Trên tầng trệt của ngôi nhà nhà ở ngoại
ô, vạt nắng đầu ngày cứ
ghé bên tôi vào những buổi sáng cuối tuần. Nắng len qua cửa sổ, trải
một vệt dài trên sàn nhà rồi nắng nướng những sợi lông mỏng trên mặt
tôi cho vàng theo nắng, nóng rát, ý nắng muốn nói "dậy đi, trưa rồi, nướng hoài". Nắng
ghé thêm chút nữa để̉ ôm hết
cái giá sách vào lòng, giá sách kiêu hãnh hững hờ với nắng. Giá
sách được trang trí bằng
những bình hoa hồng giấy, góc phải, góc trái rồi ở trên đầu. Giá sách luôn tự hào với nắng,
"ta đây luôn chứa đựng những đứa con quý giá của các nhà văn
nổi tiếng, ta chứa đựng cái
tinh hoa, cái nhân văn của nghệ thuật, ta không phải như mi cứ rong chơi,
nhảy nhót với cây mận ở bên ngoài cửa sổ". Để̉ bảo tồn lòng tự
trọng, nắng rút đi để̉ lại cái mát lạnh đến buồn thiu của căn phòng,
bên ngoài cửa sổ là cây mận vườn nhà kế bên. Ở xứ này nó
không có bốn mùa xuân hạ thu đông,
nó không có đám lá vàng bay
buồn rười rượi như những mùa
thu trong tiểu thuyết, hay những mùa đông
lạnh giá có tuyết rơi, và những mùa xuân ấm áp có trăm hoa đua nở trong nắng xuân nồng. Chỉ
có nắng, gió và mưa.
Mùa
này nắng lúc nào cũng vàng cháy, đến
khi mưa thì buồn thôi là
buồn. Đoạn đường từ công ty về đến nhà là một đoạn đường đầy nắng, hai bên đường khá vắng, nhưng mỗi khi tôi đi làm về thì có một thằng nhóc đầu trần chân đất đi
ngược lại với tôi, xe nhanh lướt qua tôi không kịp để ý nó cầm thứ gì trên tay để bán. Nghĩa là, tôi không để ý đến nhân tình thế thái quanh đây, tôi chỉ biết đi làm và sau những giờ làm là
tôi vùi đầu vào sách. Đọc sách thú vị lắm, sẽ nhìn
thấy những con người đi lại,
nói, cười, khóc, và yêu thương, trong đó
là một thế giới có những bản ngã mang cái tôi riêng biệt. Có những cái kết có hậu, có
những cái kết bất ngờ đến
rưng rưng nước mắt, có những cái kết rất nhẹ nhàng làm cho người ta
phải lắng đọng, suy ngẫm về cái cuộc sống mà họ đang sống hiện tại. Nhưng mấy ai
tìm đến sách, những người
trí thức họ đọc sách một
cách vô thường nhưng nó là bình thường vì họ là người trí thức.
Một
buổi trưa đi làm về, tôi thấy
phòng mình vẫn khóa trái. Phòng có dấu hiệu bị đột nhập. Chính xác là nó trèo
lên cây mận vườn nhà bà Hai, chui qua cửa sổ và vào phòng. Không mất
thứ gì, có mùi khét nắng...
Cũng
một buổi trưa đi làm về,
phòng có dấu hiệu bị đột
nhập. Chính xác là nó trèo qua cây mận, chui qua cửa sổ và vào
phòng. Không mất thứ gì, có mùi khét nắng...
Cũng lại là một buổi trưa tôi đi
làm về, tôi ngửi thấy mùi khét nắng
ngay tận cửa phòng, tôi mở cửa, một thằng bé có nước da... (nếu như
buổi tối nhà bị cúp điện,
biểu nó "cười đi
em", ắt sẽ thấy nó ở đâu), nó trợn mắt nhìn tôi trắng toát. Nó đứng dậy tính chạy đi, nhưng lần này nó không định trèo qua cây mận, mà nó định phóng ngay xuống đất.
- Đứng
lại.
Nó đứng
lại, nhưng không dám quay lại.
- Em vào đây chi?
Nó không trả lời, ánh mắt tội lỗi
của nó nhìn xuống cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh đang đọc
dở bị bỏ ngay trên sàn nhà.
- Ngu quá! Đã vào được đây, sao không lấy mấy cuốn về đọc cho đã.
- Dạ, sách dạy ăn cắp là thói xấu.
- Tại sao biết ở đây có sách?
- Dạ, tại rất nhiều lần con thấy
chú đem sách về, có lần con
thấy cả bọc bự.
- Tại sao thấy ?
- Dạ, con bán vé số khu này.
- Muốn đọc,
tại sao không xin chú cho đàng
hoàng, mà tự ý trèo vào phòng chú? Lỡ như mọi người trong nhà biết được là lớn chuyện đó.
- Con xin chắc gì chú đã cho, mà chú có cho, chắc gì
con giữ được sách. Nhà con,
trời mưa còn không có chỗ ngồi.
- Vậy biết chữ không mà đòi đọc
sách?
- Con biết chữ, nhưng có nhiều chữ con không hiểu...
- Vậy cứ ở đây đọc
những gì em thích, đói chú
cho ăn, còn nhiêu vé số đưa đây
chú đem bán cho những người
trong nhà. Nhưng chỉ hôm nay thôi nghen. Lần sau có vào đây, cứ như thường lệ, ngồi im lặng
mà đọc sách. Người nhà phát
hiện là lớn chuyện đó.
Nó nói với tôi, nó học hết lớp năm,
nó là học sinh giỏi nhất lớp. Ngày nó nghỉ học, cô giáo dẫn thêm thầy hiệu
trưởng đến tìm nó, nhưng vì mẹ cứ bệnh triền miên nên không nỡ nhìn mẹ phải
chịu nắng mưa với những bó rau ngoài chợ. Nó quyết định nghỉ học để đi bán vé
số, tiếp chút đỉnh tiền cho mẹ thuốc men, khi mẹ hết bệnh, nó sẽ đi học lại...
Nó ngồi đọc tới chiều, chắc nó đói, tôi xuống nhà bưng lên cho nó
tô cơm, nó múc từng muỗng cơm đưa
vào miệng mà mắt cứ nhìn vào cuốn sách. Nó ăn xong, gắp cuốn sách lại, nó
cẩn thận để lại cuốn sách đúng chỗ mà nó đã lấy, nó kéo áo chùi miệng đưa ra cái rốn lòi ra một khúc, chắc
nó thiếu ăn. Nó cuối đầu chào tôi rồi trèo qua cây
mận, nó mất dần sau đám cây đủng đỉnh có ánh nắng chiều nằm vắt
vẻo trên ngọn cây. Cứ vậy, vào mỗi buổi trưa tôi đi làm về, tôi lại nghe đều đều
mùi khét nắng.
Tôi không biết nó ở đâu, tôi cũng không hỏi nó tên gì,
nhưng mỗi khi tôi về đến nhà,
vào phòng nhìn thấy nó vẫn còn đó.
Tôi thấy mình vui, ít ra tôi tìm thấy một người bạn có cùng sở
thích, nhưng cái thích của nó có thể lớn hơn tôi, khát khao hơn tôi. Giống
như ngày tôi còn bé, tôi thèm thuồng nhìn bạn mình đứng mút cây cà rem, trong khi
mình không có lấy một đồng
thì làm sao để mua ăn. Ông bán cà rem cầm lòng không đậu khi nhìn thấy tôi, ông lấy cho
tôi một cây mà ổng không lấy tiền. Khi tôi thỏa mãn đứng mút cây cà rem, tôi thấy ông
nhìn tôi, miệng ông cười còn ba cái răng, hiện rõ những đường nhăn chằng chịt trên mắt.
Nụ cười hào phóng của ông hòa vào vị ngọt của cây cà rem, đến giờ tôi mới biết, tình người
nó ngọt đến như vậy.
Với nó tôi không thấy ngọt, tôi không
biết nó thấy ngọt không? Nhưng mỗi khi nó vào phòng tôi, tôi ngửi đầy mùi khét nắng. Nó hay nói
với tôi "sách của chú thơm quá!". Có lần tôi thấy nó xin đi rửa tay, nó chùi hai tay vào
vạt áo cho thật khô, nó nói "con sợ làm dơ sách của chú". Ánh
mắt nó nhìn vào cuốn sách hiện rõ cái thèm lẫn nỗi nhọc nhằn của
tuổi thơ, rồi tủa ra bàn tay thô
kệch đang sờ vào trang sách
với những ngón tay thô còn vây bẩn do rửa vội. Hôm đó, tôi nói với nó, tôi sẽ đi công tác vài ngày "Em cứ
lựa vài cuốn mà em thích, mang về nhà
mà đọc, khi chú về, rồi mang
trả lại cho chú". Nó miễn cưỡng cầm ba cuốn sách, nó hỏi
"Chú đi mấy ngày?",
"năm ngày", "vậy năm ngày sau, con mang trả chú".
Tôi về đến nhà với tâm trạng mệt mỏi,
chuyến công tác không thành công như mong đợi.
Tôi nằm dài trên giường, nhìn cái giá sách đứng buồn thiu, tôi cảm thấy nhớ
người bạn, nhớ mùi khét nắng. Mai là năm ngày, tôi lại ngửi mùi khét nắng của nó. Bảy ngày
trôi qua rồi tám ngày, mười ngày, phòng tôi không có mùi khét nắng
khi tôi đi làm về, chắc nó đọc chưa xong. Mà cũng phải thôi, đọc sao mà cho hết nỗi ba cuốn đó trong năm ngày, nó còn đi bán vé số, nó còn không hiểu
rất nhiều chữ. Ví dụ, nó hay hỏi tôi "chú ơi! Trắc ẩn là gì
hả chú?" Hoặc, "chú ơi sao con vịt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư biết nói chuyện hả
chú"... chắc nó đang rối
nùi với cái đống chữ trong
ba cuốn sách kia...
Rồi nửa tháng sau, một người đàn bà mặc bộ đồ thun có hoa có lá, nhưng hoa
lá bị đổi màu vì những vết
dầu nhớt. Chị đội cái nón
lá bị rách vành đứng trước
cửa tìm tôi, chị trả lại ba cuốn sách mà tôi cho nó mượn, chị là
mẹ của nó. Mắt chị có nước khi tôi hỏi đến nó. Nó bị tai nạn khi đi bán vé số rồi bị
một chiếc xe tông vào. Chị
nói, ngày nó thiếp dần trên giường bệnh, nhất định nó bắt chị phải mang sách
trả lại. Tôi chông chênh... lật
lại từng trang sách của nó đã đọc, tìm lại vết vây bẩn ở bàn tay thô kệch
trước tuổi của nó, và may ra tôi lại lần cuối ngửi được mùi khét nắng còn vương
vấn đâu đó. Nhưng không có thứ gì như muốn tìm, có một mảnh giấy chữ viết
nguệch ngoạc để vào đó, chắc nó định trèo qua cây mận, chui vào cửa
sổ. Chính xác là như vậy, để
trả cho tôi... "Con xin lỗi chú, con hứa là năm ngày sẽ trả, nhưng đọc đến
ngày thứ bảy vẫn không hết. Con
xin lỗi, vì sách dạy, hứa phải giữ lời...”. Nắng chiều còn nằm vắt vẻo trên
ngọn cây đủng đỉnh ngoài kia, gió thổi lồng lộng rì rào trên cây mận, luồng qua
cưa sổ rồi thổi vào mắt tôi cay xè. Gió sẽ đưa em về với nắng...
P.M.H (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét