Thị trấn nhỏ song có
nhiều trường học, từ xa xưa. Sông cũng nhiều và tất nhiên, cầu cũng lắm, suốt
ngày có lộng nắng gió miền cuối đất.
Tôi thường bắt xe buýt
xuôi ngược những chợ gần chợ xa vì công việc tìm hiểu thị trường bảo hiểm, cực
nhọc lắm. Xe luôn có bóng đồng phục học sinh dù là xuôi hay ngược, có em đi học
chính khóa, rồi học thêm, đi văn nghệ, thể thao… Ngồi cạnh mấy nhóc chuyện vãn
còn gì bằng, cứ như được sống lại thời hoa phượng đỏ của chính mình, cái thời
gian khó nói ít ai tin và làm gì có xe
buýt rẻ như thế để đi...
Bận nọ lên xe như thường
lệ, thấy một bé gái nước da đen giòn cặp sau lưng, tay với móc thòng xuống từ
thanh ngang, chật vật vì chen chúc trong đám đông toàn người lớn. Tôi bắt chuyện
với em, cô bé vui vẻ lễ phép trả lời, em mô tả nơi em ở bên kia sông, sau những
rặng dừa nước và mắm, lác đác nhà tranh và vuông tôm mênh mang phía sau. Đến
nơi, tôi xuống trước sau khi đã trả tiền cho em, cô gái lí nhí cảm ơn và nhìn
theo tôi…
Đấy là một nhân duyên.
Trong bộn bề lo toan của cuộc sống, xuôi ngược tất bật ngày này qua ngày khác,
gặp bao nhiêu là người lạ người quen song thấy em bé gái ấy tôi lập tức nhận ra
và cả hai cùng mỉm cười chào. Thành thân vậy đó.
Đâu hơn năm rồi, trưa
nay dắt xe đạp qua cầu, dừng lại cùng đám đông nhìn trụ bảo vệ dưới sông bị xà
lan đâm đổ gục trơ sắt thép giữa dòng nước mặn chảy xiết, chợt thấy bé gái đi
ngang qua chầm chậm, tôi cười và cô bé cũng thế, tôi chợt hỏi: Con tên gì? “Dạ con tên Thảo”, “lớp mấy vậy
con?, “Dạ, lớp 6”, à- có bé Thảo làm học trò ngay ngôi trường ngày xưa tôi học.
Vậy, hơn năm, cuối cùng tôi biết tên cô bé. Thảo chắc nghèo lắm, quần áo giản
đơn giữa thời tuổi teen đua đời thời trang và đủ đầy, em không có xe đạp vì đoạn
đường ấy có xe đạp dễ đi đứng hơn bắt xe buýt nhiều. Cô bé người dân tộc Khmer
với nước da đen giòn và ánh mắt trong veo… Tôi nói trước khi bước đi: “con ráng
học Thảo nghe”, “Dạ!”. Em cắm cúi mang cặp qua cầu lộng gió miền cuối đất, tôi
dõi mắt theo…
Tôi đã có người thân
thiết trong dòng chảy suối người của đời sống miền này, nơi nhiều nắng gió…
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét