Phiền não tức Bồ đề,
chính bi kịch cuộc sống hướng tôi đến ánh sáng Phật pháp. Chưa hề được tham dự
một khóa tu nào, cũng không có cơ duyên được thỉnh giáo những bậc chân tu cao
minh, lời Phật đến với tôi chủ yếu từ những quyển kinh – luật – luận có may mắn
được đọc, song thấm thía nhất, “ngộ” nhất chính từ cơ hội được gần những người
có tâm, hiểu Phật pháp trước, hay những dịp được vãn cảnh chùa.
Hôm qua là một ngày mệt
mỏi song rất vui Nắng nóng quá, quốc lộ 1 chói chang. Vậy mà tôi đạp xe đúng 32
cây số mỗi lượt để viếng mấy cảnh chùa. Không khí Phật Đản qua cờ xí thấy ở khắp
nơi, chùa chiền được làm mới, sạch sẽ, thanh tịnh. Mỗi ngôi chùa dừng một chút,
chắp tay lạy Phật, ngồi nghe các sư chỉ giáo, vậy mà về ngẫm lại thấy bao vấn đề
vốn rối gắm nay đã được tháo gỡ. Vị Đại Đức ở ngôi chùa đầu tiên kể lại một câu
chuyện: vị học giả nọ cái gì cũng biết, tự đại lắm, có khi thốt lời xúc phạm Phật
pháp. Đại Đức hỏi đúng một câu: trong “cái gì ông cũng biết” có cái gì của ông
không hay toàn từ sách vở, tri thức của người khác. Vị học giả ngẩn người.
Đúng, cái biết máy móc có khi biến người tab thành cỗ máy ghi âm chính hiệu,
máy móc đọc- nhớ- nói mà không nhận ra đấy toàn là tri thức của thiên hạ, mình
chưa tự nghĩ được gì, chưa có phát hiện gì, đâu có lý do để mà ngãn mạn như thế.
Câu chuyện hay, vì biêt đâu ta có khi cũng như vậy thôi. Phật bảo chúng sinh tự
đốt đuốc mà đi, làm sáng hạt ngọc trong chéo áo, đánh thức cái mình sẵn có, chứ
không hề nhồi nhét cái biết bên ngoài, của người khác vào đầu, thành “học giả”
chứ không phải..học thiệt!? Thấm lắm. Đấy là “tiết học” thứ nhất, ở ngôi chùa
thứ nhất. Ở ngôi chùa kế tiếp, thay vì ngồi tiếp khách, vị Chủ Trì lăng xăng
mình trần hết khuân lại vác nước suối, rồi lau chùi quét dọn luôn tay, khách tự
ái ngại. Nhưng từ giã rồi mới tự hỏi: đấy là cách tu đấy thôi, mỗi người có con
đường riêng, kinh điển cũng từng nói đến. Ở ngôi chùa thứ ba, vị sư trẻ đạo mạo
nghiêm trang gần như không nói gì hết, minh xin phép chụp một loát ảnh cảnh
thanh tịnh, nhưng ngôn ngữ của chốn Bồng Lai chẳng phải mang nhiều thông điệp đấy
sao? Ở ngôi chùa cuối cùng “tiết học” đau đầu hơn, nơi ấy có nhiều thị phi lam
rối nhiễu người tu và Phật tử, chuyện đời xen nhiều vào Đạo với lắm chuyện khó
tin, chỉ đọc chỉ nghe đã sốc. Không ai nói gì nhiều, duy vị tiếp tân nhắc đi nhắc
lại: nhân – quả mà thôi. Đúng, thị phi cũng là nhân quả, không có gì ở ngoài
nhân quả.
Đường về cái nắng không
vơi, dừng ở một am tự vắng lặng. Vị Trụ trì trẻ cũng luận về thị phi như là cái
gì tự nhiên, đương nhiên phải chịu, muốn tu phải vượt qua miệng lưỡi người đời,
an nhiên tự tại, chuyện đời để đời giải quyết, người hư chứ đạo không hư. Nghe
mà nhẹ lòng. Thỉnh một máy niệm Phật, về đến nhà mệt mỏi, giấc ngủ chìm trong
tiếng Nam mô a di đà Phật. Một ngày học Phật trên đường, thu hoạch cũng nhiều.
Mà ngày xưa Phật chỉ giáo chúng sinh cũng đâu có trường lớp gì đâu?
Học ở trên đường. Hè nắng
quá…
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét