyết Tựu không để Nhàn đun bếp than
độc hại như thế nữa. Người đâu mà nói mãi vẫn cứ…
Tựu đứng ngẩn
người nghĩ ngợi đến đấy thì Nhàn bất ngờ ngoảnh lại. Chị vén mấy sợi tóc mai
lõa xõa trước trán, khẽ mỉm cười bảo chồng: “Anh
về rồi đấy à? Vào nhà nhanh không lạnh, ngoài trời đang gió lắm…”.
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét