Tôi có bạn thân trên Sài Gòn, lên xuống mấy bận thăm
viếng nhau. Với tôi, mỗi chuyến đi thành
phố để lại nhiều khơi gợi nhất trong lòng chính là chuyện xe cộ.
Sài Gòn nhiều xe, lưu lượng dày lắm. Tỉ lệ xe gắn máy
quá cao tạo nên bức tranh giao thông không như những gì mà dân quê thấy
trong phim ảnh về các đô thị đầy xe ô tô ở... nước ngoài, trật tự, lớp lang
và... sang trọng. Đủ lại xe máy lưu thông, đời mới đắt tiền sành điệu chen với xe
cà tàng mấy trăm nghìn trông cứ như hiện vật trong bảo tàng. Xe chạy êm như ru
cũng có, mà inh ỏi điếc tai nhức óc, khói đen mù mịt cũng có, rối tung rối mù
cả lên.
Tôi không dám đi bộ qua lộ! Và ngồi cho bạn chở cũng
hồi hộp và căng thẳng lắm. Không quê lắm vì đã từng đọc bài viết đăng trên báo
nước ngoài (cụ thể là Italia) kể lại tâm trạng của dân chơi trên đảo Xisin lừng
danh mà đến Sài Gòn cũng thót tim khi mục kích cảnh xe cộ ở đây, huống là tôi-
dân quê chính tông miệt đồng. Thấy tôi ngồi sau long ngóng không yên, anh bạn
tôi- một phóng viên nhật báo- trấn an: anh cứ để em, thấy nó rối loạn như vậy
chứ cũng có trật tự của nó. Nghe xong, tôi à một tiếng: hèn gì người ta vẫn cứ
sống vô tư với những dòng chảy khủng khiếp như vậy năm này qua tháng khác,
không việc gì hết, thậm chí có người còn nhận xét: tai nạn giao thông trên Sài
Gòn còn ít hơn ở quê. Lời trấn an của anh bạn có ép phê, tôi tin tưởng ngồi để
anh ấy làm xiếc trên đường đưa tôi về nhà mình trong một con hẻm rất xa tòa
soạn.
Lần khác đi chơi cùng bạn gái, cũng là một tay lái lụa.
Bạn... đèo tôi (chứ không phải ngược lại) trên một chiếc xe tay ga còn mới, và
phóng như bay trên đường. Sài Gòn có những ngõ hẻm chằng chịt như bàn cờ, vào
rồi không nhớ đường ra, tay lái cứ dao động như tay chèo khi len vào chợ nổi
đông nghịt xuồng ghe. Đi đến nơi, xuống xe, mồ hôi ướt đẫm áo vì... sợ! Lần sau
lên thăm bạn, cô ấy bận việc cho nhân viên đón. Cũng cung đường như cũ, song
tay lái này mất thời gian gấp hai gấp ba để đến đích, cứ lòng vòng suốt. Đến
nơi, tôi than xa, cô bạn cười cười: em biết rành đường, từ bất cứ địa điểm nào
cũng có thể cắt đường để chọn hành trình ngắn nhất, còn em nó (người nhân viên)
không rành nên chọn một hành trình mà cậu ấy nhớ được, nếu anh thay đổi địa
điểm đi- đến, cậu ấy sẽ chở anh về chỗ xuất phát quen thuộc rồi mới vòng vèo
tìm đường theo trí nhớ của riêng mình, gấp đôi là hên đấy, có khi còn hơn. Tôi
lại à một tiếng, hèn chi. Người ta chọn đường vòng đơn giản vì không biết cách
đi đường ngắn nhất, họ phải đi theo cách riêng mà họ biết, gấp đôi gấp ba là
chuyện bình thường. Chuyện xe cộ cũng hay, có khi còn có thể liên tưởng đến
nhiều chuyện khác trên đời.
Đấy, “thu hoạch” của tôi trong mấy lần thăm thú Sài
Gòn là như thế: trong hỗn loạn cũng có trật tự của nó, cũng như bức tranh chi
chít vì sao trên trời cao thực ra đều chuyển động theo quỹ đạo ổn định, nếu
không thì tung vỡ do va chạm. Mà để có trật tự ấy, vũ trụ đã diễn ra những va
đụng nổ tung rất nhiều, sự biến mất, thay đổi và hình thành rất nhiều hành
tinh, tiểu hành tinh. Trật tự vũ trụ chính là kết quả có được sau những va
đụng sắp xếp trong một lịch sử dài. Còn cô bạn tôi thì lại cho thấy nguyên nhân
của đường vòng và đường thẳng chỉ là do hiểu biết của người cầm lái, không thể
cắt đường đi tắt đón đầu tiết kiệm nhiên liệu và thời gian mà phải long vòng
quay lại từ đầu, dò dẫm một hành trình dài gấp mấy lần đơn giản chỉ vì không
rành đường. Mà đường Sài Gòn, như đã nói, cứ như bàn cờ vậy, có phải chuyện
chơi đâu…
N.T.C (Bạc Liêu)
"chuyện xe cộ" thì quá bình thường, cứ ngó ra đường là thấy, có gì lạ đâu. Vậy mà với cách viết của tác giả đã cho tôi thêm một bài học. Cảm ơn anh Thành Công nhiều nhiều.
Trả lờiXóa