Thằng em cô cậu của tôi ở
cái thời ở truồng tắm mưa thì mỗi mùa hè về vẫn cùng nhau bọc bị, cây sào và
chiếc cuốc cùn đi đào ve về nướng ăn chơi ấy- bây giờ khác lắm.
Ve hồi đó nhiều gấp mấy lần
bây giờ, ve mang về xào, nướng ăn để trị đái dầm thôi chứ có bán buôn gì như
bây giờ. Rồi ba nó làm ăn khá giả, quyết cho tương lai con cái khỏi tay lấm
chân bùn nên đưa cả nhà về phố thị sống, bảo rằng cho tiện việc ăn học sau này.
Bà ngoại nhiều phen nhớ cháu không ngủ được, con mắt sâu như cái giếng nhưng có
rước về phố thì bà không đi. Bảo cái xứ gì đâu mà xe nhiều hơn người, khói bụi
nhiều hơn cơm cháo, tiếng ồn nhiều hơn lời hỏi thăm chào hỏi. Bà cứ ở quê, ai
nhớ mẹ nhớ ngoại thì về thăm. Là “nói lẫy” vậy chứ ai chẳng biết “cháu bà nội
tội bà ngoại”.
Vậy mà thẳng nhỏ đi biệt hơn
mười năm mới về. Từ thằng bé học lớp 2 nay đã là sinh viên năm nhất. Nó ào vào
nhà cúi xuống giường ngoại, dáng cao dềnh như ông Tây với người xứ ta. Ngoại
nắm cánh tay chắc nịch dài thòng hỏi “Đứa nào dzậy bây?”. “Con nè. Con của mẹ
Ngọc. Cháu của ngoại”. “Gì? Qua trại dưỡng lão hả? Thôi, tao ở nhà, có mắm ăn
mắm, có muối ăn muối”. “Không phải. Con là cu Tủn cháu của ngoại, con về thăm
ngoại”. “Tủn hả? Xạo hoài, nó mới học lớp 2 thôi mà”.
Chả là vào mùa hè năm nó học
hết lớp 2 ấy, ba nó quyết định di cư cả gia đình nhỏ lên thành phố “Chịu nắng
bụi, cực khổ, chật hẹp chút mà tương lai con cái xán lạn hơn em ạ”. Mẹ nó nắm
níu mấy cây khế, dây lá dang, giậu mùng tơi mất mấy tuần mới chịu khăn gói
theo chồng lên phố, bỏ lại người mẹ già với câu “con gái mà gả chồng gần/ có
bát canh cần nó cũng đem cho” thật tâm trạng.
Hơn mười năm qua, thảng hoặc
cô Ngọc tôi có về. Hoặc khi thì chồng cô về. Nhưng chỉ là như “đi thăm bẫy” chứ
chưa có lần nào cả gia đình đông đủ sum họp vì cô dượng ai cũng kêu việc ngập
đầu ngập cổ, học hành con cái, thăng tiến vợ chồng, cả nhà bên có xe mới, có tủ
lạnh xịn hơn… cũng là mối quan tâm nên không thể về quê tắm ao, trèo cây, ăn
cơm nấu củi được.
Trời mùa hạ nắng như chảo
rang lại còn thêm dàn hợp xướng nhạc ve kêu nhức đầu nhức óc. Hai bà cháu đối
thoại như ông nói gà bà nói vịt vì chứng lãng tai tuổi tám mươi của ngoại. Bất
chợt thằng nhỏ hỏi “Con gì kêu vậy ngoại? Nào giờ sao con không nghe?”. Ôi
trời! Cả tiếng ve mà cũng không biết! Thằng này đúng là bị khói bụi đô thành ám
mờ cả ký ức rồi mà. Vậy mà nội tôi tỉnh táo lạ thường “Tiếng ve đó! Hồi trước
thằng Tủn của con Ngọc đái dầm dữ lắm, bà
đi bắt ve về nướng cho nó ăn mà hết đái dầm đó. Vậy mà nó bỏ bà… đi biệt
mấy chục năm nay không về… hu… hu…”. Nội khóc như đứa trẻ bị mất quà. Mọi người
a lại dỗ dành thế nào nội cũng không nín. Nội còn kì kèo ra giá “Phải kêu thằng
Tủn về tao mới nín hà!”. Thằng cao dềnh dàng vừa hỏi “con gì kêu” kia một mực
nhận mình là Tủn làm nội càng khóc thảm rồi dang tay ra dấu “Tủn của bà cao
bằng này thôi. Mày lớn vậy sao mà là nó được?”. Ba tôi ngoắc tay, bảo tên lạc
tuổi thơ kia “Cháu ngồi thụp xuống, thấp như trẻ lớp 2 ấy…”. Chừng đó nội mới
hết khóc, ôm món quà to sầm là tấm lưng của Tủn như trẻ con ôm quà. Nội ngủ
thiếp đi.
Nhạc ve lại trỗi khúc vang
rền. Sóng âm chấp chới dồn dập vào thần kinh như trúng phải môn võ công “sư tử
hống”. Thằng lạc mất tiếng ve kêu ca “Ve gì kêu thấy sợ? Sao mà ăn ngủ học hành
được hả trời? Ở đây hai ngày chắc con chết quá!”. Nhưng nó quên rằng mình đã
hơn chục năm sống chung với tạp nhạp âm thanh của phố thị mà vẫn cao lớn khỏe
mạnh. Tôi thương nó quá! Cái thằng lạc mất tiếng ve.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét