Đưa mắt
nhìn theo người đàn ông lạ cho tới khi khuất bóng, tôi quay sang hỏi ba:
- Ông
ấy xin phân chim bồ câu chi vậy ba?
- Ba
đâu biết. Hỏi thì ông ta không nói. Chắc là để làm thuốc gia truyền.
- Con
nghi quá! Nhà mình nuôi chim bồ câu nhiều mẹ còn không cho hứng nước mưa uống.
Mẹ sợ nước mưa nhiễm phân chim, uống vào
mắc bệnh… cùi. Vậy ông ta lấy phân chim làm thuốc là sao? Hay là ổng làm
thuốc độc? Ba đừng cho ổng quét chuồng chim câu nữa!
Ba tôi
ngẩn ngơ một lúc. Phải ai nói thì ba tôi còn nghi ngờ. Chứ vợ nói thì…chắc
đúng. Ba kết luận:
- Vậy từ nay con phải quét chuồng chim bồ
câu mỗi ngày để ông ấy tới xin thì nói không có. Chứ có mà không cho thì kỳ
lắm. Phải cái gì quí, đằng nầy…
Thật là
xui! Khi không thắc mắc cho mang nợ. Tôi không dám cãi. Dạ một tiếng thật lớn,
tôi bước vào nhà dắt xe đạp đi chơi một chút cho thoải mái tinh thần.
Tôi đạp
xe chậm lại và bấm chuông liên hồi và mắt nhìn lên cửa sổ phòng Thu Lắng tận
tầng hai ngôi nhà cổ.
- Hù…!
Giật
mình quay lại. Thu Lắng đang đứng núp sau cổng rào đỏ rực màu hoa giấy nở:
- Nhìn ai đó? Đường phố vắng tanh mà bấm
chuông điếc cả tai!
Hình như con gái thích bắt nạt con trai.
Đâu phải khi không tôi mua cái chuông xe đạp. Tại bác Minh, mẹ Thu Lắng chứ bộ.
Hôm nọ, tôi tới thăm nhằm lúc cô bé đi vắng, bác Minh kéo tôi vào trong nhà,
cho xem tranh bác vẽ. Bác còn thuyết minh cả buổi. Tôi mệt như bị tra tấn.
Tết năm rồi, nhà văn hóa tổ chức hội xuân.
Trong đó có hai phòng trưng bày tranh của các họa sĩ địa phương. Bác Minh cũng
được giới thiệu năm họa phẩm. Nhưng người ta không chú ý những tác phẩm của bác
bằng chính con người bác. Đã bốn mươi tuổi mà nhìn bác như mới ba mươi. Nhất là
lúc bác mặc áo dài màu thiên thanh, tóc buông rũ xuống đôi vai tròn trịa. Mọi
người nhìn ngắm bác rồi lướt qua chỗ khác. Chỉ có tôi đứng chôn chân trước bức
tranh “Bàn tay số phận”. Bác đâu biết
vì có Thu Lắng đứng đó. Bác bảo bức
tranh nầy đã giúp bác nổi tiếng. Khi có người hỏi ý nghĩa bức tranh, bác Minh
giải thích rằng bàn tay lông lá từ trên cao chụp xuống đầu người đàn bà gầy
guộc đang quỳ gối chính là bàn tay của số phận đã chụp lên đầu bác. Nghe vậy,
bác trai buộc vợ phải gỡ tấm tranh xuống, đem về. Ông còn nhờ một người bạn họa
sĩ sửa hình người đàn bà đang quì thành dáng một người đàn ông. Bác trai giải
thích với bạn bè và những người xung quanh rằng người đau khổ đó chính là bác
chứ không phải vợ mình. Thế là hai người giận nhau cả tuần…
Hôm nay Thu Lắng mặc bộ đồ toàn trắng trông
sang trọng và dễ thương làm sao. Mái tóc dài thắt bím buộc ru-băng tím thật
xinh. Hai đứa đến ngồi đối diện nhau nơi bộ bàn ghế bằng mây kê ở góc sân. Gió
đưa hương nguyệt quế vây lấy người tôi. Nhà cô bé trồng toàn hoa vừa đẹp vừa
thơm như hoa lan, hoa lài, hoa sứ, hoa hồng…Ngoài ra còn có cả một căn nhà khá
lớn, lớp tôn dùng để nuôi chim bồ câu. Trước đây, bước chân vào vườn đã nghe
tiêng chim gù như lời thì thầm của những cặp tình nhân.
Bác trai rất mê chim bồ câu. Bác nuôi đủ
loại: Bồ câu Xiêm, Hà Lan, Romain, Mondain… Con nào con nấy tuyệt đẹp. Bác hay
mua đậu xanh về cho chúng ăn. Mỗi lần cho chim ăn, bác diện trang phục chỉnh tề
như đang ở công sở. Tay cầm gói đậu xanh,
miệng chu lại bắt chước tiếng chim gù “cú cụ, cú cụ…” rồi vãi từng nắm đậu xanh
vào trong cái chuồng chim. Mặc cho tôi
tiếc ngẩn ngơ những hạt đậu béo ngậy. Bác ấy có tặng mẹ tôi ba cặp chim.
Vì mẹ tôi và bác gái là bạn từ hồi đi học. Lâu lâu, hai người gặp nhau tâm sự,
bàn bạc về văn nghệ. Mẹ tôi không biết vẽ nhưng làm thơ cũng tạm được. Điều
nầy, ba tôi cứ nhắc đi, nhắc lại mãi. Sợ tôi không tin, ba ngâm cho tôi nghe
bài thơ mà mẹ đã gởi cho ba hồi hai người mới quen nhau:
Sương giăng đầu ngọn cây xa
Chút lành lạnh đủ để ta nhớ người
Phải anh đem giấu mặt trời
Dưới tàn phượng đỏ rực trời tương tư.
Tôi liền chép lại rồi đem tặng Thu Lắng. Dĩ
nhiên tên tác giả bây giờ là tên tôi.
Hiện giờ, cái chuồng chim ấy dùng để chứa
củi. Vì sau một trận dịch cúm gia cầm, mấy chú chim đồng loạt… gục chết. Trong khi
những con bồ câu bên nhà tôi sanh con, đẻ cháu lủ khủ. Mẹ tôi giải thích:
- Chim bồ câu thích sống từng cặp trong một
cái chuồng nhỏ, đẹp, ấm cúng như tổ ấm của một cặp vợ chồng. Đằng nầy bác Minh
cho chúng sống tập thể trong một căn phòng rộng mênh mông. Mặc gió lùa, mưa
tạt. Cho ăn ngon mà không chú ý vệ sinh môi trường, làm sao chịu nổi.
Hôm những chú chim lìa đời, Thu Lắng đóng
cửa sổ, mặc cho tôi bấm chuông xe đạp inh ỏi. Sau ba ngày không tiếp bè bạn, cô
bé cho tôi xem những bức tranh mới sáng tác của mình. Đúng là “con dòng, cháu
giống” Cô bé cũng mê vẽ như mẹ. Câu ca dao nầy rất hợp với cô:
Con vua thì được làm vua.
Con sãi ở chùa… mặc sức ăn tương.
Cô bé giới thiệu tấm hình vẽ chim bồ câu
màu xám, cổ dài như cổ cò, hai chân dấu kín dưới bụng phệ:
- Đây là loại chim đưa thư nên cổ mới dài
như vậy.
Tôi chợt có sáng kiến:
- Hay là để anh tập cho mấy con chim bồ câu
nhà anh đưa thư!
- Ý kiến hay nhưng… xưa rồi! Lỡ nó “lộn địa
chỉ “ thì người ta cười cho. Muốn gửi thư cho ai anh cứ việc đến bưu điện là
chắc ăn nhất.
Cô bé đưa cho tôi xem tấm tranh vẽ đôi chim
câu nhỏ xíu, mắt đỏ chạch như màu tôm luộc và thuyết minh:
- Đây là đôi chim bồ câu sẻ. Lắng thích
loại nầy nhất vì nó bay giỏi số một, chung thủy không ai bằng.
- Ước gì anh là con chim câu sẻ!
- Đừng anh! Vì loại nầy thịt cũng ngon nhất
nên người ta hay đem quay hoặc hầm thuốc bắc lắm.
Từ đó, trong suốt thời gian xem tranh, tôi
không dám nói gì nữa. Cô bé hỏi:
- Anh thấy Lắng vẽ thế nào?
- Đẹp lắm! Tiến bộ vượt bậc.
Quả thật Thu Lắng vẽ tiến bộ thấy rõ. Không
như trước đây. Lần đầu tiên tôi được xem bức tranh chằng chịt những nét gạch thẳng đuột, cứ ba gạch dính
lại một chùm. Chắc cô bé vẽ từ ngọn xuống gốc nên nét vẽ trông kỳ kỳ.
- Chắc Thu Lắng vẽ đồng cỏ sau nhà anh phải
không? Bữa hổm, bác Tư thả bò ra ăn, xong, cỏ cũng đứt ngang như vậy. Nhưng cỏ
của bé non hơn, màu nhạt hơn… cỏ già.
Lúc xem tranh vẽ hoa hướng dương, tôi phải
kinh ngạc là làm họa sĩ sao… dễ quá! Muốn vẽ loại hoa nầy, chỉ cần vẽ một khoanh
tròn, chấm cả chục chấm trong vòng rồi vẽ hàng chục đoạn thẳng chìa ra xung
quanh. Cuối cùng, vẽ một đoạn dài làm cuốn là xong.
Nhưng, bức tranh làm tôi sửng sốt nhất là bức
cô bé vẽ tôi. Cái đầu to hơn cái mình. Mái tóc bồng lên như bờm sư tử ôm lấy
khuôn mặt dài như mặt ngựa. Còn hai bàn tay xòe ra như nải chuối. Ngón cái dài
hơn ngón trỏ. Tôi không ngờ mình… xấu xí
đến vậy. Khi trao tranh cho tôi, Thu Lắng nói:
- Tặng anh hình vẽ người mà Lắng quí nhất.
Ôi! Một cục đường phèn ném vào lòng tôi vị
ngọt, làm giảm hẳn buồn tủi về dung nhan… kinh dị. Đem về, tôi giấu vào trong
bìa tập. Hôm nào ba mẹ đi vắng, tôi mới lén lấy ra xem.
- Sao anh không nói gì hết vậy? Định ngồi
thiền hả?
Tôi giật mình ngước lên nhìn cô bé:
- Hôm nay, Thu Lắng có vẽ được bức tranh
nào nữa không?
- Không. Lắng bận học làm bánh.
Tôi gạ gẫm:
- Làm rồi chưa? Đem ra cho anh ăn với!
- Mới đọc sách dạy làm bánh hà.
- Lắng giỏi ghê! Học đủ thứ.
- Lắng nhất định học nữa, học mãi cơ!
- Hèn chi Lắng giỏi… hơn anh!
Chợt nhớ việc quét chuồng chim câu, tôi
lỉền thuật lại cho cô bé nghe xem có cách gì giúp tôi không? Nghe xong, Lắng
cười khúc khích một hồi rồi nói:
- Có hai cách. Cách thứ nhất là anh cứ quét
chuồng chim như bác bảo. Cách thứ hai là anh cho ông ta quét phân xong, anh
rình theo cho biết nhà, hỏi hàng xóm coi ông ta làm nghề gì. Có làm thầy thuốc
không? Nếu có, thì anh hỏi xem làm thuốc gì. Mà cũng chưa chắc ổng làm thuốc
độc. Vì nếu vậy thì phải có người chết. Không lẽ công an không phát hiện được
hay sao mà anh lo. Em nghĩ ông ta xin về bón cây.
- À há! Thôi cứ để ông ta quét cho… khỏe.
Thu Lắng hay thật.
Thoáng thấy bác Minh đi ra, tôi vội đứng
lên, nói to:
- Thôi,
anh về nha. Tới giờ học bài rồi.
Tôi lễ phép chào bác, bác khen:
- Cháu siêng học ghê! Lắng, con phải noi
gương anh nghe chưa! Cho bác gởi lời thăm ba mẹ cháu.
Gió chiều mát rượi. Tôi phóng xe thêm một
vòng rồi mới quay về. Thật ra tôi chẳng có học bài gì ráo mà tôi chỉ cần viết
gấp một bức thư rồi nhờ “chú chim câu thời đại” là ông bưu điện
đưa đến nhà Thu Lắng, cô bé tuyệt vời của tôi…
N.T.M (Trà Vinh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét