Cái tên “có yếu tố nước ngoài” ấy đi rong ruổi gần chục năm đã lại quay
về tìm em. Mà cuộc sống bây giờ chỉ một cú enter thôi mọi việc đã thay đổi trăm
tám mươi độ. Tám năm, là mấy ngàn ngày, sao hắn buột em phải còn nghĩ tới hắn
chứ?
Em thuộc hàng “gái
ngoan” nên ba năm trung học chẳng ngó đến ai. Bốn năm rưỡi đại học cũng không
cho mảnh bụi tình nào vắt lên vai, lên lưng, lên chân của mình được. Thêm năm
rưỡi chạy xin việc, càng không chấp nhận cái kiểu “đổi tình lấy việc” nên lận
đận tới bộ hồ sơ thứ 38 em mới được nhận vô làm với mức lương chỉ đủ ăn sáng,
xăng xe. Nhưng em vui mừng không thể tả vì môi trường làm việc tốt, hầu như ai
cũng trong sáng từ trong tới ngoài.
Rồi em quen hắn ở tuổi
28. Hắn hơn em 6 tuổi, cũng hạng “trai ngoan” nên chưa có tí ti nào vướng bận. Nhìn
ngoại hình, thu nhập, phong cách sống… thứ gì cũng thuộc hạng bình bình, nghĩa
là ngang tầm với của em. Đã tính tới chuyện quen lâu dài vậy mà không hiểu sao
mấy tháng qua hắn cứ gãi đầu gãi tai xin ứng lương miết. À, quên nói lý do
chính, ngoài việc nhận lương cơ bản đủ xăng xe ăn sáng như em, hắn còn nhận
thêm khoản tính bằng “đô” của một tổ chức nước ngoài mang tên gọi “mang thế
giới đến từng lòng bàn tay” do hắn phụ trách mang máy vi tính về các vùng sâu
vùng xa. Khoản thu nhập “ngoài luồng” ấy hơn mười lần mức lương “chính chủ”. Vậy
mà hắn cứ thiếu tiền hoài “Anh H. à, anh có hai đầu lương, chưa vợ chưa con mà
ứng lương hoài, mai mốt có vợ làm sao anh?”. “Em lo chi cho mau già! Vợ có
lương vợ, chồng có lương chồng, mạnh ai nấy xài chứ!”. Hắn làm em đang lơ lửng
hi vọng bỗng dưng rớt cái phịch xuống đống gai sầu riêng. “Vậy…. khi có con sao
anh?”. Em cố vớt vát những mong đứa con sẽ là sợi dây thần kỳ níu kéo cái quan
niệm trời ơi của hắn. “Con thì nay gởi nội, mai gởi ngoại. Ông bà bỏ nó đói sao
mà em lo?”. Thế là em chia tay không cần lời từ tạ. Nói vậy chứ lằng nhằng cũng
mất hai năm kể từ khi quen biết tới khi quyết định… xóa số điện thoại đấy.
Sau đó vì nhiều lý do em
chuyển chỗ làm. Chuyên
môn cũ, là tối ngày bù đầu bù cổ với con số. Đi ăn cũng nghĩ đến số, đi ngủ
cũng nghĩ đến bảng lương chưa làm. Đi… wc cũng nghĩ tới mấy con số của buổi
tiếp khách tuần trước sao cho phù hợp với thực tế mà sếp hay khen “chú biết tài
biến hóa của cháu rất hợp với ý chú mà!”.
Rồi mối tình thứ hai
cũng xẹt đến sau khi anh P. nhận ra người quen cũ. “Mấy năm trước anh em mình
làm chung cơ quan mà thấy em “có gì đó” với H. nên anh không dám nói. Nay ai
cũng “độc thân vui tính” hết. Mình quen nhau nha? Em thích đặt vấn đề kiểu trực
tiếp này. Vậy là quen. Thật ra em biết P. đã có một đời vợ (đàn ông 36 rồi chứ
phải trai nheo nhẽo gì đâu) nhưng vì sao ly hôn thì không được biết. Có gặng
hỏi sau nửa năm quen nhau P. cũng chỉ quanh co là “anh với mẹ bé N. không hợp
nhau”. Ừ, không hợp thì chia tay, con theo mẹ, hàng tháng P. cấp dưỡng một
khoản tượng trưng vì mẹ bé không yêu cầu. Mấy khi nghĩ đến cảnh sắp làm “mẹ
ghẻ” của người ta em bỗng thấy ớn ớn. Nhưng dù gì em cũng ba mươi, nhỏ nhít gì
đâu mà lo không đủ “nội lực” để chống lại “thế lực thù địch” là con bé lên sáu
kia chứ? Vậy là hai bên gia đình gặp nhau, bàn chuyện cưới. Trước đám hỏi một
tuần P. bảo em “Đã một lần đổ vỡ, anh không muốn lần hai. Nên trước khi mình về
với nhau, anh yêu cầu em mỗi tuần phải cho anh về nhà mẹ bé N. chơi với bé, cha
con chồng vợ (cũ) gặp nhau tạo cảm giác ấm cúng của một gia đình cho N. không
bị “sốc”. Nếu em thấy được thì ta cưới, không thì… em cứ suy nghĩ”. Kiểu bù đắp
cho con của anh P. em rất hiểu. Nhưng rồi em cũng là vợ P. cả tuần đi làm, ngày
cuối tuần cũng muốn có cảm giác ấm cúng của một gia đình vậy? Em đề nghị P. đón
con sang thì P. bảo “Con bé còn quá nhỏ, chưa hiểu biết gì đâu, cứ nghĩ là mẹ
ghẻ thì ai cũng ác như truyện cổ tích. Sẽ làm ảnh hưởng tới em”. “Vậy… vậy anh
định sẽ bù đắp cho con tới khi nào?”. “Khi nó tròn 18 tuổi”. Tưỏng anh chỉ “bù
đắp” cho bé N. đến khi em và anh có con, ai dè… Con đường làm vợ P. suốt mười
hai năm tới toàn phải lạnh lẽo một mình của hai ngày cuối tuần khi cùng thời
gian đó anh mang ấm cúng lại cho người khác khiến em không đủ công lực chịu
đựng. Vậy là kế hoạch đi Bắc cực chụp ảnh cưới đã bị đóng băng sau một trận
chiến nảy lửa mà đầu ai cũng ở bốn mươi độ.
Ba mươi lăm tuổi. Em
nhắm tới chiếc ghế Phó phòng chứ không còn nhắm vào tình yêu nữa. Với em, hai
mẫu đàn ông vừa qua đã quá đủ đại diện cho một nửa thế giới rồi. Nhưng “người
tính không bằng trời tính”. Trong một lần máy vi tính phòng em hư, hư toàn bộ
mà với chứng chỉ B, C tin học của các thành viên trong phòng cũng không ai
“chạy chữa” được.
Một bậc thầy vi tính
xuất hiện, chưa đầy một giờ đồng hồ, tám chiếc máy trong phòng đã hoạt động như
chưa từng có lúc “biểu tình”. Thích quá, em chủ động làm quen. Anh hơn em 2
tuổi thôi, là chuyên viên bảo trì máy tính, mạng cho các cơ quan, xí nghiệp. Công
việc nhàn nhưng không nhàn. Vì có khi hai, ba nơi hư máy cùng lúc. Khi nằm nhà
ba, bốn ngày mà không chiếc máy nào chịu hư cho. Anh tất nhiên là chưa vợ. Bảo
cũng ưa mẫu bạn gái có việc làm ổn định. Thừa biết lương em không là bao, công
việc anh cũng đủ tiền nuôi gia đình. Anh không ưa bắt vợ ở nhà chăm sóc con
cái, như vậy sẽ mất hạnh phúc vì người ra đường chạy đến dựng tóc gáy, người ở
nhà quanh quẩn với nồi thau. Ông nói gà bà nói vịt thì sớm muộn gì tình cảm của
vợ chồng cũng “lạc quẻ”.
Tay nghề anh khá, nhà cũng rộng
rãi nhưng không kém tèm nhèm luông tuồng của trai chưa vợ. Mấy lần bảo em bảo
anh xem xem mở cái dịch vụ sữa chữa máy vi tính tại nhà. Vừa có thêm tiền, vừa
hợp thức hóa được sự tèm nhèm của căn nhà. Anh gật đầu ậm ừ kêu “ý em là ý
Chúa” nhưng để anh… suy nghĩ chút. Có bận anh hẹn em đi chơi cả tuần. Là chỉ là
đi cà phê, ăn uống, mua sắm… ngày nào cũng vậy chứ không phải “đi cả tuần” là
đi du lịch với nhau đâu. Em không đi được vì cuối tháng bận bù đầu. Anh bảo,
hôm nay làm không hết thì hẹn ngày mai. Có gì mà em quan trọng hóa. Việc của
anh cũng vậy, thích thì anh làm liền, không ưa anh “câu” đến ba ngày mà không
ai dám nói gì. Giận hả, thì cắt hợp đồng đi, kêu thợ khác tới, hắn không… quỳ lạy
mấy cái máy đó là anh… cùi liền! Đấy là thủ thuật làm ăn em biết không? Ở đời
phải biết hưởng thụ, phải biết nuông chiều bản thân. Chứ cứ chăm chăm đi làm
cho mờ mắt, khòm lưng đến khi ngã bệnh ra, lại quơ phải ăn bệnh quái ác nào đó,
dăm ngày ba tháng ngã cái rầm chết ngoéo, hết kiếp người. Uổng phí!
Anh nói cũng có phần…
đúng. Vậy là em xin nghỉ phép hai ngày, vừa đi chơi vừa bàn tới cuộc sống tương
lai. Em nhất quyết đề nghị sau cưới anh nên mở dịch vụ sửa máy vi tính tại nhà.
Vừa có thêm thu nhập, vừa không phí thời gian. Chứ không lẽ vợ chồng rồi mà
chiều nào cũng dung dăng dung dẻ như hồi… hò hẹn? Anh cau mày “Trong cuộc sống,
anh rất không ưa ai áp đặt công việc cho anh! Em có biết, hôm vào cơ quan em
sửa nhanh giàn máy vì sao không? Vì anh… muốn quen em! Chứ tám cái máy đó hả,
theo tiêu chí làm việc của anh là phải mất bốn ngày”. “Vậy… mai này em đi làm,
mấy ngày anh không có việc thì làm gì?”. “Ngủ, xem phim, nhậu nhẹt gì đó… Lương
anh không đủ nuôi vợ con sao mà em lo?”. “Nhưng… nghề giỏi như anh, mình cũng
không phải trẻ, phải cố gắng làm để dành dụm cho con chứ?”. “Em có biết câu
“Tuổi trẻ lấy sức khỏe tạo ra tiền/tuổi già lấy tiền mua sức khỏe” không? Anh
không muốn đến già phải như vậy!”. Em đứng
hình trước quan niệm
sống của anh.
Mấy bà chị trong phòng
chê em là già kén chẹn hom,
không khéo mai này phải quơ đại một thằng cha vừa đui, vừa cùi, vừa sứt mẻ tay
chân, răng cỏ gì đó để được làm vợ. Đời người phụ nữ, em ơi, phải biết thương
khi giận chồng, phải nếm mùi đau khi rặn đẻ, phải nghe nước mắt mặn ngọt khi
con mình chập chững đi, bập bẹ nói… như vậy mới là đàn bà đích thực.
Ba mươi tám tuổi em chưa
một lần làm đàn bà thì làm sao “đích thực” được. Vậy mà cái tên H. “có yếu tố
nước ngoài” ấy tìm em. Hắn bảo tám năm qua, chưa quen được người con gái nào
rạch ròi trong tình cảm, sòng phẳng trên tiền bạc như em. Hắn nay bỏ “nết” tiêu
hoang rồi. Em có… ưng hắn không thì nói đại?
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét