Chị thả người xuống giường, ngực đau tức, thở hổn hển.
Nhiều hôm chị mệt lả cả người, phải dọn gánh hàng rau về sớm. Chị lờ mờ nhận ra
sức khỏe có dấu hiệu bất thường nhưng chẳng dám đi khám. Chị có cùng suy nghĩ
của nhiều người nghèo khác, thà không biết bệnh còn hơn biết mà không có tiền chạy
chữa càng khổ. Người trời của trời, sống chết có số…
Mẹ góa con côi, căn nhà lúc nào cũng như chợ bỏ hoang.
Cô con gái 16 tuổi vắng nhà liên miên. Học hết lớp 9, con bé nằng nặc đòi nghỉ
học. Chị khuyên hết nước hết cái con bé vẫn nhất quyết không nghe. Người xưa
nói đúng “con không cha như nhà không nóc”, chị có mạnh mẽ, quyết đoán đến đâu cũng
chẳng thể làm thay vai trò của người đàn ông. Nhớ ngày chồng còn sống, con bé
nghe lời cha răm rắp. Từ khi anh mất, chị vừa làm cha, vừa làm mẹ, chị tìm mọi
cách lấp đầy khoảng trống cho con nhưng xem ra nỗ lực của chị luôn công cốc.
Nhiều bận chị bảo con ra chợ phụ bán rau, con bé cau
có. “Con không thích ngồi lê ngoài chợ đâu”. Nghe con bảo nghề bán rau của chị
là “ngôi lê cửa chợ”, chị nổi đóa: “Tao không ngồi lê ngoài chợ thì lấy đâu ra
tiền mà nuôi mày. Cái thứ mất dạy…”. Chị chửi xa xả một thôi một hồi. Con bé sụ
mặt, xách đôi giày cao gót, đi khỏi nhà.
Suốt đêm, chị ngồi ngoài bậc cửa, chờ mãi đến khuya con
bé mới trở về nhà, người nó nồng nặc mùi rượu lẫn mùi nước hoa. Vừa thấy con,
chị quát ầm lên. “Mày đi đâu mà giờ này mới về hả?”. Con bé nhìn chị, đôi mắt
đỏ ngầu. “Tôi sẽ đi khỏi nhà này cho bà vừa lòng”. “Mày ngon…”. Chị vung tay
tát mạnh vào má con. Nó bưng mặt, khóc tu tu, chạy vào nhà tắm, đóng cửa cái
sầm.
Cả giờ đồng hồ, cửa nhà tắm vẫn khóa im ỉm. Chị nhìn
chòng chọc vào cánh cửa, thoáng hối hận. Lẽ ra chị không nên nóng nảy đánh con.
Lẽ ra chị nên dịu dàng, nhỏ nhẹ với con… lẽ ra… Nhưng áp lực cơm áo gạo tiền,
bệnh tật, mệt nhọc cứ dồn ứ ự trong người chị, có muốn hiền lành với con cũng
không được. Chị ngồi khụy xuống, ôm
ngực, lại những cơn đau tê buốt như muốn xe tan khoang ngực chị ra. Không muốn
con gái nhìn thấy, chị vội vàng lên giường, kéo mền trùm kín mặt để mặc cơn đau
hành hạ và những giọt nước mắt cứ lặng lẽ tuôn.
Sáng sớm, chị vừa lôm côm thức dậy đã thấy con gái đặt
cái ba lô ngay đầu giường. Nó nhìn mẹ bằng đôi mắt ráo hoảnh. “Con đi xuống Cà
Mau học nghề tóc”. Con bé nói giọng thản nhiên. Cơn giận như cái búa, bất ngờ
bổ xuống đầu, mặt chị nóng ran. “Ở thành phố này thiếu gì việc mà phải đi xuống
tận đó học”. Chị gằn giọng, cố kiềm chế để không hét toáng lên như mọi lần. “Bạn
con có tiệm tóc dưới đó”. Con bé trả lời tỉnh bơ, quẩy ba lô lên vai, đi nhanh
ra cửa. Chị lao ra, túm tóc con bé lôi lại. “Ở nhà, không đi đâu hết”. Nó la
oai oái: “Bỏ con ra… để con đi”.
Tiếng cửa đóng rầm lại xen lẫn tiếng đồ đạc rơi rớt.
Sáng hôm ấy, chị nghỉ bán rau, ở nhà canh chừng cô con gái. Nhưng chị cũng
chẳng canh được mãi, căn bệnh ung thư ngốn tiền thuốc như tằm ngốn lá, lại thêm
khoản nhà trọ, tiền ăn uống cho hai mẹ con. Nghĩ đến hàng tá khoản cần tiền chi
tiêu, chị lại sốt ruột vội ra chợ quần quật với gánh hàng rau.
Con bé bỏ đi đâu được vài tháng thì trở về, người nó
xanh xao, xơ xác. Chị gặng hỏi, con bé trả lời cộc lốc: “Ế, dẹp tiệm
rồi”. “Ừ! Về nhà cũng tốt, mẹ kiếm chỗ cho con học cái nghề. Con
gái phải cố mà có cái nghề, sau này đỡ khổ cái thân”, chị thủ thỉ khuyên nhủ.
Con bé lầm lì, không ừ hử nửa lời. Từ lần về Cà Mau ấy, chị thấy
con khang khác, nó buồn bã, mặt lúc nào cũng nặng trĩu suy tư.
Một ngày, chị về sớm thấy con bé nằm đơ dưới
sàn nhà, hai chân nhầy nhụa máu. Chị hoảng hốt, chở con tức tốc đến
bệnh viện. Bác sĩ bảo, con bé có thai hơn 2 tháng. “Con đang làm cái
gì vậy?”. Chị gào lên, nước mắt lưng tròng. Con bé rấm rứt. “Con
nhảy từ trên cầu thang gác lửng xuống cho cái thai nó rớt ra mà nó
hỏng chịu ra”. “Trời ơi! Con điên à? Muốn chết hả?”. Chị ôm ghì lấy
con, nước mắt rơi lã chã. Khi nghe bác sĩ thông báo cái thai hỏng, con gái
chị niềm nở ra mặt, chỉ có chị buồn hiu hắt. Chị nhìn con mà tưởng tượng ra cái
tương lai tăm tối của nó. Từ đây, con chị mãi mãi sẽ không còn khả năng làm mẹ.
Chị biết con còn quá nhỏ để ý thức được nỗi đau ấy.
“Cha đứa bé là ai?”. Một buổi tối, chị thủ
thỉ hỏi con gái. Chị biết, nếu dọa nạt, con bé nhất định sẽ không
chịu nói ra sự thật, nó sẽ tìm ti tỉ lí do chối quanh. Sau một hồi im
lặng, cúi mặt, cuối cùng nó cũng chịu mở lời. Nó bảo gã ấy là hàng xóm,
nhà kế bên tiệm tóc nó làm. Hai đứa hẹn hò với nhau. Một buổi tối, gã
rủ nó đi dạo, sau đó hai đứa đi đến đoạn đường vắng… gã ép nó vào tường
và cướp đi đời con gái của nó. Giọng con bé trơn tru, nhẹ bẫng, gương mặt bình
thản như đang kể câu chuyện của ai đó, còn chị thì run lên từng chặp, nước da
từ tái nhợt chuyển sang đỏ tía. Chị hỏi lại một lần nữa để xác minh thủ phạm. “Là
anh ấy ép con… làm chuyện ấy”, con bé khẳng định. Chị nghe đến đâu, ruột
gan nhảy lộn mèo đến đó. Chị nghiến răng, tay nắm chặt.
Suýt nữa, chị đã mất đi đứa con gái nhỏ, chị
nghĩ đến kẻ làm con mình mang thai và hủy hoại đi khả năng làm mẹ của nó,
lòng chị se sắt lại. Chị đã biết tên, tuổi, địa chỉ nhà của nó. “20
tuổi, mày đi tù cũng đáng lắm con ạ!”. Chị lẩm bẩm nói một mình
khi ngồi thảo lá đơn tố cáo kẻ hại đời con gái chị.
Con đường đất lầy lội, bùn lấm tấm bám di dít ống quần
chị. Ngôi nhà lợp bẹ dừa, lụp xụp dưới lùm cây từ từ hiện ra. Trước sân, một
ông già mặc quần tà lỏn, lom khom kéo những bẹ dừa khô. Thi thoảng ông dừng
lại, ho khùng khục từng cơn. Chị chần rần vài giây và rảo bước đi nhanh vào
nhà. “Cô tìm ai?”, ông lão cất tiếng hỏi.
Ông nhìn chị ánh mắt nửa lạ, nửa quen. Chỉ khi chị
chừa tờ đơn ra, mặt ông biến sắc, hai môi tím rịm, run run. “Không đời
nào… không đời nào… Con trai tui nó hiền lắm. Nó…”. Ông cứ lặp đi lặp lại mãi một
câu, người run lập cập. Trước đó chị đã nghĩ đến hàng tá câu chửi nanh nọc,
chua ngoa để xả vào mặt cha mẹ hắn nhưng không hiểu sao khi thấy bộ dạng ốm
yếu, già nua của cha hắn, chị lại chùn lòng.
Suốt buổi nói chuyện, ông già chắp tay trước ngực,
luôn miệng: “Mẹ con cô tha cho cháu. Đời nó bất hạnh lắm…”. Hắn là con út trong
gia đình 5 chị em. Các con ông ai cũng khố rách áo ôm, tha phương cầu thực khắp
nơi. Bà vợ của ông sau khi sinh thằng con Út bị băng huyết, cầm cự được hơn một
tuần thì mất. Suốt 20 năm nay, ông vừa làm cha, vừa làm mẹ, một mình gồng gánh
nuôi thằng Út. Ông bảo ngày nhỏ sức khỏe nó yếu ợt, người bủng beo, bụng lúc nào
cũng trướng lên, ông còn tưởng nó đoản mệnh như mẹ nó… Mấy lần, ông lão thấy cậu
con trai chở con gái chị về nhà. Ông có hỏi, nó chỉ trả lời cộc lốc: “Bạn gái
con”. Ông đâu ngờ cơ sự lại ra nông nỗi này… Ông lão kể được nửa chừng thì một
chàng trai tập tễnh đi vào. Gương mặt gã non búng, đôi mắt phảng phất nỗi buồn.
Chị để ý kỹ hơn, bàn chân trái của gã teo nhỏ, khiến bước đi thấp cao, xiêu
vẹo. Ông lão bảo đó là di chứng của cơn sốt bại liệt năm gã 4 tuổi. Nhà ở vùng
sâu vùng xa, đò sông cách trở nên ông không kịp ôm con lên bệnh viện.
Gã vừa nhìn thấy chị, gương mặt đột nhiên rúm ró lại.
“Út… có phải con hại con gái người ta không?”. Giọng ông lão rươm rướm. Gã thanh
niên im lặng vài giây, đôi mắt thất thần nhìn trân trân người cha già. Giọng gã
nhão đi: “Chúng con thương nhau… nên mới làm chuyện đó”. Nhớ lại những gì con
gái kể, người chị nóng hừng hực, chị hét lên: “Mày hại đời nó. Mày còn chối
à?”. Gã thanh niên thấy chị tỏ ra phẫn nộ, tức tối bỗng im bặt, đứng nép vào
cột nhà, mắt dán xuống nền đất. Khi chị đập mạnh lá đơn xuống bàn, khẳng định:
“Tao cho mày tù rũ xương”. Gã như hiểu ra điều gì, nước mắt tuôn rơi. Ông lão
cũng không giấu được cơn xúc động, ngồi sụp xuống đất, khóc rưng rức như một
đứa trẻ. Ông vừa khóc, vừa ho rũ rượi, người xụi lơ. Cậu con trai hoảng hốt,
vội đỡ cha ngồi lên ghế, vừa vuốt ngực, vừa hỏi thăm xoắn xuýt: “Cha… cha ơi!
Cha đừng khóc nữa. Đừng khóc nữa cha ơi! Con biết tội của con rồi...”.
Chị cầm theo lá đơn, lặng lẽ rời khỏi căn nhà lá sụp
sệ, ẩm thấp, âm u. Chị đã đi xa con đường đất ngoằn nghoèo, nhớp nháp sình lầy
nhưng không hiểu sao vẫn nghe tiếng khóc âm ỉ của cha con lão nông dân. “Con
dại cái mang…”, chị nhủ thầm và lặng lẽ vò tờ đơn, vứt xuống con mương bên đường.
Chị sải những bước dài, mong thoát khỏi con đường lấp loáng mặt nước, nơi mà
chỉ vài giờ trước chị đã đến với những bước chân nhanh như chạy…
N.N (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét