(Kính tặng mẹ Nguyễn Thị Thanh)
đi qua đường Phụ Ngọc
mẹ đạp xe đèo con
cầu cũ[1] dầm
mưa nắng
áo bay sờn tuổi xanh
*
đi về đồng lúa non
nước tuôn lành quê ngoại
vui bội lần biết khát
khoảng trời xưa "Bàn thành"[2]...
*
"kia là nàng cá nhép
quẫy thân mình long lanh
kìa đàn vịt ươm lông
thân thương ngùi nắng nỏ"
*
lũy tre vườn ven sông
đong đưa chòa bóng cát
ngủ quên thuyền lá reo
ngược dòng hay xuôi dòng?
*
quê hương mình đất võ
An Thái[3] niềm trông mong
ai qua cầu nón[4] ngỏ
vốc nước màu văn in...
T.T.C (TP. HCM)
[1] Cầu Phụ Ngọc nằm trên đường Bình Định - Lai Nghi, nối đôi bờ sông Côn, kề đập Bẩy Yển, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, hiện cầu cũ đã hư hỏng, chỉ còn dấu tích, cạnh bên có một cây cầu mới thay thế.
[2] Các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, Quách Tấn trong nhóm Bàn thành tứ hữu có lần qua cầu Phụ Ngọc để lên An Thái, về thăm quê của nhà thơ Quách Tấn ở Tây Sơn.
[3] An Thái, thị tứ được hình thành cách ngày nay trên dưới 300 năm ở huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn), một vùng cư dân đông đúc với nhiều nghề thủ công như dệt, rèn, làm bún bên dòng sông Côn, bao quanh ba hướng còn lại là cánh đồng lúa phì nhiêu. An Thái cùng Đập Đá, Gò Găng, Cảnh Hàng là những địa phương nổi tiếng ở An Nhơn từ thế kỷ XIX.
[4] Nón lá Gò Găng, tên gọi có lẽ bởi nón được bán sỉ ở chợ nón Gò Găng (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn). Nghề làm nón Gò Găng có từ thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Ca dao có câu: "Cưới nàng đôi nón Gò Găng/Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn"
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét