Sông Lam tên thật là Lê Thị Bích Thủy
Giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội
trú Bình Thuận
Những khúc nhạc trẻ sôi động
được tải vào điện thoại, thêm cặp loa mini như cái máy cassette nhỏ, chị dâu vẫn
dùng cách này để ru thằng cháu vừa tròn một năm tuổi. Thằng nhỏ ngủ một giấc
dài, ngon lành. Nhưng không biết cún con sẽ thấy được gì trong giấc mơ thiên thần
của nó.
Hơn ba mươi, mình mới được hát
ru đứa con đầu lòng bằng cái giọng à ơi như ngày xưa mẹ hát ru em lúc mình mới
vừa biết mơ ước. Mình thuộc làu làu những câu hát ngọt ngào như dòng sữa, mát
rượi như con mương ăm ắp nước sau nhà từ lúc ấy.
Ru con bằng tất cả trái tim
yêu thương, bình lặng dù những cung bậc thăng trầm của vùng quê nơi đây in hằn
sâu trong kí ức tuổi thơ trải chân trần trên đồng khô cỏ cháy, nắng rát mặt
người hay mưa dầm đất lở. Mình vẫn muốn tuổi thơ của con yên ả trên những cánh
cò, những ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh,
rồi chuyển qua nắng hạ đi, mây trôi lang
thang cho hạ buồn, coi cói đốt đồng để ngậm ngùi, chim nhớ lá rừng…
Bài hát đó, mẹ dạy lúc mình còn
chưa biết ông nhạc sĩ nào sáng tác, cũng chưa có khái niệm nhạc sĩ là gì. Từ
đó, hễ có đám cưới, đám giỗ hay đám đầy tháng, kiểu như chỗ nào có mấy chú, mấy
bác ngồi rai rai là chỗ đó sẽ có rau đắng nấu canh với cái giọng ca non nớt,
vụng về của mình. Ngoại hay cười khi nghe mình hát vì rau đắng nấu canh là món
ăn mà ngoại thường đưa chén cho mẹ xới cơm nhiều nhất.
Những cơn mưa đầu mùa, rau đắng mọc lún phún,
xanh mướt non tơ. Chiều mưa dầm, con đường ra chợ lầy lội, nhếch nhác. Nội đội
nón lá, tay cắp rổ con con ra sau hè hái rau đắng nấu canh. Có khi bắt được mớ
cua đồng nấu canh rau đắng, đó là bữa ăn thịnh soạn lúc nhà còn mái tranh vách
đất. Nhưng nếu hôm nào bất chợt thèm rau đắng, ngoại cũng chẳng cần bắt cua.
Nắm rau đắng chặt tay, cho vào nồi nước sôi, bỏ tí muối hầm, bột ngọt, rắc ít
hạt tiêu. Bữa ấy, y như rằng ngoại khen cơm ngon nhất.
Nhìn đứa cháu tò mò dán mắt
vào những cọng rau, ngoại bảo đây là rau đắng ngoại lặt nấu canh, lát nữa ăn
thử coi nó thế nào để hát rau đắng nấu canh cho hay chút nữa. Trên bếp, nồi canh
rau đắng nóng hôi hổi vào buổi chiều mưa dầm lê thê. Dưới bếp, đàn gà con ướt
loi ngoi đang dồn vào chân mẹ, con Mực cúp đuôi nằm dưới bộ ván ngựa, tất cả
dường như ấm lại trong cái khí trời lành lạnh hơi mưa.
Con bé mới học tiểu học như
mình không thể hiểu trọn vẹn những gì ngoại dạy. Chỉ biết rằng, từ hôm ấy, mỗi
lần lấy hơi, nuốt nước bọt, cất giọng nắng
hạ đi, lại tưởng tượng ra cảnh lần đầu tiên nhăn mặt nhả mấy cọng rau ngoại
gấp kêu trời sao đắng quá ngoại ơi. Ngoại cười xoa đầu, “Tổ sư bay, không đắng
sao có bài hát còn thương rau đắng mọc
sau hè”. Tạm chấp nhận lời giải thích của ngoại, mình thích bài hát, nên
thích luôn rau đắng, giờ ăn mãi thành quen, thành ghiền. Mình thương luôn những
cọng rau đơn sơ bên hiên nhà theo câu hát chợt
thèm rau đắng nấu canh của nhạc sĩ Bắc Sơn.
Giờ ngoại ở với cậu Tư trong
ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ai cũng bảo ngoại có phước phần khi
được cậu mợ chăm sóc lúc về chiều. Vạt đất bên hiên nhà giờ đây được lát gạch ô
vuông, trồng những loại cây kiểng đắt tiền, thêm hồ nước cá lội tung tăng cho
tuổi già ngoại thảnh thơi cùng chim cá, cây cỏ. Bữa cơm dọn ra được mợ Tư đổi
vị liên tục mà ngoại chỉ lắc đầu ngán ngẫm. Cứ cho đó là bệnh khó tính của tuổi
già. Ngoại bảo tao thèm rau đắng nấu canh, mợ cũng ra chợ mua rau đắng, nghĩ
bụng hôm nay, chắc sẽ nhận được cái gật đầu cùng nụ cười móm mém của ngoại.
Nhưng ngoại vẫn lắc đầu, rau đắng này người ta trồng, không phải nó tự mọc dại
như ngày xưa, nên ăn vào không còn nghe mùi thơm của đất, mùi ngọt của rau. Ái
chà, chắc chỉ có ngoại mới cảm nhận được chứ rau nào chẳng giống rau nào, cũng
trồng từ đất mà ra.
Khi nghe mợ Tư kể
lại sự càm ràm của ngoại, mình gật đầu thấu hiểu cùng nỗi nhọc nhằn của phận
làm dâu. Nhưng mình cũng chợt nhận ra vị quê hương đã thấm vào máu thịt ngoại
lâu lắm, khó phai nhạt. Dù thế sự có đổi thay nhưng lòng người dân gốc rạ đã
từng tảo tần gắn bó với mảnh vườn, góc ruộng, bờ ao đâu dễ thay đổi. Mớ rau mua
từ ngoài chợ đã phai nhạt vị đắng dù ít dù nhiều mà chỉ có những người trăn trở
chuyện xưa nay mới cảm nhận được.
Thằng bé con vẫn còn
say giấc theo nhịp võng trong câu hát nhớ
lũy tre xanh dạo quanh, khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh.
S.L (Bình Thuận)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét