Em cười ngượng
nghịu như đứa trẻ lên ba bị người lớn bắt gặp đang trộm kẹo khi đưa tôi thăm
phòng trọ “Chị đừng cười, phòng nhỏ quá…”. Phòng nhỏ thật, bề ngang 2,5m, dài
3m chứa hầm bà lằng thứ, nói chung là kiêm hết vai trò phòng khách, phòng ngủ,
nhà bếp và cả kệ thờ ông địa. Tấm nệm cá nhân lớp bông đã lép kẹp mà không biết
vì em không có thời gian đi sắm mới hay vì hiếm tiền.
- Em bận lắm chị,
ngày làm việc hơn mười lăm tiếng. Sáng bốn giờ đã dậy, tối mười một giờ chưa
ngủ. Giấc trưa rảnh được không đầy tiếng đồng hồ sau khi đã hoàn tất việc trả
ế.
- Làm chi dữ vậy
trời, nhà có hai mẹ con?
- Mỗi tháng tiền
phòng trọ triệu rưỡi, cơm nước triệu, nuôi con hai triệu… chưa tính ốm đau. Chị
biểu, em đâu có làm nhiều đâu, chỉ kiếm hơn năm triệu thôi mà!
Em cười ra vẻ nhẹ
hều. Nụ cười xanh um rau muống… luộc.
Bấy nhiêu đó chi
tiêu của em chỉ bám vào cái đại lý vé số cấp ba ở nơi phố huyện chật hẹp xô bồ
khi nhà em ở xó quê vẫn thênh thang sân và gió. Nhưng ở quê, làm sao kiếm được
ngần ấy tiền? Lớn lên từ quê mà cuộc sống thành thị đã cuốn em đi hết mấy nẻo
đường đời. Mấy nẻo đường không dài không ngắn nhưng cũng đủ khiến em quay mòng
mòng trong nếp sống của người trẻ thị thành: Đêm thức thật khuya, không làm
việc cũng cà phê, tán gẫu. Sáng dậy tám giờ, lao vào công việc bằng nghiệp kế
toán công trình. Cũng nón bảo hộ, giày vải, tay bút tay sổ nghiêng nghiêng ngó
ngó. Lương kế toán văn phòng không đủ chi khi thằng chồng em chia tay và di
sản… âm cho một đống nợ. Sao gọi là “di sản âm” thấy ghê vậy trời? Thì… di sản
là thứ tài sản gì đó mà người ta nhận được từ người thân, khối tài sản đó sinh
lợi ra những con số dương, còn mớ “di sản”
khiến mình phải chạy vắt giò lên cổ để trả nợ thì gọi là “âm” chứ sao?
Nhưng may mắn là ly hôn nhưng con em vẫn gửi được con ở nhà bà nội bé. Bà ngoại
em “độc đinh” mình mẹ em chị biết mà. Mẹ mất, em tự nhiên lại được “chia thừa
kế” luôn bà ngoại tuổi tám mươi. Tháng tháng phần đứa bé tuổi mẫu giáo con em
ngốn hai triệu tiền trường, bà ngoại cũng ngần ấy tiền sữa, tã, thuốc. May còn
bà dì họ trông giùm, không em lại tốn thêm tiền thuê điều dưỡng. Lại còn cái
khoản tự động trừ tiền trả ngân hàng từ tài khoản do khối “di sản… âm” chồng em
để lại. Đồng lương văn phòng không kham nổi, em nhận phần kế toán công trình,
chịu nắng bụi một chút nhưng dù sau cũng “du di” được mấy hộp cơm, vài ly
xìting dâu thơm ngọt, mấy lốc sữa cho con. Con em tuổi nhà trẻ, lứa tuổi thần
tiên nhất đời người. Vậy mà mấy năm qua, mỗi năm em chưa ôm bé được quá mười
lần. Cứ chiều thứ bảy về, trưa chủ nhật lại tất tả đi. Đoạn đường 200km cho hai
lượt đi- về với bao phen hú vía vì tai nạn khiến em đuối sức. Ấy là chưa kể
thời gian mẹ con bên nhau không đầy hai mươi bốn giờ đồng hồ đó, điện thoại em
luôn chút chít vì công việc, vì hoa hồng hoa huệ, vì phết, phẩy… Em chỉ mong,
một hoài mong “hơi bị ác” là khi bà ngoại mãn phần, em không phải bị áp lực
đồng lương nữa, sẽ về gần con, tìm chỗ làm lương ít hơn nhưng mẹ con sớm tối có
nhau. Vậy là hạnh phúc, mặc đường đời luôn duềnh sóng.
Rồi tuổi trời
ngoại em cũng hết. Nhưng cũng là lúc em quyết định vĩnh viễn rời xa nghề kế
toán. Cái nghề ai cũng bảo sướng coi vậy mà phập phồng như xem phim ma. Mới
chập chững vào chưa biết hoa hồng màu
gì, dấu phẩy nghiêng bên trái hay
nghiêng bên phải thì đã được khuyến mãi ngay cặp… kính cận. Chừng đã biết hoa
hồng không chỉ có màu đỏ thì mấy tay cai ra điều kiện rành rõ như từng con số:
muốn công trình được thi công nhanh thì ngủ nghỉ với nhau nhé! Không được thì
liều liệu mà… biến. Họ còn bảo, có chồng rồi, còn gì nữa mà sợ mất? Mất tiền
mới quan trọng chứ! Nhưng sao họ không biết, con người nếu mất tự trọng thì đâu
còn gì để mất nữa. Vậy là em “dông”. Khổ nỗi, cũng là phụ nữ nhưng con gái họ
ghẹo khác, bà góa họ ghẹo khác vậy
đó.
- Bây giờ là bà
góa mất rồi! Em lại cười màu rau muống quá lửa.
- Góa là nói mấy
bà chết chồng kia chứ! Phải gọi em là kẻ
lỡ đò?
- Em vẫn sang đò
trên chiếc xe kết đầy hoa đó chứ! Nhưng nó không đưa em đến được cuối bến bờ
hạnh phúc mà chết máy giữa chừng.
- Vậy gọi em là kẻ chìm đò?
- Chị này, chìm
đò chết ngắc dưới nước rồi, có đâu ngồi đây nói chuyện?
- Có phải ai chìm
đò cũng chết hết đâu? Có thể người đó biết lội, hoặc được cứu, hoặc có áo phao
rồi tự bơi vào bờ thì sao?
- Em không biết
lội, cũng chưa thấy ai cứu, vậy chỉ còn hi vọng vào áo phao. Và cái "phao cứu
sinh” của em bây giờ là chiếc tủ vé số, gọi hoa hòe chút là “đại lý cấp 3” này
nè!
Em xốc lại tô
cơm, chưa và được muỗng nào thì có mấy người trả ế. Tô cơm khô khốc độc nhất
món tàu hủ sốt cà. Hai thứ bằm trộn vào nhau sền sệt như một loại nước sốt.
Không rau, không tương, không thịt.
- Ăn kỳ vậy trời?
Đau bao tử sao?
- Chỉ sợ đau màng
túi.
- Ngày nào cũng
ăn kiểu này?
- Không, vài hôm nữa
đón con xuống, em sẽ nấu đàng hoàng. Bảo đảm ngày ba bữa canh, xào, mặn cho bé.
Tủ vé số của em
đặt cặp đường quốc lộ, nắng và bụi miền đường xuyên á cứ xuyên dọc xuyên ngang
tung hê mọi thứ theo từng chuyến xe qua. Em đẹp. Nét đẹp mụ mị của gái một con
và không vướng bận. Những ngón tay đan trên từng xấp vé
số thon dài có phần xanh xao theo nắng chiều vùng quốc lộ càng khiến người nhìn
thấy em rất mong manh, cần một bờ vai che chở.
- Hôm nay trả ế
ít chị ạ!
- Vậy là dân mình
giàu hay người bán giỏi?
- Em không quan
tâm. Chỉ biết ngày nào trả ế ít, em mừng nhiều.
- Mớ di sản âm ấy
còn bao nhiêu phải trả? Năm chục, một trăm hay ba, bốn trăm “chai”?
- Chắc còn cả
đời…
- Sao bảo lâu này
trả khá nhiều rồi?
- Là trả… cả đời
đau khổ.
- Còn tương lai?
- Hai năm nữa,
con em học hết tiểu học bán trú. Ông chú giao lại cho đại lý cấp một ở trung
tâm thị trấn. Được chỗ đó em “nhàn” hơn vì thu nhập khá, mặt bằng quen nhiều
mối. Và biết đâu… bữa nào trời xui đất rủi quên trả xấp vé ế nào đó, chiều về
trúng bạc tỉ, xỉu một chặp tỉnh dậy thấy đời lên hương!
- Hương gì?
- Hương… hi vọng.
- Còn bây giờ?
- Tháng ráng
“cày” kiếm năm triệu nuôi con, nuôi mình và trả nợ.
Chiếc que móc len
trên tay em luôn xoay vòng theo câu chuyện. Đôi tay em bé nhỏ nhưng hễ buông
xấp vé và chiếc máy tính ra thì xoay qua những cuộn len đủ màu. Này màu đỏ
chiến thắng, màu trắng tinh khôi, màu đen buồn bã, màu hồng hạnh phúc, màu xanh
hi vọng, màu vàng vui tươi… Nhưng không hình mẫu nào vỏn vẹn một màu nên rổ len
của em vẫn lổn ngổn những cuộn màu móc dở. Em “bật mí”, thứ móc khóa bằng len
làm thủ công này bán khá chạy và để trả dần mớ “di sản âm” kia, chính mấy chiếc
que móc và rổ len này giúp em đấy! Chứ chị bảo, cái tủ vé số bé xíu này làm sao
hàng tháng mài ra năm triệu để bao sô cho mẹ con em?
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét